Azerbaijan dừng cung cấp khí đốt cho Serbia và Bulgaria
Nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan đến Serbia và Bulgaria đã bị gián đoạn do sự cố kỹ thuật tại giàn Alpha thuộc mỏ khí Shah Deniz ngoài khơi Biển Caspi.
Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Hãng thông tấn Tanjug dẫn lời Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić thông báo rằng nước này đã ngừng nhận khí đốt từ Azerbaijan.
Ông Vučić chia sẻ với báo chí: “Tôi nhận được thông tin từ Azerbaijan rằng do bất khả kháng và các vấn đề kỹ thuật, từ hôm nay chúng ta không thể nhận được 1,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày như trước đây”. Ông cũng cho biết hiện chưa rõ khi nào nguồn cung sẽ được khôi phục.
Năm 2023, Serbia, quốc gia tiêu thụ hơn 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đã ký thỏa thuận mua 400 triệu mét khối khí đốt từ Azerbaijan mỗi năm kể từ năm 2024. Phần lớn nguồn khí đốt còn lại của Serbia đến từ Nga.
Trong bối cảnh áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu giảm phụ thuộc vào Nga, Serbia đang phải đối mặt với các thách thức trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga buộc tập đoàn Gazprom Neft phải rút cổ phần khỏi Công ty dầu khí Quốc gia Serbia (NIS) trong vòng 45 ngày.
Tại Bulgaria, công ty khí đốt quốc gia Bulgargaz xác nhận đã nhận được thông báo về việc ngừng cung cấp khí đốt từ Azerbaijan. Tuy nhiên, nước này đã nhanh chóng thay thế nguồn cung từ tập đoàn Botas của Thổ Nhĩ Kỳ.
Video đang HOT
Bulgargaz cho biết việc gián đoạn không gây ra chi phí bổ sung hoặc ảnh hưởng đến thị trường khí đốt trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Theo thông tin từ Reuters và truyền thông Azerbaijan, sự cố bắt nguồn từ đường ống ngầm dưới biển nối giữa giàn Alpha và nhà máy Sangachal, do tập đoàn British Petroleum (BP) vận hành. BP cho biết đã phát hiện vấn đề kỹ thuật và phải tạm dừng hoạt động khai thác cũng như xuất khẩu từ giàn Alpha.
“Vì lý do vận hành, hoạt động sản xuất và xuất khẩu từ giàn Alpha đã bị đình chỉ và giàn đã được đóng cửa an toàn. Tất cả nhân sự trên giàn đều an toàn, không có tác động đến môi trường”, BP thông báo.
Nhà máy Sangachal, nằm cách Baku 45 km về phía nam, là tổ hợp công nghiệp bao gồm nhà máy xử lý khí tự nhiên và sản xuất dầu thô.
Bulgaria vẫn tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga đến Serbia và Hungary theo các hợp đồng ký trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong khi đó, EU và Azerbaijan đã ký thỏa thuận vào tháng 7/2022 nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan. Đây là một phần trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào Nga sau các sự kiện căng thẳng địa chính trị.
Trước đó, Tổng thống Azerbaijan cho biết nước này muốn tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu bằng cách tăng gấp ba sản lượng tại mỏ Absheron, sau khi Liên bang Nga bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 do thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa Moskva và Kiev hết hạn.
Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev, cho rằng việc cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia châu Âu hơn sẽ trở nên khả thi trong những năm tới khi Azerbaijan dự kiến tăng sản lượng khí đốt tại mỏ Absheron từ 1,5 tỷ lên 5 tỷ mét khối mỗi năm và sẽ bắt đầu khai thác khí đốt ở độ sâu lớn đầu tiên từ mỏ Azeri-Chirag-Gunashli vào năm 2025.
Thông tin nêu trên được ông Ilham Aliyev đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần và được tờ The Kyiv Post đăng tải ngày 11/1.
