Ba năm, Trung Quốc xóa sổ 1,7 triệu ứng dụng
Các chợ ứng dụng Trung Quốc chỉ còn 2,78 triệu phần mềm trong tháng 10, giảm từ 4,52 triệu hồi tháng 12/2018.
Theo SCMP, số lượng ứng dụng trên các “chợ” tại Trung Quốc giảm 38,5% trong ba năm qua. Năm 2021 chứng kiến các ứng dụng “bay màu” nhiều nhất, trong bối cảnh nước này siết chặt quản lý các nền tảng và nội dung Internet. SCMP đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy thị trường ứng dụng Trung Quốc đã chín muồi.
Leon Sun Qiyuan, nhà phân tích của hãng nghiên cứu EqualOcean, nhận xét thị trường dịch vụ trực tuyến Trung Quốc không còn là mảnh đất màu mỡ. “ Ngành công nghiệp Internet Trung Quốc phát triển quá lâu năm, những ngày tăng trưởng khủng đã qua”.
Dù vậy, thay đổi cũng phản ánh môi trường quy định ngày càng khắt khe. Xét trên toàn cầu, dù chợ ứng dụng đã phát triển, App Store của Apple và Google Play của Google vẫn ghi nhận lượng ứng dụng tăng trong cùng kỳ. Dù Google gỡ bỏ khoảng 1 triệu ứng dụng giữa năm 2018 do thay đổi chính sách, từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2021, số lượng ứng dụng vẫn tăng 7,6%, lên gần 2,8 triệu.
Từ tháng 1/2019, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch đánh giá lại ứng dụng kéo dài 12 tháng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, như Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Cục Quản lý Không gian mạng (CAC), Bộ Công An, Cục Quản lý nhà nước về Cơ chế thị trường.
Năm 2019, khoảng 850.000 ứng dụng bị xóa sổ, đến năm 2020, con số này là 220.000. Song, từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021, khoảng 670.000 ứng dụng biến mất. Hàng loạt nhà phát triển bị yêu cầu thay đổi các hành vi như thu thập dữ liệu.
Video đang HOT
Vào tháng 7, MIIT công bố chiến dịch “thanh lọc” Internet kéo dài 6 tháng. Tổng cộng 220.000 ứng dụng bị xóa chỉ riêng trong tháng.
Giống như nhiều quốc gia khác, game vẫn chiếm ưu thế trên các chợ ứng dụng Trung Quốc, cứ 4 ứng dụng lại có 1 game video. Song, số lượng game ở đây vẫn giảm từ 909.000 vào tháng 12/2019 xuống 679.000 vào tháng 10/2021. Để so sánh, game trên App Store Mỹ tăng từ chưa tới 820.000 tháng 12/2018 lên hơn 1 triệu trong tháng này.
Nhà chức trách Trung Quốc không phê duyệt bất kỳ game mới nào kể từ tháng 7. Vào tháng 8, Cục Quản lý báo chí và xuất bản – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý game và các hình thức giải trí trực tuyến khác – ban hành quy định giới hạn thời gian chơi game cho người dưới 18 tuổi. Cụ thể, game thủ dưới 18 tuổi chỉ được chơi game từ 20h đến 21h vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ. Đây là biện pháp cứng rắn nhất nhằm xử lý vấn nạn nghiện game của người trẻ.
Năm nay, Trung Quốc tập trung vào xử lý tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép, đòi hỏi truy cập quá mức vào thiết bị người dùng hay chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba khi không được phép. Nó trùng khớp với động thái siết chặt luật và quy định liên quan tới dữ liệu và thông tin cá nhân của chính phủ. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và Luật An toàn dữ liệu có hiệu lực tương ứng từ tháng 9 và tháng 10.
Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng thể hiện lập trường cứng rắn với các nhà phát triển ứng dụng. MIIT thường xuyên “bêu” tên các ứng dụng vi phạm. Chẳng hạn, tháng trước, MIIT yêu cầu Tencent ngừng cập nhật ứng dụng và phát hành mới nếu không được phép. Dù vậy, Tencent mới đây được bật “đèn xanh” để nâng cấp 9 ứng dụng.
Các bộ ngành khác cũng có quyền đóng cửa ứng dụng. Ví dụ, CAC yêu cầu các chợ ứng dụng gỡ bỏ hàng chục ứng dụng của Didi Chuxing, chỉ hai tuần sau khi công ty này lên sàn chứng khoán New York bất chấp cảnh báo của cơ quan quản lý.
Trung Quốc vẫn có thêm các ứng dụng mới nhưng không đủ bù đắp số lượng đã bị xóa. Vào tháng 10, các chợ ứng dụng đón thêm khoảng 100.000 ứng dụng, tăng từ 60.000 hồi tháng 9 và 30.000 hồi tháng 8. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng bị gỡ vào tháng 10 là 130.000, tháng 9 là 140.000 và tháng 8 là 120.000.
Quy chuẩn đầu tiên về đạo đức AI toàn cầu
Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo (AI) của UNESCO phản đối việc sử dụng công nghệ này cho các ứng dụng "xâm hại", "vi phạm quyền con người và các quyền tự do cơ bản".
Theo South China Morning Post, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm 25.11 đã đưa ra hướng dẫn đạo đức quốc tế đầu tiên trên thế giới về AI, cấm sử dụng công nghệ này cho "mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt". Trong tuyên bố, UNESCO cho biết hướng dẫn này đóng vai trò như bộ "khuyến nghị" toàn cầu thay vì một thỏa thuận ràng buộc.
