Bác sĩ 105 tuổi và chế độ ăn giúp sống vui khỏe
Bác sĩ Hinohara (Nhật) ngoài 100 tuổi vẫn duy trì cân nặng và vòng eo của tuổi 30, không hà khắc ăn uống và vận động thường xuyên.
Sinh năm 1911, Shigeaki Hinohara là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và là niềm tự hào của nền y học Nhật Bản. Ông đã đặt nền móng cho nền y học Nhật sau giai đoạn ảnh hưởng bởi thế chiến thứ hai. Khi ở tuổi 75, ông đã xuất bản 150 cuốn sách, trong đó cuốn “Living Long” tức “Sống thọ” đã được bán hơn 1,2 triệu bản. Bước sang độ tuổi 100 ông vẫn minh mẫn và khỏe mạnh cho đến khi mất ngày 18/7/2017.
Những thói quen ăn uống và sinh hoạt để sống vui khỏe được bác sĩ Hinohara chia sẻ với báo chí trước khi ông qua đời. Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, bác sĩ Hinohara vẫn có lối sống và chế độ ăn uống hợp lý để duy trì cân nặng và vòng eo chuẩn. Từ năm 30 tuổi đến hơn 100 tuổi, ông Hinohara luôn giữ cân nặng ở mức 60 kg. Yếu tố quyết định sự khỏe mạnh và cơ thể cân đối là chế độ ăn uống lành mạnh.
Bác sĩ Shigeaki.
Một ngày của ông Shigeaki Hinohara bắt đầu với một cốc nước cam kèm một thìa dầu oliu. Thói quen này giúp ổn định cholesterol và bổ sung năng lượng cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng, chống cảm cúm khi thời tiết giao mùa. Thức uống đầu ngày có vai trò bổ sung nước và dưỡng chất cho cơ thể. Trên thực tế nhiều người bỏ quên thói quen uống nước vào buổi sáng khiến cơ thể ở trạng thái năng lượng thấp.
Sau đó, ông uống một cốc sữa đậu nành để tăng cường lecithin và kết thúc bữa ăn đầu ngày bằng một quả chuối và một cốc cà phê. Bác sĩ Hinohara thường ăn rất ít vào bữa trưa, thường là miếng bánh quy và một cốc sữa tươi. Ông khá bận rộn với lịch mổ và nghiên cứu nên bữa ăn trưa thường đảm bảo tiêu chí nhanh gọn. Bù lại, thực đơn bữa tối của ông rất bổ dưỡng và phong phú.
Trong tuần ông ăn hai bữa thịt bò không dầu mỡ vào buổi tối, những ngày còn lại thay đổi thực đơn bằng món cá và rau củ. Rau diếp và cải xanh là hai loại rau được ông đặc biệt yêu thích. Ông cũng nhấn mạnh chúng ta không cần quá cường điệu về chế độ ăn uống. Nếu hôm nay ăn nhiều hơn mọi ngày thì bữa sau ăn ít đi một chút là ổn. Ông cho rằng nhiều người đang quá căng thằng với chế độ ăn uống, cân đo đong đếm quá cẩn thận lượng calo nạp vào cơ thể khiến căng thẳng không cần thiết. Chỉ cần bạn ăn uống điều độ, không quá no hoặc quá đói, ý thức những gì mình nạp vào cơ thể, tránh xa những thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh thì cơ thể sẽ vô cùng biết ơn. Tuy nhiên ông kiên trì nguyên tắc mỗi bữa không ăn no quá 8 phần, nên dừng khi vừa cảm thấy đủ và hạn chế ăn đồ ngọt.
Theo bác sĩ Shigeaki Hinohara, chế độ ăn uống chưa phải là phương diện duy nhất cần lưu ý trong việc duy trì vóc dáng cân đối. Ông khuyên mọi người cần tăng cường vận động. Bản thân Hinohara không bao giờ lười biếng. Ông chăm chỉ tập luyện thể thao vào buổi sáng và chiều, nhất quyết không đi thang máy, luôn đi bộ.
Video đang HOT
Ông cũng lưu ý rằng mỗi người có một thể trạng khác nhau. Không thể áp dụng máy móc chế độ ăn uống sinh hoạt của người khác cho bản thân, mà cần nỗ lực tìm kiếm phương thức và thói quen phù hợp với sức khỏe của mình.
