Apple: Đã tới lúc cần thay máu thiết kế phần mềm?
Vào cuối tháng trước, khi Jony Ive, kỹ sư trưởng phụ trách thiết kế thiết bị của Apple được đưa lên đảm nhận vị trí trưởng bộ phận thiết kế phần mềm, không ít người, cả những người hâm mộ công nghệ lẫn những iFan cứng cựa đều tỏ ra mừng vui khôn xiết.
Sở dĩ có được điều này là do mọi người hy vọng tài năng của “ngài Ive” sẽ giúp người sử dụng vĩnh biệt những lỗ hổng, hay nói chính xác hơn là lỗi về thiết kế giao diện phần mềm trong các thiết bị của Apple.
Jony Ive cùng các cộng sự
Từ giữa mùa hè năm nay, chính trong nội bộ Apple, cũng như cộng đồng fan Táo đã bị chia rẽ làm hai trong một cuộc chiến tương đối ác liệt. Một bên thì cố gắng bảo vệ lý tưởng thiết kế giao diện theo xu hướng “skeuomorphic”, nghĩa là tạo ra những giao diện ứng dụng giống với những công cụ ngoài đời thực nhất. Số còn lại cho rằng xu hướng này đã không còn chỗ đứng, vì thế nó cần được thay đổi, một hệ thống giao diện hiện đại hơn là điều cần thiết.
Giống đồ vật thật, đẹp hay xấu?
Giờ đây, “chàng gàn” Scott Forstall đã chuẩn bị ra đi, một số người tin tưởng mạnh mẽ rằng, những thiết kế đại loại như màn hình ứng dụng Podcast với hình ảnh một cuộn băng cassette đang bật trong quá trình phát file âm thanh, hay Note với giao diện chẳng khác gì một cuốn sổ ghi vé phạt của các cảnh sát giao thông nước Mỹ.
Sau khi iPhone 5 chính thức ra mắt, không ít những blogger của các trang tin công nghệ lớn trên thế giới như Gizmodo chẳng hạn, đã bắt đầu than phiền rằng chiếc iPhone mới nhất đã khiến họ bắt đầu trở nên nhàm chán. Cụ thể hơn, nhiều người cho rằng, sự thích thú khi trải nghiệm một đời iPhone mới đã chẳng thể nào được như xưa. Và cuối cùng, giọt nước làm tràn ly, đánh dấu sự bùng nổ của cộng đồng trước một iPhone 5 không có gì thay đổi, chính là bài viết của blogger mang tên Farhad Manjoo trên trang Slate với tiêu đề dịch nôm: “iPhone 5 nhạt thếch!” Trong bài viết có đoạn chỉ rõ, “nền tảng di động iOS của Apple đã từng là hệ điều hành di động tuyệt nhất thế giới. Thế nhưng bây giờ, nó cũng chỉ &’tốt’ ngang các hệ điều hành khác mà thôi.”
Điều này tưởng chừng như “đá nhau chan chát” với chính nhận định của Manjoo ngay sau buổi họp báo ra mắt iPhone 5: “Chiếc điện thoại này quả là một phép màu!” Thế nhưng nhận định này phần lớn dựa vào sức mạnh phần cứng mà iPhone 5 được Apple trang bị. Quả thực mà nói thì, giao diện ứng dụng, hay nói rộng hơn là cả hệ thống phần mềm của Apple trên nền tảng di động đã bắt đầu đi vào lối mòn thiết kế.
Có phải chỉ là vấn đề thẩm mỹ thiết kế?
Tương tự như trên, trong bài viết đánh giá chi tiết iPhone 5, Joshua Topolsky, cựu tổng biên tập trang tin công nghệ nổi tiếng Engadget, nay làm cho The Verge có đoạn:
Video đang HOT
“Xin các bạn đừng hiểu nhầm ý tôi. iOS là một hệ điều hành di động tuyệt vời và có kết cấu cực kỳ chặt chẽ, tuy nhiên nó cũng đã và đang bộc lộ &’tuổi tác’ của chính mình. Tôi có cảm giác iOS của năm 2012 không còn hữu ích như vài năm trước đây, nhất là trong giai đoạn cuộc đua giữa những hệ điều hành di động đã và đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Ngày hôm nay sử dụng iOS, tôi luôn trong trạng thái tương đối bất an, không biết mình đang ở đâu và trạng thái của mình ra sao, khi thao tác mở và reload ứng dụng trong iOS 6 diễn ra với tần suất quá lớn. Cảm giác như vậy rất nản.”
Vào tuần trước, một blogger công nghệ khác mang bút danh Kontra đã có một bài viết trên blog cá nhân, trong đó có đoạn: “Phần mềm của Apple, đặc biệt là iOS, cần một cuộc thay máu toàn diện cả về trải nghiệm sử dụng lẫn tính mỹ thuật, trong đó trải nghiệm của người sử dụng là cái cần được quan tâm đầu tư sâu sát hơn.”
Vì thế, câu hỏi đặt ra cho Apple, hay đúng hơn là dành cho cá nhân Jony Ive, đó là liệu quý ngài Ive có đủ khả năng cáng đáng cả hai trọng trách nặng nề, đó là vừa giữ được nét tinh tế trong thiết kế vốn có của Apple, cũng như tạo ra một làn gió mới trong giao diện người sử dụng iOS nói riêng hay không?
Trong quá khứ cũng như hiện tại, không một điều gì hay một dẫn chứng nào chứng minh Ive không hoàn thành xuất sắc công việc của mình với cương vị một nhà thiết kế phần cứng. iPhone, iPad, và những cỗ máy Mac có thể nói là những thiết kế chuẩn mực của làng công nghệ đương đại, điều này không cần bàn cãi. Và Apple, tin tưởng tuyệt đối vào Ive, đang chơi một canh bạc nơi mà họ tin tài năng của nhà thiết kế 45 tuổi này có thể đem khả năng về phần cứng của mình để thay máu hệ thống giao diện phần mềm đang dần già cỗi của iOS nói riêng.
Tuy nhiên, giao diện phần mềm, như Kontra đã chỉ rõ trong bài viết blog, “không chỉ đánh vào phần nhìn”. Nó còn thể hiện tất cả những gì một phần mềm ứng xử với người sử dụng. Vì thế, nếu muốn làm tốt mảng giao diện, theo Kontra, thì Ive cũng phải hiểu tường tận về cách thức hoạt động của những ứng dụng, chứ không chỉ về mặt thẩm mỹ nói chung.
iOS vẫn tồn tại không ít lỗi giao diện
Một ví dụ đơn giản và tiêu biểu nhất khi đem iOS so sánh với Android, HĐH bị coi là “phiên bản copy thiếu sáng tạo iOS”, vấn đề ngay lập tức nảy sinh. Sáu chức năng gây tốn pin hạng nhất trong một chiếc điện thoại, đó là WiFi, kết nối 3G, thông báo mới, GPS, Bluetooth và độ sáng màn hình. Việc thiết lập các chức năng này trên iOS yêu cầu nhiều bước chạm màn hình để đăng nhập thực đơn tùy chỉnh. Trong khi đó, với HĐH của Google, bạn chỉ cần vuốt nhẹ từ trên đỉnh điện thoại, và bạn có thể truy xuất hầu hết tất cả những gì mình cần ngay tại đó, mặc dù giao diện vẫn hơi rối mắt.
Vì thế, vấn đề về giao diện của Apple đã không còn chỉ tồn tại ở việc có nên giữ lại triết lý thiết kế “skeuomorphic” (như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết) hay không.
Thay đổi
Tuy nhiên, một tin vui đem đến cho giới hâm mộ công nghệ, có thể năm 2013 sẽ là một năm khởi sắc mà Apple dành tặng cho cộng đồng fan trung thành, vốn đã và đang lung lay vì chiếc iPhone 5.
