Bãi xe ô tô “ế khách” trong ngày đầu tăng phí
Trong ngày đầu tăng phí đậu xe dưới lòng đường trung tâm TPHCM (từ 4-8 lần), nhiều tài xế cũng như nhân viên giữ xe còn bỡ ngỡ, lúng túng… Than thủ tục cài đặt phần mềm ứng dụng gửi xe rườm rà, phí lại cao, nhiều tài xế không gửi xe. Do vậy, nhiều tuyến đường thông thoáng đến bất ngờ, khác hẳn cảnh xe đậu dày đặc như mọi ngày.
Từ ngày 1/8, TPHCM bắt đầu thí điểm thu phí đậu xe dưới lòng đường tại 23 tuyến đường ở quận 1, 5, 10.
Từ 1/8, mức thu phí được tính theo giờ, cao nhất là 40.000 đồng/giờ
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP xây dựng mức phí áp dụng cho hai nhóm gồm: ô tô đến 9 chỗ và xe tải có tổng tải trọng dưới 1,5 tấn; ô tô từ 10-16 chỗ và xe tải có tổng tải trọng trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. Mức phí cũng tính theo giờ chứ không tính theo lượt như trước đó (5.000 đồng/lượt).
Mức phí cho giờ đầu tiên là từ 20.000-30.000 đồng tùy theo khu vực và mức phí cao nhất cho 5 giờ liên tục là 170.000 đồng. Thời gian thu phí từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
Xe ô tô đậu khá thưa thớt trên đường Phan Châu Trinh (quận 1). Một lượng lớn xe gửi theo ngày đã không chọn đỗ dưới lòng đường vì phí cao
Theo ghi nhận của PV Dân trí sáng 1/8, tại một số tuyến đường trung tâm quận 1 như Phan Châu Trinh, Lê Lai, Phan Bội Châu… ô tô đậu khá thưa thớt, khác hẳn với tình trạng xe chen nhau đậu dày đặc bên đường khi chưa tăng phí đậu xe. Một trong những nguyên nhân là mức phí cao và tài xế còn bỡ ngỡ với việc phải cài đặt phần mềm ứng dụng để đậu xe.
Tại tuyến đường Phan Chu Trinh (bên hông chợ Bến Thành), xe ô tô khá vắng dù đã hơn 10h sáng. Trong 37 vị trí đậu thì chỉ có khoảng 10 chiếc xe.
Khu vực ông Phạm Minh Quang phụ trách chỉ có 2 xe ô tô đậu vì tài xế than phí thu theo giờ quá cao
Ông Phạm Minh Quang, nhân viên giữ xe cho biết, nhiều tài xế tấp xe vào điểm đậu nhưng lắc đầu bỏ đi vì mức phí là 25.000 đồng cho giờ đầu tiên. Hơn nữa, nhiều người cũng không gửi xe khi nghe giới thiệu phải cài đặt phần mềm để đặt chỗ qua điện thoại.
Theo ông Quang, do tài xế chưa quen nên nhân viên giữ xe chuẩn bị sẵn điện thoại có ứng dụng để đăng ký gửi xe giúp cho khách. Tài xế sẽ gửi tiền mặt lại cho nhân viên.
Video đang HOT
“Tôi giữ xe ở đây đã 13 năm, nhưng ghi phiếu cho khách. Nay sử dụng điện thoại thông minh để đặt chỗ và in biên lai cho khách không quen. Sáng giờ mới đặt được 2 xe và đều nhờ anh nhân viên của đơn vị hỗ trợ công nghệ đứng bên cạnh chỉ dẫn”, ông Quang nói.
Nhân viên thu tiền của khách để đặt điểm đỗ xe
Ông Quang cho rằng đáng ra nhân viên giữ xe phải được hướng dẫn sử dụng phần mềm này trước 1-2 ngày để thành thạo, giúp tài xế đặt chỗ. Đằng này, 6h ông mới được nhận điện thoại và bắt tay ngay vào việc.
Cũng theo ông Quang, trước đây người làm việc văn phòng hay gửi xe từ sáng tới chiều vì chỉ tốn 5.000 đồng, nay thu theo giờ với mức phí cao nên họ không gửi. Do chỉ có số ít xe vãng lai, người đi chợ Bến Thành gửi xe nên đường khá vắng.
Trong khi đó, nhân viên Lý Chí Dũng cho biết, khi hỗ trợ hành khách đặt điểm đỗ xe mới phát hiện ra nhiều bất cập. Tài xế chọn số giờ gửi và được in phiếu, trả tiền ngay. Tuy nhiên, khi quá giờ gửi xe mà tài xế không ra lấy xe hoặc không chịu chạy xe đi thì nhân viên cũng không biết xử lý thế nào, chỉ xác định xe ô tô vi phạm giờ gửi và chụp ảnh gửi lên phần mềm để báo cáo.
Nhân viên sử dụng điện thoại có cài sẵn phần mềm My Parking để đặt điểm đỗ xe và in biên lại cho tài xế
Trong khi đó, đã hơn 11h sáng nhưng khu vực đậu xe trên đường Lê Lai rất thưa thớt, chỉ có 13 xe/76 điểm đậu xe.
“Tôi bán nước ở đây đã mười mấy năm nhưng lần đầu tiên thấy tuyến đường này lại vắng như thế. Trước đây phí gửi 5.000 đồng/lượt thì quá rẻ nhưng giờ mức phí tính theo giờ, người ta đậu cả ngày tốn cả vài trăm ngàn nên nhiều tài xế chạy đi chỗ khác” – bà Nguyễn Thị Hương bán nước ở công viên 23/9 nói.
