Bạn có thể kiểm soát cơn ác mộng?
Giật mình tỉnh giấc, bạn toát mồ hôi hột và tim đập nhanh như thể vừa bị kẻ tấn công rượt chạy vào một con đường tối. Đó chỉ là ác mộng, bạn tự nhủ, dù vẫn thấy sợ hãi. Chúng ta có thể nào thoát khỏi những giấc mơ đáng sợ như vậy không?
Một vài nghiên cứu cho thấy những người có thể làm chủ giấc mơ sáng suốt (lucid dream) – tức biết mình đang mơ – có khả năng tránh hoặc thậm chí chấm dứt những cơn mộng xấu này.
Giáo sư thần kinh học Rachel Salas, một chuyên gia về rối loạn giấc ngủ tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết ác mộng là một phần trải nghiệm của con người. Mọi người thường gặp ác mộng trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), bắt đầu khoảng 90 phút sau khi ngủ, khi đó bạn thở nhanh hơn, nhịp tim và huyết áp tăng lên.
Thỉnh thoảng gặp ác mộng không có gì đáng lo, nhưng với những người thường xuyên gặp ác mộng đến nỗi nó ảnh hưởng tiêu cực cuộc sống của họ vào ban ngày thì đây có thể là triệu chứng của rối loạn ác mộng – một dạng rối loạn giấc ngủ có thể xuất phát từ chấn thương tâm lý, căng thẳng tinh thần (stress) và sử dụng thuốc. Để điều trị, bệnh nhân cần được kê đơn thuốc và áp dụng liệu pháp tâm lý được kiểm soát nghiêm ngặt, theo Viện Y học Giấc ngủ Mỹ.
Dù chưa được công nhận là một phương pháp chữa rối loạn giấc ngủ do gặp ác mộng triền miên, song liệu pháp giấc mơ sáng suốt có khả năng khắc phục chứng bệnh này. Tiến sĩ Sérgio Arthuro Mota-Rolim tại Đại học Liên bang Rio Grande do Norte (Brazil) cho biết nếu bạn nhận ra mình đang gặp ác mộng, cách đơn giản nhất để chấm dứt nó là làm mình tỉnh dậy. Một số nghiên cứu cho thấy người tham gia có thể vẫn mơ nhưng loại bỏ nỗi sợ bằng ý thức rằng họ không gặp nguy hiểm về thể chất. Nhiều người thậm chí cho biết họ có thể biến ác mộng thành một giấc mơ dễ chịu hơn.
5 lý do ác mộng có thể tốt cho bạn
Nếu là người thi thoảng gặp ác mộng, những lý do sau sẽ khiến bạn bớt lo lắng nữa:
Tốt cho sức khỏe thể chất. Ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ REM, khi lưu lượng máu lên não giảm xuống và chuyển đến các cơ quan quan trọng khác, giúp phục hồi cơ thể. Các hoóc-môn tăng trưởng và căng thẳng, hệ miễn dịch, tim và huyết áp cũng được tác động tích cực. Vì vậy, tuy ác mộng không phải là một trải nghiệm thú vị song cơ thể bạn thực sự hưởng lợi khi lượng máu tăng lên, nhờ đó cải thiện sức khỏe tổng thể về lâu dài.
Video đang HOT
Giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Các nghiên cứu khoa học về ác mộng tiết lộ một tiềm năng thú vị của những giấc mơ xấu là giúp bạn bộc lộ những nỗi lo lắng, sợ hãi ẩn sâu bên trong tại một môi trường “mô phỏng ảo” an toàn, khi đó bộ não sẽ cố loại bỏ chúng trong câu chuyện của giấc mơ. Khi thức dậy và nhớ các sự kiện, nó giúp bạn xử lý tình huống tốt hơn và coi nỗi sợ đó là quá khứ.
Huấn luyện đương đầu với mối đe dọa. Theo nghiên cứu của các nhà thần kinh học, gặp ác mộng có thể là cách giúp bạn làm quen với các mối đe dọa trong đời thực, tập “xử lý” các tình huống nguy hiểm tiềm tàng trước khi chúng xảy ra.
Một nghiên cứu tiến hành trên hơn 100 người, được đeo tai nghe đo điện não đồ trong lúc ngủ và ghi nhận ký giấc mơ, cho thấy sau vài lần gặp ác mộng, các vùng não vốn phản ứng mạnh khi chủ thể lo lắng (gồm vỏ đại não, vỏ não trước và hạch hạnh nhân) đều giảm hoạt động rõ rệt.
Hiểu rõ hơn những cảm xúc bị đè nén. Một số nhà khoa học tin rằng khi gặp ác mộng trong giai đoạn ngủ REM, hệ thống ức chế não được thư giãn và cảm xúc của bạn được “mở khóa”, cho bạn thấy những điều đang bị kìm nén. “Sử dụng giấc mơ đáng sợ để nhìn lại tình cảm của bản thân có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên” – các chuyên gia cho biết.
