Bài học từ những thảm kịch và tiếng khóc của dâu Việt ở xứ Hàn
Ở mảnh đất Thủy Nguyên, Hải Phòng, một cô gái lãnh được “tấm vé” xuất ngoại lấy chồng đồng nghĩa với việc gánh trên vai gánh nặng, khát vọng làm giàu cho cả gia đình.
Tuy nhiên, ở nơi đất khách quê người, sung sướng, giàu có chẳng thấy đâu, nhiều cô gái Việt bị nhà chồng đối xử tệ bạc. Thực tế cho thấy, không ít cô dâu Việt bên xứ Hàn phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân hoặc bị chồng giết hại dã man. Phải chăng đây là bài học đắt giá, tiếng chuông cảnh báo đến những người con gái đang muốn làm giàu bằng “cái nghề” độc nhất vô nhị này.
Bỏ ngoài tai những bi kịch, các cô dâu Việt vẫn nuôi khát vọng làm giàu bằng việc xuất ngoại lấy chồng.
“Tấm vé” đổi đời và những cái chết cay đắng
Mấy ngày qua, người dân Hải Phòng đang bàn luận xôn xao về cái chết của cô dâu người Việt, Ngô Thị Nga (SN 1993, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng). Từ trước đến nay, ở vùng đất Cảng, việc các cô đi làm dâu xứ Hàn phải chịu sự đối xử tệ bạc, bạo hành của gia đình nhà chồng, người dân đã nghe nói rất nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cô dâu Việt bị chồng ngoại quốc sát hại. Nhưng, người chết cứ chết, người “tuyển” vẫn cứ “tuyển” và đám “cò mồi” vẫn ký sinh được trên thân xác cô dâu Việt.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, Nga lấy chồng Hàn và sống tại quận Hongchon (tỉnh Kangwon). Ngày 14/1, mẹ chồng của Nga đã phát hiện thi thể con trai mình trong nhà kho và báo cho cảnh sát địa phương. Sau khi cảnh sát có mặt, họ tìm thấy xác cô dâu Việt trong phòng riêng của hai vợ chồng trên người có rất nhiều vết thương tích.
Được biết, chị gái của Nga tên Bích cũng xuất ngoại lấy chồng Hàn Quốc. Trước đây, qua những lần gặp gỡ, nghe em gái than nhà chồng ức hiếp, đối xử tệ bạc, nhiều lần chị Bích định khuyên Nga rời xa cái “địa ngục trần gian” ấy. Tuy nhiên, đã đâm lao thì phải theo lao, Nga đành nhắm mắt chấp nhận cuộc sống tù túng ấy. Cô vẫn nuôi giấc mơ đổi đời từ việc lấy chồng ngoại và phải trả giá bằng tính mạng.
Nghe tin em gái bị sát hại, một mình người chị đã làm thủ tục để đưa tro cốt của Nga về đất mẹ. Trước đó, cảnh sát Hàn Quốc cho biết, Nga đã chết trong phòng riêng của gia đình do bị đấm, đánh vào chỗ hiểm. Người chồng cũng đã chết tại nhà kho do uống thuốc trừ sâu tự vẫn.
Video đang HOT
Có lẽ, nói đến trào lưu lấy chồng Hàn Quốc, chắc hẳn người dân Việt không thể quên cái chết bí ẩn của những cô dâu Việt. Cuối tháng 4/2013, dư luận cả nước rúng động vì c ái chết bất thường của cô dâu Phạm Thị Trúc quê huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Sau 7 năm lấy chồng Hàn Quốc, Trúc đã tử vong ngay tại chân cầu thang của nhà chồng ở TP. Busan (Hàn Quốc).
Theo người thân của nạn nhân, cô dâu Trúc tử vong trong tình trạng nhiều vết bầm giập vùng cổ, có 2 đến 3 vòng khăn quấn quanh cổ. Cơ quan chức năng tại TP. Busan (Hàn Quốc) bước đầu thông báo với gia đình, nạn nhân tử vong là do… tự sát. Trong những năm sống ở xứ người, chị Trúc cùng chồng đã sinh ra hai người con gái kháu khỉnh (6 tuổi và 3 tuổi). Trước khi chết, người phụ nữ tội nghiệp này đã để lại một bức thư tuyệt mệnh. Tuy nhiên, bức thư đó đã bị cảnh sát xứ Hàn thu giữ và người nhà không hề biết nội dung trong đó là gì.
