Ba nguy cơ dẫn tới chiến tranh Trung – Mỹ trên Biển Đông
Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông có thể bắt nguồn từ các vấn đề xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp, một cuộc đụng độ máy bay hoặc từ một sự cố tàu ngầm, theo chuyên san The National Interest (Mỹ).
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép một đường băng tại Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: Reuters
Cả Mỹ và Trung Quốc đều lên tiếng mạnh mẽ về Biển Đông. Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thậm chí nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang có mưu đồ quân sự hóa các đảo này.
Trong khi đó, dù không có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Mỹ chú trọng lợi ích hàng hải ở khu vực này, cũng như vị thế của mình qua chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ đã không chọn cách đứng ngoài tình hình Biển Đông.
Trước tình hình khẩu chiến liên tục gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, bài viết đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 6.6 đã chỉ ra 3 nguy cơ có thể dẫn tới cuộc chiến tranh trên Biển Đông giữa hai bên.
Từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông
Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng và bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với quy mô và tiến độ khó lường. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hung hăng tuyên bố chủ quyền ở các đảo nhân tạo đó và ngăn cản hoạt động của máy bay trinh sát Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ vẫn tiếp tục các hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Chính vì thế, máy bay và tàu hải quân của Mỹ rất có thể sẽ có những hoạt động tuần tra trên Biển Đông như nhiều chuyên gia đã nhận định.
Một khi máy bay hay tàu chiến Mỹ vào khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, chỉ cần một động thái quân sự từ phía binh lính Trung Quốc cũng có thể kích ngòi cho căng thẳng leo thang. Và nếu lực lượng Mỹ có bất cứ thiệt hại đáng kể nào, một cuộc chiến tranh trên Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra, theo The National Interest.
Một cuộc đụng độ máy bay
Video đang HOT
Máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ, P-8A Poseidon – Ảnh: AFP
Nguy cơ thứ hai có thể dẫn đến chiến tranh là một cuộc đụng độ máy bay. Nếu một trong hai phía nổ súng nhằm vào máy bay của đối phương, tình thế sẽ nhanh chóng xấu đi và một cuộc chiến có thể xảy ra.
Đặc biệt, nếu Trung Quốc tiến tới việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) trên Biển Đông thì tình huống này lại càng dễ xảy ra. Bởi lẽ Mỹ không dễ dàng từ bỏ lợi ích hàng hải. Khi Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ đã khẳng định phớt lờ vùng nhận dạng đó. Do vậy, theo The National Interest, Mỹ cũng sẽ có phản ứng tương tự nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông. Những bất đồng xung quanh ADIZ sẽ rất dễ khiến máy bay Mỹ và Trung Quốc chạm trán nhau và dẫn tới kịch bản bùng nổ chiến tranh.
Sự cố tàu ngầm
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Ở kịch bản này, nhiều nhà phân tích cho rằng, Hải quân Trung Quốc cần đưa tàu ngầm của mình qua chuỗi đảo đầu tiên nhằm đe dọa việc Mỹ tiếp cận vào vùng ven biển của Trung Quốc. Để có được tình huống này, Trung Quốc phải chủ động gia tăng hoạt động tàu ngầm và mạo hiểm hơn, đặc biệt là áp sát các tàu ngầm của Nhật Bản và Mỹ.
Theo các nhà phân tích, lúc đó tàu ngầm của Trung Quốc có thể khiến tàu thuyền của Mỹ mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi vòng vây, và một sự cố tàu ngầm lớn giữa hai nước có thể xảy ra, có thể đe dọa về sinh mạng nhiều hơn cả một cuộc đụng độ máy bay như ở kịch bản thứ hai.
Chuyên san The National Interest nhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa muốn có một cuộc xung đột quân sự, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy vậy, gần đây những cuộc khẩu chiến liên quan đến vấn đề Biển Đông diễn ra ngày càng liên tục, tình thế này khiến mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng, không tránh khỏi những mối lo ngại về một cuộc chiến tranh.
Theo chuyên san này, một cuộc chiến tranh bất ngờ tuy hiếm nhưng không phải là không thể. Một cuộc chiến như vậy nhiều khả năng được châm ngòi từ phía Trung Quốc hơn là từ phía Mỹ, phụ thuộc vào chính những nhà hoạch định chính sách. Theo đó, mọi thứ có thể diễn ra nhanh chóng tới mức không thể tiên đoán.
Trong khi đó ông Denny Roy, học giả chuyên nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương (đặc biệt về những vấn đề liên quan tới Trung Quốc), cho rằng Trung Quốc hiện đang ở thế tấn công trên Biển Đông, rất có thể sẽ “kiếm cớ” bằng cách tạo ra tình huống khiến Mỹ bị xem là bên có hành vi can thiệp gây mất ổn định tại Biển Đông. Mặc dù vậy, học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc hiểu rõ chiến lược tạo cớ này có nhiều rủi ro, bởi lẽ điều này sẽ đụng chạm tới lợi ích tự do hàng hải mà Mỹ theo đuổi lâu nay.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Năm lý do Trung Quốc chưa lập ADIZ tại Biển Đông
Chuyên san Foreign Policy (Mỹ) ngày 5.6 dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế người Trung Quốc nhận định rằng có 5 lý do khiến Bắc Kinh chưa lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy cản một tàu Philippines tại Biển Đông - Ảnh: AFP
Giáo sư Chu Phương Ngân thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông cho biết Trung Quốc đã khiến nhiều người, cả trong và ngoài nước, ngạc nhiên khi quyết định đơn phương thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013.
Gần như toàn bộ các chuyên gia Trung Quốc, bao gồm cả những người có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao, đã lên tiếng phản đối động thái này vì cho rằng đây là một hành động khiêu khích không cần thiết và sẽ khiến căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc leo thang, theo ông Chu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc cuối cùng vẫn xúc tiến việc này.
Đến ngày 31.5.2015, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, trong bối cảnh Mỹ lên án mạnh mẽ hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cho biết nước này có thể sẽ lập ADIZ ở Biển Đông nếu cảm thấy bị đe dọa.
Giáo sư Chu bình luận giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc lần này có lẽ sẽ không tạo thêm ADIZ vì 5 lý do:
Thứ nhất, thông báo lập ADIZ tại Biển Đông giờ đây sẽ không giúp Trung Quốc giành được yếu tố bất ngờ chiến lược vì vấn đề này đã trở thành một mối lo ngại mang tầm quốc tế, ông Chu nhận định.
Giáo sư Chu cho biết trong lần thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã có được "yếu tố bất ngờ chiến lược", vì từ trước đến nay nước này chưa từng lập ADIZ và lúc đó ít ai nghĩ Bắc Kinh sẽ làm gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.
Trước đó, để thách thức hành động "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Tokyo, Bắc Kinh đã điều tàu và máy bay lượn quanh đảo này. Tuy nhiên, giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc cho rằng chỉ điều máy bay, tàu thì vẫn chưa đủ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc vì điều này không làm thay đổi thực tế là Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trước) chạy song song với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters
"Thông qua việc lập ADIZ bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư, quân đội Trung Quốc đã tạo được ấn tượng rằng họ đang củng cố chủ quyền quần đảo. Về mặt đối nội, hành động này cũng là lời kêu gọi chính phủ cần có thêm những biện pháp đáp trả cứng rắn với phía Nhật", ông Chu cho hay.
Lý do thứ 2, theo giáo sư Chu khiến Trung Quốc chưa lập vùng ADIZ tại Biển Đông là vì quyền kiểm soát thực tế. Khác biệt giữa vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông ở chỗ Bắc Kinh không thực sự kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông; còn tại Biển Đông, Bắc Kinh đang chiếm giữ trái phép nhiều bãi đá ngầm.
Bắc Kinh không cần phải lập ADIZ để khẳng định chủ quyền phi lý tại Biển Đông vì vẫn đang chiếm đóng trái phép nhiều khu vực tại đây, theo ông Chu.
Lý do thứ 3 để Trung Quốc chưa lập ADIZ ở Biển Đông là vì nước này hiện không bị áp lực phải có hành động cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông từ những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong nước, phần lớn là do các chính sách trong vòng 2 năm qua tại nước này đã thể hiện với công chúng rằng chính phủ sẽ đối đầu với bên ngoài nếu "các lợi ích cốt lõi" bị đe dọa.
Lý do thứ 4 là việc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ đang trong tình trạng khá tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, ông Chu nhận định, nhưng không nói rõ quốc gia nào.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Lý do cuối cùng, Trung Quốc sẽ gặp khó khi lập ADIZ tại Biển Đông vì các bãi đá ngầm mà nước này đang chiếm giữ trái phép nằm quá gần nhau.
Theo giáo sư Chu, việc để ADIZ chồng lấn sang những bãi đá mà Trung Quốc chưa chiếm được ở Biển Đông chỉ càng làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng. Ông cho rằng giới hoạch định chiến lược của quân đội Trung Quốc chỉ thực hiện điều này khi Mỹ tăng cường thách thức về mặt quân sự đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Báo Nga: Trung Quốc có thể tấn công Mỹ? Ngày 29/5, Tờ "Russkaia Planeta" (Nga) đăng bài viết với của tác giả Daria Andreeva tổng hợp ý kiến của các chuyên gia Mỹ, Nga quanh vấn đề quan hệ Trung-Mỹ. (Về) mối quan hệ trong thời gian gần đây và "Sách trắng (quốc phòng)" mới công bố của Trung Quốc. Xin giới thiệu lại với bạn đọc, một số từ và cụm...