Bagan hơi thở ngàn năm
Mở mắt choàng dậy sau hành trình dài xuyên đêm trên xe buýt liên vận từ bến xe Yangon (Myanmar), tôi ngỡ ngàng thấy bình minh màu hồng đang bám theo bên ngoài ô kính.
Chuyến xe đang tiến vào cánh đồng cổ Bagan. Những hàng cây thốt nốt đen thẫm yên ắng trên thảm cỏ dày đặc sương đêm. Giây phút ảo ảnh huyền hoặc khi Mặt trời chiếu ánh dương đầu tiên qua màn sương mỏng trên rừng đền tháp ngàn tuổi sắp hiện ra.
Chúng tôi xuống xe, thu xếp hành lý và chạy như bay về miền đất cổ, vội vàng như thể sợ ánh mắt mình bỏ lỡ một khung hình nào đó trong số hàng ngàn khung hình trĩu màu cổ đại đang lướt qua Bagan mỗi ngày.
Tôi tin rằng, nhiều người cũng sẽ như tôi, đứng trên cánh đồng ngàn đền tháp Bagan ở vùng Madalay, Myanmar sẽ có cảm giác nơi này hình như bị thế giới bỏ quên quá lâu rồi. Trên một cánh đồng phù sa cổ ven sông Ayearwady rộng 15 km2 còn nguyên dạng trên 3.500 ngôi đền, tháp Phật giáo.
Bagan có nhiều ngày nhiệt độ lên trên 40 độ C
Người Myanmar tin rằng, phần lớn các đền tháp này được xây dựng từ khi Đức Phật còn tại vị, tức là hơn 2.000 năm trước. Phần còn lại có chứng tích lý lịch khảo cổ niên đại thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, khi đế chế Bagan sùng đạo hùng mạnh thống trị nơi này.
Không khí linh thiêng và tư thế tôn kính Phật đến mức tự nhiên – nhi nhiên, như cơm ăn nước uống của người Myanmar khiến Bagan dường như nguyên vẹn từ khởi thủy đến nay, chưa từng bị pha tạp.
Thảng hoặc trên cánh đồng khô khốc và quẩn bụi đỏ mù mịt sau dấu bánh xe ngựa của khách du lịch, có những nông dân đang trồng hoa màu và chăn bò. Những khuôn mặt hiền lành, rám nắng, ám bụi nâu và lấp lánh bột nhựa cây thanaka không làm đau một con kiến đúng nghĩa.
Gần như toàn bộ dân Myanmar theo đạo Phật và họ hạn chế sát sinh, sống thanh bần và an tại.
Ánh nắng là tài sản vô giá của Bagan khi buổi bình minh và hoàng hôn ở Bagan được truyền tụng là đẹp nhất thế giới
Ở đây, màu của thời gian chưa từng phai nhạt, niềm tin cũng chưa từng bị lu mờ, thậm chí là Bagan tồn tại hiện nay với vai trò là một khu vực khảo cổ lịch sử Phật giáo cũng mới chỉ được UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới tháng 7/2019 sau 25 năm miệt mài đề cử, tức là chỉ vài tháng trước khi tôi đặt chân tới đây.
Video đang HOT
Đành rằng Myanmar đang là một trong số các quốc gia kém phát triển, nghèo nhất thế giới, nhưng có thể chính họ đang là những người giàu có nhất thế giới, vì họ sở hữu đức tin – thứ đắt đỏ nhất trong thế giới chúng ta.
Gương mặt Myanmar đương đại
Người Myanmar tự tạo tác ra thứ tài sản vô giá đó trong cuộc sống an lạc của họ, đồng thời sinh ra một loại năng lượng như cái rốn nam châm hút thế giới tiến về phía họ. Nó khiến cho tôi và vô số những kẻ thích đi trên thế giới, chăm chú theo dõi những thước phim nhật ký du lịch (travel vlog) của du khách khắp nơi mang về từ Myanmar đăng trên youtube mỗi ngày mà quyết tâm phải tới được Bagan.
Trũng sâu sau nhiều thế kỷ mờ mịt thông tin, đóng cửa với thế giới do những bất ổn nội bộ, Myammar mới đang chỉ ở mức dè dặt tiếp nhận khách lạ. Thậm chí, vì sợ mất thiện cảm với du khách, gần đây họ mới ban hành lệnh cấm du khách trèo lên các ngọn tháp để ngắm nhìn bình minh lên và hoàng hôn xuống.
Đáng lẽ ra, việc leo lên cao phải tuyệt đối không được phép khi các ngọn tháp ngàn năm tuổi đều có thờ Phật ở bên trong và tượng Phật nhỏ thì ngự trong các khán thờ âm tường xung quanh.
Trên đất nước Myanmar, bước vào bất cứ ngôi đền chùa tháp nào, bạn cũng phải bỏ giày dép, cởi cả tất để bên ngoài, chỉ được phép đi chân trần. Một người dân bất kỳ nào cũng sẵn sàng ngăn cản nếu bạn có ý định vào các cơ sở thờ tự của họ mà không mặc kín đáo che cơ thể của mình. Các đền tháp ở đây là nơi thực hành tôn giáo, không phải là phế tích. Bagan đang thở mỗi ngày bằng cơ thể ngàn năm tuổi của mình. Người Myanmar giữ phép tắc của họ dù khách du lịch đã trả một khoản phí không nhỏ để được phép tham quan.
Ngọn tháp Stupa trong ngôi đền duyên dáng nhất Bagan có tên Ananda
Các ngôi đền Phật giáo ở đây nhuốm màu huyền hoặc còn bởi lẽ mỗi ngôi đền lại có một câu chuyện riêng kỳ thú được trao truyền hàng ngàn thế hệ.
Hầu như các tháp dạng stupa (phù đồ) hình bát úp được xem là chứa xá lợi Phật đều được dát vàng, khối tượng tính bằng tấn. Myanmar có riêng các khu vực khai thác vàng sa khoáng trên các dòng sông phù sa cổ và kèm theo đó là nghề thủ công dát mỏng những lá vàng phục vụ các tín đồ cúng dường bằng cách đắp lên tượng Phật và phù đồ.
Những bức tượng có thể đong đếm được sự linh thiêng khi các lá vàng được dát lên nhiều tới mức không còn hình dạng ban đầu. Từ xa trên các con đường ngập tràn màu bụi đỏ và ánh tà dương, những tháp vàng lóa mắt như hào quang nhiệm màu, lẫn lộn trong giây phút không rõ chỉ là khúc xạ ánh sáng hay ta may mắn bắt gặp ánh từ quang.
Người dân Myanmar sử dụng bột gỗ mài từ cây thanaka bôi lên mặt để trang điểm và làm mát
Món ăn truyền thống của người dân Myanmar từ bột gạo làm thành sợi mỳ, nhà ở ghép bằng các tấm đan tre nứa và sự lộng lẫy quyền quý nhất chỉ có ở các ngôi đền.
Du khách lắng nghe và tìm hiểu huyền tích về việc xây dựng những ngôi đền Phật giáo có cảm giác tương sinh giữa đau thương và phấn chấn khi thấy một phần của lịch sử đẫm máu trong suốt nhiều thế kỷ tranh giành quyền lực, chiếm giữ vật chất, sự sám hối và nương tựa vào đạo Phật vẫn còn trong các phiến đất nung xây đền, những hành lang đá lát mòn ngàn triệu bước chân. Khi vào đền, người ta luôn đi bên trái, để những pho tượng Phật luôn ở trên vai phải của mình.
Kiến trúc đặc sắc niên đại thế kỷ 11 tại Bagan
Trong các khu đền tháp, chim chóc, dơi chuột làm tổ trên các pho đại tượng Phật, chó và mèo hoang vô cùng nhiều. Bóng dáng đâu đó của một miền đất cộng sinh muôn loài mà các tín đồ Phật giáo từng mong mỏi hiện hữu ở nơi này. Dù chỉ thoáng qua thôi cũng đủ làm du khách sững sờ, nhớ mãi một hành trình lưu vết đến khó quên trên miền đất Phật.
Theo dõi những thước phim nhật ký du lịch của du khách khắp nơi mang về từ Myanmar đăng trên youtube mỗi ngày, tôi quyết tâm phải tới được Bagan.
Bài và ảnh: Trương Thị
Báo Đầu tư Bất động sản Tết Canh Tý
Theo bds.tinnhanhchungkhoan.vn
"Giải mã" hệ thống lọc nước bằng cá chép của người Nhật khiến cả thế giới thán phục
Kabata chính là đỉnh cao của cách khai thác bền vững nguồn nước ngọt của người Nhật xưa.Trong hệ thống này, không có chất bẩn, không có hóa chất tẩy rửa mà chỉ còn lại những chú cá chép béo mập.
Ở Nhật Bản, khoảng 1/3 lượng nước ngọt đều đi đến những cánh đồng lúa. Đối với một quốc đảo thì nước ngọt là một nguồn tài nguyên thực sự rất quý giá. Thậm chí, ngay từ thời xa xưa, người dân ở xứ sở Hoa anh đào đã ý thức được điều này và hệ thống lọc nước cổ có tên Kabata chính là đỉnh cao của cách khai thác bền vững nguồn nước ngọt của người Nhật xưa.
Nhắc đến hệ thống lọc nước Kabata, thì ví dụ điển hình nhất ở thời điểm hiện tại chính là làng Harie, một ngôi làng nhỏ nằm ở rìa vùng bãi bồi cạnh hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, thuộc tỉnh Shigai.
Ở ngôi làng này, nguồn nước từ thượng nguồn sẽ được dẫn vào trong một hệ thống kênh mương liên kết với nhau tỏa rộng ra khu dân cư, đây chính là một phần của hệ thống Kabata đã được nhắc đến ở đầu bài. Nhờ có hệ thống kênh mương, nước sẽ được dẫn vào từng ngôi nhà, mà cụ thể hơn là một căn phòng riêng biệt trong ngôi nhà (cũng là một phần của hệ thống Kabata), chuyên dành cho việc rửa thực phẩm cũng như bát đũa sau khi ăn xong.
Nguồn nước ở trong căn phòng này sẽ được phân tầng theo cấp độ sạch. Cụ thể, nước chảy ra từ ống xuống chậu rửa nhỏ bằng đá sẽ là tinh khiết nhất; khi chậu rửa nhỏ đầy nước, nó sẽ tràn xuống bồn rửa lớn phía dưới chiếm khoảng 1/2 hoặc 1/3 diện tích căn phòng cũng là nơi chứa nước ít sạch nhất. Dựa theo độ sạch thì mục đích sử dụng của các tầng nước cũng rất khác nhau. Cụ thể, nước ở vòi sẽ dùng cho việc ăn uống; nước trong bồn nhỏ dùng để làm mát, rửa rau củ, vo gạo và tráng bát đĩa đã rửa; nước ở bồn rửa lớn sẽ dùng để rửa lượt đầu các loại bát đĩa, cùng các dụng cụ nhiều chất bẩn hơn. Bên cạnh đó, vì nước trong hệ thống Kabata luôn giữ ở nhiệt độ 13-15 độ C quanh năm, nên nó cũng được người dân tận dụng để làm mát và bảo quản thực phẩm vào mùa Hè
Nhẽ ra việc người dân thường xuyên rửa ráy ở nguồn nước này sẽ khiến nó bị vấy bẩn. Nhưng không! Nước trong hệ thống Kabata lại luôn ở tình trạng trong vắt và đây cũng chính là điểm đặc biệt của hệ thống này.
Bên cạnh lý do dòng nước chảy liên tục, thì yếu tố chủ chốt góp phần giữ nguồn nước luôn sạch chính là đội quân dọn vệ sinh đặc biệt: Cá chép. Theo đó, những chú cá chép được nuôi ngay trong bồn nước lớn của mỗi nhà, khi chủ nhân rửa đồ chúng sẽ tập trung đến và ăn sạch những vụn thức ăn thừa rơi xuống đáy. Nhờ vào giải pháp này, những chú cá chép vừa có đồ ăn, mà nguồn nước luôn được giữ sạch. Như vậy, trong hệ thống Kabata không có chất bẩn, không có hóa chất tẩy rửa mà chỉ còn lại những chú cá chép béo mập.
Tiếp theo mạch chảy của hệ thống Kabata, nước từ bồn chứa lớn sẽ hòa vào hệ thống kênh rạch và điểm đến cuối cùng sẽ là những ruộng lúa, một phần được đổ vào hồ Biwa, nước lúc này vẫn trong tình trạng rất sạch. Có thể nói với Kabata, tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích.
Minh Nhật
Theo dantri.com.vn/NG; Researchgate
Khám phá Ngôi chùa Cổ lưu giữ 4 báu vật của Phật giáo tại đất nước Myanmar Chùa Shwedagon nằm trên đỉnh đồi Singuttara, ở thành phố Yangon, Myanmar. Còn được gọi là chùa vàng, ngôi chùa có niên đại 2.500 năm được rát vàng tỉ mỉ, trang trí kim cương và đá quý cùng ngọn bảo tháp cao nhất với độ cao gần 100 met. Ở bất cứ đâu của Yangon du khách đều có thể nhìn thấy công...