Bắc Giang đánh thức tiềm năng du lịch hồ Cấm Sơn
Mặt hồ Cấm Sơn xanh biếc phẳng lặng, bao quanh là những dãy núi vươn cao trùng điệp, quyện cùng trời xanh mây trắng, tạo nên cảnh quan rất đỗi hữu tình, thơ mộng…như một bức tranh sơn thủy hữu tình, làm mê mẩn tâm hồn các du khách.
Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc.
Cư dân sinh sống xung quanh hồ Cấm Sơn là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Người dân ở đây đi lại chủ yếu bằng thuyền, và giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo tạo những cảnh quan sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy mà có câu: “Áo chàm xuống núi bơi thuyền/Khăn nam phân phất như tiên dưới trần”.
Hồ Cấm Sơn nằm trên địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn ( Bắc Giang), giáp ranh với hai huyện Hữu Lũng và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn, là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một địa danh du lịch hấp dẫn để tham quan, nghỉ mát.
Tới hồ Cấm Sơn, du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ bằng cách đi thuyền trên mặt hồ. Cảm giác chòng chành khi mới xuống thuyền dần nhường chỗ cho sự thích thú trước không gian ngày càng rộng mở của hồ. Ngoài ra du khách còn được nghe người dân sống quanh hồ Cấm Sơn kể những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc… Những câu chuyện kể mang màu sắc huyền thoại đã thổi hồn vào cảnh vật làm cho từng dãy núi, khu rừng bao bọc xung quanh mặt nước trở nên hữu tình ít nơi có được.
Buổi sớm mai là thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ Cấm Sơn gợn sóng lấp lánh trong nắng sớm kết hợp với vài chiếc thuyền nan lướt qua, chợt nao nao một nỗi niềm bâng khuâng xa vắng như văng vẳng câu ca “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi…” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Du khách đi thuyền tham quan, trải nghiệm cảnh vật non nước hữu tình của hồ Cấm Sơn.
Video đang HOT
Du khách trải nghiệm trèo thuyền quanh khu vực hồ Cấm Sơn.
Đến với hồ Cấm Sơn, du khách còn được thưởng thức những giá trị văn hóa phi vật thể của các đồng bào dân tộc vẫn còn được lữu giữ lại trong những sắc phục, phong tục, tập quán các làn điệu đàn tính, Sloog hao, Sli, lượn, hát đối…
Những món ăn đặc sản tại hồ Cấm Sơn cuốn hút du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Trương Văn Năm – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài tiềm năm phát triển du lịch, huyện đang xây dựng đề án quy hoạch tầm nhìn 2021 – 2025 nhằm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm.
“Năm 2022, chúng tôi xác định là năm chủ đạo tập trung cho triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch Famtrip, miệt vườn bứt trái cây ăn quả tại các xã Tân Mộc, Quý Sơn, Tân Quang… Đặc biệt chúng tôi lựa chọn xây dựng những tour du lịch lòng hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần để tạo đà phát triển hướng đi mới về du lịch của huyện Lục Ngạn”- ông Năm nói./.
Đồng Tháp: Không thể 'ngủ quên' trên tiềm năng du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp có rất nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên, Đồng Tháp không thể 'ngủ quên' trên tài nguyên đó, vì lợi ích mang lại của du lịch nông nghiệp là rất rõ ràng.
Phát triển du lịch bền vững bao gồm nhiều loại hình, trong đó có du lịch xanh và du lịch sinh thái... Hai loại hình này tăng mạnh hơn bao giờ hết sau đại dịch Covid-19.
Một khu du lịch tại Đồng Tháp. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Du khách e ngại môi trường khép kín, đông đúc hay thậm chí trong máy lạnh. Họ chủ động tìm những nơi gần thiên nhiên, ruộng đồng, vườn tược, sông suối để thuận tiện cho các hoạt động mang tính trải nghiệm, thân thiện với môi trường.
