Ông Vũ Mão chia sẻ tình trạng công chức “ùn ùn” xuất ngoại
Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra con số phản ánh tình trạng công chức “ùn ùn” xuất ngoại, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này.
Giai đoạn ông còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tình hình các chuyến đi công tác nước ngoài được đánh giá thế nào?
Thời kỳ tôi còn làm việc, qua nắm tình hình, tôi biết có khoảng hơn 1.000 đoàn đi công tác nước ngoài mỗi năm. Như thế đã là rất nhiều rồi, mới nghe ai cũng thấy “khiếp”. Với trách nhiệm giám sát của Uỷ ban Đối ngoại, chúng tôi đã mời các cơ quan hữu quan của Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể đến để trao đổi. Chúng tôi đã phân tích và có cách nhìn khách quan về việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài.
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
Trước phải khẳng định việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài có nhiều mặt tích cực như triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là muốn làm bạn với tất cả các nước. Chúng ta đã thực hiện khá tốt, giúp cho Việt Nam hội nhập sâu trong các hoạt động đa phương và song phương. Việc này làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết và đồng tình, ủng hộ các chủ trương của ta trong việc xây dựng và phát triển đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, qua đó “kéo” họ đến với Việt Nam, thu hút họ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, qua các chuyến thăm, đã học hỏi bạn được nhiều điều bổ ích để vận dụng vào công việc của ngành mình, địa phương mình. Câu nói của ông cha ta “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật là có ý nghĩa. Làm được như thế thì “đồng tiền bát gạo” bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng.
Bên cạnh đó, các chuyến thăm cũng còn những tồn tại như tuy đã có sự chỉ đạo trong việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài nhưng còn lỏng lẻo. Có ba đầu mối chỉ đạo về công việc này của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhưng phân công và phối hợp chưa chặt chẽ. Việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài của các địa phương, của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước) chưa có đầy đủ văn bản quy định của cấp có thẩm quyền nên trong hoạt động thực tiễn còn nhiều bất cập. Tình trạng nhiều đoàn đến thăm một nước, một địa phương hoặc một thành phố của bạn đều tìm hiểu những vấn đề giống nhau là khá phổ biến. Đoàn sau thường đặt các câu hỏi tương tự như Đoàn trước. Chính các bạn nước ngoài cũng phàn nàn về điều đó.
Ngoài ra, hiệu quả các chuyến đi chưa cao. Nhiều đoàn đi nghiên cứu về đều thấy kinh nghiệm của các nước về các lĩnh vực như quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng; về quản lý nhà nước; về xây dựng chính quyền địa phương; về giáo dục… Nhưng điều đáng tiếc là không ai đứng ra tổng kết những vấn đề đó và đề xuất một cách đầy đủ đến nơi đến chốn với cấp có thẩm quyền. Vì thế, những tồn tại của ta về các lĩnh vực ấy vẫn còn y nguyên. Đấy là sự lãng phí và làm cho các chuyến đi thăm trở nên vô bổ.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đó, theo tôi, ở đây có trách nhiệm của các đoàn công tác nhưng có lẽ cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền cũng chưa quan tâm, chưa đòi hỏi quyết liệt, vì vậy có nhiều chuyến đi kém hiệu quả. Tục ngữ ta có câu: “Một người lo bằng một kho người làm”. Có lẽ câu nói đó cũng đúng trong trường hợp này. Điều đó chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của cấp trên là rất quan trọng.
Con số đoàn đi công tác nước ngoài trong năm 2013 vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra khiến ông cảm thấy thế nào?
Video đang HOT
Tôi rất buồn vì những yếu kém trước đây không được khắc phục mà lại càng phát triển theo chiều hướng xấu. Bây giờ vấn đề này đã đến mức báo động, phải chấn chỉnh một cách quyết liệt.
Thực tế cho thấy, nhiều quan chức đi công tác nước ngoài chỉ là cái mốt và cũng vì khi nắm quyền cần ra oai với cấp dưới, bạn bè – rằng công việc của mình rất quan trọng, quan hệ quốc tế cũng tốt, chứ không hẳn đi vì công việc, thưa ông?
Trước hết, theo tôi không nên “vơ đũa cả nắm” mà phải nhìn nhận một cách khách quan về hiệu quả của các chuyến đi nước ngoài. Thực chất số người quan niệm đi nước ngoài là để oai – cái oai với cấp dưới là không nhiều. Tuy nhiên, tình trạng có nhiều đoàn đi mà không cần biết đoàn đi trước đã nghiên cứu được những gì. Đến lượt mình đi là cứ đi. Đó là chưa nói tới những mong muốn đằng sau của các chuyến đi.
Hàng năm các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh đều đưa ra văn bản quán triệt cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài. Thế nhưng như con số Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra cho thấy các yêu cầu đó chỉ là bệnh hình thức. Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng công chức vẫn “ùn ùn” xuất ngoại là do đâu?
Thực chất các văn bản pháp luật cũng chưa đủ độ và cũng do buông lỏng quản lý nên cán bộ đi công tác nước ngoài đã thành cái nết, nó như một cái mốt, bệnh kinh niên, nhiều người không đi không chịu nổi. Bây giờ chấn chỉnh lại khó lắm nên cần phải có thiết chế với “đôi bàn tay sắt” (quy định rất nghiêm minh) để khống chế hoạt động đối ngoại.
Còn thực tế ở nước ta đi nước ngoài hàng ngày được tính khoản công tác phí. Thu nhập ở khoản đó tuy không phải là quá lớn nhưng cũng tương đối. Do vậy, mới dẫn đến việc đi nước ngoài như việc giải quyết chính sách – người này được đi thì người kia cũng được đi. Và cũng do quản lý dễ dãi nên có người năm nào cũng đi và có những người đi nhiều hơn thế mà chưa hẳn đã là do công việc quá đòi hỏi.
Để chấn chỉnh những tồn tại trong việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài, theo ông cần phải làm gì?
Có mấy việc cần làm, nhưng trước tiên ba cơ quan phụ trách đối ngoại của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (Ban Đối ngoại của Đảng, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo, đưa ra các văn bản mang tính chỉ đạo. Tiếp đó, Chính phủ cần có một Nghị định về vấn đề này. Trong Nghị định cần quy định thẩm quyền của đoàn đi và đánh giá kết quả của mỗi đoàn. Vai trò của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là rất quan trọng. Phó Thủ tướng báo cáo, phát hiện như vậy là rất tốt nhưng hết năm 2014 mà tình trạng vẫn cứ như vậy thì phải chịu trách nhiệm. Việc này phải quy trách nhiệm rõ ràng, nếu không anh phải trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
"Không có cơ sở nói Quốc hội họp 1 ngày tốn 1 tỷ"
"Quốc hội được mượn hội trường Bộ Quốc phòng để họp, không tính phí, kể cả khâu phục vụ, chỉ phải chi phí ăn, ở cho đại biểu về họp. Không có cơ sở nói Quốc hội họp 1 ngày tốn 1 tỷ đồng" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Họp báo kết thúc kỳ họp thứ 6 chiều 29/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận yêu cầu xác minh thông tin về chi phí cho Quốc hội làm việc. Trong phiên thảo luật việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp này, có đại biểu Quốc hội đã phát biểu đây là lỳ họp kéo dài kỷ lục (40 ngày) mà chương trình "lỏng", có thể cắt giảm 5-6 ngày. Mỗi ngày QH làm việc tốn 1 tỷ đồng. Cần tiết kiệm trong chính việc họp Quốc hội".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, chương trình kỳ họp được xây dựng qua nhiều quy trình, được gửi đến tất cả các đoàn đại biểu, các đại biểu để xin ý kiến. Văn phòng Quốc hội sau đó mới tập hợp ý kiến để hoàn chỉnh đề cương báo cáo UB Thường vụ. Được Thường vụ chấp thuận, chương trình cũng phải được toàn thể Quốc hội biểu quyết một lần nữa tại phiên họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp, được thông qua mới tiến hành thực hiện.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định không thể bỏ nội dung nào trong chương trình nghị sự kỳ này. Kỳ họp thứ 6 kéo dài hơn vì có nội dung công tác nhân sự.
"Làm nhân sự phải chặt chẽ, cẩn trọng, đúng quy trình. Ví dụ, chỉ một đề xuất xin tăng số lượng Phó Thủ tướng trong Chính phủ cũng cần một ngày cho đại biểu thảo luận, không thể làm kiểu... gộp. Vì vậy, dù đại biểu mong muốn, UB Thường vụ cũng tìm hướng giảm thời lượng họp nhưng không được" - ông Phúc nêu vấn đề.
Về thông tin phải chi phí 1 tỷ đồng/ngày Quốc hội họp, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho là không có cơ sở. Ông Phúc phân tích, Quốc hội họp tại Hội trường Bộ Quốc phòng là địa điểm được cho mượn, không tính chi phí, kể cả vấn đề phục vụ của đội ngũ an ninh, hậu cần... Theo đó, vấn đề cần phải lo chỉ là chi phí ăn ở, đi lại cho đại biểu về họp như tiền khách sạn, xe đưa đón...
Phủ nhận con số 1 tỷ đồng nhưng người đứng đầu Văn phòng Quốc hội cũng không nêu ra một con số khác vì theo lý giải, kỳ họp này chưa kết toán và mỗi kỳ có số chi phí khác nhau.
Ngoài nội dung này, buổi họp báo kết thúc kỳ họp ghi nhận nhiều câu hỏi về vấn đề thông qua Hiến pháp sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi.
Về công tác chuẩn bị cho phiên biểu quyết thông qua Hiến pháp, còn đôi chút lăn tăn vì sự cấp gáp trong khâu cung cấp tài liệu bản dự thảo, báo cáo giải trình, tiếp thu sau cùng trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, công việc chuẩn bị để trình thông qua Hiến pháp là cả quá trình công phu, chặt chẽ. Gần 3 năm từ khi có bản dự thảo đầu tiên đến thời điểm này, UB Thường vụ đã cho ý kiến qua cả chục phiên họp, Quốc hội cũng thảo luận qua 3 kỳ. Kỳ họp này có 3 ngày dành riêng cho Hiến pháp (1 ngày thảo luận tại tổ, 1 ngày thảo luận hội trường, 1 ngày cho đại biểu nghiên cứu, ghi ý kiến về từng điều khoản, câu chữ cụ thể và viết phiếu xin ý kiến.
"Ban Biên tập phải rất gấp rút để tập hợp phiếu xin ý kiến này, hoàn chỉnh trình Quốc hội nên không có lý do gì khác về việc tài liệu đến chậm trễ là vì thời gian dành cho công việc rất gấp gáp" - ông Lưu nói.
Kết quả biểu quyết, theo ông Lưu, đã thể hiện sự đồng thuận cao. Còn 2 đại biểu không biết quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đó là quyền của đại biểu, UB Thường vụ cũng như UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không áp đặt bất cứ vấn đề gì.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu bình luận thêm: "Đúng là nội dung Hiến pháp còn điều này khoản kia có ý kiến khác nhau nhưng khi kết quả đã thể hiện nguyện vọng của đại đa số, 100% đại biểu tán thành Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp mới chứng tỏ ý thức trách nhiệm rất cao của mỗi đại biểu".
Về luật Đất đai, tham gia buổi họp báo, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trao đổi thêm về việc điều chỉnh lần chót Điều 62 quy định về thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội trong bản dự thảo trình Quốc hội thông qua. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã sửa tên điều khoản này theo hướng đảo nội dung "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội" lên vế trước, đưa cụm từ "vì lợi ích quốc gia, công cộng" xuống vế sau như một điều kiện ràng buộc.
"Quy định như vậy, tinh thần cơ bản vẫn giữ nguyên như trước nhưng điều luật chặt chẽ hơn. Điều đó có nghĩa, dự án phát phát triển nào mà vì lợi ích quốc gia, công cộng thì mới được thu hồi đất. Quy định như vậy để loại bỏ những dự án đơn thuần vì lợi ích nhà đầu tư thì không được áp dụng thu hồi đất" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ rõ.
Người đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định, vấn đề thu hồi đất sau này sẽ rất chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng tràn lan, phức tạp như vừa qua, vì yêu cầu phục vụ phát triển đã nảy sinh rất nhiều vấn đề, nảy sinh khiếu kiện lớn khi nhà nước thu hồi đất cho những dự án này.
P.Thảo
Theo Dantri
Không khôi phục hình thức tử hình bằng xử bắn Thông qua Nghi quyêt về "Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm" chiều nay, 27/11, Quốc hội thống nhất bác đề xuất bổ sung quy định tử hình bằng xử bắn, không đưa vào Nghị quyết. Trước khi các đại biểu biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo tiếp...