Serbia đối mặt với khủng hoảng kép về nguồn cung khí đốt
Serbia đang đứng trước thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng khi cùng lúc chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành khí đốt trong nước và việc Azerbaijan ngừng cung cấp khí đốt.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: THX/TTXVN
Đây được coi là một đòn giáng mạnh vào chiến lược cân bằng địa chính trị mà Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic theo đuổi bấy lâu nay.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, bao gồm cả công ty Naftna Industrija Srbije (NIS) của Serbia. NIS là nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ chủ chốt của Serbia, trong đó Tập đoàn Gazprom và Gazprom Neft của Nga nắm giữ phần lớn cổ phần. Chính phủ Serbia chỉ sở hữu 29,8% cổ phần, trong khi Gazprom kiểm soát 6,15% và Gazprom Neft nắm giữ tới 50%.
Tổng thống Vucic khẳng định đây là lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từng ảnh hưởng đến một công ty tại Serbia. Ông nhấn mạnh, Mỹ yêu cầu Serbia rút toàn bộ lợi ích của Nga khỏi NIS thay vì cho phép tỷ lệ sở hữu giới hạn ở mức 49% như trước đây.
Serbia từ lâu đã chịu sức ép từ phương Tây trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU trước đây đều thận trọng trong việc áp đặt biện pháp trừng phạt do lo ngại tác động đến quan hệ với Belgrade.
Với động thái lần này, Washington phát đi tín hiệu cứng rắn, cảnh báo Serbia có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt gián tiếp, tức là các công ty hoặc tổ chức nước ngoài hợp tác với Gazprom và Gazprom Neft có thể bị Mỹ áp đặt hạn chế tài chính hoặc thương mại, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Serbia.
Chưa đầy một ngày sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Serbia tiếp tục đón nhận tin tức bất lợi khi Azerbaijan tuyên bố tạm dừng cung cấp khí đốt với lý do bất khả kháng. Theo thỏa thuận trước đó, Serbia dự kiến nhận 1,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Azerbaijan. Tuy nhiên, nguồn cung này đã bị gián đoạn.
Tổng thống Vucic bày tỏ sự thất vọng khi cho biết ông vừa nhận được thông báo từ phía Azerbaijan rằng do những khó khăn hiện tại, họ không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Serbia.
Azerbaijan hiện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí đốt cho Đông Nam Âu và Italy thông qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP), một phần của Hành lang khí đốt phía Nam. Việc Baku đột ngột dừng cung cấp cho Serbia đặt ra nhiều nghi vấn về động cơ thực sự phía sau quyết định này.
Hai diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Vucic đang đối mặt với sức ép chính trị lớn trong nước, khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua. Cuộc khủng hoảng khí đốt vào giữa mùa đông càng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt là khi giá năng lượng có nguy cơ tăng vọt.
Chuyên gia Vuk Vuksanovic từ Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade nhận định rằng việc mất nguồn cung khí đốt đúng thời điểm nhạy cảm này có thể đẩy giá cả leo thang, gây thêm bất ổn cho chính quyền Tổng thống Vucic. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích đưa ra giả thuyết về khả năng Nga có liên quan đến quyết định của Azerbaijan. Quan hệ giữa Moskva và Baku mang tính hợp tác nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến động. Một số nguồn tin nhận định rằng Nga có thể đang tận dụng Azerbaijan như một công cụ để gây sức ép lên Serbia, qua đó củng cố ảnh hưởng của mình tại khu vực Balkan.
Trước tình hình khó khăn, Tổng thống Vucic tuyên bố sẽ đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách tháo gỡ vấn đề. Đồng thời, Serbia cũng có thời hạn đến ngày 12/3 để điều chỉnh cơ cấu sở hữu NIS nếu muốn tránh các hậu quả nghiêm trọng từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Một trong những khả năng được cân nhắc là chuyển nhượng cổ phần của Nga cho Tập đoàn MOL của Hungary.
Mặc dù Tổng thống Vucic cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng nhưng Serbia vẫn đang rơi vào tình thế khó khăn. Việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Nga, Mỹ và EU đang trở thành thách thức lớn đối với chính quyền Belgrade, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp.
Đề xuất bất ngờ của Azerbaijan sau khi Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga Azerbaijan muốn tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu bằng cách tăng gấp ba sản lượng tại mỏ Absheron sau khi Liên bang Nga bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 do thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa Moskva (Moscow) và Kiev hết hạn. Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev phát biểu tại...