Ẩu đả vì… ngao: Sông Yên mong lặng sóng
Vụ hỗn chiến làm 3 người chết, 9 người bị thương nơi cửa sông Yên (thuộc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khiến cho những làng quê vốn nhộn nhịp tay chèo, tay lái cào ngao bỗng yên ắng lạ thường.
Vụ hỗn chiến làm 3 người chết, 9 người bị thương nơi cửa sông Yên (thuộc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khiến cho những làng quê vốn nhộn nhịp tay chèo, tay lái cào ngao bỗng yên ắng lạ thường.
Từ khoảng năm 1995, tại các địa phương có vùng triều, bờ bãi ở các cửa sông bắt đầu đưa ngao vào nuôi. Ban đầu, chẳng mấy ai để ý đến việc nuôi ngao lỗ, lãi thế nào, đến khi lợi nhuận được nhìn thấy bằng những ngôi nhà cao tầng đã xuất hiện những “ông trùm ngao” ở các vùng. Có nhiều kiểu “trùm ngao”. Trùm thu mua, trùm thầu bến bãi, lại có “ trùm cai bãi”, bất chấp là bãi khai thác chung hay bãi đã có hợp đồng giữa chính quyền, hình thành một nhóm người sẵn sàng va chạm khi xảy ra những tình huống bất lợi cho mình…
Người dân Quảng Nham lo lắng, mong bình yên trên sông Yên
Thanh Hóa có nhiều huyện nuôi thả ngao và có ngao tự nhiên, trong đó Hậu Lộc được coi là một trong những huyện có bãi nuôi ngao lớn. Đầu năm 2011, một nhóm người bất ngờ tấn công, đánh chém 5 người trên một chòi canh ngao ở 2 xã Đa Lộc và Hưng Lộc khiến 1 người chết, 4 người bị thương, nguyên nhân cũng vì tranh chấp bãi ngao.
Trung bình mỗi lao động cào ngao tự nhiên thu nhập khoảng từ 300.000 – 500.000 đồng/ ngày, đợt ngao nhiều thu nhập cả triệu đồng/ngày. Ngao tự nhiên to, có giá trị cao từ 35.000 – 50.000 đồng/kg.
Trước và sau vụ việc này, nhiều đơn thư khiếu nạn, phản ánh liên quan đến việc nuôi trồng, khai thác ngao xuất hiện tại các vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, chủ yếu tố nhau lấn chiếm, hợp đồng thuê không đúng quy định, dựng chòi canh, cắm cọc trái phép… Khi các hợp đồng bãi ngao được cơ quan chức năng kiểm tra, phân mốc rõ ràng, việc lấn chiếm trái phép gần như chấm dứt.
Tuy nhiên, ở những vùng trên nguồn ngao tự nhiên không nhiều. Ngược lại, cuối sông Yên, giáp cửa biển, nơi xảy ra vụ hỗn chiến hôm 7/7, có nguồn thu lớn là ngao tự nhiên ở lòng sông, nơi tàu thuyền đi lại, là vùng khai thác chung. Theo nhiều người dân, chính lợi ích kinh tế đã dần hình thành nên sợi dây “liên kết” của một nhóm người chuyên đi khai thác ngao, và họ cũng có nhiều cách hành xử khác người.
Kiểu “liên kết” mới
Qua điều tra của Tiền Phong, nhóm người trên chuyên khai thác ngao ở khu vực chung, hoạt động có gây quỹ để giải quyết các phát sinh như chi phí cho đại diện nhóm khi phải làm việc với cơ quan chức năng. Nhóm này có những quy định ngầm mà thành viên nào không tuân thủ coi như phải bỏ nghề.
Dù là vùng khai thác tự do nhưng người lao động cũng không được tự do vào khai thác. Một số người dân cho biết, nhiều lao động nghèo muốn vào khai thác nhưng không tham gia nhóm hội sẽ bị cấm cửa, thậm chí hành hung.
Video đang HOT
Một vùng khai thác ngao tự nhiên ở cửa sông Yên nhiều năm nay đã trở thành vùng cai quản riêng của một nhóm người có “máu mặt” ở 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Một thứ “liên kết” mới dần hình thành để chia sẻ lợi ích cá nhân, thứ “liên kết” giẫm đạp lên tình làng nghĩa xóm, có thể vi phạm cả pháp luật; đẩy người dân nghèo chân chính ra khỏi khu vực mưu sinh nhiều đời nay của họ.
Án mạng được báo trước?
