Armenia xem xét gia nhập EU
Armenia đang xem xét việc đăng ký làm thành viên EU khi nước này tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây trước căng thẳng với đồng minh truyền thống Nga.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gần đây cho biết nước này đã đình chỉ việc tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT World, Bộ trưởng Ngoại giao Ararat Mirzoyan cho biết, chính quyền Armenia đang thảo luận về “những cơ hội mới”, trong đó có việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), theo hãng thông tấn TASS (Nga) mới đây.
“Những cơ hội mới đang được thảo luận tích cực ở Armenia và không có gì bí mật khi điều đó bao gồm cả tư cách thành viên trong EU. Người dân Armenia có khát vọng hội nhập châu Âu”, ông Mirzoyan.
Trước đó, Ngoại trưởng Mirzoyan cho biết thời điểm đã chín muồi để bắt đầu đối thoại về tự do hóa thị thực giữa Armenia và EU. Ông lưu ý rằng Yerevan cũng có ý định phát triển quan hệ với EU theo các hướng khác.
Ngoại trưởng Mirzoyan chỉ ra: “Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh ý định của Armenia trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ với EU trên cơ sở một chương trình nghị sự đầy tham vọng vì lợi ích của người dân chúng tôi và vì một Nam Caucasus thịnh vượng hơn”.
Video đang HOT
Theo ông Mirzoyan, thương mại là một trong những lĩnh vực mà Armenia nhìn thấy cơ hội tốt để mở rộng quan hệ và EU vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của nước này.
Cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan cho rằng nước này có khả năng xem xét khả năng trở thành ứng cử viên gia nhập EU.
Theo hãng tin Reuters, kể từ khi lên nắm quyền năm 2018, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ của nước này với EU và Mỹ, nhiều lần khiến đồng minh truyền thống Nga không hài lòng. Yerevan đã nhiều lần nói rằng liên minh của họ với Moskva bị suy yếu kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra và Armenia cũng cáo buộc Nga đã không bảo vệ được mình trước đối thủ lâu đời Azerbaijan, quốc gia đã xích lại gần Moskva hơn trong những năm gần đây.
TASS cũng cho rằng chính quyền Armenia đã nhiều lần chỉ trích Nga, trong khi Yerevan đã bỏ qua các cuộc họp ở một số hình thức hội nhập khu vực nhất định và Thủ tướng Pashinyan gần đây tuyên bố “đình chỉ” tư cách thành viên của Armenia trong Tổ chức An ninh Tập thế (CSTO) do Nga đứng đầu. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý những tuyên bố của Armenia rằng hướng đi ban đầu về quan hệ hợp tác với Nga là sai lầm có thể dẫn đến việc xem xét lại quan hệ song phương một cách đáng kể.
Armenia chính thức yêu cầu Nga rút lực lượng biên phòng khỏi sân bay ở Yerevan
Tuyên bố diễn ra trong bối cảnh Armenia đang dần "tách mình" ra khỏi đồng minh truyền thống Nga trong những tháng gần đây, đồng thời xích gần hơn đến phương Tây.
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan. Ảnh: Ảnh: EPA
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan mới đây thông báo rằng Nga đã được thông báo chính thức rằng lực lượng biên phòng của nước này không còn được hoan nghênh tại sân bay Zvartnots ở Yerevan, tờ Politico đưa tin.
"Phía Armenia đã thông báo cho [phía Nga] rằng họ không cần lực lượng biên phòng Nga tại sân bay; tất nhiên là cảm ơn phía Nga", ông Mirzoyan nói.
Ngoại trưởng Mirzoyan giải thích rằng vào năm 1992, sự hiện diện của lính biên phòng Nga tại Zvartnots ban đầu nhằm mục đích là một biện pháp tạm thời để hỗ trợ nền độc lập của Armenia. Ông nói thêm: "Bây giờ chúng tôi tin rằng Armenia có đủ năng lực thể chế để thực hiện độc lập các dịch vụ biên phòng tại sân bay".
Đài phát thanh Tự do châu Âu (RFE/RL) cũng thông tin rằng Armenia đã gửi yêu cầu chính thức tới Moskva yêu cầu rút lính biên phòng Nga khỏi sân bay quốc tế Zvartnots khi Yerevan tiếp tục "rời xa" Moskva trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
"Armenia có quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Nga đã được thông báo qua một công hàm thức về quan điểm đó", Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigorian nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng theo quan điểm của Yerevan, sân bay trên chỉ được phục vụ bởi lực lượng biên phòng Armenia.
Lực lượng biên phòng Nga là một phần trong cơ cấu của Cơ quan An ninh Liên bang ở Armenia và đã có mặt tại sân bay Zvartnots từ năm 1992. Một thỏa thuận bố trí lực lượng này ở đó không nêu rõ vai trò của lính biên phòng Nga, nhưng có nói rằng họ có thể sử dụng sân bay này để phục vụ các mục đích đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Armenia đang dần "tách mình" ra khỏi đồng minh truyền thống Nga trong những tháng gần đây, đồng thời xích gần hơn đến phương Tây. Yerevan trước đó đã đưa ra chủ đề về lính biên phòng Nga tại sân bay trên nhưng bình luận của ông Grigorian trên là lần đầu tiên Armenia chính thức đưa ra yêu cầu.
"Việc mua thiết bị quân sự với Nga đã giảm từ 96% xuống dưới 10%. Điều này có nghĩa là Armenia đang thực hiện chính sách đa dạng hóa, hợp tác với các đối tác không chỉ ở phương Tây mà còn ở châu Á và các nơi khác. Những thay đổi lớn đang diễn ra. Armenia đang đa dạng hóa nền kinh tế và an ninh của mình", ông Grigorian nói thêm.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov trước đó cho biết chưa có quyết định chính thức nào về việc rút lính biên phòng Nga khỏi Zvartnots vì Moskva chưa "chính thức" nhận được yêu cầu như vậy.
Tuyên bố của ông Grigorian được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 24 rằng nước này đã đóng băng tư cách thành viên trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu.
CSTO là trung tâm của việc Armenia "quay lưng" lại với Nga. Chính phủ của Thủ tướng Pashinian từ lâu đã chỉ trích CSTO vì "không đáp ứng được những thách thức an ninh" mà Armenia phải đối mặt.
Chính quyền Armenia đã cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorny-Karabakh vào năm 2020 đã không ngăn chặn được cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào tháng 9 năm ngoái, kết thúc bằng việc Baku giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp trên mà trong ba thập kỷ nằm dưới sự kiểm soát của Armenia.
Moskva đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng quân đội của họ không có nhiệm vụ can thiệp và nhấn mạnh rằng Thủ tướng Pashinian đã mở đường một cách hiệu quả cho sự sụp đổ của chính quyền Nagorny-Karabakh bằng cách thừa nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực này trước đó.
Canada tái áp dụng quy định thị thực đối với công dân Mexico Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 29/2, Canada tuyên bố tái áp dụng ngay lập tức quy định các công dân Mexico đến nước này phải xin thị thực, trong bối cảnh số đơn xin tị nạn từ Mexico gia tăng trong thời gian gần đây. Người di cư tới cửa khẩu Roxham ở Quebec, Canada ngày 2/3/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN...