Bản đồ ẩm thực: Chả lụi món ăn nức tiếng của giới trẻ Biên Hòa
Đã là người dân Biên Hoà thì ắt hẳn ai cũng từng một lần nếm thử hoặc nghe nói đến món chả lụi. Theo đó, người dân nơi đây còn gọi nó bằng cái tên trìu mến “chả lụi huyền thoại” bởi hương vị khó quên.
Chả lụi là món ăn bắt nguồn từ thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, thế nhưng khi du nhập vào miền Nam làm cho nhiều người nhầm lẫn và đọc sai thành “chả lụa”. “Lụi” là từ dùng để chỉ việc xiên những que tre nhỏ được vót nhọn qua miếng chả và nướng trên bếp than, là một món ăn quen thuộc với người dân miền Trung. Món ăn bình dân này thu hút không ít giới học sinh – sinh viên, nhất là các bạn sinh viên xa nhà.
Ngày nay, chả lụi Biên Hoà thay đổi hình dáng và hương vị để phù hợp với người dân địa phương song món ăn không những có được nét đặc trưng mà còn được xem như là món quà quê cho những người con miền Trung đang sinh sống tại thành phố này.
Chả lụi được làm từ những nguyên liệu cơ bản nhưng được chế biến khá tỉ mỉ. Theo đó, nhân làm từ thịt nạc và tôm xay nhuyễn nêm với gia vị, cho vào cối giã để các gia vị thấm chặt vào nhau. Tiếp đến, thêm một ít nhân vào phần bánh tráng mỏng gói thành hình chữ nhật, phần tôm thịt giã nhuyễn giúp dính chặt với bánh. Xiên chả vào que, quét một lớp dầu nóng rồi đem nướng trên lửa than sao cho bánh có màu vàng hồng đẹp mắt.
Đặc biệt, tinh túy của món ăn nằm ở phần nước chấm với sự hoà quyện của nước cốt me, nước mắm, tỏi ớt và vị thơm từ đậu phộng. Miếng chả nướng giòn thơm, cuộn với miếng bánh tráng mằn mặn kèm vị tươi mát của rau sống và cái chua chua của xoài, thấm đẫm vào nước sốt ngọt cay béo ngậy, cắn nghe tiếng rôm rốp giòn tan chinh phục mọi thực khách.
Hiện nay, đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long, TP Biên Hòa được mệnh danh là “con đường chả lụi” với hàng chục quán lớn, nhỏ san sát nhau. Được biết, ở các tỉnh miền Trung, cây chả lụi thường dài cỡ một gang tay, rộng bằng hai ngón tay khép lại. Vậy mà chẳng hiểu tại sao vào đến Biên Hoà thì kích cỡ nhỏ đi nhiều, chỉ vỏn vẹn bằng một ngón tay. Dù vậy, các quán ở “con đường chả lụi” vẫn chật kín khách, mùi chả nướng xộc vào mũi, khói nghi ngút thơm lừng mỗi khi mở bán. Và không chỉ riêng gì người trẻ Biên Hoà mà có lẽ bất kỳ thực khách nào khi đến đây cũng sẵn lòng thưởng thức món ăn tuy “vặt” nhưng lại khó quên này.
Bản đồ ẩm thực: Gỏi gà măng cụt Bình Dương
Là tỉnh nằm giáp ranh TPHCM, Bình Dương tuy không quá nổi bật về du lịch - ẩm thực nhưng nơi này cũng có cho riêng mình một đặc sản mà ai nấy ghé thăm cũng đều háo hức thưởng thức.
Đó chính là gỏi gà măng cụt, món ngon hòa quyện bởi vị ngọt thanh của thịt gà và chút chua nhẹ của măng cụt.
Theo trang web baobinhduong, gỏi gà măng cụt bắt nguồn từ vùng đất Lái Thiêu, TP Thuận An, nơi nổi tiếng về nghề trồng măng cụt. Cứ vào độ tháng Tư đến hết tháng Sáu, mùa thu hoạch măng cụt lại đến, ngoài đem bán đến những tỉnh, thành khác thì người dân nơi đây lại ứng dụng nó để làm ra một số món ăn ngon. Trong đó, gỏi gà măng cụt được không chỉ người bản địa mà cả du khách đều yêu thích.
Để làm gỏi gà măng cụt thì trái măng cụt chọn lựa là trái vừa mới chín tới, vỏ còn hơi xanh nhưng thịt đã chín. Ở giai đoạn này, thịt măng cụt bảo đảm được vị ngọt, chua cũng như độ giòn sần sật. Để lấy phần thịt, người nấu khá kỳ công từ khâu bỏ vỏ, lấy thịt và sơ chế để thịt măng cụt luôn tươi. Và cứ trung bình 5kg măng cụt nguyên vỏ mới cho ra thành phẩm 1kg múi thịt măng cụt.
Qua tìm hiểu, giá măng cụt hiện này khi vào mùa chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg, nếu yêu thích gỏi măng cụt, mọi người có thể trổ tài đầu bếp nấu nướng với các công thức được chia sẻ trên các trang mạng xã hội ẩm thực.
Đem thắc mắc vì sao không phải là gỏi heo măng cụt hay gỏi bò măng cụt hỏi thăm cô chủ quán ở Bình Dương thì người viết mới tường tận. Do gà ở đây nuôi thả vườn nhiều, chất lượng thịt lại tươi ngon, khi cần là có để chế biến nên kết hợp cùng măng cụt để làm gỏi là hợp lý nhất. Chưa kể, hương vị của chúng tương đồng nhau về vị ngọt, thêm chút đưa đẩy vị chua từ măng cụt nên cũng dễ hiểu vì sao gỏi gà măng cụt được yêu thích nhất.
Ngoài hai nguyên liệu trên thì món gỏi gà măng cụt còn có thêm một số nguyên liệu khác như cà rốt bào sợi, hành tây xắt mỏng, đậu phộng rang, rau răm thái nhỏ cùng ít gia vị, nước sốt theo bí quyết riêng của các hàng quán. Thành phẩm gỏi gà măng cụt ngoài độ ngon như đã nêu ở trên thì những sắc màu xanh, đỏ vàng, cam từ các nguyên liệu lại làm thực khách chỉ muốn thưởng thức ngay.
Ghé thăm Bình Dương, mọi người có thể thưởng thức món ăn này tại một số quán ăn sân vườn thuộc khu vực phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một hay Cầu Ngang, TP Thuận An. Ngoài thưởng thức, du khách còn có thể theo dõi quy trình hái măng cụt, xem cách chế biến món ăn và ngồi trò chuyện cùng chủ quán để hiểu hơn về ẩm thực, con người nơi đây.
Bản đồ ẩm thực: Bánh giò nóng, quà sáng gây thương nhớ đất Hà Thành Bánh giò Hà Nội tuy chỉ là một thức quà cho những khi "nhỡ bữa" nhưng chứa đựng trong nó còn là những tinh túy về văn hóa ẩm thực đất Hà Thành. Không chỉ có tại hàng quán ven đường, bánh giò còn được những người bán hàng rong mang đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội. Không biết từ...