Từ năm 2010, UBND xã Quảng Nham cho kiểm tra, đo lại số diện tích nuôi ngao trên địa bàn, đồng thời ký hợp đồng mới với các chủ hộ nuôi ngao, nhằm thực hiện nghiêm việc đóng thuế, cũng như đảm bảo ANTT tại địa phương. Từ đây, lợi ích của một nhóm người bị chia sẻ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều người có “máu mặt” ngang nhiên cắm cọc ngăn sông Yên, cấm người khác vào vùng khai thác ngao chung.
Theo một cán bộ xã Quảng Nham (xin được giấu tên), chính quyền các cấp cần tăng cường quản lý diện tích vùng triều nuôi ngao; phân định rõ diện tích cho người dân thầu hằng năm, có biện pháp bảo vệ những hộ dân nuôi ngao, mạnh tay xử lý những đối tượng “bảo kê”, chặn đường mưu sinh của người dân nghèo tại vùng khai thác chung.
Một nhóm người dân làm nghề cào ngao tự nhiên buộc phải tố lên chính quyền địa phương. Đầu tháng 3/2013, chính quyền xã Quảng Nham huy động lực lượng, phối hợp với cơ quan chức năng nhổ cọc cắm trái phép, giải phóng lòng sông Yên. Đầu tháng 4/2013, lại xảy ra vụ va chạm trên sông Yên, chính quyền địa phương kịp thời có mặt nên rất may không có ai bị thương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tháo dỡ hơn 100 cọc luồng cắm trái phép trên sông, tổ chức họp với 22 hộ dân yêu cầu phải tháo dỡ cọc trái phép.
Sông Yên lại nhộn nhịp bè cào ngao. Chưa được bao lâu, giữa tháng 4/2013 lại xảy ra vụ một nhóm người cào ngao tự do xâm phạm, khai thác trái phép bãi ngao có hợp đồng của 3 hộ dân ở thôn Tân, xã Quảng Nham, gây thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Công an huyện Quảng Xương vào cuộc, chưa xử lý xong vụ này thì xảy ra vụ hỗn chiến ngày 7/7 làm 3 người chết, 9 người bị thương.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Tân, xã Quảng Nham) nói: “Những người ngang nhiên khai thác ngao trong bãi của chúng tôi lại chính là những anh em, bạn bè, làng xóm thân cận. Tôi không nghĩ vì ai đó quá đói, quá nghèo mà làm bậy. Tôi đã làm nghề nuôi ngao hơn 10 năm nay, chưa khi nào cảm thấy bất an như những năm gần đây. Người dân lao động bình thường không được phép vào bãi ngao tự do để khai thác nếu không tham gia nhóm hội. Chồng tôi chết sớm, 3 mẹ con tôi nương tựa vào nhau. Ngày xảy ra sự việc bãi ngao, chúng tôi cũng bị một nhóm người ngang nhiên lấy ngao giữa ban ngày, tôi phải quỳ lạy xin mọi người đừng phá cướp”.
Xã làm đúng trách nhiệm?
Làm việc với PV Tiền Phong chiều 10/7, ông Mai Minh Phụng (Chủ tịch UBND xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) nói: “Toàn xã có hơn 30 ha nuôi ngao được xã ký hợp đồng cho 30 hộ khai thác. Từ trước đến nay, xã không nhận được đơn từ phản ánh việc có cá nhân hay nhóm người nào bảo kê, cấm dân ra vùng khai thác ngao tự do hay ép giá. Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có các sự việc như trộm ngao, cắm cọc trái phép trên sông Yên… Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm của mình. Chúng tôi không tiên lượng được mâu thuẫn lợi ích từ con ngao có thể dẫn đến vụ án nghiêm trọng như vừa rồi”.
Vụ việc đánh nhau trên sông Yên chỉ diễn ra chừng 15 phút, nhưng làm cả khúc sông Yên náo loạn. Nhiều cán bộ của 2 xã có mặt trên 2 bờ sông, nhưng chẳng ai có thể trở tay khi chỉ một nhát dao hay một cục đá cũng đã lấy đi tính mạng của một người ở giữa sông. Có hay không sự chủ quan của chính quyền địa phương trong vụ việc, khi một người dân bình thường cũng tiên lượng được một vụ hỗn chiến sẽ xảy ra như một điều tất yếu?
Những cái chết và thương tích vì con ngao còn âm ỉ tại địa phương, là nỗi khiếp sợ của người dân. Trên dòng sông Yên mấy ngày nay không một bóng người cào ngao. Người dân địa phương đang mong ngóng trở lại những ngày bình yên bên sông Yên, để bà con lao động chân chính được mưu sinh trên dòng sông đầy nguồn lợi hải sản tự nhiên.
