Avangard – vũ khí tấn công tối thượng của Nga
Phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard với tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh cũng khả năng thay đổi quỹ đạo có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trung đoàn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên được trang bị phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard đã được vào trực chiến. Bộ Quốc phòng Nga không cho biết địa điểm triển khai Avangard, nhưng một số quan chức quân sự nói rằng có thể là vùng Urals.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu xác nhận phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard đã được đưa vào sử dụng lúc 10 giờ (giờ Moscow) ngày 27/12, ông gọi đó là “sự kiện mang tính bước ngoặt”.
Lịch sử phát triển
Theo Global Security, Liên Xô bắt đầu nỗ lực phát triển đầu đạn siêu vượt thanh vào đầu những năm 1980. Tuy nhiên, do những khó khăn kỹ thuật, hạn chế về công nghệ vật liệu ở thời điểm đó, dự án bị đóng cửa.
Sau khi Liên Xô tan rã, dự án nhanh chóng rơi vào quên lãng. Đến giữa những năm 1990, nhà máy quốc phòng NPO Mashinostroeniya được cho là đã khôi phục chương trình với tên gọi Đề án 4202, hoặc Yu-71 và Yu-74.
Hình ảnh về hệ thống Avangard được trưng bày với các thanh tra vũ khí của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định Yu-71 và Yu-74 có phải là những chương trình phát triển vũ khí siêu vượt thanh khác, hay là những tên gọi ban đầu của Avangard. Một số chuyên gia quân sự cho rằng Yu-71 và Yu-74 có thể là những nguyên mẫu ban đầu của Avangard.
Quá trình phát triển được bảo mật thông tin rất chặt chẽ, thử nghiệm được cho là bắt đầu vào đầu những năm 2000. Tên gọi Avangarad xuất hiện công khai từ khoảng năm 2004. Người ta ước tính có khoảng 14 lần thử nghiệm được tiến hành trong giai đoạn 1990-2018.
Trong quá trình thử nghiệm, Avangarad được lắp trên đỉnh tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N (SS-19) để đưa đầu đạn vào không gian, sau đó nó quay trở lại Trái Đất và lướt trong khí quyển với tốc độ chóng mặt.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), sự can thiệp của Nga vào nội chiến ở Ukraine vào năm 2014 đã làm gián đoạn sự phát triển của Avangard, vì Kiev là nhà cung cấp một hệ thống điều khiển và nhắm mục tiêu quan trọng cho chương trình.
Nga buộc phải khởi động chương trình phát triển thay thế dẫn đến chậm tiến độ. Trong một bài phát biểu vào năm 2018, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov thừa nhận những khó khăn trong việc phát triển vây kiểm soát và hệ thống che chắn nhiệt cho đầu đạn. Nhiệt độ bề mặt của Avangard khi bay ở tốc độ siêu vượt thanh có thể lên đến hơn 2.000 độ C.
Quá trình thử nghiệm Avangard bắt đầu được nối lại từ năm 2018. Tháng 12/2018, Nga lần đầu xác nhận thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard từ căn cứ tên lửa Dombarovskiy ở vùng Urals, Avangard đánh trúng mục tiêu giả định ở Kura trên bán đảo Kamchatka cách vị trí phóng 6.000 km.
Mũi giáo xuyên thủng mọi lá chắn
Hiện tại, Avangard được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N, sau đó sẽ thay thế bằng ICBM hạng nặng RS-28 Sarmat khi nó được đưa vào hoạt động. Ban đầu, Nga dự định lắp Avangard trên ICBM di động RS-26 Rubezh, nhưng sau đó đã chọn Sarmat phóng từ silo, sau khi chương trình RS-26 bị trì hoãn.
Video đang HOT
Avangard hiện được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Sau khi được tên lửa đẩy vào không gian ở độ cao khoảng 100 km, còn gọi là quỹ đạo phụ, Avangard sẽ tách khỏi thân tên lửa và quay trở lại Trái Đất. Không giống đầu đạn của ICBM bay theo quỹ đạo hình parabol, nên có thể dự đoán trước quỹ đạo bay để đánh chặn.
Nhưng với Avangard, nó không bay theo quỹ đạo cố định mà có thể cơ động thay đổi quỹ đạo nên rất khó để dự đoán trước đường bay của nó. Điều đó khiến việc đánh chặn trở nên rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Avangard bay với tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh (khoảng 9,2 km/s), với tốc độ siêu nhanh cũng khả năng cơ động, việc đánh chặn Avangard gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Tống thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng Avangard là vũ khí của tương lai, có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai. Việc đưa Avangard vào trực chiến lần đầu tiên đưa Nga vượt lên Mỹ trong việc phát triển vũ khí siêu vượt thanh.
Nhà phân tích quốc phòng Vladimir Tuchkov, người Nga, cho biết công nghệ tấn công của Avangard đã vượt xa công nghệ đánh chặn mà Mỹ đang triển khai, thậm chí vượt trước những gì mà các kỹ sư Mỹ có thể phát triển trong tương lai.
Avangard có chiều dài khoảng 5,4 m, trọng lượng khoảng 2 tấn, mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ khoảng 2 Mt. Avangard có tầm bắn khoảng 6.000 km.
Đến nay chưa có hình ảnh nào về Avangard được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đầu tháng 12, Nga đã giới thiệu Avangard cho nhóm thanh tra Mỹ, một phần trong các biện pháp minh bạch theo hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Start giữa Mỹ và Nga.
Các quan chức Mỹ đã gấp rút đề xuất việc lắp đặt hệ thống cảm biến trong không gian để phát hiện sớm vụ phóng tên lửa của đối phương, đặc biệt là các tên lửa siêu vượt thanh. Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch phát triển giải pháp đánh chặn trong không gian, nơi Mỹ có thể đánh chặn tên lửa trong giai đoạn khởi động.
Lầu Năm Góc cũng đã phát triển công nghệ vũ khí siêu vượt thanh trong nhiều năm qua, nhưng vẫn trong giai đoạn phát triển. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trong tháng 8 thừa nhận rằng “đó là vấn đề của một vài năm”, trước khi Mỹ có vũ khí siêu vượt thanh.
Trung Hiếu
Theo news.zing.vn
Ai mạnh hơn: 76 quả ICBM 'Sarmat' hay 450 quả ICBM 'nuteman-3'?
Nga sẽ cho thử nghiệm tên lửa mới mang đầu tác chiến siêu thanh sau 3 tháng nữa.
Xin giới thiệu tiếp một bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên " Svobodnaia Pressa" ngày 4/11/2019.
Phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng hạng nặng của tổ hợp tên lửa hầm phòng Nga RS-28 "Sarmat " (Ảnh: chụp màn hình /Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng LB Nga /SS)
Vừa mới đây, tờ "Vedomosti" (Nga") đã công bố một thông tin đáng chú ý vừa mới nhận được từ hai nguồn tin riêng của mình- một là quan chức có quan hệ gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga và một là giám đốc nhà máy thuộc Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga- theo những nguồn tin này thì Nga sẽ triển khai các cuộc phóng thử nghiệm thiết kế- bay cho tên lửa liên lục địa (ICBM) nhiên liệu lỏng phóng từ hầm phóng (silo) RS-28 "Sarmat",- các lần thử nghiệm dự kiến sẽ được tiến hành vào ngay đầu năm tới, nhiều khả năng là vào tháng 1/2020.
Các phóng viên đã lập tức đề nghị Bộ Quốc phòng Nga bình luận về thông tin này - hoặc là xác nhận, hoặc là bác bỏ. Nhưng Cơ quan báo chí của Bộ đã im lặng không trả lời câu hỏi trên.
Các nguồn tin của "Vedomosti" cũng khẳng định rằng trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, - sẽ tiến hành hai lần phóng tên lửa mang maket với trọng lượng và kích thước như đầu tác chiến thật. Tên lửa thử nghiệm sẽ được phóng từ hầm phóng tại Sân bay Vũ trụ Plesetsk về hướng Trường bắn Kura ở Kamchatka (Viễn Đông Nga).
Theo "quy trình", trước khi đưa tên lửa vào trang bị và bắt đầu sản xuất hàng loạt, ít nhất phải thực hiện 5 lần phóng (thử nghiệm). Trong trường hợp nếu các tính năng của ICBM "Sarmat" được xác nhận qua các lần thử nghiệm đó, sẽ thực hiện lần phóng thử "chung kết".
