Ba Lan bắt quan chức Huawei vì tội hoạt động gián điệp, Trung Quốc phản ứng bất nhất
Ngày 11.1, báo chí Ba Lan đưa tin cơ quan an ninh nước này đã công bố bắt giữ Giám đốc bán hàng của Công ty Huawei tại nước này và một chuyên gia về mạng người Ba Lan với cáo buộc hai người phạm tội hoạt động gián điệp. Hành động này đã khiến Huawei, giới truyền thông và chính phủ Trung Quốc tỏ ra lúng túng và bất nhất trong việc phản ứng.
Lần đầu tiên một quan chức Huawei bị nước ngoài bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp
Ba Lan tuyên bố bắt hai gián điệp Trung Quốc, một là quan chức Huawei
Theo cơ quan an ninh Ba Lan, công dân Trung Quốc bị bắt là Vương Vĩ Tinh (Weijing Wu), có tên Ba Lan là Stanislaw, là giám đốc phụ trách bán hàng của chi nhánh Huawei tại Ba Lan, bị coi là hoạt động gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Công dân Ba Lan bị bắt là Piotr Durbajlo. Hai người này đã bị bắt hôm 8.1.
Báo chí địa phương cho biết, Vương Vĩ Tinh đã học tiếng Ba Lan tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh từ năm 2000 đến 2004, sau đó vào công tác tại ngành ngoại giao và tình báo Trung Quốc. Từ tháng 7/2006 đến 1/2011 là cán bộ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk; từ tháng 4/2011 chuyển sang làm việc tại chi nhánh Huawei ở Ba Lan, đảm nhiệm vị trí chủ quản tiếp thị; từ tháng 1/2017 là Giám đốc bán hàng.
Piotr Durbajlo vốn là cựu nhân viên của Cục An ninh nội địa Ba Lan, phụ trách công tác phản gián. Năm 2011 y đã bị sa thải do tham ô nhưng không bị kết tội. Ông Maciej Wasik, Cục phó Cục Đặc biệt Ba Lan (Poland’s special services) cho biết, khi ấy là một điệp viên có hạng, Piotr có quyền tiếp xúc với các thông tin mật và quan trọng. Sau khi bị đuổi việc, Piotr vào làm cho công ty viễn thông Orange của Pháp với vai trò cố vấn an ninh mạng của chi nhánh hãng này tại Ba Lan. Công ty Orange đã ra tuyên bố cho biết, cơ quan an ninh Ba Lan hôm 8.1 đã thu thập tài liệu liên quan đến một nhân viên của họ, nhưng không tiết lộ tên tuổi người này. Tuyên bố cũng nói, công ty không biết việc điều tra có liên quan đến nhân viên đó hay không nhưng sẽ tiếp tục hợp tác với nhà cầm quyền Ba Lan.
Vương Vĩ Tinh và Piotr Durbajlo – hai người bị an ninh Ba Lan bắt vì hoạt động gián điệp cho tình báo Trung Quốc.
Đài truyền hình TVP của Ba Lan đưa tin, hai người này bị cáo buộc hoạt động gián điệp, “mưu lợi cho cơ quan tình báo Trung Quốc”. Nếu tội danh hoạt động gián điệp được thành lập thì cả hai sẽ có thể phải nhận án 10 năm tù.
Video đang HOT
Đòn mạnh giáng vào Huawei?
