Bác sĩ ở TP.HCM: Có F0 đã đến bên ‘cửa tử’ khi mới hơn 20 tuổi
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh các y bác sĩ phải chạy đua để giành giật sự sống cho những trường hợp này.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) có công suất 1.000 giường, được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Sau gần hai tháng hoạt động, cơ sở điều trị này đã cứu nhiều F0 trong tình trạng nặng, nguy kịch.
Trong ngày 3/9, 18 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã được điều trị khỏi và được phép xuất viện.
Công tác điều trị đang phát huy hiệu quả cao
Để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã kết nối trực tuyến và hội chẩn thường xuyên với những cơ sở y tế tuyến dưới. Việc này giúp các chuyên gia, thầy thuốc nắm chắc tình hình của ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên.
Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới (tuyến dưới) có thể chăm sóc, điều trị được, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) dẫn đầu Tổ công tác Bộ Y tế, đánh giá công tác điều trị tại đây tuân theo đúng phác đồ của Bộ và đang phát huy hiệu quả cao.
Giành giật sự sống cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Hà Văn Đạo.
Theo ông Khoa, việc phân loại bệnh nhân rất quan trọng. Các F0 có bệnh nền nhiều, tuổi quá lớn, nguy cơ cao được giữ lại. Các bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ được ê-kíp chuyển xuống tuyến dưới hợp lý, thông qua phối hợp nhịp nhàng các tuyến điều trị. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên, vừa giúp các thầy thuốc cứu thêm nhiều bệnh nhân nguy kịch khác.
Ông Khoa và BSCKII Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị F0 tại viện) đều nhấn mạnh các tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh. Bởi nếu F0 đã chuyển thành nguy kịch, việc cứu chữa rất khó khăn.
“Có ca bệnh được đưa đến đây trong tình trạng phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm vào thấy đã xơ hóa hết. Bệnh nhân khác đã đến bên ‘cửa tử’ khi mới hơn 20 tuổi. Vì vậy, từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống. Rất may ngoài lực lượng y tế, các tình nguyện viên tôn giáo đã hỗ trợ chăm sóc nhiều bệnh nhân”, ông Khoa nói thêm.
F0 được xuất viện liên tục
Video đang HOT
Ngày 3/9, làm việc với Tổ công tác Bộ Y tế, BSCKII Trần Thanh Linh cho biết nơi này hiện có gần 800 giường bệnh được sử dụng. Trong đó, gần 200 bệnh nhân Covid-19 phải thở máy. Thiết bị y tế, bao gồm những máy móc hiện đại nhất, cùng lực lượng tinh nhuệ được Bộ Y tế và nhiều cơ sở liên tục đưa vào để xuyên ngày đêm cứu các bệnh nhân nặng.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhiều ca bệnh khó đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Điển hình là một số bệnh nhân cao tuổi, hay sản phụ có nhiều bệnh nền. Đa số người bệnh được chuyển đến đều trong tình trạng diễn biến xấu.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và BSCKII Trần Thanh Linh thăm hỏi những F0 được xuất viện. Ảnh: Hà Văn Đạo.
Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất. Do đó, số người bệnh trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Đây là nhóm F0 đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng.
Tín hiệu tích cực tại TP.HCM trong thời gian gần đây là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã có gần 2.000 ca mắc Covid-19 chuyển nhẹ và được xuất viện.
“Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các bệnh nhân được điều trị khỏi và làm thủ tục cho xuất viện. Những người khỏi bệnh được xe đưa về tận nhà. Những người cao tuổi hay gặp khó khăn trong đi lại được nhân viên y tế dìu đỡ, túc trực bên cạnh, đưa về tận tình. Chúng tôi cũng dặn dò bệnh nhân về nhà theo dõi thêm sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể lực để dần trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước kia”, bác sĩ Linh nói thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM cũng đang gặp phải khó khăn. Đó là mỗi lần “đảo quân”, đội ngũ bác sĩ cũ hoàn thành nhiệm vụ chuyển về đơn vị công tác, tốp mới chuyển đến lại phải huấn luyện đầy đủ các bước giúp ca bệnh nguy kịch hồi sinh.
“Dẫu vậy, với tinh thần tất cả vì người bệnh, mọi khó khăn chúng ta sẽ vượt qua được”, bác sĩ Trần Thanh Linh khẳng định.
Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách. Bệnh viện có nhiệm vụ phụ trách hỗ trợ cho cơ sở y tế của TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
Đây là một trong 7 bệnh viện được phân công nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực, điều trị người Covid-19 tại các quận, huyện của TP.HCM.
Tổng nhân sự hiện có của bệnh viện là 1.186 người, bao gồm nhân lực y tế, phụ trợ, hỗ trợ…, trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia 161 người với 29 bác sĩ (14 bác sĩ hồi sức). Các bệnh viện của thành phố cũng đã tập trung nguồn nhân lực rất cao tại đây với 92 bác sĩ, trong đó có 30 bác sĩ chuyên ngành hồi sức.
Đội ngũ nhân sự đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đến từ 30 đơn vị, bao gồm Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tại TP.HCM, nhân lực từ các địa phương, tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên của thanh niên xung phong, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và lực lượng công an.
Bệnh nhân người Anh khỏi Covid-19 ở TP.HCM: Tôi trở về từ cõi chết
Sau hai ngày nhiễm virus SARS-CoV-2, ông Piers Birtwistle rơi vào tình trạng nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 điều trị.
Hạnh phúc vì được về nhà từ cõi chết
Chiều 26/7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã trao giấy ra viện cho 17 F0 trước đó chuyển đến trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Trong những bệnh nhân được xuất viện lần này có ông Piers Birtwistle Frgs (53 tuổi, người Anh, cư trú tại TP Thủ Đức) là người nước ngoài, sinh sống làm việc tại Việt Nam được hơn 8 năm.
Ông kể, hai tuần trước, ông bị khó thở mệt mỏi nên liên hệ cơ quan y tế đi xét nghiệm thì có kết quả dương tính với nCoV. Hai ngày sau khi phát hiện bệnh, ông bị chuyển biến nặng nhanh, sốt cao, hô hấp khó khăn, phải hỗ trợ oxy và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 điều trị.
Ông cho biết, những ngày qua, ông được các y bác sĩ chăm sóc, điều trị chu đáo, tận tình. "Đồ ăn ở bệnh viện ngon. Tôi hài lòng khi được điều trị tại đây. Giờ được trở về nhà từ cõi chết, tôi rất hạnh phúc", ông Piers Birtwistle nói. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ và đất nước Việt Nam đã toàn tâm toàn ý chăm sóc ông trong thời gian qua.
Ông Piers Birtwistle nhận giấy ra viện từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: K.N.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 5/7, với quy mô 1.000 giường, chuyên điều trị các F0 nặng và nguy kịch. TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong 10 ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận 400 bệnh nhân, trong đó 83 ca nặng, nguy kịch đã dần phục hồi, được chuyển sang các bệnh viện cấp nhẹ hơn để tiếp tục điều trị.
Ngày 26/7, có 17 bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện. Những người này có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính và xét nghiệm PCR có nồng độ virus thấp (CT>30) nên đủ điều kiện xuất viện. "Đây đều là những F0 nặng, nguy kịch với nhiều đặc điểm tình trạng bệnh khác nhau. Nhưng với sự cố gắng của tập thể y bác sĩ trong giai đoạn đầu bệnh viện đi vào hoạt động, các bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn", bác sĩ Thức chia sẻ.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính riêng trong ngày 25/7, TP có 2.115 F0 được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh từ khi TP có dịch đến nay lên 14.704 người.
