ASEAN 2020: Diễn đàn về phúc lợi xã hội và phát triển
Diễn đàn chính phủ – phi chính phủ ASEAN (GO-NGO ASEAN) về phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 15 với chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết của gia đình: Vượt qua nghịch cảnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới” vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội – Ảnh: Bộ LĐTBXH
Diễn đàn do Bộ Phúc lợi xã hội và Phát triển Philipines chủ trì, mời các nước thành viên ASEAN tham dự. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển, đã chủ trì tại điểm cầu Việt Nam.
Diễn đàn GO-NGO ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển là sự kiện hằng năm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) và chủ đề của Diễn đàn năm nay cũng là một trong những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Đại dịch COVID -19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang gây ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia. Đại dịch còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các hộ gia đình thông qua nhiều phương diện kinh tế-xã hội khác nhau. Trước bối cảnh đó, Diễn đàn năm nay đã lựa chọn chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết của gia đình: Vượt qua nghịch cảnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới”.
Theo Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH, phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng thư ký ASEAN Kung Phoak nhìn nhận, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống bình thường của các gia đình: Từ sinh kế, thu nhập, trẻ em bị ảnh hưởng việc đến trường; phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, các hộ nghèo, lao động phi chính thức… là những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Trong đó, ông nêu các đối tượng ở các trung tâm bảo trợ xã hội cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì trong bối cảnh dịch bệnh, họ khó khăn trong nhận các sự hỗ trợ, giúp đỡ, mà phải dựa vào sự giúp đỡ của gia đình. Đó cũng là một khó khăn với bản thân họ cũng như gia đình các đối tượng này.
Video đang HOT
Từ đó, ông Kung Phoak nhấn mạnh: “Các gia đình cũng phải tự điều chỉnh ứng phó với rủi ro từ đại dịch. Từ tình trạng này, chúng ta phải học cách giải quyết các tình huống khẩn cấp mà đại dịch gây ra”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện cho Việt Nam, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của cuộc sống nói chung, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của gia đình nói riêng.
Đa số các gia đình ở Việt Nam là đại gia đình, có nhiều thế hệ cùng chung sống nên cơ hội để chăm sóc lẫn nhau được nâng cao, tuy nhiên đại dịch ảnh hưởng lớn đến thu nhập, sinh kế của các hộ gia đình, đặc biệt các gia đình nông thôn, lao động phi chính thức, các hộ nghèo…
Cũng trong bài tham luận của mình, bà Hà Thị Minh Đức thông tin về tình hình kiểm soát đại dịch của Việt Nam, đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết, đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Bà Hà Thị Minh Đức cho biết: “Để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), hỗ trợ khoảng 20 triệu người, bảo đảm tốt an sinh xã hội”. Cùng với đó, các gia đình cũng yên tâm về sự học hành của con em, khi việc học tập vẫn được bảo đảm vì hình thức học online được thúc đẩy…
Bày tỏ sự đồng thuận, đại diện nước chủ nhà Philipnes cho rằng, phải làm sao để cùng nhau vượt qua tác động của đại dịch, hướng đến khả năng phục hồi và đoàn kết của các gia đình là thách thức của chúng ta, bởi COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế, đến phúc lợi xã hội của từng cá nhân.
“Trên nền tảng gắn kết, ASEAN chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch, để nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới, nhằm bảo vệ sự an toàn các gia đình của chúng ta”, đại diện Philipnes nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện các nước ASEAN đều cho rằng, dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang gây ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia.
Không chỉ thế, đại dịch còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các hộ gia đình thông qua nhiều phương diện kinh tế – xã hội khác nhau. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương như hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư.
Điều đó đã dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập. Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cản trở khả năng tiếp cận toàn diện các dịch vụ xã hội thiết yếu, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như dịch vụ giáo dục, trợ giúp xã hội…
Diễn đàn còn ghi nhận phần chia sẻ, giới thiệu các câu chuyện điển hình của các nước thành viên về mối quan hệ gia đình và sự đoàn kết trong đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc tăng cường vai trò gia đình như một hệ thống hỗ trợ thiết yếu để bảo vệ hạnh phúc và đề xuất các biện pháp, hành động để thúc đẩy và bảo vệ gia đình trong toàn khu vực ASEAN.
Tìm hướng đi cho hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và các biện pháp thúc đẩy hòa bình
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc với tư cách đồng chủ tọa tối 9/9, tiếp sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 3 diễn ra cùng ngày.
Trong hội nghị này, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu về định hướng hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong tương lai, bao gồm các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, giao lưu nhân dân, tình hình khu vực và quốc tế.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đánh giá Hàn Quốc và ASEAN đã không ngừng cải thiện hợp tác trong mọi lĩnh vực kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1989. Bà bày tỏ tin tưởng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc sẽ được tăng cường hơn nữa theo Tuyên bố tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc cuối năm ngoái.
Theo thông cáo báo chí, Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp tác cho dù môi trường hợp tác khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm kiếm các biện pháp hợp tác mới nhằm không ngừng mở rộng hợp tác với ASEAN.
Về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho rằng ASEAN và Hàn Quốc cần phải tiếp tục hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường...
Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng đề cập đến những hạn chế thương mại tự do, đồng thời nhấn mạnh cần phải tăng cường hợp tác kinh tế để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra. Bà nhấn mạnh tới việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, đảm bảo hoạt động đi lại của các nhân sự có vai trò quan trọng và việc khôi phục môi trường thương mại tự do trong khu vực bằng cách ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay.
Thông cáo báo chí nêu rõ ASEAN nhấn mạnh cần phải duy trì kết nối trên tinh thần đoàn kết và hợp tác mạnh mẽ bất chấp tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng.
Ngoại trưởng Kang Kyung-wha bày tỏ kỳ vọng các dự án quy mô lớn về giáo dục, đào tạo dạy nghề, nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro thiên tai ... được tiến hành trong khuôn khổ Quỹ Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, sẽ góp phần tăng cường năng lực của các nước ASEAN trong các lĩnh vực liên quan.
Các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự hội nghị cũng trao đổi ý kiến về tình hình các khu vực quan trọng. Về tình hình Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha một lần nữa bày tỏ đánh giá cao sự ủng hộ các sáng kiến của Hàn Quốc nhằm thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, chẳng hạn như "Ba nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên" được phía Hàn Quốc đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc năm ngoái.
Nhân dịp này, bà cũng kêu gọi ASEAN đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Bà nhấn mạnh đối thoại là giải pháp duy nhất để có được hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, các nước ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại đối thoại giữa các bên liên quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài.
Các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị cũng nhất trí cần phải kiềm chế, không gây căng thẳng vì sự ổn định và hòa bình trong khu vực khi thảo luận về vấn đề Biển Đông.
Hội nghị cũng đã thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN-Hàn Quốc trong 5 năm tới (2021-2025) với kỳ vọng Kế hoạch này sẽ nâng cao quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực.
Thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh Tại buổi họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra chiều 23/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020, đã chia sẻ một số thông tin về hội nghị này, đặc biệt là những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép của ASEAN...