Vì sao? Hãy xem lại những thứ Apple đã mang lại cho thế giới công nghệ chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến nay. Chúng ta có iPhone 5, iPad thế hệ thứ 4, iPad mini, iMac mới, iPod mới, và cuối cùng là một chiếc laptop mới, MacBook Pro 13 inch màn hình Retina. Về nhân sự, một cú sốc không chỉ cho cả Apple mà còn cho cả thung lũng Silicon nói chung đó là sự (sắp) ra đi của Scott Forstall, thủ lĩnh mảng iOS, một trong những đại công thần đã góp phần giúp Apple có được vị thế như ngày hôm nay. Thay thế Forstall là Craig Federighi, leader mảng OSX. Jony Ive thì chúng ta đã đề cập ở trên.
Trong thông cáo báo chí thông báo về sự xáo trộn nhân sự chưa từng có này, Apple đã đặt tít: “Apple thông báo về những thay đổi nhân sự giúp các bộ phận phần cứng, phần mềm và dịch vụ hợp tác hiệu quả hơn”.Blogger John Gruber tin rằng đây là sự thật tương đối phũ phàng mà Apple phải đưa ra. Apple đã phải thay đổi những nhân sự cấp cao để nhiều bộ phận của Apple có thể làm việc với năng suất cao hơn. Như đã phân tích trong những bài viết trước đây, Scott Forstall đã có cả một bảng thành tích dài những lần “chơi không đẹp” với những người đồng cấp. Sự việc tiến triển đến mức mà Ive và Forstall thậm chí còn không thèm ngồi chung phòng họp trong những cuộc họp nội bộ. Chính vì vậy, việc loại bỏ Forstall được ban lãnh đạo Apple coi như là giải pháp cuối cùng để gắn kết cả ba mảng kể trên của Apple lại với nhau.
Tạm kết
Hiện giờ, cá nhân tôi cũng như không ít người khác, trong đó có cả những iFan một thời phát cuồng sau mỗi đêm Apple ra mắt sản phẩm, đều chỉ hy vọng rằng canh bạc mà Apple đặt hết vào “cửa” Jony Ive đem lại thành công cho một Apple đã và đang ở phía sau con dốc thành công.
Theo Genk
Cổ phiếu Apple sụt giảm mạnh nhất trong gần nửa năm qua
Giá cổ phiếu của Apple đã giảm hơn 4% vào phiên giao dịch thứ 4 vừa qua, còn lại 556$ một cổ phiếu, đây cũng là giá cổ phiếu thấp nhất của Apple trong 5 tháng. Đáng quan ngại hơn cho các nhà đầu tư, giá cổ phiếu đã giảm hơn 20% chỉ trong vòng 2 tháng từ mức giá cao nhất của nó là 705$ vào ngày 21 tháng 9 khi iPhone 5 ra mắt.
Đối với Apple, sự kết hợp của các nhân tố sau đã đẩy giá cổ phiếu xuống trong vòng 6 tuần qua, và có thể sẽ xuống thêm nữa.
1. Thiếu hụt nguồn hàng
Sự suy giảm giá cổ phiếu đầu tiên chủ yếu gây ra bởi mối quan ngại về việc thiếu nguồn cung cấp hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh số iPhone 5. Giá cổ phiếu bắt đầu giảm khi Apple công bố doanh số bán hàng tuần đầu tiên của iPhone 5 vào cuối tháng 9 thấp hơn mong đợi, và công ty này đã giải thích là do nguồn cung không đủ.
Kể từ đó, Giám đốc điều hành Tim Cook đã bảo đảm với các nhà đầu tư rằng Foxconn, đối tác sản xuất của Apple, đã cải thiện đáng kể năng suất sản xuất và sẽ tiếp tục bắt kịp nhu cầu. Tuy nhiên, các lãnh đạo Foxconn chứng tỏ mối quan ngại đó là thật bằng cách công nhận rằng Foxconn vẫn còn khá "chới với" để bắt kịp nhu cầu đối với iPhone 5.