Theo Khampha
Máu và nước mắt nghề... ngao
Vì cuộc sống, mưu sinh, lợi nhuận mà nhiều người phải đổ mồ hôi, nước mắt, máu, thậm chí phải bỏ cả mạng sống vì... ngao.
Mất mạng vì... ngao
Vụ "hỗn chiến" trên dòng sông Yên giữa 2 nhóm người ở huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương (Thanh Hóa) xảy ra ngày 7/7 vừa qua, làm hơn chục người thương vong, khiến nhiều người phải động lòng. Bởi lẽ, nguồn cơn để gây nên chết chóc, tang thương và tội lỗi ấy, đều xuất phát từ nghề khai thác ngao để kiếm sống của những người dân sông nước ở Quảng Nham (Quảng Xương) và Hải Châu (Tĩnh Gia).
Sau dăm ngày xảy ra vụ "hỗn chiến" trên sông Yên, chúng tôi trở lại xã Hải Châu và xã Quảng Nham, để nghe họ bày tỏ nỗi lòng, những truân chuyên của nghề sông nước.
Khơi lại chuyện đau lòng của ngày Chủ nhật buồn ấy, ông Lê Văn Đình - Trưởng thôn Nam Châu (Hải Châu), trầm ngâm bảo, trước đây, gia đình ông cũng nhận thầu 1ha ở bãi ven sông Yên để nuôi ngao. Nhưng rồi ông phải chuyển nhượng cho người khác làm, bởi gia đình ông neo người, mà ông bận công việc thôn, xóm và hơn nữa bản thân ông cảm thấy mình không phù hợp được với nghề này, nên phải bỏ.
Thành quả lao động sau nửa ngày ngụp lặn dưới sông của một người dân Hải Châu
Dù không làm nghề nuôi ngao nữa, nhưng vị trưởng thôn này vẫn thành thật rằng, làm nghề nuôi thả ngao mà gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết, nguồn nước và giá cả, thì mỗi năm có thể kiếm được bộn tiền, làm giàu rất nhanh. Bình quân, mỗi ha ngao nuôi (nếu gặp thuận lợi), thì trong 1 năm người ta có thể thu về vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Cũng chính từ giá trị, lợi nhuận của nghề ngao lớn như vậy, nên nhiều người muốn tham gia.
"Khi phong trào nuôi ngao ở địa phương chúng tôi phát triển, chính quyền xã đã quy hoạch cụ thể để giao thầu cho từng hộ. Nhưng phần còn lại ở phía giữa dòng, hiện nay chưa ai quản lý.
Vì thế, vùng ấy là vùng tự do, là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Trong khi đó, một thực tế ở địa phương chúng tôi là dân làm muối, mà nghề muối bây giờ công lao động cực thấp, giá muối rẻ như bèo, dân làm muối không ổn định công việc nên nhiều người phải lao ra sông kiếm ăn.
Người ta làm đủ thứ, từ cào ngao thuê cho các chủ đầm đến đánh bắt tự do ở ngoài dòng sông. Cũng từ việc đánh bắt tự do ấy, mà nảy sinh vấn đề tranh chấp, ngăn sông, cấm chợ giữa những người hai bên bờ sông. Và, cũng vì cuộc sống mưu sinh, vì con ngao, con cá mà nhiều người đã phải bỏ cả mạng sống"- ông Đình bộc bạch.
Đứng trên bờ hữu ngạn sông Yên, chỉ tay về phía giữa dòng (nơi xảy ra vụ "hỗn chiến" vừa qua), chị Trần Thị Đôn, thôn Yên Châu, Hải Châu cũng là người nhận thầu bãi sông để nuôi ngao, bảo: "Người ta đánh, chém nhau ở khu vực giữa dòng sông kia. Đó là vùng giáp ranh của 2 xã Quảng Nham và Hải Châu, nên chưa ai quản lý.
Người dân hai xã cùng ra đó khai thác con ngao, con cá tự nhiên, mạnh ai người nấy làm. Một số người có sức khỏe, kinh nghiệm thì ra đóng đáy, giăng lưới... khoanh vùng theo kiểu khai hoang, để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thế nhưng, phải là những người có "máu mặt", mới có thể khoanh vùng "xí phần" được".
