Apple sắp cấm các cửa hàng ở Việt Nam sửa iPhone, iPad?
Tin đồn đang gây hoang mang cho giới kinh doanh và sửa chữa iPhone tại Việt Nam trong những ngày qua. Các cửa hàng hiện không thể thay thế nút home của iPhone 7 như trước.
Cách đây ít ngày, nhiều cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM nhận được “Thư thông báo và khuyến cáo” từ Công ty luật Võ Trần ( VOTRA) – đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của Apple.
Theo đó, VOTRA yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản trong thời hạn 7 ngày phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu và trên các giấy tờ, phương tiện kinh doanh, đồng thời chấm dứt việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu Apple.
Apple sắp cấm cửa hàng sửa chữa iPhone, iPad?
Nói với Zing.vn, Nguyễn Đức Minh – chủ cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM, cho biết anh đã gọi điện thoại đến công ty VOTRA. Sau khi giải thích về văn bản, nhân viên trực điện thoại còn cho biết Apple sẽ “cấm sửa chữa iPhone ở các cửa hàng nhỏ lẻ trong thời gian tới”.
Các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam xôn xao vì thông tin Apple sắp cấm sửa chữa iPhone, iPad. Ảnh minh hoạ: Technews.
Thông tin này hiện gây xôn xao trong giới kinh doanh mặt hàng Apple tại Việt Nam. Về phía VOTRA, công ty này từ chối trả lời báo chí về vụ việc. Liên lạc với một đại diện của Apple tại Việt Nam, Zing.vn cũng không nhận được bình luận nào về thông tin trên.
Gần đây, các quy định về bảo hành, sửa chữa Apple mới cập nhật tại một số quốc gia như Mỹ và Canada cũng không có điều mục nào cấm các bên thứ ba (cửa hàng nhỏ lẻ không được Apple uỷ quyền). Thậm chí, Apple cũng thoáng hơn khi vẫn tiếp nhận bảo hành những chiếc iPhone, iPad từng thay màn hình “ngoài luồng”, với điều kiện linh kiện này không gây hại đến tổng thể tình trạng của iPhone lúc mới tiếp nhận bảo hành. Người dùng cũng phải chịu thêm chi phí phát sinh nếu linh kiện đó gây hư hỏng cho iPhone trong quá trình được Apple sửa chữa.
Cách đây ít ngày, một số trung tâm được uỷ quyền tại Việt Nam cũng từ chối bảo hành, sửa chữa iPhone xách tay nếu không có giấy tờ hợp lệ khi mua máy ở nước ngoài. Trước đây, các trung tâm như FPT Services, Thakral và Futureworld nhận bảo hành các mẫu iPhone 7 & 7 Plus mang mã hiệu A1778 và A1784 (trùng với mã máy chính hãng bán ở Việt Nam).
Các cửa hàng có thể ‘dẹp tiệm’ vì không sửa được iPhone mới?
Video đang HOT
Trong khi thông tin chưa được xác nhận, một số trung tâm sửa chữa iPhone nhỏ lẻ tại TP.HCM cho biết hiện iPhone 7 và 7 Plus không thể sửa chữa hoặc thay thế nút home vì bị Apple khoá mã.
“Khác với phím home trên những mẫu iPhone cũ trước đây, iPhone 7 dùng phím home cảm ứng, tạo rung bằng taptic engine. Nó phức tạp hơn và được Apple quản lý bằng phần mềm bên trong iPhone nên không dễ để thay thế ở những cửa hàng nhỏ lẻ nữa. Chỉ có các hệ thống được uỷ quyền mới có thể tiếp nhận”, Nguyễn Thành Trung – một kỹ thuật viên ở quận 10, TP.HCM cho biết.
Cách đây ít ngày, blog của iFixit – website nổi tiếng chuyên hướng dẫn mổ xẻ, sửa chữa iPhone – cũng đăng một thông tin buồn cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Nút home của iPhone 7 và 7 Plus không còn là thứ mà các tay “thợ vườn” có thể động tới.
