Bài tập cùng bé cho các mẹ “bỉm sữa”
Bạn sẽ không còn phải thấy tủi thân khi thấy những người phụ nữ khác có thời gian rủ nhau đi tập gym, còn mình thì phải ở nhà trông con nữa.
Những động tác thể dục dưới đây giúp bạn vừa có thể trông bé, giao lưu với bé, vừa giảm cân giữ dáng hiệu quả.
Để quá trình luyện tập được an toàn, thoải mái, hãy chuẩn bị một tấm thảm tập êm ái cùng với một chiếc địu bé chắc chắn, vừa vặn.
Tấn nhún
Địu bé ở trước người, hai chân mở rộng hơn vai, ngón chân hướng ra ngoài. Bắt đầu tấn nhún xuống thấp rồi lại đứng thẳng lên. Lặp lại động tác 20-40 lần.
Tấn vung tay
Giữ chặt bé trước mặt, hạ người xuống tấn thật thấp. Hóp bụng chặt, dồn lực vào gót chân, rồi đứng thẳng dậy, hai tay nhấc bé lên cao. Lặp lại 25-50 lần.
Chống đẩy
Đặt bé nằm ngửa trên thảm, còn bạn chống người thành tư thế chống đẩy, dùng đầu gối làm trụ cho thoải mái. Mỗi khi hạ người xuống chống đẩy, bạn có thể tranh thủ thơm vào má bé để tạo sự phấn khích giữa hai mẹ con. Lặp lại động tác từ 25-75 lần.
Bế con lên xuống
Đứng thẳng, hai chân mở rộng hơn vai, giữ bé trước người, lưng con quay vào ngực mẹ. Đưa bé lên cao trước mặt bạn, rồi lại hạ xuống thấp. Thực hiện từ tốn trong khoảng 15-45 lần.
Video đang HOT
Gập bụng ngược
Nằm ngửa trên thảm, đặt bé ngồi úp bụng trên cẳng chân bạn, hai tay giữ chặt bé. Co đầu gối lên để đưa bé về gần mặt bạn, cố gắng nhấc mông lên khỏi thảm. Lặp lại 15 lần rồi nghỉ, sau đó lặp lại thêm 15 lần nữa.
Nằm nâng con
Nằm ngửa trên thảm, bế con trước ngực rồi duỗi thẳng tay để nâng bé lên cao. Lặp lại từ 15-30 lần.
Đứng nâng con
Động tác này gần như giống hệt động tác bạn bế con hàng ngày. Hãy đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng vai, bế con trước mặt rồi dùng lực ở vai để nâng bé lên cao, sau đó lại hạ xuống. Lặp lại từ 15 tới 45 lần.
Giữ cầu
Nằm ngửa trên thảm, đặt bé ngồi trên bụng. Chống hai chân xuống thảm, dùng sức nâng mông và lưng lên khỏi thảm sao cho cơ thể tạo thành đường chéo. Hạ người xuống, lặp lại 30-90 lần. Bé sẽ cảm thấy thích thú giống như được chơi bập bênh vậy.
Gập bụng
Nằm ngửa trên thảm, gập đầu gối một góc 90 độ, cho bé ngồi dựa lưng lên đùi bạn. Dùng sức từ cơ bụng để ngồi thẳng dậy, có thể tranh thủ lại thơm bé một cái. Lặp lại 25 lần.
Giữ ván
Tương tự như động tác chống đẩy nhưng chân duỗi thẳng, chống mũi chân và hai khuỷu tay xuống mặt thảm. Đặt bé nằm trên thảm, ngay dưới mặt bạn. Giữ tư thế trong 45-60 giây.
Khuỵu gối vặn mình
Địu bé trước người, khuỵu một chân xuống, hai đầu gối vuông góc. Xoay nhẹ sang bên trái, rồi xoay sang bên phải. Đứng về vị trí cũ, đổi bên, lặp lại 20 lần mỗi bên.
Giữ cầu đá cao
Nằm ngửa trên thảm, đặt bé nằm trên bụng, lưng con quay về mặt mẹ. Gập đầu gối, chống hai chân trên thảm, rồi đá cao từng chân lên, cố gắng nhấc cả mông lên. Mỗi bên chân thực hiện khoảng 30 lần.
Đứng vặn mình
Bế bé quay lưng về phía mình, giữ bé cách thân mẹ khoảng 10cm. Bế bé quay sang trái 3 giây, rồi trở về giữa 3 giây và lại quay sang phải 3 giây. Lặp lại toàn bộ động tác 20 lần.
Hất đùi
Nằm úp trên thảm, đặt bé ngồi trước mặt. Gập đầu gối, mũi chân hướng lên trần nhà, rồi cố gắng hất toàn bộ chân lên cao, sao cho đùi không chạm thảm. Lặp lại 30 lần.
Theo Đẹp
Thể dục giữ dáng sau khi sinh mổ cần lưu ý điều gì?
Việc giảm cân, giữ dáng sau khi sinh luôn được các bà mẹ quan tâm, tuy nhiên, với những bà mẹ sinh mổ thì cần chú ý để luyện tập an toàn.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nghỉ ngơi từ 6 tới 8 tuần sau khi sinh mổ. Mổ đẻ là một ca đại phẫu có tác động lớn tới các cơ ở vùng bụng, vì thế, bạn cần phải đợi cho cơ thể tự lành lại hoàn toàn rồi mới có thể tiến hành tập thể dục. Thậm chí, trong vài tháng đầu sau khi sinh mổ, bạn còn không nên mang vác các vật nặng, vì áp lực có thể gây ảnh hưởng tới vết mổ.
Khi đã hết thời gian nghỉ ngơi, bạn có thể bắt đầu với các bài tập đơn giản cho vùng xương chậu. Đây là vùng xương chịu nhiều áp lực nhất trong suốt thời gian mang thai, nên cũng là khu vực nên được luyện tập trước tiên.
Bài tập xương chậu đơn giản nhất mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà chính là cúi xuống để bế em bé lên. Khi cúi xuống, hãy hạ cả cơ bụng, giữ săn cơ hông rồi bế con lên, sau đó có thể từ từ hạ con xuống, không cần thực hiện liên tục.
Khi đã thấy quen với động tác này, bạn có thể bắt đầu với những bài tập dành cho cơ bụng dưới. Bạn cũng chỉ nên chọn các động tác nhẹ nhàng, đơn giản, không tạo quá nhiều áp lực lên khu vực có vết mổ. Thông thường, các bài tập cho cơ bụng dưới cũng làm giảm cảm giác mỏi lưng, giúp bạn thấy thoải mái hơn.
Trong thời gian này, bạn cũng có thể chọn cách đi bộ để vận động nhẹ nhàng, thư giãn. Ngày đầu tiên, chỉ cần đi dạo khoảng 5 phút, đi với tốc độ chậm rãi. Dần dần mỗi ngày bạn có thể tăng thêm thời gian từng chút một, và đi nhanh dần lên. Đến khi có thể đi bộ được khoảng 20 phút mỗi ngày, bạn có thể bổ sung thêm khoảng vài phút tập đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng để bắt đầu làm thon gọn cơ thể.
Khoảng 10 tuần sau khi sinh, nếu bạn vẫn còn thấy đau và không thể vận động, cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay. Bạn chỉ được phép bắt đầu tập thể dục khi đã có thể đi lại dễ dàng, không gặp nhiều khó khăn hay đau đớn. Nếu bạn muốn quay lại với chế độ luyện tập cường độ cao giống như trước khi mang thai, cần phải có sự đồng ý của bác sĩ.
Hãy nhớ rằng, sức khỏe của bạn vẫn luôn quan trọng hơn ngoại hình và cân nặng. Chỉ đến khi cơ thể phục hồi hoàn toàn, bạn mới có thể tập thể dục. Trong vài tháng đầu, hãy bình tĩnh, thư giãn và tận hưởng cảm giác làm mẹ. Khi bé cứng cáp hơn, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu các bài tập thể dục hoặc yoga dành cho cả mẹ lẫn con, giúp tăng cường hiệu quả, đảm bảo an toàn và nhân đôi niềm vui.
Theo Đẹp