Ác mộng là một “liệu pháp tiếp xúc” tự nhiên. Các chuyên gia tâm thần đã bắt đầu tin rằng ác mộng có tác dụng như một “liệu pháp tiếp xúc” – tiêu chuẩn vàng để điều trị ám ảnh và các rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Tập quen dần với nỗi sợ hãi, như sợ chó hoặc nhện, trong một môi trường an toàn như giấc mơ, bạn sẽ từ từ học cách kiểm soát nó.
HOÀNG ĐIỂU
Theo Live Science, Business Insider/Báo Cần Thơ
Châm cứu giúp điều trị rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, gây trở ngại cho các hoạt động thể chất, tinh thần và cảm xúc. Khi bị mất ngủ, người bệnh nên đi khám để được điều trị, tránh lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần.
Rối loạn giấc ngủ có thể là mất ngủ, ngủ nhiều hoặc gặp ác mộng, mộng du... khi ngủ - Ảnh: Shutterstock
Mất ngủ, ác mộng do rối loạn giấc
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD): Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và tâm thần học nói riêng. Bệnh gồm 2 nhóm chính bao gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm khác nhau của giấc ngủ (bị mất ngủ, ngủ nhiều) và những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ (gặp ác mộng, mộng du...).
Bệnh nhân N.T.U (41 tuổi, ngụ Long An) bị mất ngủ suốt 3 năm nay với các triệu chứng như khó vào giấc ngủ, một đêm chỉ ngủ được khoảng 3 giờ, có hôm thức trắng, giấc ngủ không sâu, thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc liên tục.
Với tình trạng trên, chị U. phải sử dụng thuốc an thần trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ. Lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình, chị U. đã đến khám tại Khoa Y học cổ truyền, BV ĐHYD.
Chị được thăm khám và điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y và xoa bóp. Sau hai liệu trình kéo dài một tháng, chị đã vào giấc ngủ tốt, ngủ được trung bình 5 giờ/đêm và chỉ còn ác mộng vào cuối giấc. Sau ba tháng điều trị, người bệnh khỏe hoàn toàn, không còn bị mất ngủ, sức khỏe và tinh thần ngày càng tốt hơn.
Tình trạng mất ngủ cũng xảy ra với không ít người trẻ. Anh C.V.P (22 tuổi, ngụ TP.HCM) bị mất ngủ suốt hơn 3 tháng nay, khó vào giấc, chỉ ngủ được 4 giờ/đêm và giấc ngủ không sâu, tỉnh giấc khó ngủ lại, nhiều đêm thức trắng kèm đau đầu vào đầu vào mỗi buổi sáng. Bệnh nhân cũng phải điều trị bằng châm cứu kết hợp thuốc Đông y để cải thiện bệnh trạng.
Bác sĩ Thường cho biết, rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần cũng như ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. "Trong đó, bệnh mất ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo như trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì...", bác sĩ Thường cảnh báo.
Châm cứu trị bệnh
Theo bác sĩ Thường, ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM, kết quả có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.
Tại BV ĐHYD, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).
Hiện nay, bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như: vệ sinh giấc ngủ (thức giấc cùng một giờ hằng ngày, giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương...), điều trị bằng thuốc hóa dược, thuốc thảo dược, liệu pháp tâm lý hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu...
"Trong đó, châm cứu là phương pháp an toàn thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc, được sử dụng từ rất lâu đời, an toàn, có hiệu quả và tần suất sử dụng nhiều nhất theo thống kê năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh tính hiệu quả cũng như không gây tác dụng phụ của những phương pháp châm cứu trong điều trị bệnh mất ngủ", bác sĩ Thường đánh giá.
Theo bác sĩ Thường, tùy theo chẩn đoán Y học cổ truyền, có nhiều hình thức châm cứu khác nhau được sử dụng để điều trị mất ngủ. Để đạt hiệu quả điều trị bằng phương pháp châm cứu, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình thăm khám để được chẩn đoán chính xác, tuân thủ phác đồ điều trị, khai báo những thay đổi triệu chứng qua các lần điều trị; không châm cứu khi quá đói, quá no hoặc có các bệnh rối loạn đông cầm máu, viêm loét da, nhiễm trùng.
Bác sĩ Thường khuyến cáo: Mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu; các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng...), lạm dụng thuốc và các chất kích thích... Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào.
"Khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn", bác sĩ Thường khuyên.
Theo Thanh niên
Cô gái ngất xỉu liên tục mỗi ngày ANH - Beth Joyce, 27 tuổi, thường xuyên ngất xỉu khi đứng lên ngồi xuống, tỉnh dậy thấy cơ thể bầm tím. Năm 19 tuổi, Beth đưoqjc chẩn đoán mắc hội chứng Nhịp đập nhanh tư thế (POTS). Bệnh khiến lượng máu cung cấp cho tim, não không được cân bằng mà giảm xuống khi cơ thể đang nằm hoặc ngồi đột ngột...