Bác sĩ: ‘An phận thì làm bệnh viện công, muốn lương cao làm viện tư’
Hơn 10 năm làm ở bệnh viện công hàng đầu TP HCM, thu nhập chưa tới 10 triệu đồng, nam bác sĩ chuyển sang bệnh viện quốc tế.
“Quyết định xin nghỉ việc, rời bỏ nơi gắn bó từ lúc mới chập chững vào nghề, chuyển sang môi trường tư nhân, tôi cân nhắc và suy nghĩ khá nhiều”, bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực chia sẻ.
Ở bệnh viện công, bác sĩ khá yên tâm, gần như không sợ mất việc. “Bệnh viện tư thì khác, tính cạnh tranh, tính đào thải cao hơn nhiều, gần như không có gì bảo đảm sẽ ổn định”, bác sĩ trăn trở khi đứng trước lựa chọn đi hay ở, chấp nhận thử thách hay an phận.
Sau gần 10 năm cống hiến, lương của anh chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Để kiếm thêm tiền, anh tranh thủ trực thêm, vừa xong việc bệnh viện công thì chạy sang làm thêm bệnh viện tư. “Có thể nói là bán sức lao động, trách nhiệm cao, gần như không còn thời gian để thở”, anh nhớ lại.
5 năm qua, bác sĩ này đầu quân về một bệnh viện quốc tế, được trả lương tương ứng sức lao động, có thời gian tập trung công việc, làm nhiều điều hơn cho bệnh nhân. Đặc biệt, môi trường bệnh viện tư sạch sẽ hơn giúp hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tỷ lệ bệnh nhân chết vì nhiễm trùng.
Môi trường bệnh viện tư nhân sạch sẽ, bác sĩ có thời gian tập trung công việc, làm nhiều điều hơn cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Tâm.
Từ bệnh viện công lập chuyển sang Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn rồi đến Bệnh viện Quốc tế City, một bác sĩ 48 tuổi chuyên khoa nội soi cho biết bệnh viện công giúp bác sĩ trẻ có nhiều cơ hội rèn tay nghề.
Bệnh nhân đông, đa dạng, nhiều bệnh nặng, người bệnh ở bệnh viện công cũng không quá khắt khe để cho bác sĩ thực tập so với bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện công lập lớn đều có nhiều bác sĩ đầu ngành, bác sĩ đàn anh giàu kinh nghiệm, giúp bác sĩ mới ra trường thực hành nâng cao tay nghề.
Trong chính sách đào tạo, hiếm bệnh viện tư nhân cho bác sĩ đi học dài hạn như chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngược lại các bệnh viện công lập có ngân sách và chính sách, nhiều chương trình tài trợ cho bác sĩ đi học.
“Bác sĩ sau vài năm làm việc tại các bệnh viện công lập có tay nghề khá vững chắc, có bằng cấp sau đại học thì nhu cầu về cuộc sống mới được đặt ra”, bác sĩ này chia sẻ.
Video đang HOT
Khi đã ổn định về chuyên môn, nhu cầu cuộc sống đầu tiên của bác sĩ là tiền lương. Nhiều bệnh viện công bệnh nhân rất đông, lượng việc nhiều nhưng tiền lương của bác sĩ cố định. Một số trường hợp tiêu cực như bác sĩ lãnh đạo không mổ nhưng đứng tên lĩnh tiền, bác sĩ đàn em làm việc vất vả lại không được tính công.
Ở bệnh viện tư tiền lương tính theo sản phẩm, nếu bác sĩ khám nhiều bệnh nhân thì tiền lương sẽ tăng. Bác sĩ giỏi nhiều cơ hội có đông bệnh nhân, cũng như được chủ đầu tư xem trọng vì cần bác sĩ giỏi để thu hút bệnh nhân, hạn chế tai biến y khoa.
Nhu cầu thứ hai mà các bác sĩ cảm thấy không được thỏa mãn ở bệnh viện công là nhu cầu khẳng định bản thân và được tôn trọng. Sau khi đã rành nghề, trở thành bác sĩ giỏi, nhiều người muốn có chức vụ cao hơn, được xem trọng hơn về năng lực chuyên môn, có được vị trí xứng đáng nhưng trong khoa còn rất nhiều đàn anh phía trước. Tại bệnh viện tư, các bác sĩ có thực tài thường được trọng dụng xứng đáng.
Khi rời bệnh viện công, nơi đã đào tạo bác sĩ “đủ lông đủ cánh”, điều bác sĩ băn khoăn là mình có còn cơ hội học tập trở thành một bác sĩ giỏi hơn nữa hay không. Bệnh viện tư là công ty kinh doanh, đặt ra vấn đề lời lỗ, có trực tiếp hoặc gián tiếp xung đột với đạo đức của người thầy thuốc hay không.
Gần đây, các bệnh viện công cải tiến, có nhiều dịch vụ mở ra. Bệnh viện nào linh hoạt ứng dụng cơ chế tự chủ thì khá hơn. Bệnh viện nào cứng nhắc thì cải thiện thu nhập không nhiều.
Các bác sĩ mong muốn bệnh viện công cần mạnh mẽ áp dụng cơ chế mở, tạo nhiều dịch vụ, tạo điều kiện sống tốt hơn để bệnh viện yên tâm làm việc. Bệnh viện tư cần tạo điều kiện để bác sĩ có thể tiếp tục học tập nâng cao chuyên môn nhiều hơn, tiếp cận với đổi mới nhanh nhất có thể.
Tại bệnh viện tư, các bác sĩ giỏi thường được trọng dụng xứng đáng. Ảnh: Minh Tâm.
Những năm qua, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công lập nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện tư nhân làm việc. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019 đã có 19 bác sĩ nghỉ việc.
Năm 2017, nhiều bác sĩ ở Đà Nẵng ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng.
Bộ Y tế đang tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ theo hướng phân cấp, tự chủ và hiệu quả. Các cơ sở y tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Đây được xem là cơ hội để bệnh viện công đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển kỹ thuật cao, ổn định đời sống và thu nhập cho cán bộ y tế. Khi đó nạn “phong bì bệnh viện” hay bác sĩ phải “chân trong, chân ngoài” để tăng thu nhập sẽ giảm bớt. Riêng các bệnh viện địa phương phải có chính sách và ưu đãi để mời các y, bác sĩ trình độ cao về làm việc.
Lê Phương – Lê Nga
Theo VNE
Bác sĩ Đồng Nai thôi việc: '10 năm kinh nghiệm lương chỉ 15 triệu đồng'
Nhiều bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công để làm cho viện tư, chia sẻ mong muốn tăng thu nhập, phát triển bản thân.
Gắn bó với bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai từ khi mới tốt nghiệp đại học, nam bác sĩ, không muốn nêu tên, vừa nộp đơn thôi việc để đầu quân về một bệnh viện tư nhân ở TP HCM. Anh là bác sĩ chuyên khoa 1.
Bác sĩ chia sẻ: "Thôi việc không chỉ vì lý do thu nhập thấp mà còn có nhiều điều khó nói trong cách quản lý, tạo cơ chế của lãnh đạo mà chỉ người trong cuộc mới hiểu".
Tại bệnh viện công, đội ngũ y bác sĩ có điều kiện tốt để phát triển chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ trẻ. "Ở viện công lượng bệnh nhân rất đông, mặt bệnh đa dạng giúp chúng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm lâm sàng", bác sĩ cho biết.
Tuy vậy, hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc ở bệnh viện lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai, lương của anh chừng 15 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này khiến cuộc sống gia đình ở thành phố với 2 con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.
"Tôi có nhà cửa ở đây nên cũng đỡ hơn, chứ các bác sĩ khác từ xa đến Đồng Nai công tác thì rất khó để mua nhà, xe chứ đừng nói chuyện lo cuộc sống tốt cho con ăn học". Anh tâm sự: "Các bác sĩ khoa cấp cứu công việc nhiều, áp lực nhưng thu nhập vậy là không tương xứng".
Ngoài vấn đề thu nhập, bác sĩ cho rằng bệnh viện công có một số cơ chế, cách quản lý khiến nhiều bác sĩ tâm tư. "Đơn cử bệnh viện cũ tôi làm việc, Ban giám đốc giao quá nhiều quyền lực cho lãnh đạo khoa mà không có sự kiểm soát hợp lý. Ngoài chuyện chênh lệch về thu nhập, nhiều bác sĩ cho rằng ít có điều kiện nâng cao tay nghề nên đã mạnh dạn ra đi để tìm hướng mới", nam bác sĩ cho biết thêm.
Nghỉ việc, chuyển qua làm lãnh đạo một khoa ở một bệnh viện tư nhân lớn tại TP Biên Hòa, một bác sĩ hơn 20 năm trong nghề cho biết "tâm lý công việc thoải mái hơn". "Tôi có thời gian tập trung vào chuyên môn nhiều hơn khi không còn gặp phải các vấn đề khó khăn, bon chen tại bệnh viện nhà nước", ông nói.
Một nữ bác sĩ thì chia sẻ, tình trạng thiếu hụt nhân lực ở bệnh viện công trong khi bệnh nhân quá đông khiến các bác sĩ làm việc nhiều hơn, dẫn đến khó khăn trong thu xếp thời gian đi học nâng cao chuyên môn. Nhiều bác sĩ trẻ không kiên nhẫn được cũng xin nghỉ tìm việc làm nơi khác.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có máy móc, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại nhất tỉnh nhưng khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ. Trong ảnh là phòng mổ tim mạch can thiệp của bệnh viện. Ảnh: Phước Tuấn
Trong bối cảnh "chảy máu" bác sĩ bệnh viện công như hiện nay, 3 bệnh viện lớn của tỉnh là Đa khoa Đồng Nai, Thống Nhất và thị xã Long Khánh đã được Sở Y tế cho phép tự chủ tài chính.
Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện thị xã Long Khánh cho biết việc tự chủ tài chính, khoán việc cho bác sĩ và bệnh viện là biện pháp phù hợp.
"Bác sĩ nhận điều trị bệnh nhân từ lúc nhập viện tới lúc xuất viện, tổng kinh phí điều trị của bệnh nhân sau khi trừ chi phí còn lại bao nhiêu thì cần có cơ chế cụ thể chia phần trăm giữa bác sĩ và bệnh viện. Như vậy, bác sĩ sẽ bám sát bệnh nhân từ đầu tới khi ra viện, có trách nhiệm với bệnh nhân hơn", ông Huyên nói.
Cũng theo ông Huyện, cơ chế khoán, lương bác sĩ tăng lên, do đó bác sĩ cũng tự động tìm hiểu nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ tiếp xúc, xây dựng thương hiệu cho mình. Từ đó góp phần thu hút nhiều bệnh nhân tới bệnh viện, thu nhập bệnh viện cũng nhiều hơn.
Đó cũng là một trong nhiều giải pháp mà Sở Y tế Đồng Nai đang triển khai để ngăn tình trạng bác sĩ công nghỉ việc. "Hiện nay bệnh viện tự chủ tài chính, khoán việc ngoài mục đích tăng thu nhập cho bác sĩ còn điều hướng đến người bệnh, mang đến những lợi ích thiết thực cho người bệnh", bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc. Trong đó có 20 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, 32 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, 8 bác sĩ Bệnh viện Nhi. Một năm trước đó, số bác sĩ nghỉ việc cũng tương đương, rất nhiều người trong số đó có trình độ sau đại học. Hai tháng đầu năm nay đã có 19 bác sĩ nghỉ việc.
Phước Tuấn
Theo VNE
Hàng trăm bác sĩ ở bệnh viện công Đồng Nai nghỉ việc Để giữ chân bác sĩ, Sở Y tế Đồng Nai cho phép một số bệnh viện công thử nghiệm khoán việc cho bác sĩ. Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2018 có 97 bác sĩ nghỉ việc. Trong đó có 20 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, 32 bác sĩ Bệnh viện đa khoa...