Sau cái chết của Nga, gia đình cô hiểu ra rằng, số phận của những người con gái lấy chồng Hàn là những chuỗi ngày phải sống trong mệt mỏi và cay đắng. Nó không hạnh phúc và sung sướng như mọi người thường tưởng tượng. Thế nhưng, hơn một thập kỷ qua tại Thủy Nguyên, nhiều người vẫn lầm tưởng về cái “nghề” lấy chồng ngoại. Thế nên, hàng trăm cô gái vẫn phấn son lòe loẹt, vẫn quần áo thướt tha ngày đêm đi tìm cho mình một “tấm vé” đổi đời. Hình như những giọt nước mắt từ đất nước xứ Đại Hàn xa xôi chưa đủ khiến các cô dâu Việt tỉnh ngộ và “đánh” gục được lòng tham từ họ. Ai biết được rằng, các cô gái đang quần là áo lượt “trúng tuyển” chồng Hàn liệu có phải là các nạn nhân tiếp theo.
“Tự vẫn” vì lòng tham
Trao đổi với PV, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cho biết: “Thực ra vấn đề các cô gái ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) xuất ngoại lấy chồng Hàn Quốc đã xuất hiện cách đây từ rất lâu. Tuy nhiên, việc xử lý hiện tượng này vô cùng khó khăn vì vướng ở rất nhiều chỗ. Thứ nhất, luật pháp của chúng ta không cấm kết hôn giữa cô dâu Việt với rể nước ngoài. Thứ hai, đàn ông Hàn Quốc sang Việt Nam theo hợp đồng du lịch. Họ lưu trú ở đây trong thời gian “tuyển vợ” và hết hạn lại về nước. Chính vì vậy, cơ quan công an không thể xử lý trai Hàn vì hành vi nhập cảnh trái phép. Tôi được biết đã rất nhiều lần công an vào cuộc kiểm tra, xử lý các địa điểm tổ chức mai mối lấy chồng nước ngoài”.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cho rằng, điều quan trọng chúng ta cần phải làm là tuyên truyền giáo dục ý thức người dân. Trong vấn đề này, hội phụ nữ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Họ phải có những kế hoạch tuyên truyền cho các cô gái hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn từ việc xuất ngoại lấy chồng không xuất phát từ tình yêu. Đến khi người dân hiểu vấn đề thì họ sẽ tự động từ bỏ cái “trào lưu” này và các tụ điểm môi giới lấy chồng Hàn sẽ tự biến mất.
Theo một cán bộ công tác tại Công an TP. Hải Phòng, trong giới “cò mồi”, họ thường lấy hình ảnh của những cô dâu Việt giàu có ra để làm “mồi nhử” lòng tham của các cô gái trẻ. Trong khi đó, đối với những cô dâu bị bạo hành phải về nước trong sự ê chề, nhục nhã, “cò” thường thanh minh rằng họ không biết cách ứng xử nên bị nhà chồng đuổi.
Thực tế cho thấy, ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng có cô gái đổi đời từ việc lấy chồng ngoại quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hy hữu, đếm trên đầu ngón tay. Điều cốt lõi trong thực trạng này là, tuy pháp luật không cấm kết hôn với người nước ngoài là một nhẽ, còn việc tổ chức tuyển cô dâu, có cò mồi, theo kiểu kinh doanh hôn nhân này trái với thuần phong mỹ tục cần phải lên án và dẹp bỏ đồng thời xử lý những vi phạm nếu có. Chứ không thể “vin” vào đó để dịch vụ này tự tung tự tác.
Còn nhớ, trong những ngày thâm nhập vào đường dây “xuất khẩu” cô dâu Việt, tôi đã từng hỏi K. (cô gái đang nuôi khát vọng làm giàu bằng việc lấy chồng Hàn) về những rủi ro sẽ gặp phải khi làm dâu xứ người. Khi đó, K. đã hồn nhiên trả lời tôi rằng, hôn nhân ngoại quốc như một “canh bạc”. Ai đã có gan chơi thì phải biết cách chấp nhận. Làm dâu xứ người, việc bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… là điều ai cũng có thể dự đoán trước. Cô gái nào may sẽ gặp được gia đình tử tế, sống trong giàu sang và ngược lại. Đó chính là cái giá của cuộc hôn nhân không tình yêu và đậm chất kim tiền. Chính K. cũng được nghe những “đồng nghiệp” đã từng ê chề về nước sau khi xuất ngoại lấy chồng kể về những khổ sở, bi kịch nơi đất khách quê người. Nhưng có lẽ, cô còn quá trẻ để có thể nhận ra những rủi ro đang chờ đón mình.
