Ba anh em tỷ phú Elon Musk được nuôi dạy thế nào?
Ngay từ nhỏ, tỷ phú Elon Musk và hai em được mẹ là người mẫu, chuyên gia dinh dưỡng Maye Musk dạy về sự độc lập, tầm quan trọng của chăm chỉ.
Maye Musk sinh ngày 19/4/1948, là người Canada gốc Nam Phi. 71 tuổi, bà sở hữu bản lý lịch ngưỡng mộ: thông thạo 4 ngôn ngữ, là người mẫu, chuyên gia dinh dưỡng và điều hành một công ty chuyên về dinh dưỡng.
Bà là mẹ của 3 doanh nhân nổi tiếng. Elon Musk (48 tuổi) hiện là CEO của tập đoàn ôtô Tesla và tập đoàn Công nghệ Khai phá không gian SpaceX; Kimbal (47 tuổi) là doanh nhân xã hội và Tosca (45 tuổi) là CEO của dịch vụ xem video trực tuyến PassionFlix. Họ đều mạnh mẽ, quyết đoán và thành công trong những lĩnh vực cạnh tranh như công nghệ, thực phẩm, điện ảnh.
Sự thành công của ba người đến từ phương pháp nuôi dạy của bà mẹ Maye Musk. Maye cho biết không ngăn cản các con làm bất cứ điều gì chúng nghĩ là đúng, miễn là điều đó tốt cho tương lai. Dưới đây là bốn phương pháp bà áp dụng để nuôi dạy con.
Dạy con sự độc lập
Nếu như nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay được gọi là “phụ huynh trực thăng”, luôn thích giám sát và bảo vệ con một cách thái quá, Maye Musk không như vậy. Bà không can thiệp vào cuộc sống các con, để con toàn quyền quyết định cuộc đời của mình. Khi ba người con gặp những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, họ có thể tìm lời khuyên từ bà, nhưng Maye Musk không bao giờ bảo con phải làm cái này hay cái kia.
Người con trai thứ của Maye, Kimbal Musk từng nói: “Ba anh em tôi đã quen với việc tự lập từ khi còn nhỏ và được phép tự mình khám phá thế giới, phát huy sở thích của riêng mình”.
Maye Musk chụp ảnh cùng các con khi sống tại Nam Phi. Ảnh: CNBC.
Nhờ cơ hội tự khám phá bản thân, ba anh em họ Musk đã tìm ra sở thích và hướng đi cho riêng mình từ khi còn rất trẻ. Năm 12 tuổi, Elon Musk đã bán phần mềm máy tính đầu tiên do anh thiết kế. Do thông minh, khi đi học Elon thường bị bắt nạt và gặp khó khăn trong việc kết bạn, nhưng anh đã tự giải quyết các vấn đề, học được giá trị của tình thân và sự xung đột. Nhiều bài học đúc kết từ nhỏ đã được Elon áp dụng vào công việc kinh doanh hiện tại.
Tosca Musk tìm thấy niềm yêu thích với điện ảnh từ năm 4 tuổi. Năm 18 tuổi, cô nhận được công việc trong một studio và đi theo con đường trở thành nhà sản xuất phim. Về phần Kimbal, Maye Musk nhớ rằng khi còn nhỏ, anh thường theo bà đi siêu thị và rất chăm chú quan sát rau quả. Sau này, Kimbal là người tiên phong trong phong trào đưa thực phẩm địa phương vào trường học.
Thúc đẩy khả năng kinh doanh
Năm 18 tuổi, Maye bắt đầu quan tâm đến chế độ ăn kiêng, đến năm 21 tuổi, bà tự thành lập công ty về dinh dưỡng. Do có con, Maye không thể thường xuyên đến công ty nên đã làm việc tại nhà. Quyết định này có thể coi là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của các con Maye.
Video đang HOT
Khi mẹ điều hành công ty ở nhà, ba anh em Elon Musk thường giúp mẹ xử lý những nhiệm vụ đơn giản như viết thư, trả lời điện thoại. Trong thời gian này, Maye dạy các con nhiều bài học về kinh doanh và tinh thần như đạo đức nghề nghiệp, cách tổ chức, vận hành công ty và giá trị của trách nhiệm.
Nhờ kinh nghiệm được mẹ truyền đạt, Elon và Kimbal bắt đầu khởi nghiệp với công ty Zip2. Sau khi công ty đi vào hoạt động ổn định, bà Maye quyết định đầu tư vốn để các con phát triển. 4 năm sau, tập đoàn Compaq đã mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD, vượt xa số vốn 10.000 USD ban đầu. Số tiền từ việc chuyển nhượng công ty được Elon sử dụng để tạo dựng nên công ty thương mại điện tử PayPal và sau này là tập đoàn SpaceX.
Maye Musk chụp ảnh cùng con trai Elon Musk. Ảnh: Danny Monoshok/Reuter.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chăm chỉ
Hầu hết trẻ em Mỹ sẽ có một khoản phụ cấp, ngay khi không có, chúng vẫn được cha mẹ chu cấp tiền bạc, nhưng với Maye Musk thì không. Bà không bao giờ cho con tiền mà luôn yêu cầu chúng làm việc chăm chỉ để nhận được thành quả xứng đáng. Bà không giấu diếm các con công việc bận rộn của mình vì điều này phản ánh rằng càng làm việc chăm chỉ bao nhiêu sẽ càng thành công bấy nhiêu.
“Khi các con lớn lên, chúng dần hiểu rõ sự vất vả của tôi và có ý thức làm việc chăm chỉ. Chúng cũng giúp đỡ tôi trong việc kinh doanh và tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình”, Maye kể lại.
Tinh thần chăm chỉ của bà đã truyền cảm hứng làm việc cho ba người con. CEO Elon Musk từng chia sẻ: “Kinh doanh là quá trình lâu dài và bạn phải tồn tại qua khoảng thời gian đó bằng cách làm việc thật nhiều giờ”. Anh hầu như không có bàn làm việc vì phải di chuyển liên tục giữa những công ty con hoặc các chi nhánh của SpaceX để giải quyết công việc.
Khuyến khích sự can đảm
Maye Musk vẫn nhớ năm Toscal 15 tuổi, bà dự định chuyển nhà đến thành phố Toronto (Canada) nên đi khảo sát nơi ở mới vài ngày. Khi bà quay lại, Tosca đã rao bán căn nhà của gia đình. Trong khi hầu hết bà mẹ sẽ cảm thấy vô cùng tức giận nếu thấy căn nhà trống hoác, riêng Maye bình tĩnh ký vào giấy tờ bán nhà.
Bà không bao giờ khiển trách con vì đã đưa ra quyết định “khác thường” nếu nó hợp lý. Ngay khi Elon và Kimbal bán trứng phục sinh giá cao cắt cổ trong khu phố, Maye vẫn cho phép con làm điều này nhưng hai anh em phải chấp nhận rủi ro và giải quyết hậu quả nếu có.
Maye tin rằng sự can đảm xuất phát từ việc dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vì vậy, bà cho phép các con thử sức, thất bại và rồi thành công. Điều này cũng lý giải tại sao CEO Elon luôn đưa ra quyết định táo báo trong kinh doanh. Ngoài ra, tỷ phú gốc Nam Phi cũng thường thử sức ở những con đường mới.
Xuất phát điểm kinh doanh của anh là công ty phần mềm liên kết thông tin toàn cầu Zip2, sau đó là Paypal với lĩnh vực thương mại điện tử và giờ là SpaceX với tên lửa và tàu vũ trụ.
Tú Anh
Theo Goalcast, HuffPost, Business Insider/VNE
Hóa ra đây là lí do 10 bé thì cả 10 đều thích mút tay, mọc răng chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân
Trong những tháng đầu đời, hầu như em bé nào cũng thích cho tay vào miệng. Các bé còn thích việc này đến nỗi cha mẹ khó lòng buộc con rút tay ra được.
Một nguyên do phổ biến của việc trẻ nhỏ hay mút/gặm ngón tay là bé đang mọc răng. Nhưng thực sự còn có nhiều yếu tố khác có thể lý giải thói quen này.
Mút tay giúp trẻ dễ dịu trong quá trình mọc răng
Bác sĩ Sahira Long, Giám đốc Y khoa Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Anacostia ở Washington (Mỹ), cho biết: "Trẻ sơ sinh ban đầu khám phá thế giới bằng cách dùng miệng. Khi phát hiện ra mình có đôi bàn tay, trẻ bắt đầu khám phá chúng.
Vào một thời điểm nào đó, răng trẻ bắt đầu mọc. Các bé cũng dần nhận ra đôi bàn tay có thể hữu ích thế nào đối với quá trình mọc răng. Bởi đây là dụng cụ cắn răng (giúp xoa dịu cảm giác khó chịu của nướu khi răng mọc) duy nhất mà phần lớn bé sơ sinh có thể đưa vào miệng, không phải phụ thuộc người khác cấp cho mình và trẻ cũng chẳng cần lo làm rớt".
Các bé sơ sinh thường bắt đầu cho tay vào miệng khi đước 1-3 tháng tuổi (Ảnh minh họa).
