‘Bà trùm’ giang hồ xuất thân từ tiểu thương bán cá
Từ người bán cá diêu hồng ở chợ Hóa An, Lý Thị Loan, 39 tuổi, tức Loan “Cá”, đã quy tụ nhiều đàn em hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi.
Ngày 6/5, Loan cùng chồng Nguyễn Văn Tuấn và tám người khác bị Công an Đồng Nai tạm giữ để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản và Cho vay nặng lãi.
Khám xét nơi ở của băng giang hồ, cảnh sát thu giữ gần 300 triệu đồng, trong đó nhiều cọc tiền lẻ 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng có được từ cưỡng đoạt những người bán rau, trái cây, cá… Ngoài ra, còn có nhiều sổ ghi tiền thu hàng ngày của hàng trăm tiểu thương, sổ cho vay nặng lãi, sổ đòi nợ thuê và sổ ghi đề. Hơn 30 người đã được xác định bị chúng trấn lột 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Loan “Cá” khi bị bắt tại chợ Khu công nghiệp Thạnh Phú chiều 4/5. Ảnh: Thái Hà.
Theo cơ quan điều tra, Loan được gắn với biệt danh Loan “Cá” vì từng bán cá diêu hồng tại chợ Hóa An. Để tranh giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP Biên Hòa, khoảng 6 năm trước, Loan quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ.
Sau đó, Loan bắt đầu thu tiền bảo kê người bán hàng rong trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam – đối diện chợ Hóa An. Nếu ai thắc mắc, “bà trùm” liền cho người đến đạp đổ, kiếm chuyện… Dưới trướng có nhiều tay chân, Loan hoạt động thêm cho vay, với mức lãi suất vài chục phần trăm mỗi tháng. Để đòi được tiền, chúng sẵn sàng mang hàng nóng đi “xử” con nợ.
Hai năm trước, thấy huyện Vĩnh Cửu cách đó khoảng 7 km công nhân đông, giới bảo kê ở đây ít “số má” nên Loan bàn bạc với chồng mở rộng địa bàn. Cả hai lên thuê mặt bằng mở quán nước, bãi giữ xe cho công nhân Khu công nghiệp Thạnh Phú và Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Khu vực này còn có chợ công nhân tự phát dài khoảng một km, chia nhiều cụm nhỏ chạy dọc Tỉnh lộ 768 và đường Đồng Khởi, với khoảng 500 người bán, rất thuận tiện làm ăn.
Video đang HOT
Khi xây dựng chỗ mới lớn mạnh, “bà trùm” bắt đầu gây chuyện, đụng độ với các băng bảo kê khác để chiếm lĩnh địa bàn. Hậu thuẫn đắc lực cho Loan là Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, tự Nhung “Khàn”) – một “đàn chị” đến từ khu Hố Nai.
Các đàn em Loan cố tình mặc quần áo để lộ hình xăm trổ để mọi người khiếp sợ. Hàng ngày, những tên này chạy xe máy rảo quanh các chợ tự phát nhắc nhở người bán không được lấn chiếm lòng lề đường nhưng thực chất là để thu tiền. Nếu phát hiện người mới đến bán, chúng thu theo ngày với giá 50.000 đồng. Đối với những người bán thường xuyên thì một triệu đến 1,5 triệu mỗi tháng. Đến tháng ai chưa đóng “hụi chết”, chúng tới đập phá hàng hóa, đe dọa.
Băng này hoạt động bảo kê từ 7h đến 16h. Tối đến, những khu vực không còn ai, người của Loan dùng xe tải chở những tấm gỗ pallet đến phân lô 2-6 m2, kẻ vạch sơn và ghi tên cụ thể. “Hôm sau, chúng nói khu vực đó đã có chủ, nếu ai muốn bán thì phải chung chi, chúng gọi đó là nộp tiền rác”, ông Hùng, người bán thực phẩm tại cổng giữa Công ty TNHH ChangShin, nói.
Nhóm Loan “Cá” dùng tấm gỗ pallet để chiếm chỗ vỉa hè, ai muốn bán phải chung chi. Ảnh: Phước Tuấn.
Cũng như ông Hùng, một ngày sau khi “bà trùm” bị bắt, nhiều tiểu thương ở đây mới dám tố cáo hành vi của nhóm này. Chị Thắm bán nước mía ngay trước nhà mình cho biết từng bị đàn em của Loan “Cá” kéo đến gây khó dễ, đòi chia lại mặt bằng. “Chúng liên tục chửi bới, dọa đánh tôi. Mỗi lần đến, Loan và Nhung dẫn gần 20 người. Để yên làm ăn, tôi phải nhẫn nhịn”, chị nói.