Đưa tin về vụ này, tờ Wall Strett Journal cho rằng, vụ bắt bớ này là “một quả bom tấn giáng vào Huawei”. Khác với vụ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ hồi tháng 12.2018, cáo buộc mà chính phủ BaLan đưa ra lần này phù hợp với những cáo buộc nghi ngờ Huawei là công cụ hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc mà Mỹ và một số chính phủ phương Tây đưa ra trước đó. Cáo buộc đưa ra với bà Mạnh Vãn Chu là nói dối các ngân hàng và lợi dụng công ty con SkyCom của Huawei bán các sản phẩm cho Iran vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Nhiều năm qua, Washington luôn coi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cho rằng Trung Quốc có thể lợi dụng việc Huawei bán các thiết bị viễn thông cho toàn thế giới để thâm nhập hoặc làm tê liệt hệ thống mạng của các nước. Nhiều năm qua, Huawei luôn cực lực phủ nhận những cáo buộc này. Những lời biện hộ của họ là họ không liên quan đến hoạt động gián điệp ở nước ngoài của chính phủ Trung Quốc; nhưng cáo buộc của chính phủ Ba Lan đưa ra lần này được giới quan sát quốc tế cho là sự bác bỏ có hiệu quả những lời biện bạch của Huawei.
Ông Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Văn phòng phối hợp an ninh Ba Lan nói, cơ quan phản gián nước này đã khám xét văn phòng của Huawei Ba Lan, thu giữ các tài liệu và dữ liệu quan trọng; đồng thời cũng đã khám xét nơi ở của Vương Vĩ Tinh. Ông Stanislaw Zaryn từ chối cung cấp thêm các thông tin cá nhân về công dân Ba Lan bị bắt, chỉ nói đó là người hiểu biết nhiều về cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của Ba Lan, từng giữ chức vụ chủ quản ở nhiều bộ phận. Ông cũng cho biết, vụ điều tra này là hành động riêng biệt của Ba Lan, “tôi không cho rằng cuộc điều tra này bao hàm bất cứ sự hợp tác quốc tế nào” – dường như ông có ý bác bỏ ý kiến của Bắc Kinh cho rằng Ba Lan hành động nhằm vào Huawei theo chỉ đạo của Mỹ.
Ngày càng có thêm quốc gia cấm cửa thiết bị của Huawei
Wall Street Journal nhận định, Ba Lan là một trong những thị trường lớn nhất của Huawei tại Trung và Đông Âu. Ý định của Huawei triển khai các thiết bị 5G ra nước ngoài tập trung nhất vào Ba Lan so với các thị trường khác, chỉ đứng sau trong nước Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Ba Lan đã xác định Huawei là đối tác chiến lược về phát triển công nghệ 5G của họ.Tháng 9.2018, Huawei và chi nhánh Orange tại Ba Lan đã bắt đầu lắp đặt các anten 5G thử nghiệm đợt đầu tại đây. Theo kế hoạch, Huawei sẽ xây dựng một trung tâm khoa học kỹ thuật ở thủ đô Warsaw, hiện nay họ đã có một trung tâm nghiên cứu, phát triển tại đây.
Mo Jia, chuyên gia phân tích của hãng phân tích thị trường công nghệ toàn cầu Canalys cho rằng: “Ba Lan là đại bản doanh của Huawei tại khu vực này. Thị trường này cực kỳ quan trọng đối với thị trường điện thoại thông minh của Huawei”.
Ngoài thiết bị viễn thông, Huawei cũng là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Samsung của Hàn Quốc và luôn là thị trường tiêu thụ điện thoại quan trọng của Huawei. Theo công ty nghiên cứu IDC thì cho tới quý 1/2018, điện thoại thông minh của Huawei vẫn chiếm vị trí tiêu thụ nhiều nhất ở Ba Lan, nhưng gần đây vị trí số 1 này đã bị mất vào tay Samsung.
Từ nhiều năm nay, cơ quan phản gián nhiều nước trong khu vực đã công khai cảnh báo về hoạt động của Huawei. Ngay từ năm 2013, cơ quan an ninh thông tin của Cộng hòa Czech đã đề nghị loại Huawei ra ngoài danh sách công khai gọi thầu và cho rằng Huawei có thể lắp đặt “cổng sau” trên các thiết bị của họ để giúp các nhân viên bên ngoài đăng nhập vào hệ thống máy tính của chính phủ. Việc chính phủ Czech cấm dùng điện thoại di động của Huawei là để đáp lại những cảnh báo của cơ quan an ninh nước này về sản phẩm viễn thông của Trung Quốc.