2. Thay đổi nhân sự
Apple đã tạo ra một chấn động khi công bố sự xáo trộn trong đội ngũ điều hành, bao gồm cả giám đốc bộ phận iOS Scott Forstall và giám đốc bán lẻ John Browett. Apple đã khôn ngoan, thông báo sự kiện này vào ngày mà thị trường chứng khoán đóng cửa vì bão Sandy, nhưng khi các giao dịch trở lại bình thường, giá cổ phiếu bắt đầu giảm.
Với các nhà đầu tư, thông báo này đã dấy lên mối nghi ngờ về tính ổn định của đội ngũ nhân viên cao cấp của Apple khi không còn Steve Jobs, và sự ra đi của Forstall càng làm tăng thêm mối lo ngại về những đổi mới trong tương lai ở sản phẩm di động của Apple.
3. Cạnh tranh ở thị trường máy tính bảng
Một báo cáo nghiên cứu về sự suy giảm của Apple trong việc thống trị thị trường máy tính bảng đã không giúp giá cổ phiếu của công ty này. Theo IDC, thị phần của Apple trong thị trường máy tính bảng đã giảm từ gần 60% trong quý thứ ba năm 2011 và chỉ còn lại 50% trong quý thứ ba năm nay, cho thấy những công ty đối thủ đã lớn mạnh thêm trong việc giành miếng bánh với Apple.
Sự cạnh tranh của các đối thủ làm giảm sự thống trị của Apple trong thị trường máy tính bảng.
4. Giảm tỷ suất lợi nhuận
Apple rõ ràng đang cố gắng để duy trì vị trí của họ trên thị trường máy tính bảng với việc phát hành một iPad mini nhỏ hơn và rẻ hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là, chính Apple cũng đã chỉ ra trong cuộc họp gần đây nhất của mình, chính là việc các thiết bị mới dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty.
Dự án của Apple nói rằng họ sẽ có một mức lợi nhuận thấp hơn nhiều trong quý tháng mười hai so với những gì mà các nhà phân tích đã dự kiến trước đó. Cook giải thích điều này do sự ra mắt của các sản phẩm mới, có giá cao hơn, và một số sản phẩm như iPad mini có giá bán gần sát với giá sản xuất. Từ trước đến giờ, những sản phẩm của Apple luôn có giá cao đáng ngạc nhiên, nhưng đó là điểm mà các nhà đầu tư rất thích. Kết quả là, một số nhà phân tích đã cắt giảm các dự đoán về giá của họ đối với cổ phiếu.
Gần đây nhất, cổ phiếu Apple đã bị giáng một đòn mạnh nữa sau khi một bồi thẩm đoàn liên bang ở Texas ra phán quyết rằng FaceTime, tính năng trò chuyện video của Apple đã vi phạm một số bằng sáng chế của VirnetX, một công ty đang nắm giữ bằng sáng chế. Tòa án ra lệnh cho Apple bồi thường 368 triệu USD và VirnetX có khả năng cấm bán các sản phẩm của Apple vi phạm các bằng sáng chế đó.
Với tất cả những điều này, đã được một vài tuần khó khăn cho Apple, ngay cả với sự ra mắt thành công của một số sản phẩm mới nhất như iPad 4 hay iPad Mini.
Giá cổ phiếu của Apple trong 3 tháng gần đây.
Theo Genk
Người quan trọng nhất Apple: Jonathan Ive Vào tháng 9 năm 1997, một nhà thiết kế 30 tuổi của Apple đã suýt nghỉ việc. 15 năm sau, sau đợt xáo trộn trong bộ phận nhân sự vừa qua (30/10/2012), giờ đây, người ấy là nhân viên quan trọng nhất của Apple. Vào những năm 1997, Apple đã đánh mất phương hướng hoạt động của mình. Những nhà quản lý cấp...