Bản đồ ẩm thực: Bánh đập nét mộc mạc giữa lòng xứ Quảng
Trong văn hóa ẩm thực xứ Quảng, bên cạnh các món ăn cầu kỳ, tinh tế như mì quảng, cao lầu, cơm gà… thì bánh đập lại là món ăn đại diện cho nét dân dã, bình dị.
Dù rằng bánh đập là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung, thế nhưng, khi nhắc đến món bánh này thì nhiều người liền nghĩ đến Quảng Ngãi. Điều này cũng tương tự như khi ghé thăm miền Tây, du khách sẽ thấy nhiều nơi bán bún nước lèo, nhưng tròn vị nhất thì có lẽ là bún nước lèo Trà Vinh.
Qua tìm hiểu, người viết mới tường tận về cái tên ngộ nghĩnh của món ăn. Đó là trong công đoạn chế biến, khi người thợ trải bánh ướt lên bánh tráng nướng thì phải đập đập vài cái để chúng kết dính nhau bởi bề mặt bánh tráng nướng thường không bằng phẳng.
Ngoài phần bánh tráng được nướng sẵn, bánh ướt luôn được làm tại hàng ăn vì chỉ khi thưởng thức nóng thực khách mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon. Còn bột để làm bánh ướt là bột gạo (pha với nước theo tỷ lệ nhất định), đem ngâm rồi xay nhuyễn sao cho bột không quá loãng hay quá đặc. Có thể nói bột gạo là linh hồn của bánh đập, thế nên, quán nào đông khách thì nghiễm nhiên rằng họ chọn được loại gạo ngon, tỷ lệ pha chế chuẩn vị.
Khi có thực khách gọi món, người bán mới chế biến bánh ướt, sau đó, trải bánh ướt lên bánh tráng. Tiếp tục áo thêm một lớp mỏng mỡ hành, hành phi, lá hẹ để tạo độ kết dính, dậy mùi hơn cho món ăn. Về phần nước chấm, nhất định phải là mắm nêm được làm từ cá cơm nguyên chất, trộn cùng ít gia vị riêng biệt để tạo nên độ đậm đà cho món ăn.
Nếu so sánh với bánh ướt lòng gà nổi tiếng của phố núi Đà Lạt (đã thưởng thức cả hai) thì có vẻ hơi khiên cưỡng bởi nguyên liệu khác nhau nhưng về độ ngon thì bên tám lạng, người nửa cân chứ không vừa dù rằng nguyên liệu của bánh đập đơn giản hơn.
Ngày nay, theo dòng chảy giao thoa ẩm thực vùng miền, một số nơi bán bánh đập còn cho thêm một số nguyên liệu ăn kèm như thịt heo luộc, nướng hay lòng heo. Thế nên bạn yêu thích vị truyền thống hay thích sự phá cách thì cũng tùy vào “gu” ẩm thực của mình mà chọn để thưởng thức.
Bản đồ ẩm thực: "Ôm trọn phố cổ" vào lòng cùng cơm gà Hội An
Cũng nổi tiếng không kém mì Quảng hay Cao lầu, cơm gà Hội An được ví von là món ăn nếu du khách nào chưa thưởng thức qua thì xem như chưa từng đến Hội An.
Theo các trang web ẩm thực vùng miền, cơm gà Hội An được bán vào những năm 1950 với xuất phát điểm là các gánh hàng rong bình dị có mặt ở hầu hết ngõ ngách khu phố cổ. Khi đó, người dân nơi đây đã sử dụng thịt gà ngon của vùng đất Tam Kỳ cộng thêm cách chế biến đặc trưng để làm nên món cơm gà trứ danh.
Sau này, khi cơm gà Hội An ngày càng được yêu thích thì quán ăn, nhà hàng bán món này cũng dần xuất hiện nhiều hơn. Nếu du khách nhớ quán mình từng ăn thì cứ thong thả mà tìm đến, còn không hỏi người nơi đây cũng được chỉ dẫn tận tình.
Hỏi thăm anh bạn đầu bếp xứ Quảng, chuyên các món ăn miền Trung, mới hay cơm gà phố Hội có cách chế biến khác biệt so với cơm gà Hải Nam của Trung Hoa hay cơm gà ở vùng miền khác của Việt Nam. Cụ thể, thịt gà phải lấy từ những con gà tơ, trọng lượng nhỉnh hơn 1kg và nếu là gà Tam Kỳ thì lại càng đạt yêu cầu. Sau khi luộc, phần nước để dùng nấu cơm còn phần thịt thì được xé phay trộn với ít hành tây, rau răm, nước cốt chanh, ai thích ăn cay thì nên thêm chút ớt.
Trong khi đó, gạo nấu cơm nhất định là loại gạo dẻo nấu từ nước luộc gà thêm ít lá dứa, nghệ và mỡ gà. Một số nơi nấu cơm còn dùng lò củi để hạt cơm còn vương vấn chút khói bụi, tựa như khói lam chiều trong các gian bếp gia đình Việt thời xưa. Thế là thành phẩm hạt cơm vàng óng ánh thơm mùi thanh ngọt từ nước luộc gà, lá dứa cộng thêm vị bùi bùi từ nghệ.
Điểm hay của món ăn này là dùng ngon chỉ khi còn nóng. Thế nên, nếu có thực khách gọi món thì thợ nấu mới bới cơm nóng hổi, nghi ngút khỏi từ nồi ra đĩa, xếp lần lượt thịt gà, rau sống, đồ chua, chan ít nước sốt đặc biệt và kèm thêm chén nước dùng.
Đối với thực khách sành ăn, tiêu chí để đánh giá một phần cơm gà Hội An ngon, chuẩn vị là khi nó có vị thơm từ hạt gạo, vị thanh thịt gà, vị the cay từ rau răm, vị chua nhẹ từ đủ đủ bào hòa cùng chút béo ngậy của lòng gà. Trong không gian hoài cổ, yên ắng với ánh đèn hiu hắt từ những chiếc đèn lồng, ngồi cùng người thân, bạn bè thưởng thức món ăn trứ danh của Hội An thì quả thật thi vị biết bao.
Bản đồ ẩm thực: Đặc sắc món quà vặt nem chua Thanh Hóa Nổi tiếng không kém cạnh nem chua Lai Vung của Đồng Tháp, nem chua Thanh Hóa cũng có nét riêng, hương vị đặc sắc mà những ai thưởng thức qua rồi cứ mãi nhung nhớ. Để làm nên những mẻ nem chua Thanh Hóa chuẩn vị, các cơ sở sản xuất thường chọn những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm...