Bác sĩ về hưu: ‘Sẵn sàng ra trận’
Cầm tờ tuyên truyền phòng dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên, 64 tuổi, nghỉ hưu 10 năm nay, đến từng nhà trong phường Liên Mạc phát cho các gia đình.
“Từ khi có dịch, ngày nào tôi cũng đi phát tờ rơi như vậy”, bà Khuyên nói.
Những người dân tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, trở nên quen thuộc với tiếng gõ cửa và nụ cười của bà Khuyên mỗi sáng. Nhờ bà, họ được tiếp nhận thêm một “phương thức truyền thông” về dịch bệnh, bên cạnh loa phường và tin tức báo chí. Đến nhà ai, bà cũng hướng dẫn tỉ mỉ cách đeo khẩu trang, quy trình rửa tay, rồi khuyên mọi người hạn chế tụ họp nơi đông người, che miệng khi ho, hắt hơi…
Nữ bác sĩ chia sẻ: “Tôi có kiến thức, có sức khỏe, có thời gian, có cơ hội để tuyên truyền, thì không có lý do gì tôi đứng ngoài cuộc chiến này”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên đã về hưu được gần 10 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh
Bà Khuyên nguyên là trạm trưởng trạm y tế xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Bà cùng 280 y bác sĩ về hưu khác trên địa bàn thành phố đang xung phong chống dịch. Bà đã nghĩ đến phương án có thể phải cách ly, xa gia đình, nhưng “tôi không sợ”. Ngược lại, bà vui vì mọi người đều ủng hộ công việc của mình. Từng là bác sĩ, bà Khuyên hiểu rõ mức độ nguy hiểm của Covid-19.
“Giúp được việc gì, tôi sẵn sàng giúp. Trước hết tôi tuyên truyền, về sau có thể sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân. Tôi cũng sẵn sàng đi xa nếu như có lệnh điều động”, bà nói.
Những ngày đầu dịch, có một nhân viên khách sạn bị cách ly, người dân không biết ùn ùn kéo đến xem. Bà phải chạy lại nhắc nhở họ tránh tụ tập nơi đông người. Từ đó, đi đến đâu, gặp ai, bà đều tuyên truyền bằng miệng, bằng tờ rơi.
Lớp tập yoga gồm hơn 20 thành viên nghe lời khuyên của bà phải tạm ngưng. Dịp 8/3 trước đây có liên hoan văn nghệ, nay ngừng tổ chức. Do dịch bệnh, bà Khuyên cùng tổ dân phố cất công đến từng gia đình có đám cưới, khuyên răn họ “chỉ nên đăng ký kết hôn, không nên tổ chức ăn uống”. Phường Liên Mạc đến nay đã hoãn 3 đám cưới.
“Tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ mọi người không biết cách phòng bệnh rồi để lây nhiễm ra cộng đồng”, bà chia sẻ.
Có kinh nghiệm chống SARS, giờ sẵn sàng chống Covid-19
Cũng như bà Khuyên, ông Đặng Minh Vụ là bác sĩ về hưu 5 năm nay, vẫn “hừng hực khí thế”. Ông nguyên là cán bộ y tế phường Đông Ngạc.
Đã ngoài 70 tuổi, bị cao huyết áp, ông Vụ hiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn người bình thường. Song, ông nói: “Tôi rất vững vàng, bởi từng có kinh nghiệm tham gia chống dịch SARS”.
Ông xác định là công dân thì phải có trách nhiệm với công tác phòng chống dịch cả nước.
Bác sĩ Đặng Minh Vụ, cán bộ y tế phường Đông Ngạc, về hưu được 5 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh
Video đang HOT
Bác sĩ Vụ kể, thời dịch SARS, phường Đông Ngạc không có bệnh nhân, chỉ có 2 người tiếp xúc gần (F1) và các bệnh nhân tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2, F3), tất cả được cách ly tại nhà. Bác sĩ Vụ phải đến từng nhà người bệnh, làm công tác đo thân nhiệt, đo huyết áp mỗi ngày hai lần, cùng với đó là tuyên truyền, động viên, xem trong gia đình có ai biểu hiện nhiễm bệnh không để xử lý kịp thời. Các bệnh nhân đều được cách ly 14 ngày.
“Cách phòng chống dịch SARS và Covid-19 về cơ bản giống nhau, song Covid-19 có tính chất mạnh hơn dịch SARS”, ông phân tích. “Mình được học về y khoa nhiều hơn, lại có kinh nghiệm chống dịch SARS trước rồi thì giờ mình phải lao vào”.
Quê cách nhà 30 km, mỗi lần về ông đều tuyên truyền cho gia đình, không tụ tập đông người, sau khi sử dụng khẩu trang không được vứt bừa bãi…
Theo ông Vụ, với cán bộ y tế nghỉ hưu thì công tác tuyên truyền quan trọng và phù hợp. Trong trường hợp số người nhiễm nCoV quá nhiều, các y bác sĩ nghỉ hưu sẽ trực tiếp tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân. Ông cũng xác định sẽ có thể phải cách ly 14 ngày, 20 ngày, thậm chí hơn nữa… nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng được điều động tham gia.
“Không chỉ ban ngày mà làm ngoài giờ, ban đêm… tôi cũng sẵn sàng. Mong sao phường Đông Ngạc cũng như quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hay cả đất nước sớm khống chế được đại dịch”, bác sĩ về hưu chia sẻ.
Chống dịch cho cộng đồng cũng là bảo vệ mình
Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại, 68 tuổi, cũng là một trong 280 bác sĩ về hưu tham gia chống dịch Covid-19. Về hưu được 25 năm, hiện bà Lại là chủ nhiệm câu lạc bộ thể dục thể thao dưỡng sinh. Biết tin sắp có tập huấn để điều động tham gia đội chống dịch, bà háo hức, song không quên chuẩn bị chu đáo về sức khỏe.
Các thành viên trong câu lạc bộ hiện vẫn tập luyện cùng nhau, song bà tuyên truyền mọi người đeo khẩu trang mỗi buổi tập, đứng cách nhau 1,5 mét, không nói chuyện.
“Lúc đầu đeo khẩu trang y tế khó chịu, tôi nghĩ cách để mọi người chuyển sang đeo khẩu trang vải thì thấy dễ chịu hơn hẳn”, bà nói. Hơn một tuần này dịch bùng phát, câu lạc bộ nghỉ, thành viên tự tập tại nhà.
Mỗi sáng tại ban công, bà Lại thức dậy, bắt đầu 11 bài tập bài dưỡng sinh trong vòng 45 phút. “Tôi rất yêu nghề y nên muốn tham gia chống dịch, mà muốn chống dịch tốt thì phải có sức khỏe”, bà nói.
Ngoài tập dưỡng sinh, trong sinh hoạt, bà giữ gìn sức khỏe bằng việc giữ ấm cổ, uống nhiều nước, ăn uống điều độ, đặc biệt tăng cường vitamin C để nâng cao sức đề kháng.
Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại đã về hưu được 25 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh
Ông Đoàn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch UBND phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, rất cảm ơn đội ngũ y bác sĩ về hưu sẵn sàng tham gia chống dịch. Ông cho biết UBND sẽ phối hợp với Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm tiến hành mời y bác sĩ, y tá nghỉ hưu để tiến hành tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn tuyên truyền phòng dịch cho các cựu y bác sĩ.
Bản nhạc “ Việt Nam ơi” vang lên, bà Lại múa theo. Bộ quần áo đỏ, khuôn mặt hồng hào, nụ cười rạng rỡ, bà vừa múa vừa hát: “Đất nước Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh”.
Thúy Quỳnh
Nữ bác sĩ giấu bố sang Vũ Hán đón 30 công dân Việt Nam
Sợ bố quá lo lắng, nữ bác sĩ BV Phụ sản Trung ương đã giấu bố, cùng đoàn công tác sang Vũ Hán để đón 30 công dân về nước.
Nữ bác sĩ N.T.H.P., 31 tuổi, công tác tại khoa Phụ ngoại và Kế hoạch tổng hợp, BV Phụ sản Trung ương cùng với 1 bác sĩ phó khoa Cấp cứu, 1 điều dưỡng BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là 3 nhân viên y tế có mặt trên chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc về nước ngày 10/2.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, toàn bộ 30 công dân và đoàn công tác đang được cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 trong vòng 14 ngày.
Giấu bố làm nhiệm vụ quốc gia
Chị P. chia sẻ, khi được giao nhiệm vụ cùng đoàn đón công dân tại Vũ Hán, chị khá bất ngờ và lo lắng vì Vũ Hán đang là tâm dịch viêm phổi cấp do virus corona mới của thế giới.
Chị được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho một thai phụ đang mang thai 36 tuần, có thể sinh bất cứ lúc nào.
BS Phương kiểm tra sức khoẻ thai phụ trên chuyến bay
"Khi biết tôi nhận nhiệm vụ, mọi người trong gia đình rất lo lắng nhưng cả nhà đều bảo nhiệm vụ được giao rồi thì phải cố gắng hoàn thành. Cả gia đình cùng chuẩn bị đồ cho tôi mang theo trong quá trình cách ly, đặc biệt em gái tôi là bác sĩ nhi khoa ngày nào cũng gửi các thông tin về cách phòng lây nhiễm vì sợ chị quên hoặc không đủ thông tin", bác sĩ P. chia sẻ.
Tuy nhiên, đến nay bố là người duy nhất không biết chị P. tham gia chuyến công tác này. Chị giải thích: "Vì sợ bố quá lo lắng, không cho con đi".
Chị P. chia sẻ, ban đầu chị lo lắng thật sự vì đây là nhiệm vụ quốc gia. Dù được lãnh đạo bệnh viện động viên nhưng chị chưa hình dung khi về sẽ phải cách ly như thế nào và có xoay trở kịp với các tình huống trên máy bay hay không.
Tất cả thông tin ban đầu chị biết là có một thai phụ khoảng 8 tháng trong số 30 công dân về nước, ngoài ra không có thông tin gì thêm.
"Tôi đã nghĩ trong đầu tất cả các kịch bản như thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay; hay bị tiền sản giật, sản giật; hay bị rau tiền đạo ra máu; bị dọa đẻ non", chị P. nhớ lại.
Sau khi được tham gia các cuộc họp với đoàn công tác, biết rõ lịch trình, công tác sàng lọc, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ... chị P. đã yên tâm hơn rất nhiều vì mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, chị đã tự lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý khi xảy ra các kịch bản.
Trước ngày lên đường, bác sĩ P. liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm qua mail.
"Thai phụ chia sẻ, do dịch viêm phổi cấp nên 1 tháng nay cô ấy không đi khám thai nên không biết tình trạng của cả mẹ và con hiện tại như nào", bác sĩ Phương kể lại.
Chuyến công tác đặc biệt trong 8 giờ
Tối 9/2, bác sĩ Phương và 2 bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng 15 người trong phi hành đoàn từ sân bay Nội Bài chở theo hàng hỗ trợ, trang thiết bị y tế đến thành phố Vũ Hán. Mỗi người mặc quần áo bảo hộ 2 lớp, khẩu trang, găng tay để ngăn ngừa nhiễm virus corona.
Phía bên BV Bệnh nhiệt đới cũng đã chuẩn bị rất chu đáo cả máy thở, dịch truyền... nếu có tình huống phát sinh, bác sĩ P. có thể dùng các thiết bị này.
Đoàn công tác tiếp nhận các công dân Việt Nam
Cũng theo bác sĩ Phương, đây có lẽ là chuyến đi nước ngoài ngắn nhất và đặc biệt của chị. 18h ngày 9/2, có mặt tại BV Phụ sản Trung ương, mang theo vali cấp cứu. 18h45 đến BV Bệnh nhiệt đới 2: tập trung với đoàn y tế, nghe dặn dò, học cách mặc, cởi đồ bảo hộ. 20h có mặt tại sân bay, check in, tập kết đồ.
21h, cả đoàn lên máy bay, mặc đồ bảo hộ. 22h10, máy bay cất cánh, bay mất 1h45 phút. Gần 1h sáng giờ Việt Nam, máy bay hạ cánh xuống sân bay Vũ Hán, bốc đồ viện trợ, thay đồ bảo hộ lần 2.
Khi đó, 30 công dân Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh xong xuôi, mặc quần áo bảo hộ.
Tất cả hành khách và phi hành đoàn được kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay. Bác sĩ P. kiểm tra cho thai phụ, nghe tim thai, đo huyết áp. Mọi thứ đều ổn, lúc này cả đoàn mới lên máy bay trở về.
Trên máy bay, tất cả công dân được đo thân nhiệt lần nữa (do dưới sân bay lạnh quá, đo không chính xác), riêng thai phụ được ưu tiên chỗ ngồi phù hợp nhất để kịp thời xử lý tình huống nếu trở dạ.
5h10 ngày 10/2, máy bay hạ cánh tại Vân Đồn. 7h, cả đoàn lên xe về BV Bệnh nhiệt đới 2 để cách ly.
"Mình được cách ly rất an toàn, được các y bác sĩ chăm sóc, đưa cơm ăn tận giường. Cơm cách ly ở bệnh viện rất ngon", bác sĩ P. vui vẻ chia sẻ từ phòng cách ly.
"Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nếu có yếu tố nguy cơ, cần phải cách ly dù biết sẽ ảnh hưởng đến công việc, gia đình, nhưng đó là nhiệm vụ, để phòng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Sau thời gian cách ly, nếu âm tính đó là một điều may mắn. Tôi là bác sĩ, tôi cũng muốn nói lời cảm ơn các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, họ đã rất vất vả chăm lo cho cả người theo dõi, bệnh nhân dương tính, phục vụ bệnh nhân cơm ăn, nước uống tận giường và mọi nhu cầu sinh hoạt khác", chị P. cảm kích chia sẻ.
Tối 11/2, để ghi nhận, động viên kịp thời các bác sĩ trong đoàn công tác, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và BV Phụ sản Trung ương đã tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam về nước.
Với người dân, đây là những "chiến sĩ áo trắng" thầm lặng, chăm lo sức khoẻ cho tất cả thành viên đoàn và 30 công dân có mặt trên chuyến bay.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc nhiễm virus Corona sẽ xuất viện chiều nay (12/2) Cả hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus Corona chủng mới đều đã được các y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công. Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, vào chiều nay (12/2), bệnh nhân Li Ding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) sẽ được xuất viện sau gần 3 tuần điều trị bệnh...