Nếu iPhone 7 chẳng may bị hỏng nút home, người dùng chỉ có thể mang máy đến các quầy Genius Bar bên trong Apple Store để được bảo hành. Nếu có mua bảo hiểm Apple Care , người dùng sẽ được thay nút home với giá 99 USD. Nếu không, chi phí thay phím home sẽ lên đến 349 USD (khoảng 8 triệu đồng).
Nếu không sửa nút home, iPhone 7 vẫn có thể hoạt động bằng phím home ảo trên Assistive Touch, nhưng Touch ID, Apple Pay và chức năng về lại màn hình chính của phím home sẽ không hoạt động. Nói cách khác, nếu không đến trung tâm bảo hành của Apple, người dùng chỉ còn cách sống chung với một phím Home chết.
Hiện iFixit và các công ty sửa chữa độc lập tại Mỹ chưa tìm ra cách để thay thế phím home trên iPhone 7 và 7 Plus. Nếu Apple vẫn kiên trì với quyết định của mình, ngành dịch vụ sửa chữa iPhone độc lập có thể sụp đổ, khiến hàng chục ngàn kỹ thuật viên ở Mỹ thất nghiệp, theo MotherBoard.
Tại Việt Nam, bi kịch này hoàn toàn có thể xảy ra. Trước mắt, giới thợ và các cửa hàng vẫn sẽ sống nhờ iPhone đời cũ. Nhưng chỉ sau 1-2 năm tới, việc không thể sửa chữa iPhone 7, 8 hoặc 9 sẽ khiến người tiêu dùng không dám mua hàng xách tay, mà chỉ chọn máy chính hãng để được hỗ trợ bảo hành.
Duy Tín
Theo Zing
'Làm ăn' với Apple để bán iPhone như thế nào?
Các cửa hàng có thể đăng ký qua mạng để trở thành đại lý ủy quyền của Apple. Quy trình này nghiêm ngặt nhưng yêu cầu không quá nhiều.
Những ngày gần đây, giới kinh doanh di động tại Việt Nam đang xôn xao về việc đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam là công ty Võ Trần (VOTRA) gửi thư thông báo và khuyến cáo, yêu cầu hàng loạt cửa hàng gỡ bỏ biểu tượng quả táo cắn dở, tên gọi "Apple", "iPhone" cùng hàng loạt tên gọi quen thuộc như "Apple Store, App Store", "iPad", "iPod" hay "MacBook" do những thương hiệu này đều đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Với dân kinh doanh nhỏ lẻ, đây chẳng khác nào đòn đau giáng vào "nồi cơm" của họ. Ai cũng biết, đây chính là những thương hiệu dễ gây chú ý nhất với người tiêu dùng. Từ lâu, các sản phẩm Táo khuyết đã là biểu tượng của sản phẩm di động tại Việt Nam.
Nhiều cửa hàng kinh doanh di động sử dụng các thương hiệu của Apple đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: Duy Tín.
Để tiếp tục kinh doanh mà không vi phạm quyền bảo hộ thương hiệu, các cửa hàng này buộc phải thay thế bảng hiệu. Một số khác nghĩ đến việc trở thành đại lý ủy quyền của Apple - Apple Authorised Reseller (AAR).
Một đại lý ủy quyền của Apple (AAR) được định nghĩa là đối tác kinh doanh, có hợp đồng với công ty Apple Computer Inc., bán phần mềm, sản phẩm phần cứng của họ. Những đại lý ủy quyền sau khi đăng ký thành công sẽ xuất hiện trên website của Apple tại khu vực mà họ đăng ký. Đây là những khu vực Apple chưa có cửa hàng chính thức (Apple Store).
Mẫu đơn đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple. Ảnh chụp màn hình.
