Bác sĩ nam đỡ đẻ cho sản phụ tại nhà
Cứ nghĩ đó là cơn chuyển dạ giả, mẹ bầu vẫn bình tĩnh ở nhà nhưng không ngờ rằng đứa trẻ lại chào đời ngay sau đó với sự giúp đỡ của một nam bác sĩ.
Ảnh minh hoạ
Khi mang thai đứa con thứ 2, một số bà mẹ khá chủ quan, cho rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm nên không cần lo lắng quá nhiều khi có dấu hiệu chuyển dạ. Thậm chí, một số người cho rằng thời gian chuyển dạ sẽ rất lâu hoặc đó chỉ là cơn chuyển dạ giả nên vẫn cứ đủng đỉnh, làm bỏ lỡ thời gian tới bệnh viện mà sinh con ngay tại nhà.
Chị Trần sống ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đang mang thai đứa con thứ 2 ở tháng thứ 8 thì bất ngờ bị ngất xỉu và đau bụng bất thường khi đi làm. Tuy nhiên, do còn hơn 20 ngày nữa mới tới ngày dự sinh nên chị không hề quan tâm tới triệu chứng này.
Thế nhưng, sau bữa cơm tối, cơn đau bụng lại ập đến dữ dội, cứ khoảng 3 phút lại đau một lần. “ Đến 18h30, tôi đi lại rất khó khăn và linh cảm rằng đêm nay con tôi sẽ chào đời“, chị Trần nói. Vì vậy, chị đã gọi điện và thúc giục chồng đang đi tiếp khách về nhà. Tuy nhiên, chị Trần vẫn không thu dọn đồ đạc để tới bệnh viện ngay.
Bác sĩ Tằng đỡ đẻ cho chị Trần ngay tại nhà.
Tới 20h20 phút tối cùng ngày, cơn đau bụng ập đến đều đặn cứ 30 giây một lần và chị Trần thậm chí còn cảm thấy bị vỡ ối. Lúc này, gia đình mới hốt hoảng gọi cho xe cấp cứu tới đón.
Sau khi nhận được thông báo, bác sĩ trực ban Tằng Khánh và tài xế lái xe Bành Ưng của Bệnh viện Trường Sa số 3 tức tốc tới nhà chị Trần trong hơn 10 phút. Khi cáng vừa được đặt xuống, chuẩn bị đưa chị Trần lên xe cấp cứu tới bệnh viện để sinh con thì chị Trần thốt lên: “ Không, không, tôi không thể kìm lại được nữa, chắc là sắp sinh rồi“.
Lúc này, chị Trần đang nằm trên ghế sofa và vô cùng hoảng hốt khi nhận thấy sự thay đổi trong cơ thể mình. Sau khi kiểm tra, bác sĩ Tằng thấy thai nhi đã ra được nửa đầu, chuẩn bị chào đời. May mắn thay, anh Tằng học y đa khoa và được đào tạo chuyên môn liên quan nên anh nhanh chóng chuẩn bị phòng sinh tạm thời để giúp chị Trần “vượt cạn”.
Bác sĩ Tằng một tay đỡ phần đầu của thai nhi, một tay đặt lên người chị Trần động viên chị giữ nhịp thở ổn định và rặn đều đặn. Vài phút sau, chị Trần hạ sinh một bé gái. Tuy nhiên, lần đỡ đẻ đầu tiên của bác sĩ Tằng lại không hề suôn sẻ.
Khi đứa trẻ chào đời, bác sĩ Tằng phát hiện bé gái sơ sinh có dấu hiệu không ổn. “ Chắc bé bị ngạt nước ối, tắc đường hô hấp“, anh Tằng phán đoán.
Video đang HOT
Không kịp suy nghĩ gì, bác sĩ Tằng liền dùng miệng hút hết nước ối trong miệng và lỗ mũi của bé gái trước sự ngỡ ngàng, tròn mắt ngạc nhiên của cả nhà trong đó có chồng sản phụ. Sau vài lần hút, mặt đứa trẻ dần dần hồng hào trở lại và cất tiếng khóc.
Để an toàn hơn, bác sĩ Tằng còn gọi điện cho Phó Trưởng khoa Phụ sản và làm theo các hướng dẫn qua điện thoại để khử trùng và giữ ấm cho đứa trẻ sơ sinh cùng chị Trần, đồng thời kiểm tra tình trạng xuất huyết của người mẹ. Xong xuôi, hai mẹ con chị Trần được đưa tới bệnh viện gần nhất.
Bác sĩ Tằng trực tiếp đưa mẹ con chị Trần tới bệnh viện.