Tất nhiên, bé con của bạn sẽ thuần thục sự kết nối từ bàn tay tới khuôn miệng trước cả khi những chiếc răng nhỏ xinh bắt đầu trồi lên. Cho tay vào miệng thực sự là một cột mốc sớm với bé sơ sinh. Em bé bắt đầu có thể đưa bàn tay vào miệng khi 1-3 tháng tuổi. Ban đầu, bé chưa có kỹ năng giữ các ngón tay trong miệng. "Tuy nhiên, trước 4 tháng tuổi, bé sơ sinh có thể đưa tay vào miệng và để chúng lại nếu muốn", theo như giải thích của trang web Parenting Counts.
Cho tay vào miệng để bé tự xoa dịu mình
Trang Babies Online cho biết: "Nếu bé chảy rất nhiều nước dãi, có thể con bạn đang bắt đầu mọc răng và bé dùng cả bàn tay để chà xát lên nướu". Mút tay không gây hại gì cho bé đâu. Nhưng bạn có thể để bé dùng một đồ chơi cắn răng/gặm nướu để thay cho bàn tay, nếu thích. Đáng lưu ý rằng, bé sơ sinh thường thích đồ chơi gặm nướu có độ cứng nhất định hơn là quá mềm. Bởi độ cứng kia thực sự giúp bé xoa dịu áp lực ở phần nướu.
Dấu hiệu bé gặm tay do đau răng và thói quen là khác nhau (Ảnh minh họa).
Nếu bé có vẻ không chảy nhiều dãi hàng giờ mà vẫn cho tay vào miệng , hãy lưu ý thời điểm bé gặm tay nhiều nhất. Đó có thể là xu hướng cho thấy bé đang cố gắng tự xoa dịu mình. Không phải mọi bé sơ sinh đều mút ngón tay. Bé có thể mút 1 hoặc 2 ngón theo cách cụ thể và lặp lại, nhờ đó mà bé thiu thiu đi vào giấc ngủ.
Theo Baby Gaga, thói quen mút ngón tay cái là"tự nhiên với phần lớn bé sơ sinh". Trang này cũng nhấn mạnh, đôi khi các bác sĩ có thể phát hiện thấy bé mút ngón trỏ ngay từ lúc bé vẫn nằm trong bụng mẹ.
Một vấn đề khiến nhiều cha mẹ lo lắng là bé yêu có thể duy trì thói quen mút ngón tay cái dù đã lớn hơn. Điều đó có thể trở thành nguy cơ dẫn đến việc răng mọc sai, mọc xấu, miệng bị biến dạng không tự nhiên, có thể khiến bé phải niềng răng sau này nếu bé chưa bỏ được thói quen mút/gặm tay. Tuy nhiên, trang web American Dental Association - Hiệp hội Nha khoa Mỹ - khẳng định: "Mút ngón tay cái là phản xạ tự nhiên với trẻ. Mút các ngón tay, ti giả hay các vật dụng khác có thể khiến bé sơ sinh cảm thấy an toàn và vui vẻ. Đồng thời, việc này cũng giúp bé học về thế giới của mình".
Phần lớn trẻ 2-4 tuổi không còn mút/ngậm tay nữa, hoặc trước khi răng vĩnh viễn mọc ra. Và trong bất cứ trường hợp nào thì việc cho tay vào miệng không gây ra bất cứ hậu quả gì về mặt nha khoa.
Cha mẹ không nên quá lo lắng nếu con hay cho tay vào miệng mút, không gây ra bất cứ hậu quả gì về mặt nha khoa cả (Ảnh minh họa).
Bé sơ sinh cho tay vào miệng bởi đó là một trong những giác quan phát triển sớm nhất
Tiến sĩ Jill Stamm, PGS lâm sàng ngành tâm lý học giáo dục tại Đại học Bang Arizona, giải thích: "Miệng và tay có mạng nơ-ron nhiều nhất trong toàn bộ cơ thể". Đó là lý do tại sao bé sơ sinh luôn muốn cho bất cứ thứ gì hay thậm chí mọi thứ vào miệng, bởi bởi trẻ nhận được thông tin đầu vào nhiều nhất tại những khu vực này. Vì vậy, đưa vật gì đó vào miệng giúp trẻ nhận biết nhiều điều về vật đó một cách nhanh chóng.
Tóm lại, dù có thể gây cảm giác hơi mất vệ sinh, đưa bàn tay vào miệng đối với bé sơ sinh hoàn toàn bình thường và vô hại.
Nguồn: Romper
Theo afamily
Tôi sẽ lựa chọn "người tình" thay vì "người chồng" Nếu được lựa chọn một mối quan hệ lý tưởng giữa nam và nữ, tôi sẽ lựa chọn "người tình" chứ không phải là một "người chồng". Chọn một người tình lý tưởng để yêu và được yêu, chăm sóc và được chăm sóc. Khổ quá! Chồng con gì? Tại sao cứ mãi gắn mác cái chuyện cũ rích ấy là vấn đề...