Ba chiếc UCAV của Thổ Nhĩ Kỳ rơi tại Libya
Dù UCAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá rất cao nhưng hiện đã có tới 3 chiếc loại này bị bắn rơi tại Libya.
Số lượng về thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ được tiết lộ trong báo cáo của Hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc về Libya công khai hôm 11/12.
Cụ thể, kể từ tháng 5/2019 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều nhiều loại vũ khí và phương tiện quân sự khác nhau đến Libya, trong đó có một chuyến tàu chở theo nhiều xe bọc thép chiến đấu.
Máy bay Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điều nhiều máy bay tấn công không người lái (UCAV) Bayraktar TB2 để hộ trợ lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) trong các cuộc chiến với Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn tham chiến, đã có tới 3 chiếc UCAV của Thổ bị bắn rơi bằng tên lửa MANPADS.
Video đang HOT
Đây rõ ràng là thiệt hại không hề nhỏ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tỏ rõ sự ủng hộ với chính phủ GNA và sẵn sàng điều binh sỹ tới Libya nếu chính quyền được quốc tế công nhận ở Tripoli yêu cầu.
Đề cập tới một thỏa thuận được ký kết vào tháng trước với GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj dẫn đầu, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Về vấn đề điều binh, nếu Libya đưa ra một yêu cầu như vậy với chúng tôi, chúng tôi có thể phái binh sỹ tới đó, nhất là sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận an ninh quân sự”.
Ông Erdogan còn có phát ngôn chỉ trích Tướng Khalifar Hafta lãnh đạo lực lượng LNA kiểm soát TP Benghazi và miền Đông Libya. Theo lời ông Erdogan thì Tướng Haftar không có sự thừa nhận của quốc tế, không như “ông Sarraj được thừa nhận, và là người chúng tôi xem là người đối thoại với mình”.
Cùng với đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã ký một thỏa thuận quân sự với GNA được Liên hợp quốc công nhận, trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng GNA Fayed al-Sarraj và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Istanbul. Tại cuộc gặp, hai bên đã ký thỏa thuận về hợp tác an ninh, quân sự và hàng hải.
Thỏa thuận trên được ký kết bất chấp việc Liên đoàn Arab (trong đó Libya là một thành viên), từng kêu gọi chấm dứt hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phản đối Ankara tiến hành chiến dịch quân sự chống người Kurd tại miền Bắc Syria từ tháng trước.
Truyền thông Nga cho rằng, sắp tới các ngoại trưởng EU sẽ họp để xem xét liệu phát ngôn của ông Erdogan có nghiêm túc hay không, cũng như bàn hướng đi nếu ông Erdogan thực sự tính can thiệp vào Libya. Mỹ và Nga cũng sẽ không ngồi yên bởi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.
Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt
Nga lo ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sỹ đến Libya
Theo thỏa thuận hợp tác an ninh mới đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều các binh sỹ nước này tới Libya hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) chiến đấu với các lực lượng đối lập.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) ở Ain Zara, ngoại ô Tripoli, ngày 7/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva ngày 20/12 đã bày tỏ quan ngại rất lớn về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sỹ đến Libya, cũng như thỏa thuận an ninh vừa đạt được giữa hai nước này.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 19/12, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đạt được hồi tháng 11, qua đó mở đường cho hoạt động hỗ trợ quân sự tiềm năng từ Ankara trong bối cảnh GNA đang phải chống đỡ cuộc tấn công kéo dài trong nhiều tháng qua của các lực lượng đối lập.
Tuyên bố của GNA cho biết bản ghi nhớ đã được phê chuẩn. Tuy nhiên, tuyên bố không cung cấp thêm chi tiết.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 18/12 khẳng định chính quyền Ankara sẽ cải thiện hợp tác với Libya thông qua hoạt động hỗ trợ quân sự dành cho GNA và ủng hộ những bước đi chung mà hai nước đang triển khai ở Địa Trung Hải.
Hiện, vẫn chưa rõ hình thức và thời điểm hỗ trợ quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp cho Libya.
Cùng ngày, Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi.
UNSMIL nêu rõ, những diễn biến chính trị hiện nay ở Libya đã đặt sự thống nhất của nước này vào chỗ nguy hiểm.
Theo UNSMIL, giải pháp chính trị là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này. UNSMIL tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một quan điểm quốc tế thống nhất về cuộc khủng hoảng này, đồng thời hối thúc người dân Libya trở lại đối thoại, bảo vệ mạng sống của những người vô tội, chấm dứt hoạt động giao tranh, hạn chế sự can thiệp bên ngoài và ngăn chặn việc có thêm các thảm họa đối với dân thường./.
Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnamplus.vn )
Can thiệp vào Libya, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chính sách Địa Trung Hải? Tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là một chính sách Địa Trung Hải có khả năng cạnh tranh với chính sách của châu Âu. Một cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya không còn là viễn cảnh sau khi Chính phủ đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận của Libya hôm qua (19/12) chính thức...