Armenia đảo chiều, khôi phục lại quan hệ với Nga?
Liệu có phải chính quyền Armenia đã quyết định giải quyết những vấn đề đang nổi lên trong quan hệ với Nga?
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về xung đột ở khu vực Nargony-Karabakh, tại Moskva, ngày 25/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Armenia đã chuyển từ một loạt cáo buộc công khai nhằm vào Nga sang thiết lập lại quan hệ với nước này, tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 2/7 đưa tin. Ví dụ, Yerevan đã từ bỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU, quyết định phát triển quan hệ kinh tế với Belgorod, thành phố phía Tây của Nga, nơi bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công từ Ukraine, và vào ngày 4/7 sẽ cử một phái đoàn quốc hội tới Nga do Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan dẫn đầu.
Cụ thể, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, phát biểu tại Diễn đàn Dân chủ Armenia lần thứ 3 với sự tham gia của đại diện Mỹ và EU, cho biết nước này không cần tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU. Đồng thời, Thủ tướng Pashinyan nhắc lại rằng bản thân ông trước đây đã ủng hộ hội nhập châu Âu và tin tưởng rằng nước Armenia đã sẵn sàng cho việc này, nhưng ông không thể nói như vậy về phương Tây.
“Nếu phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thì chúng tôi sẽ phải tiến hành một chiến dịch. Trong trường hợp này, mọi người sẽ hỏi chúng ta những câu hỏi: như thế nào, khi nào, lúc nào, tiến hành những bước nào? EU có muốn điều này hay không? EU đã sẵn sàng như thế nào cho việc này? Nhưng lúc này tôi không thể đưa ra câu trả lời”, ông Pashinyan thừa nhận.
Trước đó ngày 27/6 tại Latvia, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng, Yerevan cần sự hỗ trợ của các nước EU để gia nhập khối này. Theo ông Simonyan, xã hội Armenia có những khát vọng và một bước đi cụ thể theo hướng này sẽ sớm được thực hiện.
Video đang HOT
Đồng thời, ông kể lại rằng vào ngày 21/6, một cuộc thảo luận đã diễn ra tại quốc hội về việc tổ chức trưng cầu dân ý ở Armenia liên quan đến vấn đề hội nhập châu Âu.
Đáng chú ý, song song với bài phát biểu của Thủ tướng Pashinyan, một sự kiện quan trọng khác cũng diễn ra trong quan hệ Armenia – Nga. Đại sứ Armenia tại Nga Vagharshak Harutyunyan đã đến thăm hiện trường vụ phá hủy một tòa nhà dân cư ở Belgorod do cuộc tấn công tên lửa từ lực lượng vũ trang Ukraine.
Đại sứ Harutyunyan cho biết mục đích chuyến thăm của ông là bắt đầu tìm ra các lĩnh vực tương tác cụ thể giữa vùng Belgorod và một trong các vùng của Armenia, trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác liên vùng đã ký trước đó giữa Armenia và Nga giai đoạn 2022-2027. Đại sứ Harutyunyan nói thêm: “Có một tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học ở đây mà chúng tôi dự định hiện thực hóa”. Về phần mình, Thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov, đã đồng tình với phương pháp đề xuất và nói rằng chính quyền khu vực đã bổ nhiệm những người chịu trách nhiệm về hướng đi này.
Tiếp đó, từ ngày 4 – 6/7, Armenia sẽ xích lại gần Nga thêm một chút nữa. Một phái đoàn quốc hội Armenia do Phó Chủ tịch Hakob Arshakyan dẫn đầu sẽ đến thăm vùng Vologda. Người đứng đầu Trung tâm Phân tích về Nghiên cứu Chiến lược và Các Sáng kiến (ACSSI), Hayk Khalatyan, đã liên kết các bước đi mới trên của chính quyền Armenia với các tín hiệu đến từ Nga.
“Tuần trước Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk đã đưa ra cảnh báo khá nghiêm trọng. Ông này tuyên bố về sự không tương thích giữa EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu, đồng thời chỉ ra rằng sự xuất hiện của một số người chơi ngoài khu vực sẽ gây ra hậu quả”, chuyên gia Khalatyan nhắc lại.
Theo chuyên gia Khalatyan, các lãnh đạo Armenia chỉ tạm dừng chiến thuật trong việc nối lại quan hệ với phương Tây. Theo nhà phân tích trên, việc từ bỏ hoàn toàn chiến lược này chỉ có thể xảy ra nếu xuất hiện mối đe dọa đối với việc duy trì quyền lực của chính quyền Armenia.
“Ngoài ra, cần lưu ý rằng phương Tây, đặc biệt là EU, chưa sẵn sàng bồi thường cho Armenia những tổn thất có thể xảy ra trong lĩnh vực kinh tế hoặc vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh hiện có, bất kể các lực lượng thân phương Tây nói gì về điều này. Nhưng EU và Mỹ đều mong muốn lợi dụng tình hình thuận lợi để đẩy Nga ra xa khỏi Armenia và nói chung là giảm bớt ảnh hưởng của Moskva ở Nam Caucasus”, chuyên gia Khalatyan nhấn mạnh.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Grant Mikaelyan tại Viện Caucasus cho rằng, chính quyền Armenia có thể đã thúc đẩy ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý với hy vọng nhận được phản ứng tích cực nào đó từ EU, nhưng điều đó đã không xảy ra. Do đó, chính quyền Armenia đã quyết định giải quyết những vấn đề đang nổi lên trong quan hệ với Nga. “Chính quyền Armenia đưa ra quyết định dựa trên hoàn cảnh hiện tại. Như vậy, động thái của họ bị ảnh hưởng bởi các bước đi của phương Tây và Nga”, chuyên gia Mikaelyan kết luận.
Pháp triển khai chiến dịch lớn nhằm dập tắt bất ổn ở New Caledonia
Các cuộc biểu tình ôn hòa nhanh chóng biến thành bạo lực và cướp bóc, khiến các quan chức địa phương so sánh với cuộc nổi dậy vũ trang ủng hộ độc lập vào những năm 1980.
Cảnh sát được triển khai tại thủ phủ Noumea nhằm ngăn cuộc biểu tình bạo loạn phản đối dự luật điều chỉnh một số quy định đối với vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp, ngày 14/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh RT (Nga) ngày 20/5, Pháp đã phát động một chiến dịch lớn trên vùng lãnh thổ New Caledonia ở Thái Bình Dương để kiểm soát con đường huyết mạch nối sân bay chính của khu vực với thủ phủ Noumea trong bối cảnh tình trạng bạo loạn lan rộng.
Quần đảo New Caledonia - nằm ở phía đông Australia - đã bị cuốn vào tình trạng bất ổn sau cuộc cải cách bầu cử do Paris thúc đẩy trên thuộc địa cũ của nước này, nằm cách Pháp khoảng 17.000 km.
Bạo loạn nổ ra vào ngày 13/5 và đến nay đã khiến 6 người thiệt mạng. Các nhà hoạt động người Kanak bản địa đang phản đối cải cách hiến pháp cho phép những người đến New Caledonia sau năm 1998 được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Các nhà hoạt động cho rằng thay đổi này sẽ làm giảm quyền lực của người dân bản địa để ủng hộ những người Pháp định cư.
Các cuộc biểu tình ôn hòa nhanh chóng biến thành bạo lực và cướp bóc, khiến các quan chức địa phương so sánh với cuộc nổi dậy vũ trang ủng hộ độc lập vào những năm 1980.
Theo chính quyền Pháp, trên 600 nhân viên, trong đó có 100 sĩ quan thuộc đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ, đã được điều động để giành lại quyền kiểm soát tuyến đường Territoriale 1 dài 60 km và dọn sạch các rào chắn do người biểu tình dựng lên.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmain đã viết trên trang mạng xã hội X ngày 19/5 rằng hoạt động này đã thành công, dỡ bỏ hơn 70 rào chắn và bắt giữ 200 người. Tuy nhiên, đường cao tốc vẫn bị đóng cửa để chờ dọn dẹp các mảnh vỡ và quá trình này có thể mất vài ngày.
"Trật tự sẽ được thiết lập lại bằng bất cứ giá nào", Cao ủy Pháp tại New Caledonia, ông Louis Le Franc, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình cùng ngày. Ông cảnh báo rằng những kẻ bạo loạn sẽ bị trừng trị nếu họ không lùi bước.
Bị thuộc địa hóa vào thế kỷ 19, New Caledonia là nơi sinh sống của 270.000 người, trong đó người Kanak chiếm khoảng 40%. Mặc dù phần lớn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, nhưng quần đảo này đã được trao một số quyền tự trị vào năm 1998.
Người phụ trách 4 vùng lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp (gồm La Reunion ở Ấn Độ Dương, Guadeloupe và Martinique ở Caribe, và Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ) đã hối thúc Chính phủ Pháp hủy bỏ cải cách bầu cử, lập luận rằng chỉ có giải pháp chính trị mới có thể ngăn chặn bạo lực gia tăng và ngăn chặn một cuộc nội chiến.
New Caledonia từ chối độc lập khỏi Pháp trong các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 2018, 2020 và 2021. Cuộc bỏ phiếu gần đây nhất đã bị ảnh hưởng khi lượng người tham gia thấp và lời kêu gọi tẩy chay từ các nhà hoạt động Kanak, những người muốn cuộc trưng cầu dân ý bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Nga rút bớt quân đội khỏi lãnh thổ đồng minh Armenia Nga đồng ý rút bớt một số binh sĩ khỏi lãnh thổ Armenia theo đề nghị của giới chức Yerevan, động thái diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước ghi nhận một số khúc mắc. Thông tấn Nga Interfax ngày 9/5 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov xác nhận Nga đã nhất trí rút một số binh sĩ...