Ba thách thức của Singapore sau khi Lý Quang Diệu qua đời
Khoảng cách giàu nghèo, vấn đề dân nhập cư và nguy cơ xáo trộn trên chính trường là ba thách thức mà chính phủ Singapore đang phải đối diện, đặc biệt sau sự qua đời của nhà lập quốc Lý Quang Diệu.
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Straits Times
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được cho là một trong số ít những nhà lãnh đạo thế giới đương đại để lại dấu ấn cá nhân sâu sắc trong quá trình hình thành và phát triển của quốc gia mình.
Ông là người sáng lập ra đất nước Singapore, là người đưa mảnh đất vốn bị cô lập và đầy khó khăn trở thành nơi có đời sống vật chất vượt qua cả Mỹ, chỉ trong thời gian hơn ba thập kỷ.
“Cuốn hồi ký ‘Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất’ cho thấy cái nhìn sắc bén của ông về thành tựu bản thân”, ông David Pilling, tổng biên tậpFinancial Times bản châu Á, bình luận.
Nhưng cũng chính bởi vậy, mô hình phát triển của Singapore đang đứng trước ngã ba đường, khi nhà lập quốc qua đời. Ông Lý Quang Diệu từ trần vào hồi 3h18 sáng ngày 23/3, hưởng thọ 91 tuổi.
Kể từ khi độc lập vào năm 1965, ông Lý Quang Diệu đã xác định con đường phát triển của Singapore phải dựa trên ba nền tảng, là thu hút đầu tư nước ngoài, dân số tăng trưởng ổn định thúc đẩy kinh tế phát triển và nền chính trị tập trung.
Tuy nhiên, 50 năm sau, mô hình trên khó có thể đảm bảo cho sự tiếp tục của kỳ tích Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, cũng từng thừa nhận: “Chúng ta đang ở khúc rẽ, cần thay đổi. Hiện nay, chúng ta đang thành công, phồn vinh, nhưng không phải không tồn tại vấn đề và đều cần phải giải quyết”.
Cùng với nền kinh tế phồn vinh, vấn đề phân hóa giàu nghèo tại Singapore ngày càng trở nên nghiêm trọng, trở thành thách thức hàng đầu đối với sự ổn định của quốc đảo này.
Theo số liệu của tổ chức Wealth-X, trong một triệu người dân Singapore, có 255 người sở hữu tài sản hơn 30 triệu USD, gấp 8 lần mức trung bình trên thế giới. Trong khi đó, 14% dân số thường trú tại đây có mức sống dưới tiêu chuẩn nghèo.
“Những số liệu trên đặt ra câu hỏi cấp thiết mang tính tồn vong: quốc đảo vốn tập trung vào phát triển suốt hơn nửa thế kỷ qua, liệu có thể chuyển đổi mô hình thành công”, ông Piyush Gupta, CEO của DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore, bình luận.
Để ứng phó với tình hình trên, chính phủ Singapore đang dần thay đổi mô hình tư bản chủ nghĩa tự lực cánh sinh của ông Lý Quang Diệu, bằng cách cam kết tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện cơ chế tái phân phối. Tháng 2, nội các Lý Hiển Long đã nâng cao mức thuế của 5% số người có thu nhập cao nhất nước từ 20% lên 22%.
Ngoài khoảng cách giàu nghèo ra, dân số nhập cư không ngừng tăng cũng đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội Singapore. Dân số hiện nay của đảo quốc này là 5,3 triệu người, nhưng dân số nhập cư đã lên đến 1,3 triệu.
Video đang HOT
Người dân nhập cư chủ yếu làm các công việc lao động chân tay, như xây dựng, lái xe buýt hoặc người giúp việc, những công việc mà người dân bản địa có trình độ giáo dục cao không muốn làm. Nhưng, tốc độ tăng trưởng dân số nhập cư không ngừng gia tăng khiến người dân Singapore cảm thấy bức xúc vì phải chia sẻ phúc lợi xã hội.
Chính phủ Singapore đang nỗ lực giảm thiểu tốc độ tăng trưởng của dân số nhập cư, trong khi vẫn phải đối diện với sức ép tỷ lệ sinh trong nước quá thấp. Tỷ suất sinh (TFR – số trẻ dự kiến được sinh ra trên mỗi phụ nữ trong thời kỳ có thể mang thai) hiện nay của quốc gia này là 1,3, thuộc hàng thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1.
Năm 2012, ông Lý Quang Diệu từng viết bài bình luận trên trang đầu báoStraits Times, kêu gọi người dân Singapore tăng cường sinh con. “Mảnh đất này sẽ sụp đổ, nếu tỷ lệ sinh của Singapore tiếp tục thấp”, nhà lập quốc cảnh báo.
Ba thế hệ lãnh đạo Singapore là: Lý Quang Diệu (phải), Goh Chok Tong (trái) và Lý Hiển Long (giữa). Ảnh: Straits Times
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Singapore phải đối diện được cho là khoảng cách ngày càng bị kéo dãn giữa thế hệ trẻ và các quan niệm về quốc gia dân tộc mà ông Lý Quang Diệu cùng đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền nỗ lực xây dựng từ nhiều thập kỷ qua.
“Nhu cầu của các thế hệ đi trước đã được thỏa mãn khi ông ấy (Lý Quang Diệu) còn làm thủ tướng”, ông Abdul Kadir bin Ibrahim, một người Singapore 50 tuổi, cho biết. “Nhưng thế hệ trẻ bây giờ có học vấn cao hơn, đến từ các gia đình không cần phải chật vật để sinh tồn và tiếp xúc nhiều hơn với thế giới, vì vậy không thể tránh khỏi có mong muốn thay đổi”.
Anh Carlton Tan, một thanh niên Singapore 28 tuổi, cho hay thế hệ trẻ biết ơn những kỳ tích kinh tế mà thế hệ lãnh đạo thời đại Lý Quang Diệu tạo nên, nhưng cũng tin tưởng rằng “ổn định không thể được duy trì nếu thiếu một xã hội dân sự mạnh mẽ”.
Trong khi đó, nhà lập quốc Lý Quang Diệu lại tin tưởng tuyệt đối vào “Giá trị châu Á”, với quan điểm lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích cá nhân và công dân cần hy sinh một số quyền tự chủ để đổi lấy sự quản lý nhà nước hiệu quả.
Sau cuộc bầu cử năm 2006, ông từng tuyên bố: “Đừng cho rằng bạn có thể thay đổi chính phủ. Người trẻ tuổi không hiểu được điều này”. Bởi theo ông, Singapore không có đủ người để đồng thời duy trì hai đội ngũ quản lý đương nhiệm và dự bị xuất chúng như nhau. “Tôi đã từng thử, nhưng điều đó là không thể”, ông nói.
Mặc dù vậy, trong cuộc bầu cử năm 2011, PAP lần đầu tiên mất đến 6 ghế trong quốc hội, với tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt mức 60,1%, thấp nhất trong lịch sử. Sau đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết sẽ tăng cường mức độ tham vấn với phe đối lập, để đảm bảo trách nhiệm của đảng cầm quyền với người dân.
Trong một hành động có ý nghĩa tượng trưng, ông Lý Quang Diệu quyết định từ chức cố vấn nội các, chức vụ được người con trai Lý Hiển Long lập ra sau khi lên cầm quyền năm 2004. Ông cũng rút khỏi Ban chấp hành Trung ương của PAP, chỉ duy trì tư cách nghị sĩ quốc hội.
“Chính phủ đang dồn tâm trí để vạch ra phương hướng chính sách mới”, chuyên gia chính trị Bob Broadfoot bình luận. “Những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến toàn thể người dân Singapore”.
Được đánh giá là một nhà lãnh đạo có năng lực và đáng kính trọng, nhưng phong cách trị quốc của Thủ tướng Lý Hiển Long khác với phong cách cứng rắn của cha. Thủ tướng Lý thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook để tương tác với người dân, đặc biệt là lớp trẻ Singapore.
“Phong cách của Lý Hiển Long là tập trung trí tuệ chung, nỗ lực thường xuyên đối thoại với công chúng”, chuyên gia Broadfoot bình luận.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử sắp tới, PAP vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức từ đảng Công nhân, chính đảng đối lập lớn nhất đảo quốc. “Trước đây, người ta có thể chắc chắn rằng PAP sẽ giành được thắng lợi, nhưng nay lần đầu tiên xuất hiện sự bất định như thế này trên chính trường”, Giáo sư Kishore Mahbubani, viện trưởng Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.
Chuyên gia này cho rằng, thách thức với Thủ tướng Lý Hiển Long và PAP là phải điều chỉnh mô hình cũ trong khi vẫn phải đảm bảo duy trì sự thành công của Singapore. “Khẳng định là muốn duy trì mô hình vốn được kinh qua thách thức, nhưng không phải dễ dàng khi thay đổi mô hình đó mà vẫn phải đảm bảo sự thành công suốt 50 qua”, ông nói.
Mặc dù vậy, nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu với phong cách cương quyết và những thành tựu của ông, đã đưa ra một mô hình trị quốc khác với phương Tây. “Ông ấy đã phá vỡ tính phổ biến duy nhất của mô hình phương Tây, vạch ra một con đường đặc sặc”, Giáo sư Danny Quah thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) bình luận. “Điều này chỉ cho phương Tây thấy một sự thực khó lòng chấp nhận, nhưng cũng chính bởi vậy mà thế giới trở nên phong phú hơn”.