Đường Lê Lai thông thoáng khi nơi đây không còn là địa chỉ “vàng” gửi xe
Theo ghi nhận, có người cho xe vào điểm đậu nhưng không đồng ý trả mức phí cao. Có người quay xe đi nhưng cũng có người vào uống nước, nói chuyện tầm 10-15 phút. Khi nhân viên hỏi có gửi xe không thì tài xế nói không gửi. Tuy nhiên, nhân viên giữ xe lại không có thẩm quyền xử lý.
Nhiều tài xế cho rằng thủ tục cài đặt phần mềm ứng dụng phức tạp, tốn thời gian nên không sử dụng. Hơn nữa, mức phí cao nên họ cũng không “mặn mà” gửi xe trên đường.
Trong khi đó, anh Phú Huy, nhân viên giữ xe cho biết, nhiều tài xế than mức phí cao nên không đậu xe trên đường Lê Lai mà chạy đi tìm nơi khác.
“Phí tăng thế này, có khi ngày mai người ta chẳng gửi xe ở đây nữa”, anh Huy nói.
Hơn 11h nhưng chỉ có 13 chiếc xe đậu dưới lòng đường Lê Lai, khác hẳn tình trạng xe đậu dày đặt khi chưa tăng phí đậu xe
Anh Nghĩa, lái xe cho giám đốc một công ty trên đường Lê Lai cho biết, mức phí mới quá cao nên phải phải chạy xe qua chỗ khác gửi.
“Tuy nhiên, do họ thấy nhiều tài xế hỏi gửi ngày nên họ tăng giá từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng. Một bãi xe nhận giữ theo tháng 3 triệu đồng nay cũng tăng lên 4 triệu đồng”, anh Nghĩa nói.
Theo anh, nhiều điểm giữ xe nắm bắt được việc tăng phí đậu xe trên đường nên tăng giá khiến tài xế gặp khó khăn khi tìm chỗ đậu xe. Nhiều người chở sếp lên công ty rồi chạy luôn xe về nhà để khỏi tốn tiền gửi xe.
Giao thông khu vực trung tâm thành phố khá thông thoáng
Theo ghi nhận, quá trình nhân viên giữ xe thao tác trên phần mềm còn lúng túng, nhiều lúc máy in biên lai trục trặc, tốn nhiều thời gian khiến tài xế không hài lòng và bỏ đi.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM chưa ứng dụng công nghệ trong thu phí đậu ô tô
Từ 1/6, TPHCM sẽ tăng mức thu phí ô tô đậu dưới lòng đường ở trung tâm thành phố từ 4-8 lần, thu phí bằng hình thức công nghệ, theo Nghị quyết của HĐND TP. Song UBND TP chưa ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết nên Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị ứng dụng công nghệ thu phí từ 1/8.
Sở GTVT TPHCM cho biết đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết của HĐND TPHCM về ban hành mức thu phí tạm thời đậu xe ô tô dưới lòng đường (có hiệu lực từ 1/6). Tuy nhiên, đến nay kế hoạch triển khai chưa được ban hành.
Do đó, Sở GTVT TP chưa thể triển khai các công việc như ký hợp đồng đầu tư mua sắm, vận hành thiết bị, chi phí nhắn tin, tỷ lệ chi trả kinh phí cho các bộ phận liên quan... khi ứng dụng công nghệ vào thu phí.
Hiện nay, mức thu phí là 5.000 đồng/lượt. Trong ảnh: xe ô tô đậu dưới lòng đường Phan Chu Trinh (quận 1)
Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chấp thuận thu phí bằng hình thức thủ công cho đến khi hoàn thành việc lắp đặt và vận hành thiết bị quản lý đỗ xe và thu phí. Từ 1/8 sẽ thu phí đỗ xe theo hình thức công nghệ.
Mức phí áp dụng cho hai nhóm gồm: ô tô đến 9 chỗ và xe tải có tổng tải trọng dưới 1,5 tấn; ô tô từ 10-16 chỗ và xe tải có tổng tải trọng trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. Mức phí cũng tính theo giờ chứ không tính theo lượt như hiện nay.
Mức phí cao nhất cho giờ đầu tiên là 30.000 đồng và mức phí cao nhất cho 5 giờ liên tục là 170.000 đồng. Thời gian thu phí từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm.
Mức phí cao nhất phải trả cho 5 giờ đậu xe ô tô là 170.000 đồng
Dự kiến, với 35 tuyến đường (thuộc các quận 1, 3, 5, 10, 11) được phép đậu xe dưới lòng đường, mỗi tháng thành phố thu được khoảng 30 tỷ đồng.
Ngoài hình thức thu phí qua tin nhắn và thẻ tín dụng quốc tế - nội địa, thành phố sẽ triển khai thu phí qua trạm thu tiền tự động trong năm 2019.
Tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách sau khi trừ chi phí cho các bộ phận liên quan (nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và công tác thu phí tại các quận), để duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Quốc Anh
Theo Dantri
Chủ quán bánh mướt trả lại hơn 30 triệu đồng cho vị khách đãng trí Nhặt được chiếc ví bên trong có 33 triệu đồng của khách bỏ quên, bà Hoa không dám cầm về nhà mà cẩn thận cất vào trong tủ để chờ trả lại cho khách. Chiếc ví với số tiền 33 triệu đồng bỏ quên tại quán. Người chủ quán tốt bụng đó là bà Trần Thị Hoa (SN 1962) chủ quán bánh mướt...