Theo Vnexpress
Cuộc 'hành xác' trên bàn mổ để có bụng 6 múi của đấng mày râu
Không chỉ các cô gái mong muốn sở hữu vòng eo quyến rũ, nhiều đấng mày râu cũng không ngần ngại chịu đau trên bàn phẫu thuật để có được cơ bụng 6 múi mình ao ước.
Chàng trai đang là sinh viên ở Mỹ, Travis Mosher, muốn có cơ bụng sáu múi như những nam diễn viên thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Anh đã thử mọi cách, từ gập bụng đến ăn kiêng, nhưng không thành công. Mosher nói: "Tôi tập 2-3 lần một ngày. Bụng tôi có săn lại, nhưng không tạo thành 6 múi".
Chàng sinh viên trẻ quyết định làm điều người khác nghĩ là điên rồ: anh sẽ phẫu thuật thẩm mỹ để tạo cơ bụng rõ ràng. Mosher cho biết: "Tôi phấn khích, hồi hộp và cũng rất lo lắng!"
Dưới tác động của truyền thông và mạng xã hội, hình ảnh cơ bụng rõ rệt, rắn chắc ngày càng được nhiều nam giới coi là mục tiêu. Ảnh: WSBuzz.
Mosher là một trong số nhiều chàng trai vốn đã có thân hình khỏe mạnh sẵn lòng bỏ tiền, thời gian và chịu đau đớn để có được cơ bụng như ý. Những diễn viên, người mẫu xuất hiện trên điện ảnh và truyền thông cũng gây áp lực khiến họ muốn đạt vẻ ngoài hoàn hảo.
Quy trình "tạc cơ bụng" bằng phẫu thuật thẩm mỹ
Cha đẻ của phương pháp "tạc cơ bụng" là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lừng danh Henry Mentz. Theo ông, cơ bụng chia múi tự nhiên là kết quả của việc tập luyện liên tục với cường độ cao, trong lúc duy trì hình thể chỉ có khoảng 6-7% mỡ. Phần lớn nam giới chỉ có thể theo chế độ ăn khắc nghiệt này (khoảng 1.800 calo một ngày) trong vòng 3 tháng trước khi quay lại với chế độ ăn thông thường, và múi bụng của họ nhanh chóng biến mất.
Do đó, vào đầu những năm 1990, Mentz đã sáng tạo ra một thủ thuật có tên "tạc cơ bụng", với chi phí khoảng 7.000-12.000 USD, tùy thuộc vào độ phức tạp và những khu vực bệnh nhân muốn điều chỉnh. Ông kể lại: "Một diễn viên tới từ Austin (Texas) tới gặp tôi trước buổi chụp ảnh và bảo: "Tôi không cần hút nhiều mỡ, nhưng tôi muốn cơ bụng hiện ra rõ nét hơn. Ông có thể tạo ra chúng không?". Cậu ấy thường xuyên tập gym nhưng vẫn không có nổi cơ bụng 6 múi. Chúng tôi nói chuyện và tôi nghĩ có thể giúp cậu ta bằng cách hút mỡ và tạo các đường rãnh. Kết quả thật tuyệt vời. Tôi và cộng sự làm khoảng 10 ca trước khi xuất bản bài trên tạp chí y khoa về quy trình này vào năm 1993. Đó là khởi đầu của một cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ bằng quy trình hút mỡ".
Bước đầu là hút mỡ - thủ thuật thẩm mỹ phổ biến nhất với nam giới. Mỗi năm có khoảng 50.000 nam giới thực hiện quy trình hút mỡ và con số này ngày càng tăng. Ông Mentz cho biết thủ thuật này giúp cơ dưới lớp mỡ lộ ra, cho phép ông tạo hình cho những gì còn lại. Tiếp đó là bước thứ 2: "khắc tạc" các cơ bụng để tạo ra hình dạng nổi rõ hơn bằng cách hút tiếp mỡ ở các rãnh giữa khối cơ.
Bác sĩ tiến hành thủ thuật hút mỡ và tạo cơ bụng cho nam giới. Ảnh: SidFilm.
Hành trình không dành cho người lười hay sợ đau
"Tạc cơ bụng" nghe có vẻ là một biện pháp hoàn hảo dành cho những anh chàng lười nhưng vẫn muốn có cơ thể như huấn luyện viên thể hình. Trên thực tế, biện pháp này không dành cho người thừa cân, với lượng mỡ trong cơ thể vượt quá 18%. Đây chỉ là thủ thuật hỗ trợ những người đã có hình thể cân đối và lớp mỡ bụng không dày.
Như mọi cuộc đại phẫu, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy cơ để đổi lấy vẻ ngoài như ý muốn, từ phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê (có thể gây tử vong), sẹo xấu, nhiễm trùng sau phẫu thuật, xuất huyết, các múi hình thành không tự nhiên, tổn thương dây thần kinh hay mất cảm giác da vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu bệnh nhân chỉ tạc cơ bụng mà không chỉnh sửa phần ngực hay vai, cơ thể họ sẽ mất cân đối.
O'Brien, 40 tuổi, đã trải qua ca phẫu thuật dài 4 tiếng tại một phòng khám ở Mỹ để chống lại tác động của thời gian lên cơ thể. Ông nói: "Tôi không nghĩ mọi người nhận ra điều đó khó khăn đến mức nào khi bạn ở tuổi 40". Trước tiên, bác sĩ dùng bút màu để vẽ các đường cơ mới cho ông.
Trong phòng phẫu thuật, bác sĩ Millard, người tiến hành quy trình tạc cơ bụng cho O'Brien, rạch nhiều đường nhỏ dọc ngực của ông. Millard cắm kim đầu rỗng vào da O'Brien và bắt đầu di chuyển kim như một máy hút bụi thu nhỏ. Lớp mỡ trên bụng bệnh nhân dần biến mất sau 2 tiếng. Millard dùng chỗ mỡ còn lại để khiến các đường rãnh cơ bụng sâu hơn và tạo múi bụng từ bên trong cho O'Brien.
Ở một bệnh viện tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lee Coupland đã chi 7.000 USD để tạo múi bụng sau khi việc tập gym không đem lại kết quả như mong đợi. Anh cho biết: "Tận đến lúc nằm trên bàn phẫu thuật, tôi vẫn còn cảm thấy băn khoăn về quyết định của mình. Sau khi phẫu thuật, tôi phải đeo đai bụng trong 4 tuần để cố định múi, chỉ tháo ra lúc giặt. Tôi phải đeo chúng ngay cả lúc ngủ, rất khó chịu và hơi mất mặt".
Lee Coupland trước và sau phẫu thuật. Ảnh: Mirror.
Dù có nhiều cải tiến về kỹ thuật, tạo múi bụng vẫn là một quy trình y khoa và không nên được xem như một sản phẩm làm đẹp thông thường - sai lầm nhiều bệnh nhân phạm phải. Blum, giáo sư của Đại học Kentucky, cho biết nhiều người đang sẵn lòng đưa mình vào nguy hiểm chỉ để có vẻ ngoài khỏe mạnh.
Theo ông Gerald Pitman, giáo sư giải phẫu học của Đại học New York, một trong những vấn đề thường gặp nhất của kỹ thuật tạc cơ bụng là kết quả thường không được tự nhiên. Đồng thời, nếu không duy trì chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, cơ thể sẽ phát triển mất cân đối và bệnh nhân sẽ có cơ bụng hoàn toàn không ăn nhập với hình thể.
Tuy nhiên, những người đã đối mặt với cơn đau và chịu đựng rủi ro để thực hiện biện pháp này lại rất hài lòng với kết quả. Marshall-Ruiz, 51 tuổi, cho biết: "Sau 10 năm, bụng tôi vẫn như ngày đầu mới làm múi, nhờ duy trì tập luyện và cách sống lành mạnh. Tôi không cần phải ăn 5 bữa nhỏ mỗi ngày và cắm đầu vào tạp chí sức khỏe. Cuộc sống của tôi dễ thở hơn trong khi trông tôi vẫn thật khỏe mạnh và có cơ bụng 6 múi đầy nam tính".
Theo Zing
Ăn gì để không bị chuột rút? Em rất hay bị chuột rút. Xin hỏi bác sĩ, em nên ăn gì để tránh tình trạng này? (Mai) Em có tiền sử cholesterol cao, thiếu máu, nhược hồng cầu (do thiếu sắt). Đó có phải nguyên nhân em bị chuột rút không? Trả lời: Chào em! Chuột rút có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân hay gặp thường là thiếu canxi, ngoài...