Tức là sẽ phóng một tên lửa từ một trận địa tên lửa trong tỉnh Krasnoyarsk, - nơi đóng quân của Sư đoàn tên lửa số 62 Bộ đội Tên lửa Chiến lược Nga (RSVN). Sở dĩ phải tuân theo một "quy trình" như vậy- là để kíp trắc thủ của Sư đoàn này (sau khi đã qua các khóa huấn luyện lý thuyết và thực tế trên mô hình (các tên lửa mô phỏng) về khai thác tên lửa mới) có điều kiện thực hiện những công đoạn chuẩn bị thực tế cần thiết trước khi phóng và thực hành phóng tên lửa vào những mục tiêu định trước trong những điều kiện sát thực tế nhất.
Rất tiếc, không có thông tin gì về khả năng cho "Sarmat" mang khối tác chiến lượn siêu thanh "Avangard" (siêu thanh ở đây xin được hiểu là M>5-ND). Nếu cứ căn cứ vào những thông tin được phổ biến rộng rãi vào đầu năm nay, thì (đầu tác chiến siêu thanh) "Avangard" đang được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, lắp đầu tác chiến cho tên lửa là một quá trình khá tốn công, và cũng cần phải được thử nghiệm.
Tiến độ chế tạo ICBM "Sarmat" đã bị chậm một chút so với dự định ban đầu, mốc thời gian đưa nó vào trang bị cũng bị lùi 2 năm so với kế hoạch đã duyệt- nhưng với một tổ hợp kỹ thuật- quân sự quá phức tạp như vậy, khoảng thời gian (chậm) đó quả thực cũng không phải là nhiều.
Những thử nghiệm phóng tên lửa ra khỏi hầm phóng (còn là "thử nghiệm phóng ném"- tức là tên lửa được đẩy bằng động cơ phụ ra khỏi hầm phóng lên tới độ cao 30 mét) để kiểm tra cũng triển khai muộn hơn so với kế hoạch đã định. Lý do của sự chậm trễ trên là do các trang thiết bị của hầm phóng không được chuẩn bị xong đúng thời hạn.
Mặc dù vậy, cả ba lần phóng thử nghiệm trước đó đều đã thành công - các tên lửa thử nghiệm đều được đưa lên độ cao cần thiết, sau đó, động cơ hành trình tầng một của tên tên lửa được khởi động trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu so sánh chiến lược của Nga và Mỹ về ICBM bố trí trên đất liền, thì chúng (các chiến lược đó) rất khác nhau. Đối với Nga, đây (ICBM bố trí trên mặt đất) là lực lượng tấn công chủ yếu, là thành tố chính của bộ ba hạt nhân. Còn với Mỹ, (thì) họ đã bố trí trong các hầm phóng tên lửa nhiên liệu rắn "Minuteman-3" từ những năm 70 thế kỷ trước, và những tên lửa đó vẫn trực chiến cho đến tận ngày hôm nay. Theo định kỳ, các tên lửa đó được "trẻ hóa" từng phần, được thay thế một số trang thiết bị điện tử mới.
Và người cũng Mỹ đã hai lần thay nhiên liệu rắn đã hết hạn sử dụng cho các tên lửa "Minuteman-3". Đã một lần thay các khối tác chiến lắp trên tên lửa. Nhờ một số lần được hiện đại hóa và thay thế từng phần như đã nói, nhữngICBM này của Mỹ đã được tăng hạn (trực chiến) đến năm 2030.
Phóng ICBM LGM-30G "Minuteman III". Ảnh: Rbase.new-factoria.ru
Thái độ "khinh rẻ" như vậy (của Chính quyền Mỹ) đối với các tên lửa phóng tử mặt đất mang đầu tác chiến hạt nhân thực ra cũng là điều rất dễ hiểu, bởi vì thành tố chủ yếu của lực lượng (vũ khí) kiềm chế (răn đe) của Mỹ - đó lại là tên lửa đạn đạo phóng từ biển bố trí trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tuy vậy, (Nga) rất cần phải tính đến một thực tế là Mỹ có tới quả 450 ICBM "Minuteman-3" đang trực chiến. Mặc dù chúng đã khá lạc hậu, nhưng lại có số lượng lớn- lớn hơn nhiều so với khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ chống tên lửa bảo vệ Matxcova và Vùng (công nghiệp) trung tâm là A-135 "Amur".
Còn đối với Nga, các ICBM phóng từ mặt đất lại giữ một vai trò quan trọng hàng đầu trong chiến lược kiềm chế (răn đe). Từ thập niên 60, (Liên Xô và sau là Nga) đã thiết kế- chế tạo hơn một chục kiểu tên lửa, cả các tên lửa phóng từ hầm phòng (cố đinh) và cả tên lửa cơ động. Có cả các tổ hợp được lắp cả trên khung gầm xe bánh lốp (các (kiểu) tên lửa "Temp", "Topol", "Yars" lẫn các tổ hợp bố trí trên các đoàn tàu hỏa - như (tổ hợp) "Molodets"...
ICBM mạnh nhất trong số những ICBM đã được đưa vào trang bị cho Bộ đội Tên lửa chiến lược (Liên Xô-Nga) là RS-20 V "Voevoda" (theo phân loại của NATO - "Satan") do Phòng Thiết kế "Yuzhnoye" (Phòng Thiết kế " Yuzhnoye" mang tên Mikhail Yangel tại Dnipro, Ukraine, - chuyên thiết kế vệ tinh và tên lửa của Liên Xô trước dây, giờ là của Ucraine-ND) thiết kế- chế tạo và được đưa vào trực chiến năm 1988.
Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng, có công suất lớn nhất trong tất cả các ICBM đã và đang có trên thế giới. Trọng lượng phóng của nó- hơn 211 tấn. Trọng lượng đầu tác chiến (nguyên văn- "trọng lượng để ném"- được hiểu là trọng lượng tầng cuối của tên lửa mang các đầu tác chiến, tức trọng lượng khối tác chiến các phương tiện chống hệ thống phòng thủ chống tên lửa động cơ các thiết bị của hệ thống điều khiển các kết cấu khác như khung, các móc- xin được gọi ngắn gọn là đầu tác chiến, tuy không thật chính xác-ND- là 8 tấn.
Cự ly bắn tùy thuộc vào kết cấu tên lửa- và có lên tới 16.000km. Tổng công suất của một cuộc tấn công nhiệt hạch như vậy có thể lên tới 8 Mt - đó có thể là (cuộc tấn công của)smột khối tác chiến đơn khối công suất 8 Mt, hoặc 10 khối tác chiến tự tách công suất 100 kt mỗi khối (lắp trên "Voevoda").
Các khả năng của "Minuteman- 3" khiêm tốn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là do trọng lượng đầu tác chiến của một tên lửa Mỹ ("Minuteman- 3") chỉ là 1.100 kg, tức là nhỏ gấp 8 lần so (trọng lượng đầu tác chiến của) "Voevoda".
Tuy nhiên, các phương tiện của hệ thống phòng thủ chống tên lửa không dậm chân tại chỗ. Mỹ đang hoàn thiện các tổ hợp tên lửa đánh chặn. Và ở đây, cần phải nhắc tới không chỉ các tên lửa đánh chặn ba tầng GBI (Ground-Based Interceptor ),- tức những tên lửa đánh chặn cấu thành của hệ thống phòng thủ chống tên lửa quốc gia Mỹ (NMD).
Khối tác chiến của GBI là khối đánh chặn động học EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle) trên vũ trụ. Đây là kiểu vũ khí rất hiệu quả. Nhưng cũng cực kỳ đắt đỏ. Hiện giờ Mỹ mới chỉ có trong trang bị 48 quả "tên lửa đánh chặn vũ trụ" như vậy (44 quả bố trí ở Alaska và 4 quả ở California), đến giữa thập kỷ tới, dự định sẽ có 78 quả. Những 78 quả- vẫn quá ít và không đủ để đánh chặn thành công một cuộc tấn công ồ ạt.
Nhưng Mỹ đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực chế tạo hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo "Aegis" và tổ hợp cơ động trên mặt đất THAAD. Và tuy hiện những hệ thống này ("Aegis" và THAAD ) mới chỉ có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm trung không được trang bị các phương tiện chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương, - nhưng chúng vẫn đang được tiếp tục phát triển và hoàn thiện.
Từ thực tế trên, cần phải thừa nhận rằng ICBM "Voevoda" tuy hiện đang đủ khả năng chắc chắn vượt qua được NMD của Mỹ, nhưng sẽ không duy trì được khả năng đó mãi mãi. Và sẽ đến lúc mà nó sẽ phải được thay thế bằng một tên lửa khác tiên tiến hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên quên rằng những tên lửa này ("Voevoda") đã bước qua tuổi 40. Và đây, chính ICBM "Sarmat" được nghiên cứu chế tạo để thay thế ICBM "Voevoda".
Tên lửa ("Sarmat") do Phòng thiết kế Miass mang tên Makeev vốn rất nổi tiếng với các tên lửa trang bị cho tàu ngầm chiến lược thiết kế. Phòng Thiết kế Miass được chọn này là do nó đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng. Đồng thời, giới lãnh đạo quân sự- chính trị Nga cũng quyết định không nâng cấp "Voevoda" nữa, mà là chế tạo một tên lửa mới từ đầu.
Kết quả là, "Sarmat" có các khả năng tác chiến mạnh hơn nhiều, vượt xa tên lửa của Phòng thiết kế "Yuzhnoye" (tức "Voevoda"). Với trọng lượng phóng nhỏ hơn (208 tấn so với 211 tấn), nó mnag đầu tác chiến có trọng lượng lớn hơn đáng kể (10 tấn so với 8 tấn).
Và tên lửa này ("Sarmat") có khả năng đưa đầu tác chiến nặng 10 tấn vượt một cự ly tới 18.000 km. Chưa hết, nó có khả năng thực hiện chức năng "tấn công vũ trụ", có nghĩa là kiểu tên lửa có tốc độ chỉ thấp hơn tốc độ vũ trụ một chút này có thể tấn công lãnh thổ Mỹ (tất cả các ICBM của Lực lượng kiềm chế hạt nhân (Nga) đều có địa chỉ là các mục tiêu trên đất Mỹ) không chỉ có thể bay qua Bắc Cực, mà còn có thể bay qua Nam Cực. Có nghĩa là từ cái hướng mà Mỹ không có các hệ thống phòng thủ chống tên lửa để đối phó.
Không chỉ có "bản thân" tên lửa, mà các khối tác chiến tự tách tự dẫn (có thể 10 khối với tổng công suất 8 Mt) cũng được trang bị các phương tiện chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Cũng giống như với "Voevoda", những phương tiện đó là các mục tiêu giả bay quanh tên lửa và quanh các khối tác chiến. Thêm một phương pháp "tự bảo vệ" rất hiệu quả khác nữa- đó là thời gian động cơ tên lửa hoạt động rất ngắn (thời gian động cơ hoạt động là thời gian dễ bị phát hiện và đánh chặn nhất)
Và, cuối cùng, như đã nói ở trên, sau khi tiến hành xong các thử nghiệm cần thiết, mỗi ICBM "Sarmat" sẽ được lắp ba khối tác chiến "Avangard". Lúc này thì không cần các mục tiêu giả phải "bay hộ tống" tên lửa và các khối tác chiến nữa, bởi vì các phương tiện đánh chặn hiện có và sẽ có đều không có khả năng đánh chặn chúng.
Vì chúng (các "Avangard") bay với tốc độ siêu thanh (M>5) đến mục tiêu và liên tục cơ động.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)
Theo baodatviet
Có những mối đe dọa 'ít được thổi phồng, nhưng lại thực tế hơn' đối với Mỹ Theo giới quan sát, các mối đe đó là các tên lửa mới do Nga phát triển, lỗ hổng an ninh trong lực lượng vũ trang Mỹ và sự dễ tổn thương của lưới điện Mỹ. Nhiều người Mỹ tin rằng, mối đe dọa chính đối với đất nước của họ là biên giới không được bảo vệ. Tuy nhiên, cựu đặc vụ...