Bà Aung San Suu Kyi bị dọa ám sát
Cảnh sát Myanmar điều động một đội đặc nhiệm bảo vệ bà Aung San Suu Kyi sau khi có đe dọa giết nhà lãnh đạo của đảng đối lập này.
Bà Suu Kyi bị dọa ám sát, cảnh sát tăng cường an ninh cho bà – Ảnh: AFP
Một lãnh đạo của cảnh sát Myanmar nói với BBC rằng một đội đặc nhiệm đã được điều động bám sát bà Suu Kyi để bảo đảm sự an toàn cho nữ lãnh đạo của NLD, đảng đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2015 vì có lời đe dọa giết bà.
Một người đàn ông được nói là đã đưa ra lời đe dọa trên trang Facbook “Mr Ye Lwin Myint” mà theo cảnh sát Myanmar là lời đe doạ “nghiêm trọng”. Kẻ mưu sát “Mr Ye Lwin Myint” muốn ám hại bà Suu Kyi vì không muốn bà trở thành tổng thống của Myanmar dù rằng hiến pháp hiện hành không cho bà quyền này.
“Mr Ye Lwin Myint” không đề cập đến tên của bà Suu Kyi trong lời đe dọa nhưng nói sẽ bắn bất kỳ người nào muốn thay đổi hiến pháp, điều mà NLD và bà Suu Kyi muốn làm để mở đường cho nữ lãnh đạo 70 tuổi này có thể trở thành tổng thống của Myanmar. Người đàn ông này còn đăng rất nhiều hình ảnh của mình, tay cầm một khẩu súng trường.
Video đang HOT
“Tôi đã chỉ đạo cảnh sát địa phương phải đảm bảo an ninh cho bà khi nhìn thấy lời đe dọa. Chúng tôi không cho phép bất kỳ chuyện gì xảy ra đối với một người như bà ấy”, lãnh đạo cảnh sát nói trên nói với BBC.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Myanmar điều động đội cảnh vệ đặc biệt bảo vệ một lãnh đạo của đảng chính trị. Ngoài đội đặc nhiệm của cảnh sát, NLD cũng có nhóm bảo vệ đối với bà Suu Kyi, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình.
Cha của bà, vị anh hùng dân tộc Aung San từng bị ám sát vài tháng trước khi Myanmar tuyên bố độc lập hồi năm 1947. Quốc hội Myanmar đang chuẩn bị lựa chọn tổng thống tiếp theo cho quốc gia này vào giữa tháng 3.2016.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Kỷ nguyên mới ở Myanmar
Myanmar ngày 1.2 đã bước vào kỷ nguyên chính trị mới với phiên họp đầu tiên của tân quốc hội do đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm thế đa số.
Bà Aung San Suu Kyi (giữa) tại phiên khai mạc quốc hội mới - Ảnh: AFP
Sau hơn nửa thế kỷ dưới quyền cai trị của quân đội, Myanmar cuối cùng đã chứng kiến sự khai sinh của quốc hội mới với sự có mặt đông đảo của các đại diện dân cử, cụ thể là các nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn dắt, theo AFP.
Đây là khoảnh khắc mà nữ lãnh đạo này đã chờ đợi hơn 25 năm qua, kể từ khi NLD giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1990 nhưng bị chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả. Đến tháng 11 năm ngoái, NLD một lần nữa giành chiến thắng vang dội, chiếm được 390 trong tổng số 664 ghế của quốc hội, vốn có 25% số ghế mặc nhiên thuộc về phía quân đội.
Đài Channel News Asia dẫn lời các tân nghị sĩ cho hay họ trong tâm trạng "háo hức pha lẫn căng thẳng và lo lắng", nhưng "mang hy vọng cho một sự thay đổi" khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tại tòa nhà quốc hội ở Nay Pyi Taw. Trong ngày đầu tiên, các nghị sĩ NLD mặc đồng phục cam, tỏ vẻ hoàn toàn lấn lướt các nghị sĩ của quân đội trong trang phục xanh lá nhạt.
Đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi là ông Win Myint đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu thể hiện sự mềm dẻo về chính trị của bà Suu Kyi, ông Ti Khun Myat thuộc đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) thân giới quân đội đã được bầu làm Phó chủ tịch Hạ viện. "Hôm nay là ngày đầy tự hào trong chính sử Myanmar và cho quá trình chuyển giao dân chủ", theo Reuters dẫn lời phát biểu mở đầu của ông Win Myint.
Nhiệm vụ đầu tiên và vô cùng quan trọng của lưỡng viện quốc hội là bầu ra tổng thống. Mỗi viện sẽ đưa ra ứng viên cho vị trí này và phía quân đội, với 25% số đại biểu, cũng sẽ đề xuất một người. Kế đến, lưỡng viện quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn ra người đảm trách vai trò tổng thống dựa trên 3 ứng viên. Hai người còn lại sẽ trở thành các phó tổng thống. Với thế đa số ở quốc hội, NLD sẽ có toàn quyền chọn ra tổng thống. Tuy nhiên, vị trí này vẫn còn là một ẩn số do bà Aung San Suu Kyi chưa tiết lộ ứng viên có thể thay thế Tổng thống Thein Sein, người chuẩn bị rời ghế vào tháng sau.
Theo hiến pháp sửa đổi vào năm 2008, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do lập gia đình với người ngoại quốc và có con cái mang quốc tịch nước ngoài. Mặc dù bà Suu Kyi từng tuyên bố rằng bà thậm chí sẽ còn "cao hơn tổng thống", nhưng NLD vẫn chưa giải thích rõ ràng vai trò chính xác của nhà lãnh đạo 70 tuổi này.
Bất chấp việc ai là tổng thống, 51,5 triệu dân Myanmar đang mong đợi NLD có thể giải quyết những khó khăn mấu chốt lâu nay của quốc gia Đông Nam Á, từ vực dậy nền kinh tế đến mang lại hòa bình cho các khu vực xung đột.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Thời mới ở Myanmar Với việc Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với thủ lĩnh là bà Aung San Suu Kyi kiểm soát lưỡng viện lập pháp từ ngày 1.2, một thời kỳ chính trị mới bắt đầu ở Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi trong phiên họp cuối cùng của quốc hội do quân đội nắm giữ - Ảnh: Reuters Giới quân sự và...