Australia có thể cách biệt cộng đồng một năm
Thủ tướng Australia cảnh báo người dân nước này có thể phải tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng trong một năm vì Covid-19.
“Cách biệt cộng đồng nên trở thành việc vô cùng quen thuộc với chúng ta. Nó có thể kéo dài một năm, nhưng tôi sẽ không suy đoán về điều đó”, Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm nay cho biết trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh 3AW.
“Chắc chắn trong lúc virus lây lan khắp thế giới, quy tắc giữ khoảng cách 1,5 m nên trở thành một bản năng tự nhiên”, Morrison cho hay, nói thêm rằng không có gì đảm bảo vaccine ngừa nCoV sẽ được phát triển trong thời gian sắp tới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại một trạm xét nghiệm ở Sydney, Australia hôm 11/4. Ảnh: AFP.
Trước đó, Thủ tướng Australia cho biết những biện pháp cách biệt cộng đồng rộng rãi hơn sẽ được áp dụng trong ít nhất 4 tuần nữa. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc mở cửa lại trường học trên cả nước, dựa trên khuyến cáo y tế rằng trẻ em có nguy cơ nhiễm nCoV thấp.
Quan điểm này bị chính quyền một số bang và vùng lãnh thổ phản đối, đồng thời làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh và giáo viên do họ lo ngại mối nguy hiểm của Covid-19. New South Wales, bang đông dân nhất Australia, đang xem xét phương án cho học sinh đến trường theo ca, nhưng không loại trừ khả năng các em phải ở nhà một năm hoặc lâu hơn.
Trong bối cảnh số ca nhiễm và chết vì nCoV gia tăng khắp thế giới, Australia tới nay được cho là đã tránh được viễn cảnh tồi tệ của đại dịch, sau khi đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt suốt tháng qua. Nước này hiện ghi nhận gần 6.500 ca nhiễm nCoV và hơn 60 người chết.
Ánh Ngọc
Video đang HOT
Xung quanh tranh luận về việc Australia "mời" du học sinh về nước
Quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge khẳng định, không có chuyện Chính phủ Úc mời sinh viên nước ngoài về nước. Ngược lại, Chính phủ kêu gọi các sinh viên nước ngoài ở lại nếu có thể tự trang trải cuộc sống.
Ảnh minh họa
Thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam
Mới đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có phát biểu được hiểu theo hướng kêu gọi người không có quốc tịch Australia hãy về nước đã khiến dư luận Việt Nam có những hoang mang, lo lắng và tranh cãi trái chiều, đặc biệt là đối với những gia đình đang có con du học tại Australia.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại để làm rõ nội dung phát biểu của Thủ tướng Scott Morrison".
Theo đó, nội dung được làm rõ cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Australia khuyến cáo khách du lịch nước ngoài về nước nếu không tự lo được vấn đề tài chính.
Đối với gần 600.000 du học sinh nước ngoài, Chính phủ Australia khuyến khích trông cậy vào hỗ trợ của gia đình, việc làm bán thời gian (cho phép tối đa 40 giờ trong 2 tuần) và từ nguồn tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí.
Những sinh viên đã ở Australia hơn 1 năm có thể xin rút tối đa 10.000 AUD từ quỹ hưu trí trong năm tài khóa hiện nay để phục vụ cuộc sống. Chính phủ Australia cũng sẽ tiếp tục làm việc với ngành giáo dục để thảo luận các biện pháp hỗ trợ khác cho sinh viên quốc tế.
Đại sứ quán Việt Nam đã phổ biến, làm rõ và hướng dẫn chính sách nói trên của Chính phủ Australia tới Hội sinh viên Việt Nam tại Australia, đồng thời phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Australia động viên tinh thần cộng đồng người Việt tại đây để bà con yên tâm tiếp tục cuộc sống, công việc và học tập.
Ngày 6/4, Quyền Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM Australia về ASEAN và Cấp cao Đông Á (EAS), Justin Hayhurst khẳng định, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia sẽ cùng Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và các cơ quan chức năng khác tiếp tục có các chính sách, biện pháp hỗ trợ để du học sinh Việt Nam vượt qua khó khăn, yên tâm học tập tại Australia.
Sinh viên mong muốn được giảm học phí online
Trao đổi với PV Báo KH&ĐS, chị Nguyễn Lan Hương, Ba Đình, Hà Nội, phụ huynh của một du học sinh Australia chia sẻ, mới đầu, chị cũng hoang mang. Tuy nhiên, khi nghe lại bài phát biểu của Thủ tướng, chị thấy sự việc không như những gì lo ngại.
Cụ thể, đối với du học sinh, trong bài phát biểu nói rằng, những sinh viên mới đến Australia năm đầu, thì Chính phủ không lo lắng lắm, bởi trước khi sang Australia, để được cấp visa, họ đã phải chứng minh có đủ tiền để sống và học trong ít nhất 1 năm.
Đối với sinh viên không có đủ tài chính để tự trang trải thì có một phương án khác, đó là trở về nhà.
"Tôi thấy các du học sinh cần hiểu đúng lời của Thủ tướng nói để tránh hoang mang. Ở đây, không phải là chuyện Chính phủ Australia mời sinh viên về nước, mà là trong trường hợp gia đình không lo được chi phí, thì sinh viên có thể trở về nhà", chị Hương nói.
Đồng quan điểm với chị Hương, một luật sư ở Australia cho biết, thông điệp chỉ đơn giản là trong khó khăn chung, du học sinh và người lao động nước ngoài cần tự lực cánh sinh. Nếu cuộc sống quá vất vả, có thể tính đến phương án hồi hương, nơi bạn là công dân và có những chính sách an sinh dành cho bạn.
Chỉ riêng với những người đang có visa du lịch ngắn hạn (tối đa 3 tháng), Thủ tướng mới dùng từ "đã đến lúc nên về". Điều này là dễ hiểu, vì ở thời điểm này, nếu không đủ điều kiện về kinh tế thì việc trở về quê cũng là hợp lý.
Chia sẻ với Báo KH&ĐS về cuộc sống hiện tại của du học sinh tại Australia thời điểm này, em Dương Hoàng Minh, Trường ĐH UTS cho biết, dịch Covid-19 đã khiến tất cả các trường ĐH ở Úc phải đóng cửa, sinh viên phải nghỉ học và không đi làm thêm được.
Điều này sẽ gây khó khăn cho những sinh viên phải tự trang trải tiền ăn, ở, vì dù không đi học vẫn phải ở lại nước sở tại.
Tuy nhiên, hiện tại, quyền Bộ trưởng Di Trú Alan Tudge khẳng định, chính phủ Australia cho phép các sinh viên quốc tế làm thêm 40 giờ trong 2 tuần. Điều đó khiến các sinh viên an tâm hơn.
"Chúng em chỉ mong muốn các trường đại học giảm học phí học online trong thời điểm này vì học online không thể giống như học như ở trên lớp. Và sinh viên quốc tế nói chung được hưởng những chính sách hỗ trợ như sinh viên bản địa", em Minh chia sẻ.
Về phát biểu của Thủ tướng Úc, em Dương Hoàng Minh cho biết, sau khi sự việc được lên truyền thông, phụ huynh của các bạn bè đã hoang mang, lo lắng khiến các sinh viên bị áp lực theo.
Trước một sự việc, theo em Minh du học sinh cần có sự bình tĩnh xem xét, đặc biệt là việc quay trở về Việt Nam trong thời điểm này. Bởi vì, khi về nước, sự quay trở lại để học tập có thể có những khó khăn, trở ngại, do dịch Covid-19 diễn biến khó lường và ở mỗi nước sẽ có những chính sách riêng. Điều này, có thể khiến việc học tập bị lỡ dở.
Trong bài phát biểu của mình, quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge khẳng định, không có chuyện Chính phủ Úc mời sinh viên nước ngoài về nước. Ngược lại, với khoảng 600.000 sinh viên quốc tế tại Australia, Chính phủ nước này xác định đây là nhóm đối tượng quan trọng đối với nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm, nên kêu gọi các sinh viên nước ngoài ở lại nước này nếu có thể tự trang trải cuộc sống bên cạnh những hỗ trợ linh hoạt khác từ Chính phủ.
"Chúng tôi nói với các bạn sinh viên quốc tế rằng chúng tôi khuyến khích các bạn tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và từ nguồn thu của các công việc mà các bạn có được cũng như từ nguồn tài chính dự trữ để giúp các bạn có thể đảm bảo cuộc sống trong thời gian ở tại Australia. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tiếp cận nguồn tiền trong Quỹ hưu trí mà bạn đã đóng góp trong thời gian làm việc bán thời gian tại Australia"- Ông Alan Tudge nêu.
Mai Nguyễn
Australia ghi nhận 200 ca mắc Covid-19 Số ca mắc Covid-19 tại Australia đạt mốc mới khi đã lên đến 200 trường hợp trong đó 27 ca bị lây nhiễm trong cộng đồng. Australia vừa ghi nhận gần 40 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 200 tính đến sáng nay (14/3) . Trong lúc này, các chuyên gia y tế...