Tại bệnh viện, bác sĩ Tằng đã trực tiếp đưa chị Trần vào phòng sinh và giới thiệu về tình trạng của chị Trần với các bác sĩ. Sau thăm khám ban đầu, các nhân viên khoa sản đã hết lời khen ngợi bác sĩ Tằng: “ Tình trạng của hai mẹ con rất tốt. Anh đủ tiêu chuẩn để làm hộ sinh rồi đấy“.
Chia sẻ về ca đỡ đẻ đầu tay, bác sĩ Tằng nói: “ Trông tôi bề ngoài bình tĩnh vậy thôi chứ thực chất tôi rất bối rối. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ tới sự an toàn của người mẹ và làm thế nào để đứa trẻ chào đời suôn sẻ mà thôi“.
Sau 2 ngày nằm viện, mẹ con chị Trần được xuất viện về nhà. Chị Trần chia sẻ: “ Đứa đầu tôi đau mất 2 ngày. Tôi cũng kiểm tra một số kiến thức về sinh nở. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu chuyển dạ giả nên không vội tới bệnh viện. Không ngờ đứa thứ 2 lại chào đời nhanh như vậy“.
“ Tôi rất biết ơn bác sĩ Tằng. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của anh ấy thì tôi thực sự không dám tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra với mẹ con tôi“, chị Trần nói thêm.
Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, mẹ bầu nên đến bệnh viện
Vỡ ối
Khi mẹ bầu vỡ ối, buộc phải nhập viện khẩn cấp. Việc vỡ ối sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu bạn không tới bệnh viện. Màng ối có tác dụng bao bọc, bảo vệ thai, giúp lúc bé chào đời qua âm đạo của mẹ dễ dàng hơn vì có chất bôi trơn của nước ối.
Việc vỡ nước ối nhưng mẹ không nhập viện ngay sẽ khiến thai nhi gặp khó khăn khi chào đời. Vì thế khi có dấu hiệu rò rỉ nước ối, vỡ ối mẹ nên di chuyển tới viện ngay để được bác sĩ can thiệp, đưa ra cách đỡ đẻ tốt, an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Xuất hiện các cơn thắt cổ tử cung nhiều, mạnh hơn
Ở tuần 37 trở đi, mẹ bầu dễ gặp hiện tượng bị đau mạnh, quặn thắt lại. Đây là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh thật. Nó là các cơn co thắt cổ tử cung, các chị em sẽ thấy đau dữ dội, khó chịu. Các cơn đau này sẽ bắt đầu từ lưng dưới xuống bụng dưới và dồn đến 2 chân.
Ra dịch nhầy, ra máu hồng
Nếu mẹ bầu để ý, gần kề ngày sinh, lượng dịch nhầy ở âm đạo sẽ được tiết ra nhiều, đặc hơn thông thường. Hiện tượng này là do nút nhầy bịt kín cổ tử cung có tác dụng ngăn viêm nhiễm, nó sẽ bong ra trong cổ tử cung.
Nút nhầy này có dấu hiệu nhận dạng là một miếng lớn hay nhỏ có màu vàng nhạt, sền sệt, màu gần giống lòng trắng trứng gà. Nếu nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu. Nhiều người gọi đây là máu hồng hay gọi là máu báo sắp sinh. Khi các dịch nhầy, máu báo sinh này xuất hiện nó báo hiệu cho mẹ biết đây là dấu hiệu chuyển dạ sinh mẹ cần lưu ý.
Bị chuột rút, đau lưng nhiều
Từ tuần 37 hoặc 38 mẹ bầu sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng bị chuột rút, đau lưng nhiều liên tục, di chuyển khó khăn đặc biệt là những mẹ sinh con lần đầu. Khi ở giai đoạn cuối thai kỳ, các cơ khớp ở xương chậu và tử cung được kéo dãn ra để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời nên mẹ luôn có triệu chứng đau lưng, mệt mỏi, chuột rút.
Trường hợp bị chuột rút, đau lưng nhiều, không thể chịu được mẹ nên đến viện ngay để bác sĩ khám, theo dõi để đảm bảo an toàn, sức khỏe tốt nhất cho mẹ.
Bụng bầu tụt xuống dưới
Với những mẹ lần đầu mang thai, dấu hiệu chuyển dạ này thường biểu hiện rất rõ. Trước 1, 2 tuần bé chào đời, thai sẽ dịch chuyển xuống phía bụng dưới của mẹ để dễ cho việc sinh đẻ. Nhưng với những người sinh con thứ thì dấu hiệu này không rõ, chỉ thấy rõ khi bắt đầu chuyển dạ thật.
