Apple SIM hỗ trợ Lào, Cambodia và 138 nước trừ Việt Nam
Dịch vụ Apple SIM đã có mặt ở 140 quốc gia trên thế giới. Hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Lào, Cambodia,… đã có Apple SIM, trừ Việt Nam.
Theo thông báo từ Apple, dịch vụ Apple SIM nay đã được hỗ trợ tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trừ Trung Quốc, hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cambodia, Lào,… đều nằm trong danh sách có nhà mạng hỗ trợ Apple SIM.
Apple SIM đã có mặt tại 140 quốc gia và dần góp phần khai tử thẻ SIM truyền thống. Ảnh: ET.
Trong khi đó, Việt Nam không có tên trong danh sách này. Hiện chưa có thông tin nhà mạng Việt Nam hỗ trợ Apple SIM, hay có kế hoạch hợp tác với Apple để đưa công nghệ mới này về thị trường viễn thông trong nước.
Trước khi công bố danh sách 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có Apple SIM, dịch vụ này chỉ có ở Australia, Canada, Pháp, Đức, Hong Kong, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Apple SIM được táo khuyết đề xuất vào năm 2014, nhằm khai tử SIM truyền thống. Theo đó, thiết bị hỗ trợ Apple SIM có thể sử dụng mà không cần thẻ SIM thông thường. Thay vào đó, người dùng có thể lựa chọn nhà mạng trong danh sách thông qua giao diện trên iPhone, iPad.
So với SIM truyền thống, Apple SIM được cho là cuộc cách mạng bởi nó đơn giản hoá quá trình đăng ký, lựa chọn nhà mạng của người dùng. Du khách từ nước này sang nước khác sẽ không cần tốn công mua thêm thẻ SIM tại địa phương mà chỉ cần chuyển đổi thông qua phần mềm. Việc quản lý, thanh toán và các dịch vụ khác cũng hứa hẹn mang đến nhiều tiện lợi hơn.
Trong quá khứ, mỗi lần Apple muốn thay đổi công nghệ thẻ SIM, hãng này đều thành công. Năm 2007, Apple giới thiệu iPhone có khay SIM rời. Đây là lần đầu tiên người dùng có khái niệm gỡ khay SIM ra khỏi máy và gắn SIM vào khay, thay vì mở nắp lưng hoặc khe cắm để gắn SIM.
Đến 2010, Apple đề xuất dùng Micro-SIM và về sau là Nano-SIM để tận dụng không gian bên trong smartphone tốt hơn. Hãng cũng thuyết phục được cả ngành di động phải chạy theo sản xuất chuẩn SIM của mình và tích hợp vào các sản phẩm cao cấp như hiện nay.
Video đang HOT
Duy Tín
Theo Zing
Thẻ sim điện thoại sắp bị 'thất sủng'
Apple và Samsung là hai hãng tích cực nhất trong việc ủng hộ khai tử thẻ sim truyền thống và dự kiến công nghệ sim mới sẽ được có mặt ngay trong iPhone 7.
Nhiều trang công nghệ tin rằng thời gian tồn tại của thẻ sim không còn dài khi tại triển lãm IFA 2015 đang diễn ra ở Berlin (Đức), Samsung giới thiệu đồng hồ thông minh Gear S2 hỗ trợ 3G nhưng không có khe cắm sim mà lần đầu tiên sử dụng công nghệ e-sim (sim nhúng/sim phần mềm).
Trước đó, hồi cuối tháng 7, Apple và Samsung cùng các nhà mạng lớn trên thế giới đã bắt đầu thảo luận kế hoạch áp dụng chuẩn sim nhúng - tích hợp trong thiết bị di động thay vì dạng thẻ độc lập như hiện nay nhằm tiết kiệm diện tích và giúp các sản phẩm giảm độ mỏng.
Với e-sim, người dùng dễ dàng chuyển đổi dịch vụ giữa các nhà mạng trực tiếp trên màn hình thiết bị thông qua phần mềm mà không cần tháo lắp như sim truyền thống. Chuẩn sim mới được cho là sẽ phổ biến cuối năm 2016 khi Apple triển khai trong iPhone 7. Apple cũng chính là hãng đầu tiên đưa nano-sim thay thế chuẩn mini-sim vào năm 2012 với thế hệ iPhone 5.
Thẻ sim đã ra đời từ năm 1991, có kích cỡ ban đầu to bằng thẻ tín dụng với chức năng lưu số điện thoại, tin nhắn hạn chế. Nếu cần đổi số hoặc đổi sang nhà cung cấp khác, người dùng phải tháo sim trong máy ra. Qua 24 năm, sim card đã dần được thu nhỏ và trải qua bốn chuẩn: full-size sim (1991), standard sim hay còn gọi là mini-sim (1996), micro-sim (2003) và nano-sim (2012).
Thế giới hiện tồn tại 4 chuẩn sim, trong khi chuẩn sim thứ năm là e-sim chưa có mặt trên thị trường. Nguồn: Wikipedia.
Nokia và Motorola là hãng đi đầu trong việc phát triển micro-sim và được nhiều nhà sản xuất thiết bị di động sử dụng nhằm thay thế cho sim thường (mini-sim). Năm 2010, Apple cũng đã trình làng iPad và iPhone 4 hỗ trợ micro-sim.
Thế nhưng, đến năm 2012, Apple tuyên bố chuyển sang định dạng mới là nano-sim. Sau nhiều lần họp bàn, Viện chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI) đã chọn giải pháp của hãng công nghệ Mỹ, cho rằng với xu hướng siêu mỏng nhẹ hiện nay, tiết kiệm 1 mm trên smartphone cũng rất đáng giá.
Ngay sau khi được công nhận vào tháng 6/2012, đến tháng 9/2012, Apple sớm trình làng iPhone 5 dùng nano-sim. Sự dịch chuyển bất ngờ đã khiến nhiều hãng viễn thông trên thế giới không kịp trở tay do không có đủ nano-sim cho khách hàng. Khi đó, người dùng tại Việt Nam cũng lo ngại những chiếc iPhone họ mua về sẽ bị biến thành "cục chặn giấy" xa xỉ do nano-sim khó cắt từ sim thường hơn micro-sim.
Trong khi đó, Nokia và Motorola lại kiên quyết bảo vệ thiết kế của họ với lý do giải pháp micro-sim của Nokia có cơ chế ấn đẩy, tức là người sử dụng có thể lắp và tháo sim bằng cách ấn tay và sim sẽ tự bật ra. Còn thiết kế của Apple buộc phải dùng móng tay hoặc vật nhọn để kéo cả khay sim ra.
"Chúng tôi tin rằng dự án nano-sim có kỹ thuật kém và không phù hợp với nhiều thiết bị khác nhau", đại diện Nokia từng phản ánh trên The Verge.
Muốn lấy nano-sim khỏi máy phải có vật nhọn để chọc sim.
Nhiều người dùng cũng thừa nhận, dù nano-sim nhỏ gọn, chiếm ít diện tích, việc phải mang theo dụng cụ lấy sim (mà nhà sản xuất bán kèm điện thoại) hoặc tìm kiếm vật nhọn như kim, tăm... để tháo sim khi cần khiến họ cảm thấy phiền toái.
Cũng chính sự tranh cãi này mà hiện sau 3 năm nano-sim trở thành chuẩn mới, không ít hãng tiếp tục hỗ trợ song song cả hai chuẩn. Chẳng hạn, Asus ZenFone dùng micro-sim. BlackBerry Passport tích hợp nano-sim trong khi BlackBerry Q10, Z3, Z30... là micro-sim. Các sản phẩm thuộc dòng Moto G hỗ trợ micro-sim còn dòng Moto X sử dụng nano-sim. Tất cả các mẫu điện thoại mới của LG, kể cả phiên bản cao cấp như LG G4 hay G Flex 2, hiện vẫn chuộng micro-sim. Các đời Lumia đều là micro-sim nhưng đến phiên bản Lumia 930 đã chuyển sang chuẩn như của Apple. Trong khi đó, trước năm 2015, smartphone cao cấp của Samsung như Galaxy Note 4, Galaxy S5 vẫn là micro-sim nhưng từ năm nay, Galaxy S6 và Galaxy Note 5 đã đổi sang định dạng nhỏ hơn.
