ASEAN rất lo ngại tình hình tình hình Biển Đông
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho hay ASEAN đã “bày tỏ lo ngại nghiêm trọng” về tình hình Biển Đông trong cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc.
Hội nghị đặc biệt ASEAN – Trung Quốc không thể đưa ra tuyên bố chung. REUTERS
Thông cáo riêng của Bộ Ngoại giao Singapore về cuộc họp đặc biệt ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại Vân Nam (Trung Quốc) trong hai ngày 13 – 14.6, cho biết: “Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan ghi nhận những lo ngại nghiêm trọng được bày tỏ bởi các ngoại trưởng ASEAN về những diễn biến tại hiện trường và kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tiếp tục cùng làm việc để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Thông cáo cũng cho biết cuộc họp nói trên là nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Lào và bàn các ưu tiên hợp tác trong tương lai.
Việc Singapore, đang giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ra thông cáo riêng về cuộc họp gây chú ý đối với giới quan sát. Chưa hết, chính Ngoại trưởng Balakrishnan đã cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp đặc biệt tại Vân Nam nhưng lại vắng mặt tại cuộc họp báo kết thúc khiến dư luận xôn xao.
Giải thích về sự vắng mặt của ông Balakrishnan tại cuộc họp báo, một quan chức Singapore không muốn nêu tên nói với Thanh Niên: “Do cuộc họp ở Vân Nam kéo dài hơn dự định đến 5 giờ, trong khi ông Balakrishnan phải về nước theo kế hoạch để kịp dự cuộc họp nội các vào sáng 15.6, nên ông ấy phải hủy dự họp báo”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp đặc biệt tại Vân Nam. REUTERS
Video đang HOT
Sự “lo ngại nghiêm trọng” mà Ngoại trưởng Singapore đề cập trên thực tế được phản ánh rất “đậm” trong bản tuyên bố chung không được đưa ra chính thức sau khi cuộc họp kết thúc. Dư luận chỉ được biết đến cái gọi là “Tuyên cáo báo chí của các ngoại trưởng ASEAN” khi Bộ Ngoại giao Malaysia tiết lộ với AFP.
“Chúng tôi rất lo ngại về những diễn biến gần đây và đang diễn ra vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có khả năng hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”, AFP trích bản tuyên cáo viết.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm việc bồi đắp đảo có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông”, bản tuyên cáo chỉ rõ hành động nhưng tránh nêu bên cụ thể nào.
Bản tuyên cáo cũng nói thêm: “Chúng tôi nhấn mạnh cam kết của ASEAN về việc duy trì và cổ vũ cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, và các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”. Những giải pháp đó là “tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển và Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Malaysia sau đó đã rút lại bản tuyên cáo với giải thích rằng Ban Thư ký ASEAN quyết định rút lại do có “những điều chỉnh khẩn cấp”.
Giữa lúc dư luận bàn tán về sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, báo The Straits Times (Singapore) tối 15.6 cho hay “Trung Quốc đã thành công trong việc phân hóa ASEAN” tại cuộc họp “hiếm hoi” ở Vân Nam. Theo báo này, ông Vương Nghị đã đề nghị ASEAN cân nhắc chấp thuận một “bản đồng thuận 10 điểm” vào phút cuối.
Trong khi đó, Singapore trong vai trò điều phối viên của ASEAN đã chuẩn bị một bản thảo “với ý kiến khác biệt”. Kết quả là tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN không được cả 10 thành viên thông qua. Hội nghị đi đến quyết định không phát hành bản tuyên bố chung, thay vào đó mỗi quốc gia thành viên có thể đưa ra thông cáo của riêng mình.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Các ngoại trưởng ASEAN rút lại tuyên bố chung về Biển Đông
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết các ngoại trưởng ASEAN đã rút lại tuyên bố chung ngày 14.6 bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình Biển Đông để có một số "điều chỉnh khẩn cấp".
ASEAN rút lại tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về Biển Đông sau kỳ họp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc ngày 14.6. BỘ NGOẠI GIAO INDONESIA
"Chúng tôi phải rút lại tuyên bố chung của ngoại trưởng các nước ASEAN công bố cho giới truyền thông trước đó... bởi vì cần phải có một số điều chỉnh khẩn cấp", AFP dẫn lời một nữ phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết vào tối ngày 14.6.
Nữ phát ngôn viên này cho hay văn phòng Tổng thư ký ASEAN đã cho phép công bố tuyên bố chung cho giới truyền thông, nhưng sau đó thông báo với Bộ Ngoại giao Malaysia rằng tuyên bố chung đã bị rút lại.
ASEAN đưa ra tuyên bố chung trên sau kỳ họp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 14.6. Hội nghị này diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN - Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
"Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình gần đây và đang diễn ra, vốn làm xói mòn niềm tin và sự tin tưởng, làm leo thang căng thẳng và có nguy cơ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", theo tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN trước khi bị rút lại, nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, theo AFP.
Trung Quốc thời gian qua tăng cường hoạt động phi pháp xây đảo nhân tạo, bao gồm các đường băng, tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông hồi tháng 5.2016. AFP
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng nhắc đến "buổi trao đổi thẳng thắn với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị" về mối nguy hiểm của chương trình xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong tất cả mọi hoạt động, bao gồm hoạt động bồi đắp, có thể gây căng thẳng ở Biển Đông", tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN viết.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Chúng tôi giữ vững cam kết của ASEAN về việc duy trì và xúc tiến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như những giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp", cũng theo tuyên bố chung.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao các Ngoại trưởng ASEAN phải rút lại tuyên bố chung kể trên.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Ngoại trưởng Singapore: Tất cả sẽ 'mất trắng' nếu căng thẳng Biển Đông leo thang Trong cuộc họp Quốc hội Singapore ngày 7.4, Ngoại trưởng nước này kêu gọi các nước ở Biển Đông tìm kiếm các giải pháp phi quân sự để giải quyết tranh chấp thay vì quân sự hóa, bằng không tất cả sẽ "trắng tay". Ngoại trưởng SIngapore nói tất cả sẽ 'trắng tay' nếu để căng thẳng leo thang ở Biển Đông -...