Czech là nước Đông Âu đầu tiên đưa ra hành động cấm cửa đối với sản phẩm của hãng chế tạo thiết bị mạng và viễn thông lớn nhất Trung Quốc này. Hiện Huawei chưa có văn phòng đại diện tại Czech, Ba Lan, Estonia và Latvia. Việc liệu các nước khác có bắt chước Czech hay không đang là vấn đề rất đáng quan tâm. Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật hiện đã quyết định cấm cửa đối với thiết bị và dịch vụ của Huawei.
Phản ứng bất nhất của Trung Quốc
Theo trang tin Đông Phương, sau khi thông tin về Vương Vĩ Tinh bị bắt được báo chí Ba Lan đưa tin, lúc đầu Công ty Huawei ra thông báo nói, họ đã nắm được thông tin liên quan, đang tìm hiểu thêm, nói Huawei luôn tuân thủ pháp luật pháp quy của các nước sở tại mà công ty hoạt động, kinh doanh đúng quy định và yêu cầu tất cả nhân viên tuân thủ pháp luật, pháp quy nước sở tại. Tuy nhiên, ngày 12.1, Huawei đã tuyên bố: “Vương Vĩ Tinh bị bắt điều tra do hành vi cá nhân vi phạm pháp luật Ba Lan, gây ảnh hưởng xấu đến công ty; Huawei đã quyết định chấm dứt quan hệ hợp đồng với Vương Vĩ Tinh”. Có ý kiến cho rằng đây có thể là hành vi “đem con bỏ chợ”, phủ nhận trách nhiệm của công ty này.
Huawei tuyên bố Vương Vĩ Tinh bị bắt do hành vi cá nhân vi phạm pháp luật Ba Lan, gây ảnh hưởng xấu đến công ty và quyết định chấm dứt quan hệ hợp đồng với Vương Vĩ Tinh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay trong đêm 11.1 đã ra tuyên bố về việc Vương Vĩ Tinh bị bắt,nói: phía Trung Quốc quan tâm cao độ đến việc công dân Vương Vĩ Tinh bị cơ quan an ninh Ba Lan bắt giữ. Sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan đã gặp Bộ Ngoại giao nước này, yêu cầu phía Ba Lan nhanh chóng thông báo tình hình vụ việc cho phía Trung Quốc và sớm thu xếp để Trung Quốc thăm lãnh sự; xửlý vụ việc theo pháp luật, công bằng, thỏa đáng; thiết thực bảo đảm quyền lợi hợp pháp, an toàn và và đối xử nhân đạo đối với người đương sự.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo ngày 12.1 đã đăng bài chỉ trích Ba Lan mạnh mẽ. Báo này viết: “Việc Ba Lan lấy cớ hoạt động gián điệp để bắt nhân viên Huawei vừa khiến người ta cảm thấy đột ngột vừa không. Đó là bởi gần đây Mỹ đang nỗ lực coi đàn áp Huawei trở thành phong trào mở rộng sang các dồng minh của họ; liên tiếp có các quốc gia châu Âu và đông minh Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương hùa theo Mỹ. Nhưng cáo buộc nhân viên Huawei “hoạt động gián điệp” thì đây là lần đầu tiên mà lại xảy ra ở Ba Lan”.
Báo này viết, Huawei là công ty đứng đầu về công nghệ thông tin toàn cầu, Ba Lan có thứ gì đáng để Huawei thông qua hoạt động gián điệp để thu thập bí mật về công nghệ hay thương mại kia chứ…Ngoài thông tin tình báo về công nghệ và thương mại, còn có một loại tình báo phục vụ cho chính trị; nhưng nhân viên Huawei thu thập loại tình báo đó thì càng là chuyện không thể tin được.
