Bác sĩ đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về sau hơn 90 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn
Sau hơn 90 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn trái tim của người bệnh mới đập lại. Tuy nhiên, bệnh nhân lại suy đa phủ tạng, có tiền sử tăng huyết áp, thay van tim nhân tạo.. và phải trải qua gần 40 ngày “chiến đấu” các bác sĩ mới đưa được người bệnh từ cõi chết trở về.
Sáng 28/12, bệnh nhân Trần Đắc Hải (57 tuổi, bác sĩ ở Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên) được ra viện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhiều lúc vẫn tin nổi anh có thể ra khỏi phòng bệnh, sau gần 40 ngày điều trị hồi sức tích cực, với các biến chứng trầm trọng suy đa tạng.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực ( BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân Hải được đưa đến viện tối ngày 22/11/2018 tình trạng vừa được cấp cứu ngừng tuần hoàn 90 phút, hôn mê sâu, phải thở máy hoàn toàn, sử dụng đến 3 loại thuốc trợ tim.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, bệnh nhân bỗng lên cơn đau ngực trái dữ dội, điện tim có biến đổi. Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và nhanh chóng được hội chẩn, chuyển đến bệnh viện Bạch Mai.
Ngay trước thời điểm chuẩn bị chuyển viện, bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, rung thất. Ngay lập tức, các bác sĩ và điều dưỡng đã thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện nhiều lần và phải đến sau 90 phút cấp cứu tim bệnh nhân đã đập trở lại, nhưng người bệnh đi vào hôn mê sâu phải thở hoàn toàn theo máy, tim đập rất yếu mặc dù phải sử dụng đến 3 loại thuốc trợ tim. Bệnh nhân được hồi sức, chuyển BV Bạch Mai cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, thở máy, suy tuần hoàn, xuất huyết dạ dày, suy hô hấp nặng (PaO2 54 mmHg, với oxy 100%,) thiếu oxy tổ chức nặng, suy thận, rối loạn đông máu.
Bệnh nhân được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng bệnh rất trầm trọng, máy móc chằng chịt xung quanh người.
Với ca bệnh nặng trầm trọng, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa và hướng điều trị là chụp và đặt stent mạch vành. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa nên đã được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
PGS Đào Xuân Cơ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và hội chẩn với lãnh đạo Viện tim mạch thống nhất chẩn đoán: nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa/ van tim nhân tạo, tăng huyết áp.
“Lúc này, tình trạng người bệnh vô cùng nặng nề. Kỹ thuật ECMO là ưu tiên hàng đầu nhằm cứu người bệnh, sau đó mới có thể chuyển đi can thiệp mạch vành để tránh nguy cơ ngừng tuần hoàn trong quá trình can thiệp”, PGS Cơ cho biết.
Video đang HOT
Khoa Hồi sức tích cực đã phối hợp với đơn vị Phẫu thuật tim mạch tiến hành phẫu thuật mở mạch máu tại giường, đặt hệ thống ECMO. Sau khi tiến hành ECMO, huyết áp bệnh nhân duy trì mức ổn định, giảm thuốc trợ tim, tiếp đó bệnh nhân được đưa chuyển xuống phòng can thiệp mạch vành.
Bệnh nhân trong lần chuyển đi phẫu thuật dù vẫn đang ECMO. Trước đó, bệnh nhân cũng được chuyển đi can thiệp mạch vành trong tình trạng máy móc quanh người.
Sau ca can thiệp mạch vành, bệnh nhân trải qua quá trình điều trị liên tục trong 9 ngày chạy ECMO, lọc máu liên tục, thở máy, kháng sinh phổ rộng, duy trì thuốc chống đông liên tục tránh tắc stent và van cơ học, truyền chế phẩm máu, kiểm soát nhiễm khuẩn… Tình trạng lâm sàng cải thiện từng ngày sau khi được hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, đến ngày 3/12, bệnh nhân đang tỉnh lại xuất hiện tình trạng sốc khiến huyết áp không đo được, nhịp tim nhanh, suy hô hấp tăng với nhiều máu chảy ra từ phổi, siêu âm tim thấy hình ảnh kẹt van cơ học do huyết khối bám van tim.
Một cuộc hội chẩn toàn viện do Ban giám đốc Bệnh viện tổ chức, gồm các chuyên gia đầu ngành quyết định can thiệp tiêu sợi huyết cho bệnh nhân, tiếp tục ECMO, lọc máu liên tục và các biện pháp hồi sức tích cực khác.
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng kẹt van không cải thiện. Một cuộc hội chẩn toàn viện lần 2 được tiến hành, các chuyên gia nhận định không phẫu thuật thay van hai lá sinh học bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức, lọc máu thay huyết tương, thở máy, chăm sóc tích cực..tại khoa Hồi sức tích cực.
Các bác sĩ đánh giá, đây là ca bệnh đặc biệt nguy kịch, người bệnh nhiều lần đe dọa tính mạng. Sau can thiệp mạch vành bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng huyết khối bám van tim phải phẫu thuật ngay trong giai đoạn vẫn đang cần hồi sức đặc biệt bằng ECMO.
May mắn sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần lên đến ngày 10/12, bệnh nhân tỉnh, hồi phục tốt nên đã được rút ống nội khí quản, rút hết các dẫn lưu, không cần lọc máu. Hiện tại, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, chức năng gan, thận trở về bình thường, vận động bình thường, siêu âm tim bình thường.
Bệnh nhân vui mừng sau gần 40 ngày chiến đấu với bệnh trọng, thoát khỏi cửa tử.
GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, thành công ca bệnh là vô cùng đặc biệt, nhờ sự phối hợp tốt giữa các viện, khoa phòng trong thời gian hơn 1 tháng đã đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về, hồi phục hoàn toàn.
GS Châu cho biết thêm, BV Gang Thép Thái Nguyên (1 trong 26 bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai) cũng đã thực hiện rất tốt kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được BV Bạch Mai chuyển giao.
Nhờ cấp cứu ban đầu tốt, bệnh nhân mới có cơ hội để tiếp tục quá trình điều trị sau đó, dù rất nặng nhưng vẫn có cơ hội để cứu chữa.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bệnh máu nhiễm mỡ nguy hiểm thế nào?
Không ít bệnh nhân khi nhập viện điều trị, lượng mỡ trong máu quá lớn, thậm chí đóng thành lớp dày trong ống máu xét nghiệm, hoặc bít kín cầu lọc máu... khiến bác sĩ cũng phát hoảng.
Mỡ đông trong ống lấy máu đi xét nghiệm
Ngỡ ngàng mỡ bít kín cầu lọc máu
Chỉ vào một bệnh nhân đang nằm điều trị viêm tụy cấp trong Khoa Hồi sức cấp cứu, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: "Đây là một trường hợp máu nhiễm mỡ (triglycerides) nặng, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử". Được biết, nam bệnh nhân này được chuyển lên từ tuyến dưới vì đã có dấu hiệu suy đa phủ tạng. Tuy nhiên, dù đã trải quá gần một tuần lễ cấp cứu với nhiều thiết bị hỗ trợ, nhưng mạng sống vẫn chấp chới với tiên lượng sống khá dè dặt. Theo lời GS. TS. Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ nặng đến mức độ khi chạy lọc máu, mỡ bám kín cầu lọc gây tắc nghẽn khiến y, bác sĩ phải tức tốc thay quả lọc mới để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết thêm, vào đây chủ yếu là bệnh nhân rất nặng với nhiều bệnh lý khác nhau như: Viêm tụy cấp hoại tử, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim... Đáng lưu ý, nguyên nhân từ máu nhiễm mỡ rất cao. Không ít ca máu nhiễm mỡ tăng nặng đến mức các bác sĩ phát hoảng. Minh chứng cho điều này, GS. TS. Nguyễn Gia Bình lật giở thông tin lưu trữ trên máy điện thoại, hình ảnh ống máu xét nghiệm của một bệnh nhân đã từng điều trị tại đây. Chỉ sau ít giờ được rút ra để mang đi xét nghiệm, lượng mỡ đọng lại đến 3/4, chỉ còn lại 1 phần là máu. Hay hình ảnh túi mỡ được các bác sĩ tách ra trong quá trình lọc máu.
Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt Nam đột quỵ có liên quan tới mỡ máu tăng cao thường xuyên, trong đó 50% tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời, nửa còn lại không bao giờ có được sức khỏe như khi chưa bao giờ bị bệnh. Một thống kê khác của Viện Dinh dưỡng, có 29% người trưởng thành Việt Nam bị mỡ máu tăng cao, trong đó 44,3% người ở khu vực thành thị, tức là cứ gần 3 người có 1 người mỡ máu cao.
Theo lý giải của GS. TS. Nguyễn Gia Bình, trong cơ thể người bình thường, hàm lượng cholesterol và triglyceride là tập hợp của các chất béo được sản xuất tại gan và luôn được duy trì ở một mức nhất định. Chúng có vai trò ổn định màng tế bào, giúp cho hoạt động thẩm thấu các chất dinh dưỡng bên trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi xét nghiệm, nếu các chỉ số này tăng lên quá mức so với bình thường, khi đó, người ta gọi là bệnh máu nhiễm mỡ. Hay nói cách khác, máu nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong máu vượt cao quá mức so với bình thường, gây ra những biến chứng và hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh máu nhiễm mỡ khi nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol (LDL), triglyceride tăng cao vượt quá mức cho phép. Theo đó, dựa vào kết quả xét nghiệm với các chỉ số mỡ máu cụ thể mà các bác sĩ sẽ kết luận một bệnh nhân có bị máu nhiễm mỡ hay không. Chỉ số mỡ máu bình thường là 5,2mmol/l.
"Bệnh máu nhiễm mỡ độ 1 rất khó phát hiện và ít biểu hiện thành các triệu chứng bên ngoài để người bệnh phát hiện khi ở giai đoạn đầu, khi lượng mỡ trong máu chưa tăng lên quá cao. Chính vì vậy, đa phần người bệnh không hề hay biết cơ thể mình bị máu nhiễm mỡ, thường chỉ phát hiện khi tình cờ xét nghiệm chỉ số này", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho hay.
Stress, suy nhược cũng gây mỡ máu tăng cao
Theo các chuyên gia y tế, bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là xuất phát từ lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học của người bệnh. Ví dụ như, việc dung nạp quá nhiều chất béo, ăn quá mức thực phẩm chứa đường, dùng nhiều thức ăn nhanh hay thường xuyên sử dụng rượu, bia... bên cạnh thói quen lười vận động, phải ngồi nhiều giờ trong ngày, ít luyện tập thể thao, tinh thần hay bị stress, căng thẳng, suy nhược... cũng gây nên tình trạng mỡ máu tăng cao. Hiện, tỷ lệ người mắc bệnh máu nhiễm mỡ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Trên thực tế, máu nhiễm mỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm tụy, tiểu đường, bệnh gan, bệnh lý tim mạch... "Đáng lưu ý, máu nhiễm mỡ là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ ở người già. Lượng mỡ trong máu quá cao khiến máu khó lưu thông, dễ gây tắc nghẽn mạch máu và gây nên các cơn đột quỵ bất ngờ", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cảnh báo.
Theo GS. TS. Nguyễn Gia Bình, giải pháp đề phòng mắc bệnh máu nhiễm mỡ chính là việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Tránh dùng quá nhiều chất béo, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn có chứa quá nhiều chất béo toàn phần, giảm ăn thịt đỏ; Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, thường xuyên vận động; Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ; Không dùng các chất kích thích, hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá... Không nên ăn tối quá muộn, không nên ăn nhiều chất đạm hay các chất khó tiêu, hạn chế ăn mặn. "Với người bệnh đã bị máu nhiễm mỡ cần thường xuyên kiểm soát cân nặng của bản thân, tránh bị béo phì, thừa cân bên cạnh việc duy trì chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp", GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết.
Theo baogiaothong
Vì sao trẻ bị xuất huyết não? 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30-40 ngày tuổi. Các bác sĩ phẫu thuật lấy máu tụ cho bệnh nhi - ẢNH: BSCC Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM cho biết BV vừa cứu sống bé trai C.T.L (8 tháng tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) bị xuất huyết não nặng. Trước đó, bé đột ngột...