Mặc dù những bên ủng hộ AI, chẳng hạn như Trung Quốc, coi công nghệ này là công cụ giúp chuyển đổi một loạt các ngành công nghiệp, nhưng trên thực tế các ứng dụng khác nhau của AI, từ ứng dụng di động, phương tiện truyền thông xã hội, bán lẻ trực tuyến cho đến các nền tảng chấm điểm xã hội và hệ thống giám sát, là biểu hiện rõ ràng cho những gì UNESCO mô tả là "mối quan ngại cơ bản về đạo đức" có khả năng dẫn đến "phân biệt đối xử, bất bình đẳng và phân chia kỹ thuật số".
UNESCO phản đối sử dụng AI cho "mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt"
Tài liệu 28 trang của UNESCO, được gọi chính thức là "Khuyến nghị về đạo đức của trí tuệ nhân tạo", cấm sử dụng AI cho "mục đích chấm điểm xã hội hoặc giám sát hàng loạt" vì "những loại công nghệ này xâm lấn và vi phạm quyền con người", theo người phát ngôn chính của UNESCO Gabriela Ramos.
Hướng dẫn kêu gọi "minh bạch hơn trong việc kiểm soát dữ liệu cá nhân" và "giới hạn và nhận thức lớn hơn về khả năng của AI để bắt chước đặc điểm, hành vi của con người". UNESCO muốn đảm bảo rằng "sự thống trị của ngôn ngữ tiếng Anh trong AI không gây bất lợi cho các ngôn ngữ thiểu số, sự đa dạng và quan điểm văn hóa rộng lớn hơn". Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo "việc tương tác liên tục với công nghệ AI, bao gồm thông qua các thuật toán mạng xã hội, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của cả trẻ em và người lớn".
Khuyến nghị của UNESCO được đưa ra hơn một tháng sau khi Trung Quốc công bố bộ hướng dẫn đạo đức quản lý AI của riêng mình, tập trung vào bảo vệ quyền của người dùng và những cách thức phù hợp với mục tiêu của nước này là trở thành nhà lãnh đạo AI toàn cầu vào năm 2030.
Tuy nhiên, hướng dẫn về AI của UNESCO hoàn toàn ngược lại với những gì Trung Quốc đã và đang làm với công nghệ này. Trung Quốc hiện có hệ thống giám sát lớn nhất thế giới, với 16 trong số 20 thành phố lớn được khảo sát ở nước này trang bị hệ thống giám sát, theo báo cáo do công ty nghiên cứu công nghệ Comparitech của Vương quốc Anh công bố hồi tháng 5.2021.
Theo ông Paul Bischoff, biên tập viên trang Comparitech và là nhà bình luận thường xuyên về an ninh mạng, khuyến nghị của UNESCO sẽ không làm "chậm lại việc Trung Quốc áp dụng các công cụ giám sát hàng loạt". "Trung Quốc luôn có thể đưa ra lý do tranh luận để cơ quan an ninh quốc gia hỗ trợ các hệ thống giám sát của họ".
Trung Quốc trong năm nay đã ban hành luật dữ liệu mới để tăng cường bảo vệ thông tin theo cùng hướng với hướng dẫn của UNESCO. Cụ thể là luật Bảo mật dữ liệu có hiệu lực vào tháng 9.2021, và luật Bảo vệ thông tin cá nhân được triển khai vào đầu tháng này. Chính quyền các thành phố trên khắp Trung Quốc đã đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội, chống lại việc gia tăng sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt do AI hỗ trợ. Hàng Châu, trung tâm thương mại điện tử hàng đầu đại lục, là thành phố đầu tiên thông qua luật cấm các công ty quản lý buộc mọi người phải đăng ký nhận dạng sinh trắc học, chẳng hạn như dấu vân tay, để vào khu dân cư. Quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 3.2022.
Mỹ và đồng minh thân cận Israel đã rời bỏ UNESCO vì một số khác biệt chính sách nhất định, nhưng điều đó không ngăn được Washington vạch ra chương trình nghị sự với cơ quan Liên Hiệp Quốc về hợp tác AI quốc tế. Tháng 7.2021, quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã xuất hiện tại hội nghị về các công nghệ mới nổi để củng cố thông điệp rằng Washington và các đồng minh phải hỗ trợ lẫn nhau, để đảm bảo tiến bộ AI được phát triển phù hợp với "các giá trị dân chủ" và không để cho Trung Quốc chiếm quyền lãnh đạo.
"Chúng tôi không thể để Trung Quốc viết ra các quy tắc AI", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ mới nổi toàn cầu ở Washington (Mỹ).
Các tổ chức quốc tế khác cũng đang nghiên cứu về đạo đức AI. Ví dụ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019 đã xuất bản "Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo", khuyến khích "tôn trọng quyền con người và các giá trị dân chủ" khi sử dụng công nghệ này.
Ứng dụng Yahoo Finance 'bốc hơi' tại Trung Quốc Yahoo Finance dường như là 'nạn nhân' mới nhất của quy định siết chặt Internet tại Trung Quốc. Ứng dụng đã biến mất trên chợ App Store nước này. Theo website Apple Censorship, ứng dụng Yahoo Finance biến mất vào ngày 14/10. Không rõ ai đã rút Yahoo Finance hay vì lý do gì. Cả Apple và Yahoo đều không phản hồi. Theo...