Đức Dương
Theo VNE
Chùm ảnh: Singapore thay đổi chóng mặt dưới thời Lý Quang Diệu
Từ một làng chài, chỉ sau 3 thập niên, Singapore vụt sáng thành một đất nước giàu có, trở thành "con rồng" lớn mạnh của châu Á. Đó là nhờ một phần công sức to lớn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Năm 1819, người Anh đặt chân tới Singapore, vùng đất này chỉ là khu rừng rậm và đầm lầy, nhưng vì nằm trên tuyến đường giao thương hàng hải giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên Singapore nhanh chóng trở thành bến cảng cực kì quan trọng của bán đảo Đông Nam Á.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Gần 150 năm sau, Anh trao trả lại Singapore và quốc gia nhỏ bé này, buộc phải tự vươn lên mà không có gì ngoài sức của con người.
Năm 1960, đất nước Singapore được một tờ tạp chí mô tả như một "vũng nước tù đọng, nghèo nàn và lạc hậu". Singapore gần như là một đảo quốc không có tài nguyên gì đáng giá ngoài biển cả mênh mông và nước mặn vây quanh, phải nhập khẩu cả nước ngọt để uống và sinh hoạt.
Sau khi tiếp quản vị trí Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý được xem là người có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của Singapore. Dưới thời ông, đất nước Singapore đã có những thay đổi chóng mặt khiến cho các quốc gia khác phải ngưỡng mộ.
Dưới đây là một số hình ảnh về sự thay đổi của Singapore dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu:
Đại lộ Serangoon. Con đường trung tâm Serangoon đi xuyên qua Singapore năm 1979 (ảnh trái). Sau khi lấp con kênh dài, Serangoon đã trở thành siêu đại lộ với 15 làn đường chạy xuyên suốt Singapore sang Malaysia (ảnh phải).
Ủy ban lực lượng vũ trang Singapore năm 1952 là tòa nhà đồ sộ nhất khu vực này (ảnh trái). Đến năm 2010, nó đã bị chìm khuất dưới chân những tòa cao ốc chọc trời (ảnh phải).
Tổ hợp nhà ở số 79 tại khu trung tâm Toa Payoh năm 1997, lúc này một căn hộ 3 phòng ngủ có giá khoảng 7.500 USD (ảnh trái). Bây giờ chiều cao của dãy nhà số 79 đã tăng gấp 4, giá đã tăng ít nhất 20 lần (ảnh phải).
Tòa nhà Yue Hwa nằm tại góc phố Eu Tong Sen năm 1985 (ảnh trái). Sau 30 năm, cảnh quan khu phố này không mấy thay đổi, hầu như vẫn y nguyên, chỉ có những chiếc xe hơi đời mới là khác.
Nhà hát lớn Singapore bắt đầu mở cửa năm 1930 với 1600 chỗ ngồi. Đây này là trung tâm ca múa nhạc lớn nhất nhì khu vực (ảnh trái). Tòa nhà đã được trùng tu lại như mới và trở thành rạp chiếu phim năm 1960 (ảnh phải).
Ảnh chụp năm 1980 của khu vực Emerald không khác gì nhiều so với bây giờ (ảnh trái). Cùng với khu phố Eu Tong Sen, khu vực đồi Emerald cũng là nơi được nhà nước bảo tồn (ảnh phải).
Đường Tanjong ngày ấy và bây giờ.
Bức ảnh chụp năm 1950 về khu đô thị trên đường Tiong Bahru (ảnh trái). Hiện tại nơi đây đã trở thành khu dân cư cao cấp với cây cối xanh tươi (ảnh phải).
Bức ảnh chụp tòa nhà MPH nằm trên ngã tư đường Stamford năm 1983 này cho thấy MPH đã từng là hiệu sách cổ nhất Singapore (ảnh trái). Sau khi được công ty Vanguard mua lại với giá 25 triệu USD năm 2001, tòa nhà MPH bây giờ trở thành nơi "thực hành" của sinh viên trường đại học quản lý Singapore (ảnh phải).
Trong bức ảnh chụp năm 1980, những căn nhà dọc bến Clarke bé xíu và lụp xụp (ảnh trái). Hiện tại chúng đã được trùng tu lại sặc sỡ và thu hút hơn.
VŨ NGA (Ảnh: The Strait Stimes)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hình ảnh đẹp về ông Lý Quang Diệu gặp các nguyên thủ quốc gia Những lần tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu luôn nở nụ cười thân thiện. Ông Lý trong một buổi gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2009. Tổng thống Obama đã miêu tả ông Lý như một trong những "nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế...