Bài học ‘thất thủ’ trước Covid-19 cho Nhà Trắng
Nếu muốn biết nCoV có thể lây lan và đe dọa Nhà Trắng ra sao, Trump chỉ cần nhấc điện thoại gọi cho Thủ tướng Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tận mắt chứng kiến sự nguy hiểm của nCoV, loại virus đáng sợ khiến ông phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực và khiến chính phủ của ông lao đao trong khoảng thời gian có thể được xem là tồi tệ nhất.
Quan chức cấp cao đầu tiên nhiễm nCoV ở Westminster được ghi nhận đầu tháng 3, khi Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries thông báo dương tính với virus và phải tự cách ly. Trước đó, bà Dorries đã tham dự buổi họp ở số 10 phố Downing, nhưng quan chức thân cận của Johnson một mực khẳng định Thủ tướng Anh không cần xét nghiệm, bởi ông không xuất hiện triệu chứng nhiễm virus.
Vài tuần sau đó, một số quan chức cốt cán trong nhóm ứng phó với Covid-19 của Anh dương tính với nCoV hoặc phải tự cách ly, trong đó có Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, Bộ trưởng Văn phòng Nội các AnhMichael Gove, cố vấn y tế chính phủChris Whitty, cố vấn cấp cao Dominic Cummings, cố vấn an ninh quốc gia Mark Sedwill. Ngoài ra, Carrie Symonds, hôn thê của Thủ tướng Johnson cũng xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing, hôm 10/5. Ảnh: AP.
Dù không ai khẳng định những ca nhiễm này liên quan trực tiếp tới Thứ trưởng Y tế Dorries, cách hành xử của chính phủ Anh vào thời điểm đó đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc tuân thủ quy tắc cách biệt cộng đồng của những người xung quanh Thủ tướng Johnson, cũng như Covid-19 đã bùng phát ở Westminster nghiêm trọng như thế nào.
Nhà Trắng cũng đang đối mặt với những câu hỏi tương tự sau khi một cần vụ của Tổng thống Trump và thư ký báo chí của Phó tổng thống Mike Pence nhiễm nCoV tuần trước. Mặc dù nCoV đã len lỏi tới Cánh Tây Nhà Trắng, Trump vẫn tiếp tục kêu gọi các bang mở cửa kinh tế, trong khi Pence một mực khẳng định ông có thể tiếp tục làm việc.
Nhiều quan chức Phố Downing tiết lộ hồi đầu tháng 3, nhóm cố vấn của Thủ tướng Johnson vẫn xem Covid-19 là vấn đề xảy ra ở nước ngoài và dường như không tin nó có thể tấn công Anh, chứ chưa nói tới cơ quan đầu não của chính phủ.
“Họ xem đó là một mối đe dọa xa vời, là vấn đề của Trung Quốc. Họ không nghĩ nó sẽ tấn công nước Anh, chứ chưa nói tới khả năng tấn công họ”, một quan chức ở phố Downing cho hay.
Những người khác phàn nàn ngay cả khi giảm bớt số lượng nhân viên làm việc tại số 10 phố Downing từ khoảng 250 xuống còn 70, nguyên tắc cách biệt cộng đồng vẫn không thể được tuân thủ. Họ lo ngại rằng những cố vấn chính trị của Thủ tướng Johnson có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của các công chức khác.
Video đang HOT
Phố Downing đã kịch liệt bác bỏ tuyên bố này và cho biết họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn y tế và khoa học. Nhưng có vẻ vài trường hợp lây nhiễm nCoV giữa các quan chức chính phủ Anh đã xuất hiện. Thủ tướng Johnson đã nhiễm nCoV và phải nhập viện, đồng thời phải chỉ định Ngoại trưởng Dominic Raab làm người thay thế ông trong thời gian điều trị Covid-19.
Nhiều chuyên gia cho biết câu chuyện của Thủ tướng Johnson chính là “bài học nhãn tiền” cho Trump và Pence rằng nếu bạn không khỏe, bạn không thể chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng.
Dominic Raab là người điều hành chính phủ khi Thủ tướng Jonhson điều trị Covid-19, nhưng rõ ràng Ngoại trưởng Anh không thể có đầy đủ thẩm quyền để đưa ra những quyết định quan trọng nhất, theo Rob Ford, giáo sư về chính trị học tại Đại học Manchester, Anh.
“Những vấn đề mà nội các thường thảo luận về cơ bản đã bị ‘đóng băng’ trong một tháng cho tới khi Thủ tướng Johnson trở lại làm việc”, Ford nói.
Điều này tạo ra khoảng trống quyền lực ở cơ quan đầu não của chính phủ. Hầu như các báo cáo hàng ngày trên các phương tiện truyền thông về những rạn nứt giữa cấp dưới của Johnson đã khiến cho hệ thống chính trị của quốc gia này như “rắn mất đầu”. Bất kỳ ảo tưởng ban đầu nào về việc virus không thể tấn công lãnh đạo chính phủ đều vỡ tan và Anh đã mất một tháng vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng.
Khi Thủ tướng Johnson bình phục, những sự cảm thông giờ chuyển thành phẫn nộ và nhiều nhà phê bình đã chỉ ra những sai lầm của chính phủ. Nhiều người ở Anh liên tục cáo buộc chính phủ đánh giá thấp mối nguy hiểm của đại dịch lúc ban đầu. Ngày 3/3, Thủ tướng Johnson nói rằng ông vẫn bắt tay mọi người, gồm cả những bệnh nhân Covid-19 mà ông gặp trong phòng bệnh.
Những tuần sau đó, chính phủ bị cáo buộc vô trách nhiệm khi chậm phong tỏa đất nước và không thực hiện xét nghiệm rộng khắp. Trọng tâm của những chỉ trích này đơn giản là chính phủ Anh đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Và số người chết vì nCoV cao nhất châu Âu, hơn 32.000 người, chính là cái giá Anh phải trả cho sai lầm này.
Bài học ở đây rất rõ ràng với Trump, người dành phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình để tập trung vào nền kinh tế và bị chỉ trích đặt lợi ích kinh tế trên mạng người, ngay cả khi Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới về số ca tử vong với gần 82.000 người.
Trump đã bị cáo buộc gửi đi những thông điệp gây hoang mang về nhiều vấn đề, từ khẩu trang cho tới những tuyên bố chưa được kiểm chứng về loại thuốc mọi người nên sử dụng. Cũng như Johnson, chỉ trích lớn nhất mà Trump phải đối mặt là chính phủ đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Ảnh: NYTimes.
“Nó có thể tạo ra một vấn đề lớn đối với công việc của họ trong tương lai. Nếu công chúng nghĩ lãnh đạo của họ hành xử vô trách nhiệm khi chậm phong tỏa lúc ban đầu, tại sao họ phải tiếp tục tin tưởng vào các biện pháp nới hạn chế? Vì việc cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cho người dân và sự cần thiết để mở cửa kinh tế rất khó thực hiện, niềm tin của công chúng đối với các thông điệp của chính phủ vào lúc này quan trọng hơn bất kỳ thời điểm nào”, Ford cho hay.
Chính phủ Anh vẫn đang cố gắng lấy lại một tháng họ đã bỏ lỡ trong cuộc chiến chống Covid-19 khi Johnson bị ốm. Giáo sư Ford nhận định nếu kịch bản “thất thủ” tương tự xảy ra ở Nhà Trắng, hậu quả mà Mỹ phải gánh thậm chí sẽ tồi tệ hơn nhiều.
“Nhìn vào độ tuổi của những lãnh đạo hàng đầu ở Mỹ, việc nCoV tấn công sẽ gây bất lợi lớn bởi chúng ta đều rõ nhóm người nào dễ gặp nguy hiểm nhất. Khả năng hỗn loạn xảy ra là rất rõ ràng nếu bạn nhìn thứ tự kế nhiệm tổng thống của Mỹ, vai trò lãnh đạo sẽ không mất nhiều thời gian để được chuyển giao tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi”, Ford cho hay.
Hiến pháp Mỹ quy định trong trường hợp tổng thống mất khả năng lãnh đạo, qua đời, từ chức hay bị bãi nhiệm, quyền lãnh đạo đất nước sẽ được chuyển cho phó tổng thống. Trong trường hợp cả tổng thống lẫn phó tổng thống đều bị nhiễm nCoV và không thể lãnh đạo đất nước, vị trí này sẽ được chuyển cho chủ tịch Hạ viện.
Theo bình luận viên Luke McGee của CNN, dù kịch bản này vẫn khá xa vời đối với Trump và Pence, họ cũng nên quan sát những gì đã xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương trước khi tiếp tục mọi việc như thể chưa có gì xảy ra. Thủ tướng Anh Johnson đã rút ra được một bài học đắt giá rằng cách tiếp cận khác người với Covid-19, thách thức lớn nhất với bất cứ chính trị gia nào sau Thế chiến II, đều có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
E ngại Covid-19 bùng phát, nhiều nước thận trọng khi mở cửa trở lại
Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine khống chế Covid-19, việc các nước thận trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế là điều nên làm.
Thận trọng khi mở cửa nền kinh tế và từ từ nới lỏng các biện pháp hạn chế được nhiều nước trên thế giới lựa chọn vào lúc này trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 dường như đang quay trở lại tại một số quốc gia, từng được xem là hình mẫu về khống chế dịch bệnh như Hàn Quốc. Anh, Iran , Tây Ban Nha là một trong số ví dụ như vậy.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân lên xe cứu thương tại khu Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP.
Theo kế hoạch, Chính phủ Anh ngày 11/5 sẽ phải công bố kế hoạch giảm phong tỏa dịch Covid-19, vốn đã được áp dụng tại Anh hơn 7 tuần qua. Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo một kế hoạch mà ông gọi là "kế hoạch có điều kiện".
Theo đó, lệnh phong tỏa ở Anh sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới. Người dân Anh dù được phép dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn song cần tránh các phương tiện giao thông công cộng.
Theo quan điểm của Thủ tướng Anh, tuần này chưa phải là lúc dễ dàng để chấm dứt phong tỏa. Sẽ là "dại dột" khi uổng phí những hy sinh mà người dân đã bỏ ra kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa.
"Thật là dại dột khi ném đi tất cả những thành quả đã có được và cho phép dịch bùng phát trở lại lần 2. Chúng ta cần phải cực kỳ thận trọng. Cần tiếp tục kiểm soát virus và bảo vệ sức khỏe tính mạng cho mọi người", ông Johnson nói.
Tâm lý e ngại và thận trọng cũng là giải pháp được Chính phủ Tây Ban Nha xác định rõ vào lúc này dù các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha đã có xu hướng giảm bớt trong những ngày qua.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong một tuyên bố trước báo giới hôm qua đã cảnh báo rằng, dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn. Tây Ban Nha "đã lấy lại được 99% lãnh thổ đã bị virus SARS-CoV-2 chiếm cứ". Tuy nhiên, người dân Tây Ban Nha vẫn phải giữ thái độ thận trọng và phòng ngừa dịch ở mức cao nhất bởi virus vẫn còn đó, chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nghiêm trọng hơn, giới chức Iran ngày 10/5 đã cảnh báo nguy cơ về làn sóng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thứ 2 ở nước này sau khi ghi nhận thêm 51 ca tử vong sau gần một tháng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Y tế Iran cảnh báo tình hình dịch Covid-19 ở nước này vẫn chưa được kiểm soát, trong đó tại tỉnh Khuzestan và thủ đô Tehran là "rất nghiêm trọng". Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran, cả hai địa phương này đều duy trì cảnh báo đỏ - mức cao nhất trong thang cảnh báo các nguy cơ của dịch Covid-19 ở Iran.
Phản ứng thận trọng của các quốc gia là có cơ sở khi mà nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần 2 dường như đã hiện hữu tại một số quốc gia, từng được xem là hình mẫu về khống chế dịch bệnh trong đó có Hàn Quốc.
Từng được đánh giá là quốc gia xử lý tốt các ca lây nhiễm vào thời điểm dịch bùng phát mạnh vài tháng trước song Chính phủ Hàn Quốc cuối tuần qua đã buộc phải đóng cửa hoạt động trở lại đối với các quán bar và câu lạc bộ ở nước này sau khi xuất hiện một loạt các ca lây nhiễm mới bắt nguồn từ chính các điểm kinh doanh này.
Thủ tướng Hàn Quốc hôm nay cảnh báo sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nếu các khách hàng tại các câu lạc bộ và quán bar ở quận Itaewon khu vực vừa bùng phát ổ dịch mới , không chịu hợp tác xét nghiệm.
Theo nhiều người dân Hàn Quốc, chủ quan chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trở lại:
"Mọi người đểu cảm thấy thư giãn khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát ở các câu lạc bộ Itaewon, tôi cho rằng, chúng ta không nên dễ dãi vì chúng ta không biết được khi nào và ở đâu, virus SARS-Cov-2 lại lan rộng".
"Số ca mắc Covid-19 đã giảm do nỗ lực của mọi người và các nhân viên y tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát tại câu lạc bộ khiến tôi rất sợ hãi và thất vọng khi có những người đến các địa điểm tập trung đông người mà không hề thận trọng".
Gần giống với trường hợp của Hàn Quốc, sau khi giảm bớt các biện pháp phong tỏa, số ca mắc Covid-19 ở Đức đang có xu hướng tăng trở lại. Theo số liệu của Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI), Đức công bố ngày 10/5 tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã tăng lên mức 1,1 - nghĩa là 10 người nhiễm Covid-19 sẽ lây trung bình cho 11 người khác. Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch cho rằng, hiện quá sớm để rút ra kết luận nhưng cần giám sát hết sức chặt chẽ về số lượng ca nhiễm mới trong những ngày tới.
Đại dịch COVID-19 ngày 11/5: Anh kéo dài lệnh phong tỏa tới 1/6 Phó Tổng thống Mỹ phải tự cách ly trong khi Anh quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tới 1/6. Anh kéo dài lệnh phong tỏa tới 1/6 Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/5 thông báo kéo dài lệnh phong tỏa được áp đặt tại nước này cách đây 7 tuần tới ngày 1/6. Anh sẽ kéo dài phong tỏa tới 1/6....