Thời báo Hoàn cầu cho rằng, đằng sau việc Ba Lan bắt nhân viên Huawei có vẻ có bóng dáng người Mỹ; đó là phương hướng khiến mọi người nghi ngờ. Quan hệ Ba Lan với Trung Quốc những năm gần đây về tổng thể phát triển thuận lợi, đồng thời nước này cũng rất thân Mỹ. Được biết, qua tình hình 2 năm qua thấy,là thành viên NATO, Ba Lan đang muốn Mỹ đóng quân trên đất mình. Việc Canada giúp Mỹ bắt Mạnh Vãn Chu đã khiến quan hệ Trung Quốc – Canada xấu đi nghiêm trọng. Bắt người của Huawei là việc rất nhạy cảm, nhưng tồn tại khả năng Ba Lan muốn lấy lòng người Mỹ qua hành động này.
Theo VietTimes
Một Giám đốc cao cấp của Huawei vừa bị bắt giữ tại Ba Lan
Cảnh sát Ba Lan vừa tiến hành bắt giữ một Giám đốc cao cấp của Huawei với cáo buộc ông này là gián điệp cho nhà nước Trung Quốc.
Huawei bị nhiều nước phương Tây nghi ngờ là công cụ gián điệp của nhà nước Trung Quốc (ảnh: New York Post)
Hôm nay, cơ quan tình báo Ba Lan đã xác nhận việc bắt giữ một công dân Trung Quốc vì nghi ngờ ông này là gián điệp. Người phát ngôn của cảnh sát tiết lộ nhân vật bị bắt là Giám đốc Kinh doanh của Huawei tại Ba Lan có tên là Vương Vĩ Kinh (Weijing Wang).
Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của cơ quan tình báo Ba Lan đã phát biểu trên truyền thông nước này rằng ông Vương Vĩ Kinh bị bắt cùng với một công dân Ba Lan khác với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Nhà của hai nghi phạm đã bị cảnh sát khám xét vào hôm thứ Ba. Tòa án Ba Lan cũng đã ban hành lệnh tạm giam hai người này trong 3 tháng. Giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan đối mặt với án tù 10 năm nếu bị kết án.
Về phía Huawei, người phát ngôn của công ty này tuyên bố: "Chúng tôi đã nắm được vụ việc và đang tiếp tục theo dõi tình hình. Huawei luôn tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động, đồng thời yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ luật pháp nước sở tại".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan phát đi thông điệp tỏ ý quan ngại về sự việc, đồng thời yêu cầu phía Ba Lan sắp xếp một chuyến thăm lãnh sự "càng sớm càng tốt" để "bảo vệ quyền và lợi ích, sự an toàn và đối xử nhân đạo với công dân Trung Quốc".
Huawei là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Năm ngoái, Huawei đã đứng thứ hai thế giới về số lượng điện thoại thông minh được bán ra. Tập đoàn này cũng có nhiều hợp đồng xây dựng các mạng viễn thông tiên tiến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Huawei luôn bị phía Hoa Kỳ coi là mối nguy hại đến an ninh quốc gia và cáo buộc tập đoàn này là gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Một số quốc gia khác như Australia và New Zealand cũng đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông của Huawei.
Tháng trước, Giám đốc Tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đã bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ, vì nghi ngờ bà này lừa dối các ngân hàng quốc tế để buôn bán với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp dụng với quốc gia Hồi giáo này.
Theo CNN
Theo VietTimes
Tổng thống Nga Putin và bí mật tấm thẻ mật vụ Đông Đức mà ông sở hữu Tổng thống Nga Putin nổi tiếng với lý lịch cựu nhân viên tình báo KGB của Liên Xô. Nhưng ông cũng sở hữu một tấm thẻ mật vụ Stasi của Đông Đức. Gần đây người ta mới phát hiện ra một tấm thẻ Stasi ở Đức, trong đó có đề tên của Putin, người hiện nay là nguyên thủ nước Nga. Stasi là...