Bác sĩ thể thao: ‘Chăm sóc sức khỏe cầu thủ như anh nuôi đội tuyển’
Ba năm làm bác sĩ chăm sóc y tế và thể lực cầu thủ tuyển bóng rổ Hà Nội, Anh Tuấn ví công việc như một “ anh nuôi”.
Hè năm 2016, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn 35 tuổi, là người chịu trách nhiệm về y tế và thể lực cho đội bóng rổ Hà Nội tham gia giải vô địch Quốc gia bóng rổ tổ chức tại Nha Trang. Khi đó anh đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Y học Thể thao, Đại học Thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc, kiêm giảng viên tại Đại học thể thao Bắc Ninh.
“Đó là lần đầu tiên mình đi cùng một đội bóng và cũng là lần đầu tiên đội bóng rổ có một ‘ bác sĩ thể thao’, nên trách nhiệm rất nặng nề”, Tuấn nhớ lại.
Đội bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài có 8-10 nhân viên chuyên trách về sức khỏe đội tuyển, mỗi người phụ trách một mảng. Việt Nam chưa có đủ điều kiện, một mình Tuấn phải lo hết các khâu chăm sóc cầu thủ. Hàng ngày anh có nhiệm vụ lập chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên với thực đơn cụ thể ăn món gì, hàm lượng bao nhiêu, ăn như thế nào… Mục tiêu là cân bằng hàm lượng trong bữa ăn được tốt nhất.
“Một vận động viên phải ăn gấp đôi người bình thường, 4-5 bữa một ngày, tùy thuộc vào lịch tập và thi đấu”, Tuấn chia sẻ.
“Bác sĩ thể thao” Nguyễn Ngọc Anh Tuấn. Ảnh: NVCC
Trong 10 ngày thi đấu tại Nha Trang, thời điểm ăn của các vận động viên liên tục thay đổi do lịch thi mỗi ngày khác nhau. “Thông thường vận động viên ăn một bữa chính trước khi thi đấu 3 giờ, hai giờ sau ăn tiếp bữa nhẹ. Đấu xong lại ăn bữa nữa, trước khi đi ngủ ăn tiếp”, Tuấn kể. “Gần như mình giống anh nuôi của toàn bộ vận động viên”.
Ngoài dinh dưỡng, Anh Tuấn phụ trách huấn luyện cho các vận động viên bài tập khởi động một giờ trước khi thi. “Vận động viên bình thường không có vấn đề về sức khỏe sẽ khởi động chung với nhau. Trong đội thỉnh thoảng có một vài cầu thủ bị chấn thương đau chân, đau tay phải có những bài tập khởi động riêng”, anh nói.
Thi đấu xong, Tuấn tiếp tục hướng dẫn các vận động viên bài tập thả lỏng chừng 30 phút, giúp hồi phục tốt hơn và giảm nguy cơ chấn thương trong quá trình thi đấu tiếp theo.
“Thực tế các vận động viên chưa hiểu biết nhiều về cơ thể nên không giữ gìn chăm sóc tốt, đó là nguyên nhân tuổi nghề vận động viên thường rất ngắn. Bác sĩ đội tuyển phải vừa luyện tập vừa giáo dục cho các cầu thủ, để họ có thể tự làm cho nhau như một thói quen”, Anh Tuấn chia sẻ.
Trước mỗi trận thi đấu, bác sĩ băng bó cho những vận động viên bị chấn thương, cần phòng ngừa hoặc giảm đau. Trong trận đấu thường kéo dài 2 giờ, khi vận động viên xảy ra va chạm, ngã trên sân, bác sĩ là người chạy vào sân đầu tiên. Anh đánh giá rất nhanh chấn thương, nếu cầu thủ có thể thi đấu tiếp sẽ xử lý ngay tại chỗ. Vết thương đơn giản như rách tay chân, bác sĩ băng bó lại để cầu thủ tiếp tục thi đấu. Chấn thương nặng vận động viên phải nghỉ để điều trị.
