ASEAN tìm cách quản lý những ‘ông lớn’ công nghệ
Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng hợp tác để buộc những đơn vị công nghệ toàn cầu giải quyết vấn đề tin tức giả và đóng thuế.
Đáng chú ý là nỗ lực của Indonesia, bắt tay với Thái Lan, Việt Nam, Philippines yêu cầu Google, Facebook lẫn nhiều công ty khác tăng cường kiểm duyệt nội dung cũng như thay đổi chính sách thuế.
Hãng Reuters cho biết chính quyền Jakarta đã chuẩn bị sẵn một đạo luật đòi hỏi công ty công nghệ có cung cấp dịch vụ trực tuyến phải đóng thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua bán ở nước này, ngay cả khi giao dịch thực hiện từ nước ngoài.
Tháng 6 vừa qua, Indonesia thành công buộc Google đóng thuế doanh thu quảng cáo có nội dung liên quan đến Indonesia.
Không chỉ Indonesia, cơ quan quản lý viễn thông Thái Lan nhân dịp gặp gỡ các đối tác Đông Nam Á cuối tháng trước từng đưa ra đề xuất đòi hỏi các công ty internet và kinh doanh dịch vụ phát video trực tuyến thành lập “trung tâm kiểm duyệt” nhằm đối phó nạn tin giả. Ngoài ra giới chức Bangkok còn thúc giục khối ASEAN thảo luận cách thức yêu cầu những đơn vị công nghệ đóng góp về kinh tế (bằng hình thức thuế hoặc phí).
Video đang HOT
Thị trường Đông Nam Á 641 triệu dân là thị trường trọng yếu của những công ty công nghệ
Một nguồn tin tiết lộ hội đồng các nhà quản lý viễn thông ASEAN đồng ý đề xuất lập trung tâm kiểm duyệt của Thái Lan, một văn bản với hướng dẫn đóng góp kinh tế sẽ được chính thức thông qua tại cuộc họp tháng 10 tới.
“ASEAN như một khối thống nhất đủ tạo ra động lực lẫn sức mạnh giúp chúng tôi đàm phán với những dịch vụ như Facebook”, theo nguồn tin.
Trước Indonesia và Thái Lan, Singapore đã ban hành đạo luật chống tin tức giả mạo, cho phép nhà chức trách ra lệnh gỡ bỏ nội dung trực tuyến không phù hợp hoặc sai sự thật.
Hai sáng kiến từ Indonesia cùng Thái Lan phản ánh một mối lo ngại phổ biến hiện nay: Những dịch vụ internet đang làm lan truyền tâm lý thù địch tôn giáo – sắc tộc, trong khi lại né tránh trả khoản thuế mà họ vốn có nghĩa vụ đóng.
Thị trường Đông Nam Á 641 triệu dân là thị trường trọng yếu của những công ty công nghệ. Chiều ngược lại, chính phủ các quốc gia khu vực cũng cần đến nền kinh tế kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Một Thế Giới
Ông chủ Facebook gặp Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Mỹ để 'lắng nghe những quan ngại'
Ngày 19/9, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đã có các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ Quốc hội tại Washington.
Nơi CEO Facebook phải đối mặt với những chất vấn của các nhà lập pháp về thất bại của trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Tổng thống Trump đã đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Twitter một bức ảnh chụp ông bắt tay với ông chủ Facebook tại phòng Bầu dục kèm một dòng bình luận rằng đã có một "cuộc gặp tốt đẹp" với Zuckerberg.
Trong khi đó, thông báo của Facebook cho biết CEO Zuckerberg đã tới Washington và gặp gỡ các nhà lập pháp để lắng nghe những quan ngại của họ. Ông cũng có "một cuộc gặp tốt đẹp, mang tính xây dựng với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng".
Mặc dù chi tiết các cuộc gặp chưa được công bố, song một người phát ngôn Facebook cho biết các cuộc thảo luận tập trung một phần vào những quy định đối với Internet trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tiếp Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley thuộc đảng Cộng hòa, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ Facebook, cho biết ông đã có cuộc "đối thoại thẳng thắn" với ông Zuckerberg song vẫn còn lo ngại.
Thượng nghị sĩ Hawley cho biết đã yêu cầu ông chủ Facebook hai việc để chứng tỏ trang mạng xã hội này không e ngại canh tranh và thực sự nghiêm túc về vấn đề quyền riêng tư của người dùng: một là bán ứng dụng nhắn tin đa nền tảng WhatsApp và phần mềm chia sẻ ảnh Instagram; và hai là cho phép bên thứ ba độc lập giám sát và kiểm duyệt. Theo ông, việc bán WhatsApp và Instagram sẽ chứng tỏ Facebook từ bỏ nỗ lực thu thập dữ liệu của người dùng trên tất cả các nền tảng này và lợi dụng chúng để kiếm tiền quảng cáo. Tuy nhiên, ông Zuckerberg đã từ chối cả 2 yêu cầu này.
Facebook đang đối mặt với những hoài nghi về mặt pháp lý xung quanh các vấn đề như cạnh tranh, quyền riêng tư, kiểm duyệt và sự minh bạch trong lĩnh vực quảng cáo chính trị. Cách đây 2 tháng, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã quyết định phạt Facebook 5 tỷ USD do vi phạm các quyền riêng tư của ngời dùng. Facebook đã đồng ý nộp phạt và cam kết tăng cường giám sát các hoạt động liên quan tới dữ liệu riêng tư của người dùng.
Đây là dàn xếp giữa Facebook và Ủy ban Thương mại liên bang sau cuộc điều tra liên bang liên quan việc công ty phân tích dữ liệu của Anh Cambridge Analytica đã thu thập trái phép thông tin của 87 triệu người sử dụng Facebook hơn 1 năm trước đây.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam
Google nhận án phạt gần một tỷ euro tại Pháp Hãng công nghệ Mỹ Google vừa chấp nhận chi trả khoản tiền lên tới 945 triệu euro (24,3 nghìn tỷ đồng) đế chấm dứt cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc gian lận tài chính do nhà chức trách Pháp thực hiện. Cụ thể, nhà chức trách Pháp đã mở một cuộc điều tra về các giao dịch thuế của Google từ...