Apple đang khiến Qualcomm và Windows ARM phải xấu hổ như thế nào?
Tuy đi sau, nhưng giờ đây chính Apple mới là người thiết lập tiêu chuẩn.
Khi Qualcomm và Microsoft công bố Windows chạy trên chip Arm vào năm 2016, người dùng đã rất hào hứng vì những lợi ích mà bộ xử lý Arm hứa hẹn mang lại. Đây là Windows hoạt động trên một kiến trúc xử lý mới, giúp đa dạng hóa khả năng của hệ điều hành này. Trong những ngày đầu tiên, Windows hỗ trợ nhiều kiến trúc CPU khác nhau, nhưng đến Windows 10, đó chỉ còn là AMD64, hay x64.
Qualcomm hứa hẹn những điều hấp dẫn như thời lượng pin đáng kinh ngạc, tích hợp kết nối di động và khả năng khởi động ngay lập tức. Ban đầu chỉ có một vài đối tác, nhưng theo thời gian số đối tác đó đã tăng lên khá nhiều hãng, ngoại trừ Dell.
Sau đó, Apple tham gia vào cuộc chơi. Công ty đã thông báo sẽ chuyển dòng máy Mac của mình sang Apple Silicon vào tháng 6 năm 2020. Kể từ đó, Apple đã tạo ra sự đột phá trên thị trường PC mà Windows Arm chưa thể làm được. Với việc Qualcomm được “chấp” đi trước 5 năm, Apple đang khiến Windows Arm trông thảm hại.
Windows thật ra đã hoạt động trên kiến trúc Arm trong một thời gian dài. Windows Phone chạy trên chip Arm và đã mở đường cho rất nhiều thứ mà chúng ta thấy ngày nay. Windows Phone 7 chạy trên Windows CE kernel với nền tảng ứng dụng Microsoft Silverlight và tất cả đều được thay thế trong Windows Phone 8, sử dụng Windows NT kernel. Không một thiết bị Windows Phone 7 nào được nâng cấp lên Windows Phone 8, mặc dù những chiếc flagship như Nokia Lumia 900 được phát hành chỉ vài tháng trước đó.
Ra mắt cùng với Windows Phone 8 là Windows RT (và Windows 8), nỗ lực đầu tiên để Windows chạy một cách tốt nhất trên bộ xử lý Arm. Vào thời điểm đó, đối tác lớn của Microsoft là NVIDIA với bộ vi xử lý Tegra, được trang bị trong Surface RT và Surface 2. Bên cạnh đó, Nokia cũng trang bị Snapdragon 800 cho Lumia 2520.
Windows RT là một thất bại lớn, dù trông giống hệt Windows 8, nó chỉ có thể chạy các ứng dụng đến từ Windows Store. Thậm chí, bản thân Windows 8 là một trong những phiên bản Windows được đón nhận kém nhất trong lịch sử, vì giao diện được thiết kế lại hoàn toàn theo cách người dùng không mong muốn. Cuối cùng, Microsoft đã lỗ 900 triệu USD với máy tính bảng Surface RT, họ không thể bán được máy và phải giảm giá ồ ạt.
Khi Windows 10 được công bố năm 2015, Microsoft đã xác nhận rằng các thiết bị Windows RT sẽ không hỗ trợ hệ điều hành mới. Thay vào đó, người dùng sẽ nhận được Windows RT 8.1 Update 3, chủ yếu chỉ cung cấp sự trở lại của Start Menu và không có nhiều thứ khác; không có Windows 10 kernel hoặc Universal Windows Platform.
Video đang HOT
Vào tháng 12 năm 2016 tại sự kiện Snapdragon Technology Summit ở New York, Qualcomm và Microsoft đã công bố nỗ lực mới nhất của họ đối với Windows Arm. Điểm đặc biệt chính là giả lập x86. Người dùng thậm chí sẽ không biết sự khác biệt giữa các phiên bản ARM64 và AMD64 của Windows 10.
Đến tháng 12 năm 2017, Snapdragon Technology Summit được chuyển đến Maui ở Hawaii. Đây là lúc hai chiếc PC ARM64 đầu tiên được giới thiệu. Đó là ASUS NovaGo và HP Envy x2, Lenovo ra mắt Miix 630 sau đó. Chúng sử dụng chipset Snapdragon 835, là phiên bản sửa đổi nhẹ của bộ vi xử lý di động cùng tên.
Snapdragon 850 được công bố muộn hơn một chút và dựa trên chipset Snapdragon 845. Một lần nữa, chỉ có một số laptop và tablet sử dụng nó, chẳng hạn như Galaxy Book 2 (2018) của Samsung, Lenovo Yoga C630 và Huawei MateBook E. Một số hãng khác đã tham gia sau đó.