Theo ĐSPL
Cô dâu Việt lấy chồng ngoại: Những con 'kền kền' sống trên lưng đồng loại
Những con "kền kền" ở đây chính là "tổ hợp" những đối tượng trong đường dây lấy chồng ngoại quốc gồm: Chủ nhà hàng tổ chức đám cưới, "hang ổ" tuyển chồng và đám "cò mồi".
Nhiều năm nay, đàn 'kền kền' vẫn sống bằng những đồng tiền kiếm trên lưng các cô dâu Việt.
Hơn 10 năm qua, "dàn kền kền" này vẫn sống bằng những đồng tiền kiếm được trên lưng của các cô dâu Việt. Theo lời người dân, để có thể đứng ra tổ chức "tuyển chồng" và làm đám cưới cho các cặp dâu Việt - rể Hàn một cách công khai như vậy, chủ các nhà hàng đều là những "tay" có "máu mặt" và có tiền, nên mới có thể đứng vững được cho đến bây giờ.
Trong những ngày thâm nhập vào đường dây "tuyển chồng" Hàn Quốc, chúng tôi mới thấy sự thực dụng đến không tưởng của con người. Thậm chí, khi có cơ hội, "cò" sẽ lập tức nẫng tay trên của "khách hàng".
Tham tiền, "cò" làm luôn cô dâu để "vồ" rể Hàn
Trong thời gian chờ đến lượt tuyển tại khách sạn P.K, tôi được các cô dâu Việt thủ thỉ rất nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến thế giới "ông mai, bà mối". Đúng là phải đến đây mới hiểu được, hạnh phúc, danh dự của con người nó rẻ rúng và đậm mùi kim tiền như thế nào.
Nói chuyện với tôi, H. một cô gái năm nay mới tròn 20 tuổi tâm sự: "Trong đường dây "tuyển chồng" này là một mớ hỗn độn và không có chuyện gì là không thể xảy ra. Từ việc tranh giành khách hàng giữa các "hang ổ" tuyển chồng, "cò" tranh mối đến gái Việt tranh rể Hàn. Đã vào đây, đừng ai nói đến sĩ diện, lòng tự ái nữa, mà hay nên chấp nhận đó là một cuộc chơi, một cuộc chiến thực sự. Thậm chí, đến "cò" nhiều khi còn "nẫng tay trên" rể của chính khách hàng mình".
Thấy tôi cảm thấy kinh ngạc, H. cười bảo: "Chị cứ ở đây khoảng vài tháng sẽ hiểu hết mọi chuyện thâm cung bí sử trong đường dây lấy chồng xuyên biên giới này. Em đã "tuyển" đến lần thứ tư ở đây rồi nên đã quen với sự thực dụng của con người ta với nhau. Không có chiêu trò nào của "cò", chủ nhà hàng khiến em cảm thấy bất ngờ nữa. Tuy nhiên, "đau" nhất là lần "tuyển" thứ ba, em bị "cò" M. cướp trắng "chồng".
Theo lời kể của H. lần đó, vượt qua gần 40 "hoa hậu" khác, cô được một gã rể Hàn khoảng hơn 40 tuổi, vẫn còn khá phong độ gật đầu đồng ý lấy làm vợ. Thấy gã đàn ông ngoại quốc còn trẻ, lại có của ăn của để, "cò" của H. đã tìm cách tiếp cận. Khi đẩy được "khách hàng" ra khỏi phòng phỏng vấn, "bà mối" M. (hơn H. 5 tuổi, từng một lần xuất ngoại đi làm dâu xứ Hàn - PV) đã dúi tiền cho người phiên dịch để được nói chuyện với rể.
"Sau cuộc nói chuyện đó, bỗng nhiên rể Hàn đổi ý. Ông ta nhờ phiên dịch nói với em là hôm sau phải về Hàn Quốc có việc gấp nên hoãn lấy vợ. Tuy nhiên, ngày hôm sau, lên thị trấn Núi Đèo chơi với bạn, khi đi qua một nhà hàng thấy họ đang tổ chức đám cưới cho cô dâu Việt với rể Hàn, em tò mò vào xem. Vừa bước vào đến nơi, trước mặt em là gã rể Hàn hôm qua và "cò" M. đang trao nhẫn cưới. Ở phía dưới, gia đình của "cò" đang vui vẻ ăn uống, nghe hát hò. Lúc này em mới biết bị chính "bà mối" cướp mất chồng của mình. Em định vào hỏi cho ra lẽ, nhưng biết chẳng thay đổi được gì nên đành đau đớn chấp nhận. Hơn nữa, đội ngũ "cò" ở Thủy Nguyên toàn là những thành phần có "gân guốc". Em ở tỉnh khác đến, nếu không "biết điều" sẽ bị gia đình "cò" M. xử lý ngay", H. kể. Sau đó, cô gái này đã chuyển sang "đầu quân" cho một "cò" khác năm nay đã hơn 50 tuổi. Theo H., việc chọn "bà mối" lớn tuổi sẽ tránh được bi kịch cô vừa phải trải qua.
