Apple dọa nghỉ chơi với báo chí sau sự cố iPhone cong
Một tạp chí công nghệ của Đức bị dọa sẽ không được dùng sản phẩm thử nghiệm hoặc mời tham dự sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple nếu tiếp tục thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus.
Bộ phận PR của Apple tại Đức đã có một cách phản ứng thiếu chuyên nghiệp trước bài thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus của Computer Bild, theo lời Tổng biên tập tạp chí này, trong một bức thư ngỏ ông gửi trực tiếp cho CEO Tim Cook.
“Thay vì trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc tại sao chiếc iPhone 6 Plus lại nhạy cảm như vậy, một người quản lý đã gọi cho Computer Bild và nói, chúng tôi sẽ không nhận được sản phẩm thử nghiệm và không được mời tham dự các sự kiện chính thức nữa” – ông này cho biết.
Apple muốn báo chí ngừng thử nghiệm việc bẻ cong những chiếc iPhone của họ.
Scandal iPhone 6 dễ bị bẻ cong của Apple đang trở thành đề tài nóng bỏng trên khắp các mặt báo kẻ từ khi một đoạn video thẻ bẻ cong sản phẩm này của Unbox Therapy được tung lên mạng hôm 23/9. Đoạn video này thu hút vài chục triệu lượt xem và gây sự chú ý lớn trong cộng đồng người dùng smartphone thế giới.
Sau sự ra đi của “nữ hoàng” bộ phận PR của Apple là Katie Cotton đầu năm 2014, công ty có trụ sở tại Cupertino đã tỏ ra mềm mỏng hơn nhiều với báo chí. Tuy nhiên, có vẻ như sự cố iPhone màn hình cong ( bendgate) đã khiến “quả táo” nóng mặt trở lại – gây ra phản ứng gay gắt đối với báo chí, hoặc có thể đó chỉ là một cách phản ứng thiếu chuyên nghiệp nhất thời của văn phòng Apple tại Đức.
Video thử bẻ cong iPhone 6 Plus
Apple hiện vẫn chưa có phản hồi chính thức sau sự việc nói trên.
Axel Telzerow – Tổng biên tập của Computer Bild cho biết, họ đã sốc khi thấy chiếc iPhone 6 Plus dễ bị bẻ cong như thế nào và càng ngạc nhiên hơn trước cách phản ứng của Apple. “Chúng tôi chúc mừng ông khi cho ra mắt thế hệ iPhone mới, mặc dù một trong số đó sở hữu một vài điểm yếu khi gia công. Tuy nhiên, chúng tôi thất vọng sâu sắc trước sự thiếu tôn trọng của công ty ông” – Telzerox viết trong bức thư gửi CEO Tim Cook.
Video đang HOT
Đây không phải là lần đầu tiên Apple đưa ra lệnh trừng phạt đối với báo chí do những thông tin bất lợi cho hãng. Hồi tháng 11 năm ngoái, Cult of Mac phát hiện ra Apple – giống với một số công ty khác – sở hữu một “danh sách đen” những người trong giới truyền thông sẽ bị trừng phạt do sự “không trung thành”.
Một số phóng viên sẽ có mặt trong danh sách đen của Apple nếu họ thường xuyên đưa ra chỉ trích, nghi vấn hoặc vi phạm thứ gọi là quy tắc của công ty về việc đưa thông tin, chẳng hạn chỉ trích Steve Jobs, lịch sử, văn hóa công ty hoặc các chỉ trích gay gắt các sản phẩm của Apple.
Theo Zing
4 scandal tai tiếng nhất từ trước đến nay của iPhone
Sự cố iPhone cong (bendgate) vừa qua của iPhone 6 Plus chỉ xếp thứ 3 trong số những scandal gây mất mặt Apple của iPhone từ trước đến nay.
Bendgate - sự cố iPhone 6 Plus bị cong ngoài ý muốn trong khi sử dụng - đang là chủ đề gây tranh cãi bậc nhất hiện nay trong cộng đồng người dùng smartphone. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Apple vướng phải một scandal lớn sau khi ra mắt một sản phẩm mới.
Trên thực tế, cả 3 sản phẩm không thuộc dòng "S" mới đây của Apple là iPhone 4, iPhone 5 và iPhone 6 đều thu hút sự chú ý lớn của truyền thông, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Có một điểm cần lưu ý là tất cả các sự cố liên quan đến những mẫu máy này, kể cả việc iPhone 6 bị bẻ cong, có vẻ như chẳng gây ảnh hưởng chút nào đến doanh số iPhone và số tiền khổng lồ Apple thu về.
