App cho vay online “dội bom” người dùng
Cứ vào dịp cuối năm, các ứng dụng (app) cho vay online lại “dội bom” mời chào qua tin nhắn và tài khoản mạng xã hội.
Trên thị trường có hàng chục app cho vay cắt cổ đang hoạt động rầm rộ, ra sức mời chào người dân vay vốn
Cả người vay lẫn bên cho vay đều chụp giật
Tuần qua, Công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam chính thức thông báo tạm ngưng dài hạn toàn bộ việc cho vay online của ứng dụng iDong để tập trung giải quyết các khiếu nại tồn đọng trong việc thanh toán khoản vay. Trước đó, ứng dụng này bị rất nhiều khách hàng tố cho vay với lãi suất lên tới 5%/ngày, nếu trả trước còn bị phạt tiền cao hơn nợ gốc, sử dụng các biện pháp xã hội đen để đòi nợ…
iDong chỉ là một trong nhiều app cho vay với lãi suất cao cắt cổ đang trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Thời gian qua, Bộ Công an liên tục cảnh báo hoạt động cho vay online qua các app, với lãi suất cho vay lên tới 1.600%/năm.
Tuy nhiên, ngoài một số app cho vay gắn với các đường dây tín dụng đen đã bị cơ quan điều tra phát hiện như VN online, Moreloan, Vaytocdo…, trên thị trường vẫn còn hàng chục app cho vay cắt cổ khác đang hoạt động rầm rộ, ra sức mời chào người dân vay vốn, phổ biến nhất là hình thức tiếp cận “con mồi” qua các mạng xã hội.
Ngoài lãi suất cao, người vay còn phải chịu thêm một số phí.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an)
Cả nước hiện có hơn 70 công ty P2P Lending, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó 10 công ty do chủ đầu tư là người Trung Quốc điều hành, thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân vay nóng. Ngoài lãi suất cho vay cao, người vay còn phải chịu thêm một số phí 1-5%/năm. Có công ty sau 3 năm hoạt động có 14.000 tổ chức và cá nhân tham gia cho vay hơn 1,5 triệu khách hàng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện có nhiều app cho vay đang hoạt động, phổ biến là Robocash, Tamo, Scach, MoneyCat, One Click Money, Dr.Dong, Cashwagon, Senmo Web, Atome, Finizi, Avay, Xudong, Sago, Mofa, Salo, Mydong, Vinacash, Sunyloan, Zvay, Tictic, Vvtien, Vaynow, Uvay, Ovay, Vymaill, Akulaku, Sakgoncash…
Theo thông tin của một số công ty công nghệ tài chính (fintech) trong nước, nhiều app cho vay online trên thị trường là của các công ty P2P Lending có nguồn gốc Trung Quốc. Sau khi thị trường P2P Lending Trung Quốc đổ vỡ, rất nhiều công ty nhỏ của nước này đã dạt sang Việt Nam, thuê người Việt đứng tên, lập ra các công ty kinh doanh dưới mác “tư vấn đầu tư” để hoạt động tín dụng đen trá hình.
“Các công ty này tận dụng bối cảnh tranh tối tranh sáng, hành lang pháp lý chưa có ở Việt Nam để làm ăn chụp giật, gây ra cái nhìn rất xấu về P2P Lending, làm tha hóa thị trường”, giám đốc một công ty P2P Lending trong nước nói.
Video đang HOT
Việc cho vay với lãi suất cắt cổ, thủ đoạn đòi nợ khủng bố của nhiều công ty cho vay online khiến người tiêu dùng khiếp sợ, song cũng làm sản sinh tâm lý chây ỳ trả nợ của một bộ phận khách hàng. Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều group được người vay lập ra để mách nhau bí quyết xù nợ sau khi vay online. Thậm chí, nhiều người còn hướng dẫn nhau cách làm giả giấy tờ, lập trang facebook cá nhân giả… để dễ xù nợ. Điều này gây rủi ro cho thị trường tài chính tiêu dùng trong tương lai.
Thiếu chuẩn, thị trường phát triển thiếu lành mạnh
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Sang (Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an), mô hình P2P Lending mới xuất hiện, nhưng có một số công ty biến tướng, lừa đảo, trà trộn với tín dụng đen, đa cấp tài chính. Việc xử lý các công ty này rất khó khăn, do các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng nhằm tránh sự điều tra của lực lượng công an.
Tâm lý chụp giật của cả bên vay lẫn bên cho vay đang khiến thị trường cho vay ngang hàng ở nước ta méo mó ngay từ lúc vừa hình thành. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, P2P Lending là một xu hướng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
Hiện nay, các công ty P2P Lending hoạt động theo Bộ luật Dân sự, không cần tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng (vì chỉ đứng giữa kết nối cho vay). Tuy nhiên, việc thả nổi đang gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, cần sớm đưa P2P Lending vào cơ chế thử nghiệm hoặc danh mục ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Các quy định không nên quá chặt (vì sẽ bóp chết thị trường, không thúc đẩy được sáng tạo), song cũng phải chặt chẽ hơn và đưa được các đối tượng vào khung khổ.
Theo đó, chỉ các sàn P2P Lending đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới được hoạt động. Khi đi vào hoạt động, các sàn này cũng phải đảm bảo minh bạch thông tin về phí, lãi suất, người vay, người cho vay… để bảo vệ được các bên tham gia.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xây dựng cơ chế quản lý P2P Lending. Ngân hàng Nhà nước xác định, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, theo đó, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra mới được phép kinh doanh.
Thùy Liên
Theo Baodautu.vn
Phát hiện khoảng 60.000 giao dịch vay biến tướng "tín dụng đen" lãi suất 1.600%/năm
Từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng cho vay tiền trực tuyến với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Đó chỉ là một phần trong những hình thức cho vay biến tướng "tín dụng đen" mà cơ quan công an đã ngăn chặn, xử lý, trong công bố ngày 01/11/2019.
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong vụ án này, các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.
Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Theo Bộ Công an, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay "tín dụng đen", cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.
Theo điều tra, một số đối tượng người nước ngoài đã sử dụng thủ đoạn lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là app); điển hình như ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" vừa bị lực lượng công an triệt phá.
Theo đó, khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.
Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục "đồng ý" trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản "người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động".
Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Vaytocdo" thì người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, còn công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó, 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu người vay tiền trả chậm 01 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày.
Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 01 đến cấp độ 07 (mỗi cấp độ gọi là 01 app), với số tiền tối đa được vay là 2.750.000 đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều app khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay.
Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.
Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả, thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ.
Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại "khủng bố" cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Cơ quan công an xác định từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng nói trên; với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng.
Đây là hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
Bộ Công an đưa ra cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng internet.
HOÀNG HÀ
Theo Bizlive.vn
"Xiết" tín dụng đen, cần có chính sách cho vay dưới chuẩn Trong khi tín dụng đen luôn tìm mọi cách để "xiết" con nợ thì các cơ quan chức năng cũng cần thiết phải có giải pháp xiết loại tín dụng này. Ở đây có 3 nhóm vẫn đề cần giải quyết: Hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý; phát triển các dịch vụ cho vay của các tổ chức tín dụng...