Australia cam kết tăng cường viện trợ cho Sri Lanka
Australia sẽ viện trợ 50 triệu AUD (35 triệu USD) cho Sri Lanka để giúp quốc gia Nam Á này đáp ứng các nhu cầu cấp bách về lương thực và chăm sóc sức khỏe.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 21/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, khi công bố gói viện trợ trên ngày 20/6, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết Canberra sẽ đóng góp ngay 22 triệu AUD cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) để hỗ trợ lương thực khẩn cấp nhằm giúp 3 triệu người ở Sri Lanka đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày.
Trong giai đoạn 2022-2023, Australia sẽ tiếp tục cung cấp 23 triệu AUD tiền hỗ trợ phát triển giúp Chính phủ Sri Lanka duy trì các dịch vụ y tế và phục hồi kinh tế, với trọng tâm là bảo vệ người dân dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Ngoại trưởng Wong cho biết những khoản đóng góp trên chưa bao gồm 5 triệu AUD đã được cung cấp gần đây cho Sri Lanka, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm, thông qua các cơ quan của Liên hợp quốc.
Quốc gia Nam Á này đang trong tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và nhiều mặt hàng nhu yếu khác trong một cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc dự trữ ngoại tệ giảm. Chính phủ đã phải thông báo tăng thêm một ngày nghỉ và đóng cửa tất cả trường học vào thứ Sáu để giảm tiêu dùng xăng và dầu. Sri Lanka cũng đã thông báo ngừng trả khoản nợ công 51 tỷ USD từ tháng 4 và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để có một khoản vay mới.
Liên hợp quốc lo ngại thiếu lương thực viện trợ cho người tị nạn châu Phi
Ngày 19/6, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo người tị nạn từ các nước ở khu vực Đông và Tây Phi có nguy cơ đối mặt với việc thiếu lương thực trầm trọng do thiếu các khoản tài trợ.
Người dân xếp hàng chờ được phát lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
WFP nêu rõ khẩu phần lương thực của 75% người tị nạn ở Đông Phi nhận từ cơ quan này đã giảm tới 50%, trong đó các nước như Ethiopia, Kenya, Nam Sudan và Uganda chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley nêu rõ cơ quan này buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là giảm khẩu phần lương thực cung cấp cho người tị nạn tại những khu vực trên do nguồn lực hiện nay không thể đáp ứng với nhu cầu lương thực gia tăng trên toàn cầu.
Lượng lương thực WFP viện trợ cho người di cư tại một số quốc gia Tây Phi như Burkina Faso, Cameroon, Chad, Mali, Mauritania và Niger cũng giảm đáng kể. Tổ chức này cảnh báo hoạt động viện trợ lương thực tại Angola, Malawi, Mozambique, CH Congo, Tanzania và Zimbabwe có nguy cơ gián đoạn.
Trước đó, WFP đã kêu gọi khoản hỗ trợ lên tới 426 triệu USD nhằm ngăn chặn nạn đói tại Nam Sudan, quốc gia phải hứng chịu xung đột và lũ lụt trong nhiều năm qua khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Theo WFP, hơn 67% dân số Nam Sudan (tương đương với 8,3 triệu người) đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp và có nguy cơ đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm nay.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn cầu, làm gia tăng nguy cơ đói kém. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể khiến hàng chục triệu người đi lánh nạn đối mặt với nguy cơ bị đói.
Sri Lanka áp hạn ngạch nhiên liệu đối với phương tiện giao thông Ngày 12/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết nước này sẽ áp dụng một hệ thống hạn ngạch nhiên liệu hằng tuần đối với các phương tiện giao thông do những khó khăn trong việc mua nhiên liệu. Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại Colombo, Sri Lanka, ngày 5/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN Trao đổi với báo giới, ông...