Định bỏ trốn về nhà
Ngày 25/7, anh N.T, đang cách ly, điều trị ở Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 8 tràn ngập niềm vui và phấn chấn khi được xuất viện về nhà.
Một bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi ở TP.HCM vui khi được xuất viện về nhà. Ảnh: K.N.
Anh kể, những ngày trước, khi có kết quả xét nghiệm nCoV dương tính, anh đã vô cùng lo lắng, tinh thần suy sụp. Khi được nhân viên y tế động viên, khích lệ tinh thần, anh đã vui hơn và kêu gọi mọi người đang cách ly cùng mình hãy lạc quan, ăn uống, vận động thường xuyên để có sức khỏe tốt.
Nhờ làm theo những hướng dẫn của bác sĩ điều trị, sức khỏe của anh nhanh chóng được cải thiện, cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ cũng hết.
Tối 24/7, bác sĩ gọi báo, anh đã khỏi bệnh, được xuất viện. "Đó là cuộc điện thoại đặc biệt nhất đời tôi", anh T. nói. Anh cho biết, khi về nhà sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Anh L.T. cư trú ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 làm nghệ kinh doanh tự do. Khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, anh phải tạm nghỉ. Lúc nhận kết quả dương tính với nCoV, anh đứng ngồi không yên. Anh sợ, bệnh của mình chuyển nặng, không có người thân ở bên chăm sóc sẽ rất cực.
Anh T. cho biết, khi đến Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 2, anh chỉ muốn trốn về nhà. May mắn, ý nghĩ này của anh nhanh chóng bị gạt bỏ, vì anh nghĩ đến các nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng.
Sự quyết tâm phải chiến thắng được bệnh tật của anh như nhân đôi khi ngày đêm chứng kiến các y bác sĩ, lực lượng hậu cần tại bệnh viện phải làm việc vất vả, nhưng luôn âm thầm, lặng lẽ. Anh cũng nhận ra, dù phải cách ly ở bệnh viện, nhưng sự quan tâm của các y bác sĩ cũng ấm áp như một gia đình. Ngày 23/7, anh T. được xuất viện.
Từ ngày 20/7 đến nay, TP.HCM đã liên tục có nhiều ca F0 được xuất viện. Ảnh: K.N.
Còn bà N.T.H. được xuất viện ngày 22/7. Bà cho biết, mắc Covid-19 khi tuổi đã cao làm bà nhiều đêm mất ngủ vì lo. Nhưng cũng chính những đêm khuya vắng ấy, bà được chứng kiến sự nỗ lực từng giờ của các nhân viên y tế nên tự nhủ phải vui lên.
"Các con tôi rất lo lắng cho mẹ, nhưng tôi bảo không có gì, mình phải vào tin vào bác sĩ", bác H. nói.
BS.CKII Bùi Văn Thanh, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương TP.HCM (đang tham gia hỗ trợ quản lý, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2) cho biết, những ngày đầu bệnh viện mới hoạt động, liên tục có các ca F0 chuyển vào. Lúc đó, các y bác sĩ ở đây phải làm việc gấp hai lần thường ngày. Tuy nhiên, từ ngày 20/7 đến nay, bệnh viện liên tục có các F0 đủ điều kiện được xuất viện.
"Tiễn bệnh nhân ra cổng viện, chúng tôi cùng nhắc nhở, hướng dẫn chi tiết các quy định về phòng, chống dịch bệnh khi về nhà. Từ các thành quả hiện hữu là nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi, những bệnh nhân khác đang điều trị rất phấn khởi. Hầu hết đã hợp tác tốt với bác sĩ, thực hiện đúng các quy định trong quá trình cách ly, điều trị, không còn xuất hiện những đòi hỏi quá đáng như trước nữa", bác sĩ Thanh chia sẻ
Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM "Ngày rời Chợ Rẫy sang nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ khi tham gia điều trị tại trung tâm hồi sức Covid-19. Từ Khoa hồi sức ở Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng, rồi Bắc Giang, bác sĩ CKII Trần Thanh...