Australia xem xét rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) đang xem xét đẩy nhanh thời gian chờ để tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh bang New South Wales (NSW) vừa ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một ngày, mức cao nhất theo ngày từ trước đến nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Truyền thông Australia cho biết ATAGI đã họp bàn về đề xuất rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi tăng cường từ 5 tháng xuống còn 4 hoặc 3 tháng, tính từ khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai, và sẽ sớm công bố thông tin chính thức trong tuần này. Nếu được thông qua, đây là lần thứ hai ATAGI điều chỉnh thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường, sau khi đã cho phép rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 5 tháng vào tuần trước. Bên cạnh đó, ATAGI cũng đang đánh giá liệu việc tiêm ba mũi vaccine ngừa COVID-19 có đáp ứng tốt hơn yêu cầu chống các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.
Giáo sư Sharon Lewin, Giám đốc Viện nghiên cứu Doherty cho biết ATAGI đang phân tích các dữ liệu ở nước ngoài trước khi quyết định rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường. Cụ thể, nhà chức trách và nhóm cố vấn ATAGI đang cân nhắc quyết định dựa trên nghiên cứu tốc độ giảm lượng kháng thể của người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 , độ an toàn khi tiêm mũi vaccine tăng cường sớm hơn, khả năng đáp ứng, hiệu quả của mũi vaccine này ra sao và nguồn cung vaccine trong nước.
Động thái của ATAGI diễn ra ngay trước thềm cuộc họp Nội các khẩn cấp của Australia, dự kiến diễn ra vào ngày 22/12. Cuộc họp này nhằm tìm ra giải pháp giúp kiểm soát số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng, cũng như thống nhất cách tiếp cận của chính quyền các bang trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh.
Video đang HOT
Phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương của Australia hiện đã được dỡ bỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, giới chức y tế nước này đã kêu gọi các chính quyền địa phương cần khẩn trương tái áp đặt một số biện pháp hạn chế, như bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng có không gian kín và cả ngoài trời… Thậm chí, một số chuyên gia y tế hàng đầu của Australia đã hối thúc chính phủ xem xét lại kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng đột biến trong nước.
Ngày 19/12 vừa qua, các chuyên gia, bao gồm cả Giáo sư Lewin, đã khuyến nghị Australia nên tái áp đặt các lệnh hạn chế “trong vài tuần”, nhằm có thêm thời gian để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron và khả năng “lẩn tránh” vaccine của biến thể này. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nội các sẽ nhóm họp để đưa ra các giải pháp thích hợp nhất. Ông khẳng định Australia đảm bảo đủ nguồn cung cấp vaccine, với 13 triệu liều sẵn có và 9.000 điểm tiêm chủng trên khắp đất nước, để người dân có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường.
Thủ tướng Israel kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 19/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi người dân nước này tiếp tục tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19, đồng thời đưa con cái đi tiêm.
Nhân viên y tế Israel tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 của Pfizer cho người dân tại Jerusalem ngày 20/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Bennett cho biết liên quan đến biến thể mới Omicron, chính phủ Israel đã phản ứng nhanh nhạy cách đây ba tuần bằng việc đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, do biến thể mới có độ lây nhiễm mạnh nên các biện pháp của chính quyền là chưa đủ. Ông nói: "Mỗi người dân cần tự lo cho bản thân, gia đình và con cái... Làn sóng dịch bệnh mới đã xuất hiện. Mỗi gia đình cần có sự chuẩn bị".
Người đứng đầu chính phủ Israel cũng khẳng định vaccine phòng COVID-19 là an toàn. Đã có 7 triệu trẻ em ở Mỹ được tiêm phòng và người dân Israel có thể đưa con đi tiêm bất cứ lúc nào mà không cần hẹn trước.
Ở các địa phương của Israel, một số nơi có tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em đã đạt khoảng 30%, nhưng cũng có một số nơi khác tỷ lệ này chỉ đạt 3%.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, ngày 18/12 nước này có thêm 372 ca nhiễm mới COVID-19. Về tiêm vaccine bổ sung, đã có 4,15 triệu người dân được tiêm mũi thứ 3.
Cũng trong ngày 19/12, Bộ Y tế Israel đã kiến nghị chính phủ đưa thêm một số quốc gia vào diện "cảnh báo Đỏ", bao gồm Italy, Mỹ, Bỉ, Đức, Hungary, Maroc, Bồ Đào Nha, Canada, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kiến nghị của Bộ Y tế được chính phủ và quốc hội thông qua, từ ngày 22/12 người từ các nước nói trên sẽ bị cấm nhập cảnh Israel, trừ trường hợp đặc biệt.
*Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 19/12, Chính phủ Nicaragua cho biết nước này vừa giải ngân 15,8 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Đây là lần đầu tiên quốc gia Trung Mỹ này mua một loại vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Ngày 18/12, Nicaragua đã nhận trước 50% số lượng vaccine đặt hàng, tương đương 1,25 triệu liều AstraZeneca.
Mặc dù Nicaragua đã sử dụng các loại vaccine được WHO phê duyệt của AstraZeneca, Pfizer và Covishield, tuy nhiên phần lớn là được phân phối thông qua cơ chế COVAX, phần còn lại là vay từ Honduras.
Từ năm 2020 Nicaragua đã tuyên bố dành quỹ 100 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên những nguồn lực này được dùng để mua các loại vaccine chưa được WHO phê duyệt như Sputnik V và Sputnik Light của Nga, hay Abdala và Soberana 02 của Cuba.
Theo thống kê của chính phủ Nicaragua, nước này đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cho 75% dân số trên 2 tuổi với vaccine của Cuba và Nga. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) ước tính chỉ khoảng 35,7% đến 38,6% công dân Nicaragua đã được tiêm chủng đầy đủ và xếp nước này vào nhóm các quốc gia tụt hậu nhất châu Mỹ.
Bộ Y tế Nicaragua cho hay đến nay nước này đã ghi nhận 17.411 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 215 trường hợp tử vong. Trong khi đó, mạng lưới bác sĩ của Đài quan sát công dân COVID-19 cho rằng quốc gia Trung Mỹ này đã có 5.964 ca tử vong do viêm phổi và các triệu chứng khác của COVID-19.
Chính phủ Nicaragua vẫn giữ quan điểm không áp dụng các biện pháp xã hội để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và không hạn chế tụ họp để không ảnh hưởng đến nền kinh tế, điều này đã gây ra nhiều chỉ trích cũng như quan ngại từ phía PAHO.
Chúng ta có cần tiêm mũi vaccine tăng cường mãi mãi để ngừa COVID-19? Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh và việc tiêm mũi vaccine tăng cường đã được áp dụng cho người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ, một loạt câu hỏi được đặt ra. Chúng ta có phải tiêm mũi tăng cường thứ tư như Giám đốc Điều hành (CEO) của hãng Pfizer, Albert Bourla, gợi ý hay không? Nhân viên...