Sự chậm chạp chuyển đổi đã gây nhiều rắc rối cho người dùng. Anh Phạm Hoài Nam, một nhân viên phát triển game ở Hà Nội, cho biết sau một thời gian sử dụng điện thoại với sim thường, anh mua iPhone 4 và phải đi cắt sim cho đúng cỡ micro-sim. Cách đây vài tháng, anh được cho mượn một chiếc Bphone và ra cửa hàng đổi sang nano-sim. Hiện anh sắp phải trả lại mẫu điện thoại của Bkav và đổi sang Lumia nhưng cảm thấy rất ngại khi một lần nữa phải ra đại lý để thay sim.
Thẻ sim từ lâu bị chê là giải pháp lỗi thời và tốn kém, không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ vì mỗi sim gắn liền với một nhà mạng ở một nước nhất định nên không có lý do gì để tiếp tục tồn tại. Từ năm 2010, một nhóm chuyên gia của các hãng viễn thông như AT&T, Deutsche Telekom, China Mobile, Vodafone... đã được giao nhiệm vụ hoàn thiện một bản phân tích thị trường vào tháng 1/2011 nhằm phát triển và triển khai điện thoại với sim nhúng.
Giải pháp e-sim loại bỏ khay sim và thẻ sim truyền thống mà tích hợp luôn trong điện thoại.
Thay sim bằng phần mềm sẽ giúp khách hàng không còn cần phải bận tâm đến các chuẩn sim khác nhau, dễ dàng chọn hoặc đổi nhà cung cấp dịch vụ bởi họ không cần đi mua sim như trước. Sim nhúng cũng có mức độ bảo mật cao, năng động hơn và các nhà cung cấp dễ dàng bổ sung các dịch vụ mới như ví điện tử hay ứng dụng NFC.
Tuy nhiên, phải đến tháng 7/2015, Apple và Samsung mới được cho là đang đàm phán với Hiệp hội di động toàn cầu GSMA để đưa e-sim vào các thiết bị trong tương lai. "Với sự tán thành của đại đa số các nhà mạng, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn hóa công nghệ để sớm triển khai trên các thiết bị điện tử tiêu dùng, dự kiến trong năm 2016", phát ngôn viên của GSMA cho biết.
Giới công nghệ tin rằng, tương tự như iPhone 5 là thiết bị đầu tiên trên thế giới hỗ trợ nano-sim, Apple sẽ sớm cung cấp e-sim trong iPhone 7 cuối năm 2016. Trước đó, Apple đã đưa ra một loại sim tương tự cho iPad Air 2 và iPad Mini 3, cho phép chuyển đổi giữa các nhà mạng mà không cần tháo lắp sim nhưng chỉ hỗ trợ một số dịch vụ viễn thông tại Mỹ.
Trong khi đó, đầu tháng 9 tại IFA 2015, Samsung đã nhanh chân giới thiệu đồng hồ thông minh Gear S2 mà họ khẳng định là "lần đầu tiên sử dụng e-sim". Thiết bị đeo tay này không có khay sim vật lý nhưng vẫn hỗ trợ mạng 3G.
E-sim đang rất được các hãng viễn thông lớn ủng hộ. Tuy nhiên, giống như sim thường đã ra đời từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn tồn tại, công nghệ thẻ sim sẽ chỉ bị "thất sủng" chứ không biến mất hoàn toàn và vẫn hoạt động song song khi hệ thống mới được triển khai.
Châu An
Theo VNE