Bác sĩ Nhi cảnh báo căn bệnh nguy hiểm, dễ tử vong ở trẻ em đang sắp vào mùa dịch
Giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm bùng phát bệnh viêm não Nhật Bản. Các bác sĩ nhận định căn bệnh nguy hiểm này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt ở trẻ em và gây ra hậu quả nặng nề.
Con đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là chứng bệnh gây nhiễm trùng não bộ phổ biến ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philipines. Bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản với tỷ lệ người tử vong rất cao.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh rất nặng. Bệnh dễ dẫn đến tử vong, gây ra nhiều di chứng nặng nề.
Mùa bệnh cao điểm bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm. Trẻ em vùng nông thông gặp nhiều hơn những trẻ sống tại các thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do con đường lây nhiễm bệnh thông qua muỗi đốt, bệnh không lây từ người sang người.
Viêm não Nhật Bản thường lây qua con đường muỗi đốt – Ảnh minh họa: Internet
Theo bác sĩ Khanh, muỗi đốt gây viêm não Nhật Bản là muỗi ruộng, sống tại các cách đồng khu vực nông thôn. Muỗi đốt các động vật như heo, chim… sẽ mang virus lây sang cho người.
Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu vào năm 1952. Bệnh xuất hiện khắp cả nước, nhiều nhất tại các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung ở các khu vực trồng lúa kết hợp chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa.
Trong số các loại động vật sống gần con người, lợn là nguồn truyền bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ loài động vật này sống trong vùng dịch rất cao. Virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay khi lợn bị nhiễm virus.
Dấu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết biểu hiện bệnh viêm não Nhật Bản thông thường rất đột ngột.
Trong giai đoạn khởi phát, bệnh bắt đầu với tình trạng sốt cao, nôn ói, co giật, bệnh nhân rơi vào hôn mê (có khi chỉ 1 – 2 ngày phát bệnh đã rơi vào hôn mê). Trẻ còn có dấu hiệu kèm theo như đau đầu, rét run, buồn nôn, mệt lả.
Giai đoạn toàn phát, virus gây bệnh xâm nhập vào tế bào não tủy hủy hoại các tế bào thần kinh. Lúc này, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật gia tăng như đổ mồ hôi, màu sắc da lúc đỏ, lúc tím tái, rối loạn nhịp thở, mạch nhanh và yếu.
Giai đoạn toàn phát thường diễn ra ngắn, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Nếu vượt qua thời kỳ này, tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn.
Video đang HOT
Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản – Ảnh minh họa: Internet
Sau cùng, giai đoạn lui bệnh ở tuần thứ 2 khiến bệnh nhân đỡ dần, triệu chứng từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Từ ngày thứ 10 trở đi, thân nhiệt bệnh nhân trở lại bình thường khi không bị bội nhiễm.
Viêm não Nhật Bản có thể gây ra những biến chứng sớm như viêm phế quản, viêm phổi, loét và viêm tắc tĩnh mạch… Bệnh còn có thể để lại những di chứng sớm như bại liệt, mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần cùng những di chứng muộn như rối loạn giao cảm, động kinh, rối loạn tâm thần.
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong lên đến 25% – 35%, khoảng 50% bệnh nhân mắc di chứng thần kinh, tâm thần.
Phòng tránh viêm não Nhật Bản cho trẻ như thế nào?
Bệnh viêm não Nhật Bản thường chữa trị rất tốn kém và điều trị trong thời gian dài. Do đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ cần phòng bệnh cho trẻ bằng việc tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi vắc xin viêm não Nhật Bản.
Theo đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết các mũi tiêm viêm não Nhật Bản cho trẻ đã được tiêm miễn phí tại trạm y tế xã, phường cùng các mũi tiêm dịch vụ.
Trẻ từ 12 tháng tuổi tiêm 2 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản cách nhau từ 7 – 14 ngày, nhắc lại mũi thứ 3 sau 1 năm, 3 năm sau tiếp tục tiêm nhắc lại.
Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cũng cần chú ý đến môi trường sống trong lành cho trẻ – Ảnh minh họa: Internet
“Ngoài ra, vắc xin mới nhập về nước ta có tên gọi MOJEV có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, nhắc lại 1 mũi sau từ 1 – 2 năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Trẻ đã tiêm 1, 2 hay 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản vẫn có thể chích loại vắc xin mới này. Trẻ đã tiêm 1 mũi có thể tiêm mũi mới cách 14 – 28 ngày.
Đối với 2 mũi cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau 1 năm có thể cho trẻ tiêm nhắc lại loại vắc xin mới. Trẻ lớn có thể tiêm 1 mũi vắc xin mới để phòng bệnh.
