Bắc Ninh: Nông dân ở đây lập trang trại nuôi con gì, trồng cây gì mà có doanh thu 1.100 tỷ đồng?
Nhờ nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Nông dân Bắc Ninh giàu lên nhờ lập trang trại
Là một trong những chủ trang trại tiên phong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, chị Vũ Thị Đông – chủ trang trại Giang Nam ở xã Ngũ Thái (Thuận Thành) chia sẻ: “Muốn mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất thiết phải tạo dựng được uy tín thông qua thương hiệu được khẳng định. Vì vậy, ngay từ khi đưa trang trại vào hoạt động, chúng tôi thực hiện nghiêm chuỗi quy trình sản xuất khép kín gắn với đăng ký bản quyền, dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm”.
Trên diện tích khoảng 5ha, trang trại đã áp dụng thành công mô hình vườn – ao – chuồng sử dụng chế phẩm EM làm đệm lót vi sinh, ủ thức ăn và sử dụng trong trồng rau, lúa hữu cơ. Đến nay, một loạt các sản phẩm an toàn gồm thịt tươi, pa-tê, xúc xích, giò mang thương hiệu Giang Nam được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các sàn thương mại điện tử.
Trang trại chăn nuôi hữu cơ Giang Nam ở xã Ngũ Thái (Thuận Thành) có 2 sản phẩm được đưa vào danh mục Chương trình OCOP. Ảnh: Huyền Thương
Trang trại còn thực hiện dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái cho những người có nhu cầu, cũng là một cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Năm 2021, riêng sản phẩm xúc xích hữu cơ, pate hữu cơ của trang trại Giang Nam được đưa vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh.
Nhờ tích tụ ruộng đất, bà Nguyễn Thị Ngâu ở thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nho hạ đen và hoa thiên lý rộng gần 8 mẫu.
Bà Ngâu cho biết: Trước đó, bà đã có thâm niên gần 40 năm trồng lúa và các loại cây rau màu ngắn ngày khác. Tuy nhiên, do sản xuất manh bún trên diện tích nhỏ lẻ, phân tán, không có điều kiện để cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế luôn ở mức thấp.
Video đang HOT
Đến năm 2017, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và những chính sách khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất của tỉnh Bắc Ninh, bà đã mạnh dạn thuê lại hàng chục sào ruộng của người dân địa phương nằm ở các diện tích liền kề, tiến hành cải tạo đất, làm giàn để trồng hoa thiên lý và sau đó là mở rộng sang cây nho hạ đen.
Việc toàn bộ mô hình được quy hoạch tập trung đã tạo thuận lợi cho bà Ngâu dễ dàng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, tạo ra những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn về chất lượng, có giá trị cạnh tranh.
Đó là 2 trong số hàng trăm mô hình trang trại điển hình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nhờ nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
195 trang trại tạo ra giá trị hơn 1.100 tỷ đồng
Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.800 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910ha, tổng vốn đầu tư gần 896,6 tỷ đồng. Tổng doanh thu của 195 trang trại năm 2020 đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có hơn 2.800 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910ha, tổng vốn đầu tư gần 896,6 tỷ đồng. Nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Một điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh đó là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp đã dần được phổ biến. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc lưu thông và tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, giá bán giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nên tổng doanh thu của các trang trại ở Bắc Ninh giảm hơn so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế trang trại của Bắc Ninh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các trang trại phát triển sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết với nhau và tìm đối tác để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thuê đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế…
Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh – ông Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai.
Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục, quy trình, thẩm quyền giải quyết để các địa phương triển khai thực hiện. Nâng cao hiệu quả áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối, liên kết, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trồng nho - hướng đi mới cho nông dân Bắc Ninh
Quả nho có đặc tính vỏ mỏng, vị thanh ngọt, giòn, chất lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có hương thơm cuốn hút, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã chuyển từ trồng rau sang trồng nho.
Đến nay, sản phẩm đã dần có chỗ đứng trên thị trường.
Vườn nho của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2021, nho tím không hạt và nho xanh không hạt của hợp tác xã đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, tạo hướng đi mới cho sản phẩm này.
Theo anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, hợp tác xã được thành lập năm 2017 với 7 thành viên. Ban đầu, cùng với diện tích đất vốn có của các thành viên, hợp tác xã đã thuê thêm đất để trồng dưa lưới, dưa chuột và cà chua trái vụ. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa cho nông dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Liêm đã tìm hiểu những giống cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên trong hợp tác xã.
Nhận thấy nho là loại quả thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2020, anh mua giống nho xanh không hạt và nho tím không hạt tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) trồng thử nghiệm với 80 gốc. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, nho đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau thành công bước đầu, năm 2021, hợp tác xã của anh đã mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500 m2.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc nho, ông Nguyễn Thanh Hòa, sinh năm 1965, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, thành viên hợp tác xã cho biết, cũng giống như những giống cây ăn quả khác, khi chăm sóc nho, đòi hỏi người trồng cần tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đặc biệt, hiểu được từng đặc tính, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nho để có chế độ chăm sóc hợp lý.
Với chất đất pha cát, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, hợp tác xã xây dựng nhà màng, mái vòm và bắc giàn, vun luống nhằm giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, vừa hạn chế nước mưa để nho không bị úng, thối rễ. Đặc biệt, muốn thành công, người trồng nho phải làm chủ được công nghệ, kỹ thuật chăm sóc; trong đó, giai đoạn quan trọng nhất là xử lý cho cây ra hoa.
Theo ông Hòa, nho thường ra hoa mỗi năm hai vụ, vì vậy, hợp tác xã lựa chọn thời điểm có thời tiết tốt nhất, nhiệt độ không cao cho cây ra hoa như vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch hàng năm. Trước thời điểm đó 1 tháng, hợp tác xã tăng cường bón phân và cắt cành. Nhờ vậy, sẽ kích thích nho ra hoa và đậu quả đạt tỷ lệ cao. Từ khi ra hoa đến thu hoạch mất thời gian 3 tháng.
Trong thời gian cây lớn, thành viên hợp tác xã thường xuyên ngắt ngọn, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Đặc biệt, nho là giống cây rất dễ bị sâu bệnh như bọ trĩ, bọ cánh cứng, thối cuống quả, phấn trắng... nên khi chăm sóc cây, các thành viên trong hợp tác xã đều chú ý. Để hạn chế tình trạng này, hợp tác xã sử dụng các loại thuốc từ chế phẩm sinh học để bảo đảm cung cấp cho thị trường những thực phẩm sạch, ông Hòa nhấn mạnh.
Hội viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh chăm sóc giàn nho.
Theo ông Hòa, muốn nho quả to, tròn đều, người nông dân phải tỉ mỉ dùng kéo cắt tỉa từng quả từ khi còn nhỏ. Khi đến khi thu hoạch, nho có màu đặc trưng của từng giống, vỏ mỏng, vị thanh ngọt, giòn chất lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có hương thơm cuốn hút. Trung bình, nho cho năng suất 5kg/gốc/vụ. Với giá thành 120.000 đồng/kg, mỗi mỗi năm hợp tác xã cho doanh thu hơn 800 triệu đồng từ trồng nho, gấp 5 lần trồng rau trước đây.
Cuối năm 2020, nho xanh không hạt và nho tím không hạt được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, tạo cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm, nhất là đưa nho đến với chuỗi nhà hàng, siêu thị.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh cho biết, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng quy mô, diện tích trồng. Anh Liêm cũng mong muốn có thể chuyển giao công nghệ cho nhân dân địa phương nhằm tạo khối lượng sản phẩm ổn định, từ đó giới thiệu sản phẩm và tìm nguồn tiêu thụ như đưa sản phẩm vào trong chuỗi các cửa hàng thực phẩm, siêu thị...
Thời gian qua, được lựa chọn tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, anh cùng các thành viên trong hợp tác xã đã được các cấp chính quyền tạo điều kiện tham gia các cuộc tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn được tập huấn, tiếp cận kỹ thuật chuyên sâu về trồng những giống cây mới nhiều hơn. Đồng thời, anh Liêm mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ người dân trong liên kết, tạo đầu ra ổn định. Theo anh Liêm, có như vậy mới tạo điều kiện nông dân yên tâm sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp mới bền vững.
Đánh giá về mô hình trang trại của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, ông Nguyễn Xuân Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du cho biết, mô hình trồng rau sạch, cây ăn quả của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh là một trong những mô hình điển hình đã mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, với việc đưa vào trồng các sản phẩm nho đã mang lại giá trị kinh tế cao. Từ mô hình này, có rất nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đến học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật. Điều đó, khẳng định sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của nông dân Bắc Ninh.
Thời gian qua, một số sản phẩm của hợp tác xã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường thị trấn một sản phẩm. Đây là cơ hội để nho xanh không hạt và nho tím không hạt xây dựng thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và cũng đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bắc Ninh cũng đã xây dựng quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào chương trình OCOP. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình OCOP, những sản phẩm này được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là trong những cuộc triển lãm.
Chỉ trồng rau thôi mà một ông nông dân tỉnh Đồng Tháp thu 1,5 tỷ/năm Trải qua nhiều khó khăn, anh Nguyễn Phước Việt Cường ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thành công với mô hình trồng rau thủy canh trên diện tích 4.500m2. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, anh Cường cung cấp cho thị trường 5 tấn rau các loại (chủ yếu là các loại cải); mang về doanh thu khoảng 1,5...