Tại Snapdragon Summit 2018, Qualcomm công bố chipset đầu tiên của họ được xây dựng từ đầu cho PC, Snapdragon 8cx. Chữ ‘c’ là viết tắt của ‘compute’ và chữ ‘x’ có nghĩa là ‘extreme’. Các thiết bị sử dụng chip này bao gồm Lenovo Flex 5G, Samsung Galaxy Book S và Microsoft Surface Pro X (chipset đã được sửa đổi một chút và đổi tên thành Microsoft SQ1).
Thật không may, phải mất một khoảng thời gian dài để Snapdragon 8cx xuất xưởng. Tại Snapdragon Summit năm 2019, Qualcomm đã giới thiệu Snapdragon 8c và 7c, trong khi các thiết bị Snapdragon 8cx vẫn chưa đến tay người dùng. Để giảm thời gian xuất xưởng ở phiên bản tiếp theo, Snapdragon 8cx Gen 2 hầu như không có bất kỳ thay đổi nào.
Vào tháng 12 năm ngoái, Qualcomm đã công bố Snapdragon 8cx Gen 3, mang đến một sự nâng cấp phù hợp hơn. Con chip hứa hẹn sẽ đạt hiệu suất ấn tượng, nhưng đã muộn so với M1 của Apple. Snapdragon 8cx Gen 3 bắt đầu được chuyển giao cho các OEM vào nửa cuối năm nay.
Có ba điều chính mà Qualcomm hứa hẹn với Windows Arm. Đầu tiên là thời lượng pin xuất sắc. Các chip Arm sử dụng kiến trúc big.LITTLE, với các lõi mạnh mẽ cho các tác vụ nặng và lõi tiết kiệm năng lượng cho mọi thứ khác. Điều này không chỉ giúp tăng thời lượng sử dụng mà còn dẫn đến lời hứa thứ hai, cho phép PC khởi động tức thì như điện thoại của bạn.
Lời hứa thứ ba là kết nối di động tích hợp. Các chipset của Qualcomm có modem di động tích hợp, vì vậy, dữ liệu di động sẽ là tiêu chuẩn cho một sản phẩm Arm, thay vì chỉ có cho sản phẩm cao cấp đắt tiền như đối với laptop Intel.
Tuy nhiên, vấn đề rõ ràng nhất là thời lượng pin mà Qualcomm đã hứa lại không thể trở thành hiện thực. Theo XDA-Developers, ngay cả với chiếc Surface Pro X, thời lượng pin cũng không quá khác biệt với các Surface dùng chip Intel.
Kết nối di động tích hợp cũng không như những gì đã hứa. Hầu hết mọi laptop Windows Arm xuất xưởng ngày nay đều có phiên bản chỉ hỗ trợ Wi-Fi, vì vậy ngay cả trong năm 2022, bạn vẫn phải dùng điện thoại của mình để phát Wi-Fi cho một chiếc laptop được hứa hẹn sẽ đưa kết nối di động thành tiêu chuẩn.
Hầu hết người dùng và chuyên gia công nghệ đánh giá các thiết bị này mang đến trải nghiệm không quá ấn tượng. Thiết bị đắt hơn nhiều so với những gì chúng cung cấp, đặc biệt là trong những ngày đầu của Snapdragon 835 và Snapdragon 850. Đã 5 năm trôi qua và Qualcomm vẫn chưa thật sự làm được những gì hứa hẹn.
Cũng có một số thiết bị khá tốt. Samsung Galaxy Book Go xuất hiện với mức giá hấp dẫn và chỉ nặng 1,4 kg. Lenovo Flex 5G là laptop 5G đầu tiên sử dụng cả Sub6 và mmWave. Samsung Galaxy Book S cũng khá tốt, rất mỏng và nhẹ với thiết kế không quạt.
Dù đi trước và có một số thiết bị hấp dẫn, nhưng Qualcomm và Microsoft đã phải chịu thua Apple. Apple chuyển toàn bộ dòng máy Mac sang chip “nhà trồng” đã tạo ra tác động lớn. Tại thời điểm này, chỉ có hai máy Mac Intel vẫn được bán bởi công ty: Mac Pro và một số tùy chọn cấu hình của Mac Mini.
Apple đã mang đến một trải nghiệm mà Qualcomm và Microsoft không thể cung cấp. Sản phẩm của Apple có khả năng chạy liền mạch các ứng dụng được xây dựng cho PC dựa trên Intel. Giải pháp của Apple là Rosetta 2. Lần đầu tiên bạn cài đặt một ứng dụng x64, bạn sẽ được nhắc cài đặt Rosetta 2 và theo XDA-Developers, người dùng sẽ không nhận thấy bất kỳ vấn đề hiệu suất nào.
Apple ra mắt 3 sản phẩm đầu tiên có chip M1 là MacBook Air, MacBook Pro 13 inch và Mac Mini. Hiệu suất và thời lượng pin của các sản phẩm được đánh giá cao, nhưng đó chưa phải điều đáng chú ý nhất. Sau đó, Apple ra mắt iMac 24 inch với chip M1.
Công ty đã sử dụng cùng một bộ xử lý trong các thiết bị từ iPad Pro 11 inch đến máy tính bàn 24 inch. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc Qualcomm và Microsoft đã không theo kịp Apple. Qualcomm không nhắm đến PC all-in-one, mà thay vào đó là tự thu hẹp mình vào trải nghiệm laptop siêu mỏng nhẹ.
Sau đó là MacBook Pro với chip M1 Pro và M1 Max, nó có hiệu suất ngang bằng với một laptop Intel mạnh mẽ nhưng thời lượng pin là một điều phi thường. Nếu ra đường với một laptop Intel có sức mạnh như vậy, chắc chắn bạn phải mang theo bộ sạc, nhưng không cần phải làm thế với MacBook Pro; đó cũng là một trong những lời hứa lớn của Qualcomm.
Qualcomm không còn là người đặt ra tiêu chuẩn cho máy tính Arm, vinh dự này đang thuộc về Apple và không ai có thể phủ nhận điều đó.
Tuy nhiên, Qualcomm vẫn đang làm việc chăm chỉ trên chip silicon tùy chỉnh của riêng mình và đó là lúc mọi thứ trở nên thực sự thú vị. Nhờ việc mua lại công ty CPU Nuvia, Qualcomm có thể đẩy mạnh nguồn lực của mình. Điều này sẽ cung cấp cho Qualcomm những chìa khóa cần thiết để cạnh tranh với Apple.
Các nhà cung cấp chip khác cũng có thể tham gia vào mảng Windows Arm, như MediaTek đang lên kế hoạch thực hiện khi thỏa thuận độc quyền giữa Microsoft và Qualcomm hết hạn.
Nhưng bất kể thế nào, Qualcomm cần phải thật sự cố gắng. Vào năm 2016, hãng đã sẵn sàng tấn công một thị trường được thống trị và xây dựng xung quanh Intel và AMD. Nhưng bây giờ, Apple mới là người đặt ra tiêu chuẩn, cho thấy những gì chip Arm có thể làm được.
Mac M1 có thể sắp được Microsoft "mở cửa" vào Windows
Qualcomm và Microsoft đã có một thỏa thuận để hệ điều hành Windows ARM chỉ dành riêng cho chip của Qualcomm.
Theo những gì trang XDA Developers có được từ các nguồn thạo tin, Qualcomm và Microsoft đã có một thỏa thuận để hệ điều hành Windows ARM chỉ dành riêng cho chip của Qualcomm. Điều này có thể giải thích tại sao tất cả các máy Windows ARM đều dùng chip của Qualcomm. Tuy nhiên, theo nguồn tin cho biết, thỏa thuận này đã sắp đi đến hồi kết.
Ngày kết thúc chính thức vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có thông tin rằng hãng MediaTek hiện đã bắt tay vào sản xuất chipset mới dành riêng cho Windows ARM.
Điều này còn có thể mang một ý nghĩa lớn hơn với các máy Mac với chip M1. Vì cùng sử dụng cấu trúc ARM, nên nếu Qualcomm không còn độc quyền với Windows ARM, thì không gì có thể ngăn cản Microsoft làm một phiên bản dành cho Apple.
Dù vậy, như Apple đã nói, tất cả đều phụ thuộc vào Microsoft, một mặt, việc Windows ARM chạy được trên Mac M1 chắc chắn sẽ giúp hệ điều hành này phổ biến hơn, nhưng mặt khác, nó cũng giúp sản phẩm của Apple hấp dẫn hơn và ảnh hưởng đến các hãng sản xuất máy tính Windows.
Mỹ được gợi ý 'săn trộm' 3.500 nhân viên TSMC và Samsung Foundry Một tổ chức tư vấn của Mỹ có tên Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) cho biết nước này có thể cần phải tuyển dụng nhân viên từ TSMC và Samsung Foundry để tự cung tự cấp trong ngành chip. Theo PhoneArena, khi nói đến thiết kế chip, Mỹ có một số công ty hàng đầu như Apple hay...