ARF hoan nghênh ASEAN – Trung Quốc nối lại đàm phán COC
Hội nghị ARF tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trên Biển Đông và hoan nghênh việc ASEAN – Trung Quốc nối lại đàm phán COC.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hôm nay dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, các đại biểu đã tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, nhấn mạnh những nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sau thời gian bị gián đoạn do Covid-19, đồng thời kêu gọi COC cần được xây dựng thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Hội nghị trực tuyến SOM ARF hôm nay. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Bên cạnh đó, hội nghị ghi nhận một số hoạt động đơn phương tiếp tục làm phương hại tới nỗ lực của các bên, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).
Video đang HOT
Trong bối cảnh các nước phải tiếp tục tập trung nguồn lực vào cuộc chiến chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh các bên cần tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, làm xói mòn lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình nhằm duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.
Đề cao mục tiêu duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở khu vực, các nước khẳng định cần đặt ưu tiên hợp tác vào việc phòng chống và phục hồi sau Covid-19. Từ nhận định vaccine là biện pháp duy nhất để đưa tình hình trở lại bình thường, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng, thể hiện cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình này.
Hội nghị còn hoan nghênh nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan vì hòa bình, ổn định. Các nước khẳng định ủng hộ ASEAN triển khai Đồng thuận 5 điểm của các lãnh đạo cấp cao tại hội nghị hồi tháng 4 ở Indonesia, nhằm sớm đưa tình hình Myanmar trở lại tình trạng bình thường, theo nguyện vọng và lợi ích của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của ARF, bày tỏ cảm ơn các nước đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Chủ tịch ARF 2020, xây dựng thành công định hướng phát triển diễn đàn giai đoạn 2020-2025, cũng như lần đầu tiên hệ thống hóa toàn bộ quy trình, quy chế, thủ tục làm việc của ARF.
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) gồm 25 quốc gia có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, được coi là một trong những diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở châu Á. Diễn đàn đã bổ sung vào các cơ chế liên minh song phương và đối thoại khác nhau hiện có ở châu Á, củng cố thêm viễn cảnh hợp tác an ninh ở khu vực này.
Việt Nam nêu 'hành động đơn phương trên Biển Đông' tại hội nghị ASEAN - Trung Quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng các hành động đơn phương ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, khi phát biểu tại hội nghị ASEAN - Trung Quốc.
Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC), trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, diễn ra tại Trùng Khánh hôm nay, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Đây là cuộc họp đầu tiên của quan chức cao cấp kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10/2019. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhận định dù duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, các hành động đơn phương vẫn xảy ra, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN - Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dự Hội nghị SOM DOC-19 tại Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm nay. Ảnh: Bộ Ngoại giao .
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và được ủng hộ rộng rãi.
Các nước ghi nhận dù chịu tác động của tình hình dịch bệnh phức tạp, ASEAN và Trung Quốc vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện DOC, trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân.
Các nước cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, khẳng định các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán COC.
Các bên đồng thời khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS. ASEAN và Trung Quốc cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiện chí, đầy đủ, hiệu quả DOC.
Quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán COC dưới hình thức phù hợp. Các nước tái khẳng định mong muốn đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" phi pháp gần như bao phủ toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết bác bỏ của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, hồi tháng 7/2016. Nước này gần đây có nhiều hành động đơn phương trên Biển Đông, khiến các quốc gia trong khu vực phản đối.
Philippines hồi tháng 3 cáo buộc hơn 200 tàu "dân quân biển" Trung Quốc tập trung neo đậu tại đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Manila cũng tuyên bố chủ quyền.
Sau khi nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc, phần lớn đội tàu này đã rời khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn duy trì vài tàu neo đậu tại đây. Tuy nhiên, đến tháng 5, Philippines cáo buộc Trung Quốc tiếp tục điều thêm 100 tàu dân quân biển đến khu vực.
Hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 4 tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè từ ngày 1/5 đến 16/9, áp dụng tại khu vực Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông, trong đó gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Không quân Malaysia hồi tuần trước cũng thông báo 16 vận tải cơ Il-76 và Y-20 Trung Quốc xuất hiện cách bờ biển bang Sarawak khoảng 60 hải lý, buộc nước này điều máy bay chiến đấu lên giám sát.
Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc họp ASEAN - Trung Quốc Việt Nam kêu gọi ASEAN, Trung Quốc phối hợp triển khai tuyên bố DOC về Biển Đông trong cuộc tham vấn quan chức cao cấp hai bên. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hôm 18/5 dẫn đầu đoàn Việt Nam dự tham vấn Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc (ACSOC) thường niên lần thứ 27 được tổ chức theo...