Assad cảm ơn sự ủng hộ của Putin
Ngoại trưởng Syria hôm nay chuyển lời cảm ơn của Tổng thống Bashar al-Assad đến Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã ủng hộ chính phủ Syria trong hội nghị thượng đỉnh G20 tuần qua.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Moscow hôm nay. Ảnh: AFP
“Tổng thống đề nghị tôi chuyển lời cảm ơn của ông ấy đến ông Putin vì sự ủng hộ của Nga trong suốt quá trình diễn ra hội nghị G20 và sau đó”, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp của Nga Sergei Lavrov ở Moscow.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đảm bảo với ông Muallem rằng tiếng nói của Moscow về vấn đề Syria là “có sức nặng và kiên định”.
“Không gì có thể thay thế một biện pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria”, ông Lavrov tuyên bố, đồng thời bác bỏ bất kỳ “giải pháp quân sự nào từ bên ngoài can thiệp vào Syria”.
Nga kịch liệt phản đối kế hoạch tấn công nhằm vào chính quyền của ông Assad do Mỹ dẫn đầu và cảnh báo rằng cuộc tấn công có thể gây bất ổn cho toàn bộ Trung Đông. Tại hội nghị G20, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ sát cánh cùng Syria nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự vào quốc gia này.
Video đang HOT
Moscow cũng thể hiện rõ quan điểm rằng họ không tin chính phủ Syria đứng đằng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 như cáo buộc của Mỹ và một số nước phương Tây.
Ngoại trưởng Syria Muallem nói với ông Lavrov rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ có thể phá hủy nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình tại Geneva để chấm dứt đổ máu.
“Đến bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng tham gia. Nhưng tôi không rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ xâm lược. Những quả tên lửa có thể phá hỏng hội nghị này”, AFPdẫn lời Muallem nói.
Chuyến thăm của ngoại trưởng Syria tới Moscow diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin từ chối thảo luận về vấn đề Syria trong các phiên họp chính thức của các lãnh đạo nhóm G20 tại Saint Petersburg.
Ông Putin có cuộc họp bất ngờ với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị, nhưng sau đó tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách. “Ông Obama không đồng ý với các quan điểm của tôi, tôi cũng không tán thành các quan điểm của ông ấy”, Putin nói.
Lần gần nhất ngoại trưởng Syria tới Moscow là hồi tháng hai. Khi đó, ông tuyên bố chính quyền Syria đã sẵn sàng đàm phán với bất kỳ bên nào muốn đối thoại, kể cả phe nổi dậy.
Hồi tháng 5, Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức hội nghị hòa bình bao gồm tất cả các bên, nhưng ý tưởng vẫn chưa thành hiện thực vì căng thẳng giữa Washington và Moscow.
Mỹ khẳng định muốn can thiệp quân sự vào Syria với quy mô hạn chế, nhằm trừng phạt việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Kế hoạch này đang được các nghị sĩ Mỹ xem xét và sẽ bỏ phiếu sau khi quốc hội làm việc trở lại từ hôm nay.
Theo VNE
Obama: 'Không thể làm ngơ trước hành động của Syria'
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch quân sự để tấn công trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông bởi "ngồi im không phải là hành động sáng suốt".
Tổng thống Obama đang tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên trong Quốc hội cho kế hoạch tấn công Syria. Ảnh: AFP
"Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước hình ảnh người dân vô tội bị tấn công ở Syria", AFP dẫn lời ông Obama nói trong một bài phát biểu hàng tuần.
"Đó là lý do tôi kêu gọi các thành viên của Quốc hội, từ cả hai đảng, tiến lại cùng nhau vì thế giới chúng ta đang sống, vì thế giới dành cho các thế hệ tương lai sau này", tổng thống Mỹ cho hay.
Tổng thống Obama sẽ có thông báo phản ứng của Mỹ đối với cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học làm hàng trăm người thiệt mạng ở khu vực ngoại ô thủ đô Damascus trong cuộc họp lại của Quốc hội vào ngày 9/9 tới. Ông thừa nhận việc thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ hành động trừng phạt đối với Syria là rất khó khăn.
Theo một cuộc khảo sát của Washington Post hôm 6/9, 224 trong số 433 thành viên của Hạ viện có câu trả lời "không" hoặc "không nghiêng về phía nào" trong quyết định tiến hành tấn công quân sự. Trong số 184 người chưa quyết định, chỉ có 25 người ủng hộ một cuộc không kích.
Thái độ hoài nghi về cuộc chiến cũng xuất hiện trong người dân Mỹ. Một khảo sát của Gallup cho thấy 51% người dân Mỹ phản đối hành động trừng phạt Syria của Mỹ, cao hơn tỷ lệ 36% người dân ủng hộ. Tỷ lệ người dân phản đối lớn hơn so với trước khi Mỹ tham gia chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Kosovo năm 1999, Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.
Trong bài phát biểu, ông Obama nói rằng hành động tấn công quân sự là để trừng phạt chế độ Bashar al-Assad. "Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 không chỉ tấn công người dân vô tội, nó còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia chúng ta. Đó là lý do cuối tuần trước tôi tuyên bố Mỹ sẽ có hành động quân sự trừng phạt chính phủ Syria".
Ông Obama cảnh báo nếu Mỹ không có hành động đáp trả, ông Al-Assad có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học thêm một lần nữa hoặc để chúng rơi vào tay lực lượng khủng bố. Đồng thời, đó cũng là tín hiệu cho các quốc gia khác thấy rằng họ không bị trừng phạt nếu sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này. Ông mong được Quốc hội cho phép hành động vì "chúng ta sẽ mạnh hơn, cuộc tấn công mang lại nhiều hiệu quả hơn nếu cùng nhau hành động".
"Tôi biết rằng người Mỹ đang cảm thấy mệt mỏi sau một thập kỷ tiến hành các cuộc chiến, ngay cả khi chiến tranh ở Iraq đã kết thúc còn cuộc chiến ở Afghanistan đang bớt dần căng thẳng. Đó là lý do tại sao sẽ không có cuộc đổ bộ nào của lính Mỹ và thời gian, phạm vi tấn công quân sự bị hạn chế. Kế hoạch tấn công được thiết kế phù hợp để ngăn chính phủ al-Assad sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa", ông Obama nói thêm.
Thượng viện Mỹ dự kiến tiến hành bỏ phiếu vào tuần sau về việc có cho phép một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Syria hay không còn Hạ viện sẽ biểu quyết trong hai tuần tới.
Nguyễn Tâm
Theo VNE
Người Syria không sợ bị tấn công Trước nguy cơ một cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào Syria, nhiều người dân ở Damascus dọn đồ đạc và đi lánh nạn, một số người khác quyết định ở lại và giữ một niềm tin mạnh mẽ rằng thành phố sẽ không gục ngã. Người Syria đi dạo trong công viên ở thủ đô Damascus hôm 5/9. Ảnh: AFP Dima,...