Để trở thành đại lý ủy quyền của Apple, bạn phải sở hữu một doanh nghiệp đang hoạt động. Apple chấp nhận cho các ứng viên đăng ký qua mạng theo một quy trình mà hãng cho là "đơn giản" nhưng yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt.
Điều kiện tiên quyết là cửa hàng phải tự đánh giá tình hình kinh doanh và tài chính của mình. Họ phải có một tài khoản đang hoạt động với một nhà phân phối được Apple ủy quyền và phải từng có liên hệ với ít nhất 2 đối tượng kinh doanh của Apple (nếu kinh doanh iPhone là 3). Đó có thể là khách hàng hoặc nhà cung cấp của bạn.
Theo trang Chrone, cửa hàng còn phải cam kết doanh thu tối thiểu 100.000 USD/năm (tương đương 2,2 tỷ đồng) để được trở thành đại lý ủy quyền của Apple.
Truy cập trang đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple, có thể thấy hãng chia làm 4 phần gồm có thông tin cơ bản của doanh nghiệp như tên doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp, hình thức kinh doanh, và sản phẩm bạn muốn đăng ký bán (iPhone, iPad, Mac, phụ kiện vv...).
Các bước để đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple.
Phần thứ 2 yêu cầu cửa hàng đăng ký địa chỉ và thông tin liên lạc. Sau đó, Apple yêu cầu cửa hàng gửi bản tài liệu cửa hàng như đăng ký kinh doanh, chứng chỉ bảo hiểm, ảnh địa điểm bán hàng, logo công ty hoặc chứng nhận thuế. Các giấy tờ này có thể sử dụng đuôi PDF, JPGE, TIF, PNG hoặc GIF.
Hoàn tất xong những thông tin đăng ký này, đại diện cửa hàng chỉ việc xác nhận và chờ phản hồi từ phía Apple.
Theo chia sẻ của một nhân viên thuộc Authorised Premium Reseller (APR) tại Việt Nam, việc đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple không quá khó khăn.
Anh này cho hay, Apple chỉ quản lý chặt chẽ các đại lý cấp Premium Reseller, từ băng rôn khẩu hiểu, bảng biểu quảng cáo, cách bài trí cửa hàng cho đến trình độ nhân viên. Trong đó, yêu cầu đối với Authorised Reseller cấp thông thường không quá khắt khe.
Những đại lý ủy quyền của Apple sẽ xuất hiện trên website Apple khi người dùng tìm kiếm theo địa phương. Ảnh: Apple.
Khi trở thành đại lý ủy quyền của Apple, cửa hàng sẽ có được không ít lợi ích, chẳng hạn có thêm những chương trình giảm giá sản phẩm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ đại lý ủy quyền cung cấp dịch vụ (Apple Authorised Service Provider) địa phương, truy cập và sử dụng các tài liệu bán hàng và marketing do Apple phát hành hoặc các chương trình đào tạo về sản phẩm và kỹ thuật từ Apple.
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng di động xách tay cho biết đối với họ việc đáp ứng đầy đủ các thủ tục, yêu cầu này là không đơn giản.
"Thói quen làm ăn manh mún, buôn bán nhỏ lẻ, thiếu đầu tư nghiêm túc vào yếu tố thương hiệu cũng như tuân thủ bản quyền, tác quyền đã ăn sâu vào máu nhiều người. Do đó, giải quyết câu chuyện kinh doanh, bán hàng trước sức ép từ đại diện pháp lý của Apple sẽ không đơn giản với các cửa hàng này", một chuyên gia trong lĩnh vực di động nhận định.
Thành Duy
Theo Zing
iPhone xách tay trong muôn trùng vây của ông lớn bán lẻ Từng có thời điểm iPhone chính hãng gần như không có thị phần tại Việt Nam nhưng chỉ sau vài năm, iPhone xách tay đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Những ngày gần đây, tin xấu liên tiếp xuất hiện với người buôn bán iPhone xách tay tại Việt Nam. Đầu tiên là việc xuất hiện thông tin iPhone xách tay...