Theo ông Nguyễn Khắc Tâm, Trưởng ấp 1, xã Thạnh Phú, nhiều năm nay tình hình an ninh trật tự xung quanh các khu chợ rất phức tạp do tập trung đông công nhân, nhà trọ. “Trước đây khu vực này cũng xảy ra vài vụ xô xát, gây gổ nhưng không liên quan đến băng Loan ‘Cá’. Nhóm này mới về đây hai năm nay, chủ yếu thu tiền bảo kê”, ông Tâm cho biết.
Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Phạm Lê Nhân thừa nhận băng giang hồ do vợ chồng Loan “Cá” cầm đầu hoạt động trên địa bàn. “Chúng lợi dụng người bán tự phát không hợp pháp nên đe dọa, gây áp lực để thu tiền, chứ những cửa tiệm thì không có chuyện đó”, ông Nhân nói và cho biết đã báo tình hình hoạt động của nhóm này lên huyện và công an để theo dõi, xử lý.
Công an Đồng Nai đang mở rộng điều tra, truy bắt các đàn em của Loan “Cá”.
Loan 'Cá' cầm đầu băng bảo kê ở Đồng Nai hoạt động thế nào?
Để thị uy sức mạnh, đàn em của Loan thường xăm trổ đầy mình và cố tình mặc quần áo hở các hình xăm đi dạo quanh địa bàn, đe nẹt các tiểu thương.
Ngày 6/5, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra, làm rõ hoạt động bảo kê buôn bán tại Khu công nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) do băng nhóm của Lý Thị Loan (tức Loan "Cá", 41 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) cầm đầu.
Hiện công an đã bắt Loan cùng 8 người khác liên quan đến băng nhóm bảo kê.
Nhóm bảo kê Loan "Cá" bị công an bắt giữ. Ảnh: CTV.
Theo công an, băng nhóm của Loan hoạt động nhiều năm nay tại khu vực đường Đồng Khởi, đường Tỉnh lộ 768, đoạn cổng trước và cổng sau Công ty Chang Shin Việt Nam thuộc xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu.
Địa bàn băng nhóm hoạt động tập trung hàng trăm người buôn bán các mặt hàng như đồ may mặc quần áo lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho công nhân các công ty thuộc Khu Công nghiệp Thạnh Phú tại huyện Vĩnh Cửu .
Theo một số cán bộ điều tra chuyên án, đây là nhóm bảo kê có "số má" tại Đồng Nai. Để thị uy sức mạnh, đàn em của Loan thường xăm trổ đầy mình và cố tình mặc quần áo hở các hình xăm đi dạo quanh địa bàn, đe nẹt các tiểu thương.
Ngoài hoạt động bảo kê, băng nhóm của Loan còn cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Ảnh: CTV.
Phương thức hoạt động của băng nhóm thường sẽ cắt cử 1 đến 2 người hàng ngày điều khiển xe máy dạo quanh khu vực các tiểu thương bán hàng nhắc nhở không được lấn chiếm lòng lề đường. Việc làm này thực chất là họ thay phiên nhau theo dõi tình hình buôn bán và đe dọa tiểu thương. Nếu phát hiện những tiểu thương bán dạo không ổn định sẽ thu luôn tiền bảo kê theo ngày.
Đối với những người buôn bán thường xuyên nếu đến tháng chưa có tiền đóng thì Loan sẽ huy động đàn em tới dùng vũ lực để uy hiếp. Nếu họ không nộp sẽ không cho buôn bán khu vực này.
Những người bán hàng phải nộp tiền bảo kê từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Riêng người bán dạo không thường xuyên đóng 50.000 đồng/ngày. Trường hợp không nộp tiền sẽ bị đánh và đập phá.
Không chỉ có bảo kê thu tiền đối với những người bán hàng mà băng nhóm này còn bảo kê cả việc cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê tại nhiều khu nhà trọ lân cận như Khu công nghiệp Thạnh Phú thuộc (huyện Vĩnh Cửu), phường Trảng Dài, Tân Phong (TP Biên Hòa).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều 5/5, lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động của tỉnh đã ập vào bắt giữ 9 người trong băng nhóm này khi chúng đang trực tiếp thu tiền bảo kê của tiểu thương. Chuyên án được Công an tỉnh Đồng Nai xác lập nhiều tháng trước đó.
Băng nhóm Đường 'nhuệ' và những tội danh bị điều tra Băng nhóm giang hồ Đường "nhuệ" bị điều tra các vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản trong lĩnh vực hỏa táng, câu kết chèn ép trong đấu giá đất, chiếm giữ doanh nghiệp. Ngày 26-4, Tỉnh ủy Thái Bình cho biết Ban Nội chính đã có thông tin chính thức về kết quả đấu tranh, xử lý ban đầu...