Đây không hẳn là trào lưu mà trở thành lối sống mới, cách thưởng thức cuộc sống an toàn hơn, thư giãn hơn và xóa đi khoảng cách giữa con người với thiên nhiên sau dịch. Du lịch nông nghiệp vô tình trở thành yếu tố góp phần thỏa mãn nhu cầu ăn uống xanh, sống xanh, giải trí xanh, mua sắm sản phẩm xanh cũng như nhu cầu được thâm nhập vào đời sống của nông thôn, hiểu người nông dân và môi trường tự nhiên.
Du lịch nông nghiệp giúp tăng thu nhập xã hội, tạo cung và cầu tự nguyện giữa nông dân với khách du lịch và nhà tổ chức. Du lịch nông nghiệp cũng gắn liền phần nào với phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương. Từ các nhận thức kể trên, chúng ta nhìn kỹ lại các sản phẩm du lịch của Đồng Tháp, ngoài các di tích cách mạng và tâm linh Gò Tháp, còn lại sức lôi cuốn du khách đến Đồng Tháp là do nông nghiệp, mảng xanh và sông nước.
Ngay cả Tràm Chim hiện nay, cũng nặng về cảnh quan cây cối và hoa vì số lượng chim không nhiều như xưa. Vườn hoa Tân Quy Đông, nơi hội tụ với lịch sử phát triển lâu đời vẫn luôn có vai trò thu hút du khách trong và ngoài nước không phải để mua bán giao dịch thường ngày mà là điểm du lịch xanh và trải nghiệm cũng như mua sắm lưu niệm.
Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Du lịch nông nghiệp với quy mô và cách khai thác đạt hiệu quả cao ở các địa phương khác trong nước có thể kể như vườn rau trà quế của thành phố Hội An, một số vườn hoa và trái cây tại Đà Lạt và một vài nơi tại TPHCM như vườn trồng lan ở Củ Chi, vườn cây trái xã Trung Lập hay vườn bưởi Tân Triều của Đồng Nai...
Vai trò của du lịch nông nghiệp đã tạo công việc làm cho nhiều người, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nông thôn.
Để kết quả thành công cho du lịch nông nghiệp, cần quan tâm các tiêu chí sau:
Du lịch nông nghiệp phải mang lại cho khách sự trải nghiệm, mở rộng kiến thức và ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.
Trong du lịch nông nghiệp, hầu hết du khách tận dụng chuyến đi để học thêm kỹ năng như cắt tỉa cành, chăm sóc hoa, cắm hóa, tỉa củ, cho gia súc ăn... Dĩ nhiên, cuộc sống hiện đại làm cho các khách du lịch trẻ ít có cơ hội tiếp cận người nông dân, hiểu được cách trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng hoa, chăn nuôi gia súc, vắt sữa bò, dê...
Cánh đồng sen ở Đồng Tháp. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Trong đời sống cư dân thành phố, quan tâm rau quả hữu cơ cho bữa ăn hằng ngày nhưng không thấy trong thực tế cách sản xuất và phân phối. Chuyến đi là dịp cọ xát thực tế sản xuất, kênh phân phối và những lo toan của người nông dân qua mùa vụ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đối tượng khách trẻ, học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên... là khách hàng mục tiêu cho du lịch nông nghiệp. Trong kinh doanh du lịch, chúng ta có thể kết hợp, lồng ghép nội dung du lịch về nguồn với du lịch nông nghiệp để thu hút nguồn khách to lớn và đa dạng.
Du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động sự kiện, du lịch MICE
Có thể thấy những hoạt động nông nghiệp như gặt lúa, thu hoạch sen, câu cá, gác kèo ong, bắt chuột đồng, tát đìa bắt cá... là những thành tố của du lịch nông nghiệp. Tại Hội An vừa qua, sự kiện diễn ra trên cánh đồng lúa tại nhà hàng "The Field" đã có sự sẻ chia lợi tức giữa nông dân và đơn vị tổ chức, mang lại cho du khách trải nghiệm "có một không hai".