Những ngày nằm vùng cùng bí mật chưa từng tiết lộ
Trong những ngày "nằm vùng", chúng tôi được các cô dâu Việt kể cho nghe những câu chuyện cười ra nước mắt mà có lẽ chỉ xảy ra ở "lĩnh vực" mang thân xác cho người ta chọn lựa. Chắc chắn, chẳng ai có thể ngờ được có trường hợp "cò" tự môi giới cho con mình đi lấy chồng Hàn Quốc. Đó là "cò" tên Q. ở xã Lập Lễ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con gái "cò" này năm nay mới 18 tuổi nhưng đã bỏ học từ năm cấp 2. Sau một thời gian đi làm công nhân ở TP. HCM, lương không đủ sống, "cò" Q. "triệu tập" con gái về quê (Hải Phòng) để lấy chồng Hàn Quốc. Sẵn có mối quan hệ với đường dây "tuyển chồng", "cò" Q. mang con sang tỉnh khác làm lại giấy tờ rồi môi giới cho một gã đàn ông xứ Hàn năm nay đã gần 60 tuổi. Lý do phải sang tỉnh khác làm giấy tờ vì theo quy định của địa phương, ở Lập Lễ, Thuỷ Nguyên, cơ quan chức năng không xác nhận giấy tờ cho làm thủ tục lấy chồng ngoại nữa.
Điều đáng nói ở chỗ, không những rể Hàn này còn hơn mẹ vợ đến 20 tuổi mà gã này còn sang Việt Nam "tuyển vợ" bằng xe lăn. Tất nhiên, thấy cô gái trẻ kém mình hơn 40 tuổi, "ông rể" này lại không gật đầu lia lịa đồng ý mới là lạ. Đám cưới được tổ chức, chú rể bước sang tuổi "lục tuần" ngồi xe lăn trao nhẫn cưới cho cô dâu trước sự hoan hỷ của nhà gái nhưng với ánh mắt ngỡ ngàng của nhân viên nhà hàng.
Tuy nhiên, câu chuyện dường như chỉ có ở "vựa xuất khẩu" cô dâu Việt này lại là một điều gì đó rất đỗi bình thường trong suy nghĩ của người dân Thủy Nguyên. Họ cho rằng, việc con gái cứ lấy được chồng ngoại là đổi đời, là có giá chứ không cần biết sang đó, những cô dâu Việt sẽ sống và bị đối xử như thế nào. Thậm chí, khi bị đối xử tệ bạc phải xách vali về nước, các bậc phụ huynh vẫn động viên con cái trang điểm, chuẩn bị hành lý để tiếp tục đi thi "tuyển" lấy chồng Hàn tiếp theo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước kia tại Hải Phòng chỉ có xã Đại Hợp (Kiến Thụy) và Lập Lễ (Thủy Nguyên) có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài. Tuy nhiên, "cơn sốt" này đã lan rộng ra nhiều xã khác và trở thành phong trào "thời thượng" ở các làng quê... Ở xã Lập Lễ mà tôi có dịp được xuống, hầu như nhà nào cũng có rể ngoại quốc. Chính vì không có con gái để lấy vợ nên thanh niên ở các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Đại Hợp... đã ngoài 30 mà vẫn "vườn không nhà trống" nhiều đến đau xót. Việc lấy vợ của trai làng khó khăn chẳng khác nào mò kim đáy biển. Những cuộc hôn nhân của trai làng chủ yếu do mai mối với con gái ở những vùng quê khác và đều lo lắng tới mức quen nhanh, lấy gấp. Thậm chí, người dân Thủy Nguyên còn nói vui với nhau rằng, xã Lập Lễ chuẩn bị đổi tên là "bản Lập Lễ". Bởi vì, các chàng trai nơi đây không cạnh tranh được với rể Hàn nên phải lên các vùng núi lấy vợ là người dân tộc.
Theo Xahoi
Ông Vũ Mão chia sẻ tình trạng công chức "ùn ùn" xuất ngoại Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra con số phản ánh tình trạng công chức "ùn ùn" xuất ngoại, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này. Giai đoạn ông còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội,...