Dưới đây là 4 sự cố lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến những chiếc iPhone:
4. Album nhạc miễn phí của U2
Đầu tháng 9, Apple quyết định trả 100 triệu USD tiền phí và quảng cáo để đổi lấy album mới nhất của nhóm U2, sau đó cung cấp miễn phí cho khách hàng. Tuy nhiên, người dùng lại tỏ ra khó chịu với sự "hào phóng" bất ngờ này của Apple, đến mức hãng buộc phải đưa ra hướng dẫn giúp người dùng xóa bỏ album của U2 trên tài khoản iTunes.
Người dùng cho rằng, đây là một động thái mang tính ép buộc của Apple, bởi mặc dù U2 là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới, không phải ai cũng là tín đồ của họ. Người dùng cũng tỏ ra giận dữ, bởi với hơn 500 triệu tài khoản iTunes nhận được album, các bài hát của U2 nghiễm nhiên sẽ chiếm một vị trí rất cao trên các bảng xếp hạng về lượt tải mà không cần biết người dùng có yêu thích thực sự hay không.
Rõ ràng, thứ "quà tặng âm nhạc" miễn phí này đã khiến Apple tiền mất tật mang.
3. Sự cố iPhone 6 bị uốn cong
Sự cố "Bendgate", hay còn gọi là "Bend-gazi", vẫn chưa khép lại. Vấn đề này được khơi gợi cuối tuần trước, khi một số người dùng iPhone 6 Plus phàn nàn về việc máy của họ bị cong sau khi đút túi quần ngồi làm việc.
Sau đó, tài khoản YouTube nổi tiếng Unbox Therapy đã thực hiện một clip thử bẻ cong iPhone 6 Plus và khẳng định, model này dễ bị uốn cong hơn Galaxy Note 3 hay chiếc iPhone 6 cỡ nhỏ.
Apple - trong một nỗ lực nhằm bảo vệ hình ảnh của mình - khẳng định iPhone 6 Plus được thiết kế cực kỳ chắc chắn, và trong suốt 6 ngày đầu bán ra, chỉ có 9 trường hợp người dùng liên lạc lại với họ về việc iPhone 6 Plus bị bẻ cong.
Người dùng sẽ phải chờ đợi khoảng vài tuần, hoặc vài tháng nữa để biết xem, liệu còn hay không và số lượng bao nhiêu người tiếp tục dính phải hiện tượng máy bị bẻ cong trên iPhone 6 Plus.
2. Lỗi ăng-ten trên iPhone 4
Scandal này gây chú ý lớn bởi nó diễn ra tại thời điểm Steve Jobs vẫn còn là CEO của Apple. Khi đó, Apple được coi là một "ngài hoàn hảo", giống như tính cách của chính Steve Jobs.
Về cơ bản, scandal này có thể được miêu tả ngắn gọn: nếu bạn cầm chiếc iPhone 4 theo một cách nào đó, máy có thể sẽ bị mất sóng. Đây rõ ràng là một lỗi không thể chấp nhận của đội ngũ kỹ sư Apple, nhưng Steve Jobs, với tính cách bảo thủ của mình, vẫn khẳng định "khả năng bắt sóng của iPhone 4 là thứ tốt nhất chúng tôi từng làm", và nếu bị mất sóng là do người dùng cầm sai cách.
Apple giải quyết vấn đề này bằng cách phát hành miễn phí một loại case dạng bumper bằng cao su cho người dùng iPhone 4, giúp khắc phục sự cố mất sóng.
1. Sự cố Apple Maps
Trong khi cả 3 sự cố nói trên đều gây ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ người dùng, sự cố Apple Maps thì không như vậy. Khi nó mới ra mắt, tích hợp sẵn trên chiếc iPhone 5 năm 2012, Apple Maps có xu hướng liên tục chỉ đường sai, gợi ý ngớ ngẩn về những địa điểm nổi tiếng xung quanh người dùng.
Cho đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng Apple Maps vẫn không nhiều. Người dùng càng bức xúc hơn khi Apple gỡ bỏ Google Maps - ứng dụng bản đồ được xem là tốt nhất hiện nay - ra khỏi App Store (tuy nhiên sau đó đã được Google phát hành trở lại).
Theo một số nguồn tin, Scott Forstall - cha đẻ của iOS - đã phải ra đi sau sự cố Apple Maps. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà Apple đã phát hành một bản iOS 7 với giao diện hoàn toàn mới và người phụ trách dự án này là Jony Ive - thiên tài thiết kế của "táo khuyết". Với Apple, có vẻ như scandal tồi tệ nhất từ trước đến nay của họ vẫn mang lại một số lợi ích nhất định.
Theo Zing