Ngoài tiêm vắc xin, cha mẹ cũng cần thực hiện một số những lưu ý sau để phòng bệnh:
Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Chuồng trại chăn nuôi gia súc nên vệ sinh thường xuyên để muỗi không có nơi ẩn nấp.
Nên cho trẻ ngủ màn để tránh bị muỗi đốt. Cha mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ không chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt vào buổi chiều tối.
Nếu trẻ có biểu hiệu sốt cao kèm theo các triệu chứng nôn ói, khó thở, co giật cùng những biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời thăm khám.
Theo phunusuckhoe
Nắng nóng kéo dài, bệnh viện ở Sài Gòn đông nghịt
7h sáng, khu khám bệnh của nhiều viện lớn ở TP.HCM đã đông nghịt người đến chờ đến lượt. Đa số bệnh nhân phải vào viện là trẻ em và người già.
Thời tiết tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, trung bình từ 35-37 độ C, chỉ số tia cực tím dao động mức nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tại TP.HCM, những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng tiếp tục tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong trạng thái đông nghẹt. Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 11.000 lượt bệnh nhi đến khám.
Trong tuần giữa tháng 4, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám, 7% trong số này phải nhập viện nội trú.
Tại bệnh viện, số lượt bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp chiếm số lượng cao nhất. Trong khi đó, tay chân miệng tăng 47%, các bệnh tiêu hóa tăng từ gần 15% so với tháng trước. Nhiều trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi...
Gần trưa, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn rất đông người chờ tới lượt khám. Vừa ôm đứa con nhỏ đang gục trên vai, chị L.T.T. (40 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM) than thở: "Không hiểu vì sao TP.HCM càng ngày càng nóng bức. Sau đợt nóng trước con tôi vừa khỏi bệnh thì mới hôm qua lại khò khè, nôn ói và tiêu chảy nhiều. Trời nóng thế này người lớn mình còn chịu không được, hỏi sao mấy đứa trẻ nhỏ lúc nào cũng khó chịu, bệnh tật".
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết số bệnh nhi đến khám trong tuần tăng khoảng 5% so với 3-4 tuần trước.
Lý giải về điều này, bác sĩ Hoàng cho hay, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng do bị thiếu nước, rối loạn điện giải. Ngoài ra, thời tiết oi bức và tác động của tia cực tím cũng khiến sức đề kháng của trẻ giảm.
"Các bệnh này nếu phát hiện sớm thì dễ điều trị, nhưng nếu chủ quan, hoặc tự mua thuốc cho trẻ uống không theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể diễn tiến nặng", bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh lý về tiêu hóa gia tăng như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột. Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ.
7h sáng tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng mạnh. Đa số bệnh nhân thường mắc các bệnh lý như cảm cúm, mệt mỏi, viêm xoang, viêm mũi, khó ngủ,... Hiện số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám về bệnh huyết áp và rối loạn giấc ngủ tăng 15%, các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, da liễu cũng tăng từ 7-10% lượt bệnh nhân đến khám.
Để được khám sớm, nhiều người phải đến viện từ 6h. Nắng nóng kéo dài khiến số lượng bệnh nhân đến khám ở đây đông bất thường. Theo bác sĩ Hoàng Mạnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, người già thường ít có cảm giác khát nước nên không nhớ để bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Tiêu thụ không đủ nước có thể khiến rối loạn điện giải, làm tụt huyết áp ở người lớn tuổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, đặc biệt là những người có sẵn nền bệnh tăng huyết áp, tim mạch.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo người già cần hạn chế đi lại và làm việc vào những giờ cao điểm nắng nóng, nhất là những người mắc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, người lớn tuổi cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của các y bác sĩ. Đối với những người hút thuốc, cần hạn chế lại và chủ động theo dõi huyết áp thường xuyên.
Lưu ý, trong những ngày nắng nóng, người dân không nên lạm dụng việc tắm mát, chuyển đổi môi trường đột ngột dễ ảnh hưởng đến huyết áp. Đồng thời, chúng ta cần bổ sung vitamin, chất xơ từ trái cây, chăm sóc sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ cho cả người lớn và trẻ nhỏ để phòng bệnh.
Theo Zing
Giải pháp tiên tiến trong việc phòng ngừa viêm não Nhật Bản Vào hai ngày 20/4/2019 và 21/4/2019, tại TP.HCM & Hà Nội, chuỗi hội thảo khoa học Dự phòng Viêm não Nhật Bản: Cập nhật khuyến cáo và dữ liệu lâm sàng của vắc xin thế hệ mới đã được Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Văn phòng đại diện Sanofi Pasteur tại TP.HCM thu hút...