Những con ngao của người dân Quảng Nham mò ở đáy sông
Chống xưng vương, xưng bá vùng sông Yên
Rời xã Hải Châu, chúng tôi về xã Quảng Nham. Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham đã trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về vấn đề phức tạp của vùng nuôi, khai thác thủy sản ở sông Yên. Ông bảo, từ năm 2011 trở về trước, UBND xã Quảng Nham tổ chức cho các hộ dân đấu thầu vùng bãi bồi ven sông Yên để nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2012, chính quyền địa phương tổ chức cho 31 hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản theo Điều 80 Luật Đất đai, thời hạn 5 năm, với tổng diện tích 44ha. Còn phần ngoài bãi sông, chính quyền địa phương không quản lý. Chính vì vậy, một số hộ dân trong xã và nhiều người dân ở huyện Tĩnh Gia đã tự ý ra cắm cọc, thả luồng ra ngoài mốc giới đã được chính quyền địa phương cho phép hợp đồng, để "xí phần".
Nghiêm trọng hơn, các hộ dân ấy lại tự thả luồng ven dòng sông, tự động san cồn bãi, bơm cát bùn ra sông, tự động mở mang diện tích nuôi trồng và thu hoạch con ngao tự nhiên...
Vùng giữa dòng sông Yên hiện nay chưa ai quản lý. Vì thế, vùng ấy là vùng tự do, là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Cũng chính vì vùng ấy không ai quản lý mà nảy sinh vấn đề tranh chấp, ngăn sông, cấm chợ giữa những người 2 bên bờ sông.
Những việc làm ấy đã gây cản trở tàu thuyền đi qua khúc sông này và có nguy cơ lấp dần dòng chảy của sông. "Trước tình hình đó, ngày 15.3 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Quản lý đường sông, Trạm Biên phòng 122 kiểm tra toàn tuyến và tiến hành tháo dỡ một số cọc luồng do dân xã Quảng Nham và huyện Tĩnh Gia tự thả, đóng đáy ở dòng sông. Đồng thời, chúng tôi cũng ban hành văn bản thông báo nghiêm cấm các hộ dân ở địa phương chúng tôi không được tái phạm"- ông Lờ cho biết.
Nhiều người dân ở thôn Điền, xã Quảng Nham (đề nghị giấu tên), bức xúc: "Chúng tôi là những người dân nghèo, nên phải bám vào sông để kiếm sống. Thế nhưng, khi chúng tôi ra ngoài sông mò ngao, thì bị một số người ở thôn Điền ra ngăn cản. Không những thế, khi thấy chúng tôi mò ngao trên sông (không thuộc vùng bãi thầu), họ còn gọi thêm cả một số người ở bên huyện Tĩnh Gia đến dùng hung khí đánh, chém chúng tôi. Họ cấm những người dân nghèo ở các thôn Điền, thôn Thanh, thôn Đông và thôn Hòa chúng tôi không được ra giữa sông mò ngao, bắt ốc nữa, nếu không họ sẽ giết.
Vì vậy, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người ấy lên UBND xã Quảng Nham". Khi chúng tôi đang nói chuyện với người dân, thì một người đàn ông tiến đến ghé vào tai người dân đang nói chuyện với chúng tôi, nói nhỏ điều gì đó rồi bỏ đi. Bỗng dưng, người dân này im bặt và từ chối mọi câu hỏi của chúng tôi, rồi tìm cách thoái lui.
Về câu chuyện của những người dân nghèo bị cản trở, đuổi đánh khi bắt ngao trên sông, Phó Chủ tịch Lờ bảo rằng, việc đó là có thật, UBND xã nhận được đơn tố cáo của người dân và chính quyền cũng đã giải quyết xong việc này. Còn về vấn đề giải quyết tranh chấp vùng mặt nước giữa dòng sông, theo ông Lờ: "Chúng tôi sẽ đề nghị các cấp, các ngành liên quan cho phân định vùng mặt nước giữa dòng sông Yên. Cần có quy hoạch rõ ràng, dùng bản đồ địa chính phân định, dùng phao cắm mốc... để hai bên chính quyền (xã Quảng Nham và xã Hải Châu) có biện pháp quản lý, tránh tình trạng xảy ra tranh giành, xô xát của người dân 2 địa phương như vừa rồi"- ông Lờ nói.
Rời Quảng Nham, trong lòng tôi tự hỏi: Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc ráo riết để ngăn chặn tình trạng tranh lấn, xưng vương, xưng bá ở vùng sông Yên, thì những người dân nghèo như vừa nêu trên vẫn phải đổ máu vì cuộc sống? Câu trả lời này xin gửi tới các ngành chức năng có liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Theo Khampha
Hỗn chiến trên sông: Bắt khẩn cấp 7 đối tượng Cơ quan CSĐT (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng cầm đầu trong vụ "hỗn chiến" trên sông Yên giữa các hộ nuôi ngao. Chiều ngày 9/7, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan CSĐT (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng...