Australia sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng vaccine phát triển theo công nghệ mRNA
Quyền thủ hiến bang Victoria của Australia, ông James Merlino ngày 20/6 cho biết các cơ quan nghiên cứu của bang này đã sẵn sàng triển khai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 phát triển theo công nghệ mRNA. Dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài vài tháng.
Vaccine phát triển theo công nghệ mRNA tại Australia sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhà chức trách Austrlia cho rằng việc chủ động đầu tư sản xuất vaccine công nghệ mRNA đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại trong cuộc sống con người trong tương lai và bổ sung vaccine sẽ là việc thường xuyên trong thời gian tới.
Ông Merlino cho biết chính quyền bang Victoria sẽ phân bổ khoản kinh phí 5 triệu AUD (khoảng 3,74 triệu USD) từ quỹ Nghiên cứu mRNA trị giá 50 triệu AUD (37,4 triệu USD) để giúp Viện Khoa học Dược phẩm Monash sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA dùng cho các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới.
Video đang HOT
Hiện nay trên thế giới các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Công nghệ này sử dụng mã di truyền RNA để kích hoạt sản sinh các loại protein đột biến nhằm tạo ra đột biến cụ thể của virus SARS-CoV-2. Các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận ra protein đột biến là ngoại lai và sẽ bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch.
Việc thử nghiệm vaccine mRNA mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất tại Australia có khả năng bào chế các loại vaccine theo công nghệ mRNA có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này.
Thái Lan nỗ lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nội địa
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người dân Thái Lan có thể sẽ có vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự phát triển để tiêm nhắc lại vào năm tới, mặc dù cho tới nay vẫn chưa có loại vaccine nội địa nào vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện 3 loại vaccine mà Thái Lan tự nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do công ty Baiya Phytopharm bào chế, Chula-Cov 19 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế chưa thể được sử dụng để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay hoặc giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt vaccine khi chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nước này bắt đầu từ ngày 7/6.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sản xuất vaccine nội địa đã khẳng định công việc nghiên cứu và phát triển vaccine của họ vẫn có thể giúp ích cho những nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn COVID-19 và nâng cao khả năng của đất nước chống lại những căn bệnh như vậy trong tương lai.
Phó Giáo sư Suthira Taychakhoonavudh, nhà nghiên cứu tại Khoa Dược thuộc Đại học Chulalongkorn và là Giám đốc điều hành của Baiya Phytopharm, cho biết người Thái Lan sẽ có nhiều lựa chọn vaccine hơn từ năm 2022 khi vaccine của nước này được đưa ra thị trường.
Theo bà Suthirai, vaccine của Baiya Phytopharm đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19 ở động vật, tuy nhiên vaccine này vẫn sẽ phải hoàn thành các thử nghiệm trên người. Hiện công ty đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên người và sẽ bắt đầu với 100 tình nguyện viên vào tháng 8. Công ty hy vọng vaccine sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu vaccine của Đại học Chulalongkorn, cho hay việc phát triển vaccine của Thái Lan có thể là quá muộn để giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng điều quan trọng đối với tương lai và an ninh y tế của đất nước là có thể tự sản xuất vaccine. Thái Lan sẽ có kiến thức và cơ sở vật chất để kịp thời chuẩn bị vaccine cho riêng mình, vì vậy sẽ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine nhập khẩu trong trường hợp có một đại dịch khác.
Ông Kiat cho biết thêm vaccine Chula-Cov 19 sẽ có mặt trên thị trường sớm nhất vào quý I hoặc chậm nhất là quý III/2022.
Theo Giám đốc điều hành GPO Withoon Danwiboon, việc phát triển vaccine NDV-HXP-S hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người. Loại vaccine này có thể được cung cấp vào đầu năm sau. Quy trình sản xuất vaccine này tương tự như quy trình sản xuất vaccine cúm mà nhà máy của GPO đã sản xuất. Điều đó có nghĩa là việc sản xuất hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu ngay tại nhà máy có quy mô công nghiệp của GPO với công suất sản xuất khoảng 25 - 30 triệu liều mỗi năm.
Ngày 7/6, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm vào cuối tháng 12. Hiện nước này mới chỉ chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca và 6 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan đang tìm cách có thêm 8 triệu liều vaccine từ Sinovac cùng 25 triệu liều vaccine từ các hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu có 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Ngoài ra, quốc gia này cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới.
BioNTech xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Singapore Ngày 10/5, hãng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 BioNTech của Đức thông báo sẽ xây dựng tại Singapore một nhà máy có thể sản xuất mỗi năm hàng trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA. Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN BioNTech cho biết trong năm nay sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy này cũng như trụ...