Cổ tử cung mở
Một trong những dấu hiệu chuyển dạ thực sự, cần phải đến viện gấp mẹ bầu nên lưu ý là việc cổ tử cung mở. Cổ tử cung mở tức bé đã sẵn sàng chào đời. Tốc độ mở của từng mẹ bầu khác nhau, có người nhanh người chậm. Nhưng để an toàn, chính xác nhất mẹ nên tới viện kiểm tra và chuẩn bị tâm lý lâm bồn.
Mang thai 43 tuần chưa đẻ, lúc mổ lấy thai cả ê-kíp bịt mũi vì có mùi khó chịu bốc lên
Trong phòng phẫu thuật, bác sĩ vừa rạch tử cung của sản phụ thì một mùi khó chịu lập tức sộc lên.
Nhiều người vẫn cho rằng, thai nhi ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Vì thế, dù đến ngày dự sinh nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì họ vẫn không đến bệnh viện kiểm tra. Tới lúc sốt ruột đi khám, mọi chuyện đã khó bề cứu vãn.
Một bà mẹ người Hàng Châu (Trung Quốc) tên Đình Đình cũng có quan niệm như vậy. Con lớn lên 3 tuổi, vợ chồng cô quyết định sinh con thứ hai. Ỷ lại mình đã có kinh nghiệm trong lần sinh nở trước, lần này cô chủ quan hơn nhiều. Sau khi làm mấy xét nghiệm quan trọng cho kết quả đều tốt cả, cô yên tâm chờ đến ngày sinh.
Đình Đình cấp tốc được đưa lên bàn mổ vì bác sĩ nhận định thai nhi đã bị ngạt. (Ảnh minh họa)
Đến ngày dự sinh mà em bé chưa có biểu hiện gì là muốn ra ngoài, Đình Đình cũng có chút sốt ruột. Thậm chí cô còn thấy con hoạt động ít đi. Nhưng rồi cô lại nghĩ "thai nhi ở trong bụng mẹ lâu, sinh ra càng khỏe mạnh, thông minh". Thêm nữa, chồng côđang vắng nhà, vì thế cô đâm lười đến bệnh viện kiểm tra.
Lúc chồng Đình Đình đi công tác về, tính thời gian thì cô đã mang thai được 43 tuần. Em bé trong bụng dường như yên tĩnh hẳn khiến hai người hoảng loạn, vội vã đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, Đình Đình cấp tốc được đưa lên bàn mổ vì bác sĩ nhận định thai nhi đã bị ngạt.
Trong phòng phẫu thuật, bác sĩ vừa rạch tử cung của Đình Đình thì một mùi khó chịu lập tức sộc lên. Nước ối của cô đục nghiêm trọng, thai nhi bị ngạt do hít phải phân su trong nước ối, đã không thể cứu vãn.
Trong y học, thai quá ngày được định nghĩa là những thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần lễ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Tuy nhiên trong số 12% sản phụ được chẩn đoán là thai quá ngày, chỉ có khoảng 4% là quá ngày thật sự, số còn lại thường do tính vòng kinh không đúng.
Quan niệm con ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt thực tế không có cơ sở khoa học nào cả. Ai cũng biết sinh non không tốt cho sức khỏe của em bé nhưng thai quá ngày cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng không kém:
- Nếu bánh nhau vẫn hoạt động tốt, thai nhi tiếp tục phát triển lớn thêm, khi sinh có khả năng đẻ khó do con to (kẹt vai, sang chấn nhiều cho cả mẹ lẫn con hoặc không sanh được phải mổ lấy thai...). Thêm vào đó lượng nước ối có thể cạn dần, không gian hoạt động của em bé hẹp lại. Khi sinh em bé dễ bị suy hô hấp do cơn gò tử cung làm chèn ép dây rốn.
- Ngược lại nếu bánh nhau bị thoái hoá, thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc trong khi sanh; hoặc em bé sẽ bị suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo và sức đề kháng kém.
- Thai quá ngày còn có thể xảy ra hiện tượng thai nhi thải phân su ra nước ối, chính em bé hít phải dễ dẫn đến ngạt. Nước ối đục cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung của người mẹ.
Tú Cầu
Căng thẳng cứu sản phụ suy đa tạng do nhiễm trùng nặng Sản phụ 35 tuổi ở Sóc Trăng, rơi vào tình trạng nguy kịch, do suy đa cơ quan, nhiễm trùng nặng, được bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống. Chiều 10/8, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bác sĩ của bệnh viện vừa có một sản...