Aquino: Trung Quốc muốn biến Trường Sa thành “tiểu quốc chư hầu”
Chúng tôi có thể làm gì? Thực tế là dân số của họ 1,3 tỉ người trong khi chúng tôi chỉ có 100 triệu. Họ là một siêu cường kinh tế, cường quốc hạt nhân.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, ảnh: Philippines Daily.
Bloomberg News ngày 26/3 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết, hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên 7 bãi đá ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, là tâm điểm một số quốc gia nhảy vào tranh chấp – PV) có thể tạo ra những hòn đảo nhân tạo có người sinh sống và tuyên bố trung thành với Bắc Kinh, có quân đội ở sát nách Philippines.
Ông Aquino nói rằng một kịch bản như vậy đang ngày càng định hình rõ rệt, và một khi các bãi đá, rặng san hô này đã xây dựng xong và có “dân cư” sinh sống, một số người có thể nói: “Chúng ta là một đất nước mới”. Sau một thời gian sinh sống tại đây, sẽ có thể nhóm người này đưa ra yêu sách mới, cái gọi là “quyền tự quyết” về việc “muốn là một phần của Trung Quốc”.
Một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây là bãi đá Vành Khăn, rất gần Palawan, một khoảng cách quá ngắn giữa Philippines với các vũ khí chiến tranh của Trung Quốc. Những nỗ lực của Philippines hiện nay theo Tổng thống Anquino là nhằm mục đích xác định một cách chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến Biển Đông, tạo ra môi trường mà tất cả các bên có thể giải quyết với nhau trên các nguyên tắc cơ bản.
Video đang HOT
“Chúng tôi có thể làm gì? Thực tế là dân số của họ 1,3 tỉ người trong khi chúng tôi chỉ có 100 triệu. Họ là một siêu cường kinh tế, cường quốc hạt nhân. Chúng tôi không cố gắng để làm nóng tình hình bằng cách ăn miếng trả miếng” trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, ông Aquino cho biết. Theo Tổng thống, việc duy nhất Philippines có thể làm trong tình huống này là phải nói ra, Trung Quốc đang đối xử với láng giềng như thế nào.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đang diễn ra rất nhanh.
Các nước khác trong hoàn cảnh tương tự cũng có thể làm như vậy. Trung Quốc cần thế giới giống như bất kỳ quốc gia nào khác cần phần còn lại của thế giới để tiếp tục tăng trưởng, Tổng thống Philippines khẳng định.
Philippines đang xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh gần gũi hơn với các quốc gia khác trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ tăng cao. Quốc gia này đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng với Nhật Bản cũng như đang thỏa thuận xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Aquino cho biết, ông sẽ ủng hộ hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông theo ý tưởng của Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ Robert Thomas, cũng như hoan nghênh vai trò lớn hơn của Nhật Bản và Ấn Độ trong khu vực. “Các cuộc tuần tra cho tự do hàng hải tôi cho là hoạt động lành mạnh với tất cả các bên”, Tổng thống Philippines bình luận.
Xung quanh hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố: “Ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với một thách thức lớn, pháp luật đứng về phía chúng ta. Luật pháp quốc tế là sự cân bằng tuyệt vời”.
Hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa rõ ràng có ý đồ thay đổi tính chất, trạng thái và các yêu sách hàng hải có thể làm suy yếu phán quyết của Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển. “Rõ ràng chúng ta thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động bành trướng, thay đổi hiện trạng để hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn của họ”, Ngoại trưởng Philippines khẳng định.
Trong một động thái có liên quan, tờ The Economic Times của Ấn Độ hôm nay bình luận, căn cứ quân sự Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa thực sự khiến Ấn Độ lo ngại. Nguồn tin ngoại giao cho biết, các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc đang diễn ra quá nhanh và Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý”, đồng thời đơn phương áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp an ninh khu vực.
Theo Giáo Dục
Đại sứ Trung Quốc "vỗ về" Ấn Độ chuyện Biển Đông
Đại sứ Trung Quốc đã lờ tịt đi những hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Bắc Kinh đang bồi lấp, xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, Nhạc Ngọc Thành.
Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 16/3 đưa tin, trong lúc những lo ngại về việc Trung Quốc ngày một hung hăng ở Biển Đông đang gia tăng, hôm Thứ Bảy một quan chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng không có điều gì bất an hay hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Nhạc Ngọc Thành, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ hùng hồn tuyên bố: Hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông không tồn tại?!
Ông Thành lý luận, Biển Đông đang rất ổn định và nó quan trọng với hoạt động thương mại quốc tế của Trung Quốc. "Hơn bất cứ ai khác, Trung Quốc quan tâm đến việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông. 70% hàng hóa Trung Quốc đi qua vùng biển này", ông Nhạc Ngọc Thành được dẫn lời cho biết. "Chúng tôi nhận thấy Biển Đông vẫn ổn định và an toàn. Không có gì xảy ra. Đã không có sự cố nào ở đó".
Đại sứ Trung Quốc đã lờ tịt đi những hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Bắc Kinh đang bồi lấp, xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và đã manh nha bóng dáng của những căn cứ, pháo đài quân sự.
Cộng đồng quốc tế đâu phải trẻ con để đến khi Trung Quốc kéo máy bay, tàu chiến ra kiểm soát toàn bộ tuyến hàng hải trọng yếu này và tàu thuyên quốc tế qua lại phải "xin phép" Bắc Kinh mới thấy tự do hàng hải bị hạn chế, an ninh khu vực bị đe dọa - PV.
The Economic Times nói rằng Trung Quốc "đã có một mối quan hệ gay gắt" với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh cũng tìm cách ngăn cản doanh nghiệp Ấn Độ tham gia hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam (trong vùng biển Việt Nam) ở Biển Đông.
New Delhi đã và đang ủng hộ tự do hàng hải, tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông một cách phù hợp với nguyên tắc luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc quyết liệt xây đảo, Philippines "cầu cứu" cộng đồng quốc tế Một nghị sĩ Philippines cho hay Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng được hơn 60 hecta đảo trên những bãi đá ngầm, rặng san hô ở Biển Đông. Ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hoạt động xây đảo quy mô lớn...