Sự kiện triển lãm ảnh "Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản" vừa qua diễn ra giữa cánh đồng lúa chín vàng tại Hội An đã để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Phong
Lễ hội hoa tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hoa Kỳ là sự kiện lớn, thu hút hàng triệu du khách từ khắp thế giưới hay Festival hoa Đà Lạt cũng mang đậm nét du lịch nông nghiệp hàng năm.
Khá tiếc khi Đồng Tháp là quê hương của bao loài hoa nhiệt đới, là nơi sản xuất hoa cho cả nước nhưng nơi đây lại chưa có một lễ hội hoa riêng để du khách trong và ngoài nước mãn nhãn. Lễ hội Sen lần đầu tiên phá vỡ "sự quên lãng" nguồn tài nguyên hoa bấy lâu nay của Đồng Tháp.
Đây là một sự kiện mang dấu ấn cho du lịch Đồng Tháp và là điều khác biệt với 12 tỉnh thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện có thể xem là điển hình của du lịch nông nghiệp. Rất nhiều sản phẩm từ sen được "trình" ra cho du khách và giá trị của hoa sen vượt qua ngưỡng chỉ là một loài hoa mùa hè.
Không gian Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I trước ngày khai mạc. Ảnh: Fanpage Lễ hội Sen - Lotus Festival
Với cách làm du lịch nông nghiệp, chèo thuyền xem các luống hoa ở Sa Đéc sẽ khác hẳn với đi thuyền trên sông như nhiều tỉnh Tây Nam Bộ. Có thể thấy, đây là hoạt động khá thú vị cho du khách, tuy nhiên vẫn chưa thật sự phát triển vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu phối hợp giữa nhà tổ chức và nông dân. Nguyên nhân khác là sự xa rời sản xuất hoa theo hướng hữu cơ, không dùng hóa chất cũng làm cho nông dân ngần ngại kết hợp với du lịch xanh và nhà tổ chức cũng không mặn mà giới thiệu cho du khách vì không hợp với trào lưu chung của thế giới.
Tại Lễ hội Sen, sự kiện "chợ nổi hoa" ngay chân các luống hoa sẽ là nơi nông dân trồng hoa, chèo đò, kết hợp các sự kiện giải trí bên sông dành cho du khách. Đây là cơ hội lớn để giới thiệu tiềm năng du lịch nông nghiệp Đồng Tháp đến khách tham quan.
Du lịch nông nghiệp phải mang lại cơ hội cho nông dân bán sản phẩm trực tiếp
Du khách tin vào chất lượng sản phẩm qua người nông dân ngay vườn của họ khi hoa trái được thu hái trước mặt, khách có thể tự tay thu hoạch nên chất lượng không thay đổi. Trái sầu riêng rụng trong vườn giá cao hơn nhiều lần so với sầu riêng hái trước. Sau Covid-19, trào lưu du lịch theo gia đình, nhóm nhỏ lái xe đi nên họ có điều kiền chở nhiều sản vật nông nghiệp mua trong chuyến đi, theo đó, sức mua sẽ nhiều hơn.
Du lịch nông nghiệp cũng có nhược điểm là khâu thanh toán của khách có thể không thuận lợi do nông dân sử dụng tiền mặt là chính. Khách muốn thanh toán bằng thẻ hay chuyển khoản có thể gặp khó khăn. Khách ít mang tiền mặt nên sẽ không mua nhiều đồ lưu niệm từ nông nghiệp địa phương.
Tóm lại, du lịch nông nghiệp cần sự quan tâm của chính quyền để phát triển đúng hướng; vận động sự tham gia của nông dân cùng nhà tổ chức, chung tay khai thác nguồn khách một cách hiệu quả nhất.
Đồng Tháp không thể ngủ quên trên tài nguyên to lớn đang có vì lợi ích mang lại của du lịch nông nghiệp rất rõ ràng.
Tuyệt tác Cấm Sơn: Hạ Long trên cạn của Bắc Giang Được ví như vịnh Hạ Long trên cạn,hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mang trong mình một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc, trữ tình. Trong một chuyến đi thực tế vào năm 1971 đến hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết lên bài hát Hồ trên núi...