“Quyết định của bác sĩ trên sân rất quan trọng. Nếu đánh giá sai tình trạng chấn thương, vận động viên có nguy cơ tổn thương nặng hơn”,Tuấn nói.
Sau trận đấu, nhiệm vụ của bác sĩ đội tuyển là xử lý vết thương cho cầu thủ như chườm đá, massage, tập thả lỏng cơ bắp…
Đội bóng rổ Hà Nội năm 2016 giành huy chương bạc. Từ đó anh Tuấn gắn bó với công việc làm một “bác sĩ thể thao”.
Anh Tuấn xử lý chấn thương ngay tại chỗ cho vận động viên.
Video đang HOT
Công việc của Tuấn ở đội bóng được gọi là Athletic trainer, người có trình độ về y tế, chăm sóc sức khỏe và làm việc trong lĩnh vực thể thao, gọi là Y học thể thao.
Tại Việt Nam, ngành này còn khá mới mẻ, chưa có tên gọi chính thức. Do vậy, mọi người thường gọi nghề của Tuấn là “bác sĩ thể thao”. Công việc này cơ bản khá giống việc của các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu ở bệnh viện. Khác biệt là anh phải hiểu sâu về thể thao và tập luyện, giúp vận động viên có thể tiếp tục chơi thể thao sau chấn thương.
“Ở bệnh viện, bệnh nhân có bệnh mới đến gặp bác sĩ, còn trong thể thao bác sĩ giúp vận động viên khỏe mạnh và có thể chơi tốt hơn bằng cách nâng cao thể trạng”, Tuấn chia sẻ.
“Ở Việt Nam tìm một bác sĩ đi theo một đội bóng rất khó, vì bác sĩ rất bận gần như không có thời gian làm việc khác”.
Anh Tuấn hướng dẫn cách giảm/tránh chấn thương gối khi chơi thể thao.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho vận động viên, Tuấn còn là cầu nối giữa đội tuyển và bệnh viện. Khi cầu thủ bị chấn thương nặng, Tuấn sẽ ủy thác cho bệnh viện điều trị nhưng vẫn phải theo dõi. Cầu thủ xuất viện, anh chính là người chịu trách nhiệm chăm sóc tiếp tục để hồi phục nhanh nhất, vận động viên có thể vào sân sớm nhất và an toàn nhất.
Đến nay, Anh Tuấn có ba năm làm việc với đội tuyển Bóng rổ Hà Nội và ba mùa giảicùng CLB Hanoi Buffaloes trong vai trò bác sĩ chăm sóc y tế và thể lực.
Bản chất công việc của Tuấn là bằng mọi cách giảm thiểu chấn thương cho cầu thủ. “Nhưng vào trận mình hy vọng không phải làm gì cả, bởi nếu không có ai chấn thương chứng tỏ các công tác chuẩn bị đã thành công”, anh cười nói.
Vì tình yêu với công việc này, chàng trai Hà Nội Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cùng các cộng sự mở ra Học Viện Giáo dục – Thể thao ASA với kỳ vọng vừa dạy thể thao vừa chăm sóc về thể chất cho các em nhỏ. “Các phụ huynh có thể cải thiện hiểu biết cho bản thân cũng như con em mình, để thế hệ người trẻ chơi thể thao có ý thức tốt hơn giữ gìn thể chất ngay từ nhỏ”.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cầu thủ bóng đá
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì thể lực, tăng sức bền và khả năng chịu đựng cho các cầu thủ bóng đá.
Bóng đá là môn thể thao đòi hỏi thể chất, cần sự kết hợp giữa tốc độ, sự nhanh nhẹn và sức chịu đựng. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến hiệu suất, mức độ rèn luyện và chịu đựng khi tập luyện và thi đấu. Mỗi cầu thủ bóng đá cần nhận thức được mục tiêu dinh dưỡng cá nhân của họ và có chiến lược ăn uống để đáp ứng những mục tiêu đó.
Carbohydrates
Cầu thủ bóng đá cần nhiều năng lượng để duy trì sức mạnh. Carbohydrate là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể của họ. Theo Mayo Clinic, carbs nên chiếm khoảng 45-65% lượng calo mỗi ngày của họ.
Đặc biệt, một số nguồn carbs có lợi cho sức khỏe hơn nhiều nguồn khác. Chẳng hạn, các sản phẩm ngũ cốc thường chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất hơn là các chất thay thế tinh chế. Hãy tiêu thụ bánh mì nguyên hạt, mì ống, bánh quy giòn và ngũ cốc có hàm lượng chất béo và đường bổ sung thấp. Các nguồn carbs lành mạnh bao gồm các loại trái cây và rau củ không đường.
Khoai tây, bánh ngọt và các đồ ăn vặt khác thường chứa nhiều calo nhưng ít vitamin và khoáng chất. Những nguồn carbs không lành mạnh này có thể gây tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe. Trong khi đó, cầu thủ bóng đá thừa cân có thể nhanh chóng mệt mỏi và yếu sức. Thực phẩm giàu chất béo cũng mất nhiều thời gian để tiêu hóa và làm giảm khả năng chịu đựng của các cầu thủ khi tập luyện hoặc thi đấu trên sân.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng không nhỏ tới thể chất, sức mạnh và sức bền của các cầu thủ bóng đá. Ảnh: Healthline.
Nguồn carbs lành mạnh:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Bột yến mạch, bánh mì nguyên hạt, mì ống nguyên cám, gạo lứt và ngũ cốc ít đường
- Trái cây tươi: Lê, táo, chuối, dưa hấu, dứa, dưa đỏ
- Rau củ không tinh bột: Bông cải xanh, rau bina, ớt, bí xanh, rau diếp xanh, hành tây, súp lơ, nấm, cà chua, cà rốt
- Rau củ có tinh bột: Khoai tây, khoai lang, đậu Hà Lan, ngô, bí đỏ
- Các loại đậu như đậu đen, đậu trắng, đậu lăng
- Sữa: Sữa chua Hy Lạp, sữa ít béo và sữa chocolate
Protein
Protein là chất dinh dưỡng thiết yếu khác trong chế độ ăn của các cầu thủ bóng đá. Nó giúp xây dựng và sửa chữa cơ bắp. Khoảng 10-15% lượng calo hấp thụ của một vận động viên nên đến từ protein.
Khuyến khích các cầu thủ tiêu thụ nguồn protein gầy như thịt gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo và các loại hạt. Kết hợp protein và carbs trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có thể giúp họ có được sự cân bằng chất dinh dưỡng cần thiết.
Cần kiểm soát nguồn chất béo tiêu thụ
Cầu thủ bóng đá cũng rất cần chất béo. Tuy nhiên, quá nhiều chất béo, đặc biệt là loại bão hòa, có thể dẫn đến tăng khối lượng chất béo, khiến cơ thể chậm chạp và hiệu suất thấp. Nhưng quá ít chất béo có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng và cũng tác động đến hiệu suất. Vì vậy, bữa ăn của các cầu thủ cần kiểm soát đủ lượng chất béo cần thiết. Nó nên bao gồm 1-2 phần mỡ dưới dạng cá béo, các loại hạt, bơ hạt, thịt, sữa và dầu ô liu.
Các cầu thủ cũng cần tập trung vào:
- Chất béo không bão hòa đơn: Olive và dầu olive, dầu canola, bơ, quả hạch (quả hồ trăn, hạnh nhân, hạt điều) và hạt hướng dương
- Axit béo Omega-3 (chất béo không bão hòa đa): Cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá bơn), quả óc chó, hạt lanh và hạt chia.
- Nhưng cần phải giới hạn: Sữa béo, dầu cọ, thức ăn chiên, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, bơ thực vật, thực phẩm nhiều kem và bất cứ thứ gì được làm từ dầu hydro hóa một phần.
Đừng quên ăn nhẹ
Ăn vặt nhẹ nhàng khoảng 2-3 lần mỗi ngày giúp các cầu thủ không bị đói và bổ sung đầy đủ nhiên liệu giữa các bữa ăn chính. Tối ưu hóa hiệu suất có nghĩa là các cầu thủ cần một số dinh dưỡng nhất định để hấp thụ đủ lượng calo. Điều này cho thấy sự cạnh tranh về mật độ chất dinh dưỡng trong mỗi lần ăn uống. Nếu muốn cơ thể luôn khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực, họ cần tránh tiêu thụ đồ ăn vặt không lành mạnh ở các cửa hàng tiện lợi.
Thay vào đó, cầu thủ có thể lựa chọn trái cây như:
- Táo và chuối kết hợp với 3/4 chén pho mát hoặc sữa chua ít béo;
- Rau xà lách với thịt gà tây, bơ và mù tạc;
- Trái cây tươi và 1-2 thìa bơ hạnh nhân hoặc vài miếng thịt gà viên.
Hydrate là chìa khóa
Mất nước là vấn đề rất nghiêm trọng cho các cầu thủ, đặc biệt là khoảng thời gian trước và trong thời điểm thi đấu. Trong khi luyện tập hoặc thi đấu, các cầu thủ mất trung bình 0,5-0,6 lít chất lỏng mỗi giờ và cần uống nước sau mỗi 15-20 phút. Họ cần nhớ bổ sung chất điện giải (dưới dạng nước lọc, thức uống thể thao...) cho bất kỳ hoạt động nào kéo dài hơn một giờ để tránh tình trạng mất nước.
Dinh dưỡng trước mỗi trận đấu
Để có chế độ dinh dưỡng tốt, hãy khuyến khích các cầu thủ ăn thực phẩm giàu carbs trước khi thi đấu. Ví dụ, nếu trận đấu diễn ra vào buổi chiều, chuẩn bị một bữa ăn có mì ống ngũ cốc vào tối hôm trước. Nếu trận đấu vào buổi tối, hãy ăn bữa sáng giàu carbs, chẳng hạn như trứng với bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt, bánh kếp hoặc bánh quế.
Chất lỏng và đồ ăn nhẹ cũng rất quan trọng. Các cầu thủ cần uống nhiều nước lọc, nước trái cây tươi trước khi ra sân. Ăn nhẹ với trái cây hoặc một thanh protein khoảng một giờ trước trận đấu.
Giảm tiêu thụ chất béo ở mức tối thiểu vì cơ thể sẽ không tiêu hóa chúng nhanh như carbs. Ăn quá nhiều chất béo trước trận đấu có thể khiến cầu thủ có ít năng lượng hơn mức cần thiết, gây ra tình trạng tiêu hóa bất ổn như đầy hơi, đau bụng.
Phục hồi sau mỗi trận đấu
Quy tắc quan trọng để hồi phục thể lực sau khi thi đấu là bù nước. Ngay cả khi thời tiết lạnh, các cầu thủ vẫn ra mồ hôi đáng kể khi chơi bóng. Cùng với chất lỏng, họ sẽ mất các khoáng chất thiết yếu thoát ra theo mồ hôi như kali và natri. Nước trái cây, đồ uống thể thao có thể giúp bổ sung chất lỏng và chất điện giải mà các cầu thủ bị mất.
Tiêu thụ một bữa ăn giàu protein để duy trì, sửa chữa khối lượng cơ bắp và thỏa mãn cơn đói sau một trận đấu dài.
Phương Mai (Tổng hợp)
Theo Zing
Chỉ cần làm tốt 10 điều này là đã có cơ thể khỏe mạnh đúng nghĩa theo Tổ chức Y tế Thế giới Bác sĩ Hứa Anh Hà, Khoa dinh dưỡng lâm sàng của Bệnh viện Thiên Đàm Bắc Kinh nói, chỉ cần làm tốt 10 thói quen sau, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh đúng nghĩa. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng đối với sức khỏe cần định nghĩa chính xác như sau: "Sức khỏe là chỉ một loại thể trạng...