Áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng vì dịch COVID-19
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ người vay với tổng quy mô gói tín dụng lên tới 300.000 tỷ đồng, song nguy cơ nợ xấu tăng vẫn hiện hữu. Theo ước đoán của các chuyên gia kinh tế, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến quý 3, nợ xấu năm nay có thể lên tới 4%.
Nợ xấu gia tăng
Nhiều doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh do thực hiện cách ly xã hội đã làm phát sinh thêm nợ xấu cho ngân hàng. Ảnh: Mạnh Linh
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng OCB thừa nhận, chính sự tác động trên đã khiến nợ xấu tăng trở lại. Trên thực tế, các ngân hàng đã lên kịch bản đối phó với tác động của dịch COVID-19, nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn sẽ gia tăng.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, trong tháng 2/2020, ngân hàng này mới có khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng đến tháng 3, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng đã tăng gấp hơn 10 lần. Dù ngân hàng có giãn, khoanh hoặc hoãn nợ, khả năng nợ xấu vẫn có thể lên tới 1%. Hiện ngân hàng đang tính các phương án để thắt chặt rủi ro, đảm bảo an toàn vốn và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.
Thống kê của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, 2 ngành có tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1 triệu tỷ đồng là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng. Một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn là nông, lâm nghiệp; chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt may; xi măng; BOT, BT giao thông; vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; kinh doanh bất động sản.
Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành hỗ trợ đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là gần 18.000 tỷ đồng; dư nợ được miễn, giảm lãi gần 126.000 tỷ đồng; dư nợ vay mới với lãi suất thấp là 165.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi tung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xấu vẫn tăng.
Theo ước tính của NHNN, nhiều khả năng nợ xấu sẽ vượt 3% nếu dịch diễn biến xấu. Cụ thể, theo kịch bản dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020; thậm chí còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Video đang HOT
Cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp
Giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cũ là một trong những biện pháp cứu doanh nghiệp, giảm áp lực nợ xấu. Ảnh: Mạnh Linh
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh kéo dài đã không chỉ làm doanh nghiệp khốn đốn mà ngay người lao động cũng bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc. Trong khi đó, dịch bệnh chưa thể xác định được thời gian nào là đỉnh thì tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài trên dưới 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính sẽ tăng nhanh.
Trước tình hình trên, các ngân hàng, công ty tài chính đang tính các phương án tối ưu để cứu doanh nghiệp, kéo giảm nợ xấu có thể. Cụ thể, ngoài các phương án hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới, khoan nợ hoặc giãn nợ cho khách hàng cũ, nhiều ngân hàng cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro; đồng thời siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.
Chẳng hạn, Vietcombank vừa quyết định giảm đồng loạt 10% lãi suất tiền vay đợt 2 (từ ngày 15/4) cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, thời gian giảm đến hết ngày 30/9/2020. Với khách hàng ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch, ngân hàng giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng đến 30/6/2020. Theo đó, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 khách hàng với qui mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiến gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Đối tượng giảm lãi suất đợt 2 không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank.
Tuy nhiên, nguồn lực của các ngân hàng hiện nay là có hạn, không thể “cứu” mọi doanh nghiệp dù đã tiết giảm tối đa chi phí, giảm chi lương, chi thưởng, không chi cổ tức tiền mặt… Chính vì vậy, một số ngân hàng đang cơ cấu lại các khoản nợ xấu và chào bán.
Điển hình, đầu tháng 4 vừa qua, Chi nhánh Sở Giao dịch 2 BIDV đã thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) với toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỉ đồng.
Một khoản nợ khác của Chi nhánh Sở Giao dịch 2 này cũng được rao bán tiếp trong tháng 4 là của Công ty nhà Hưng Ngân, gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ là 512 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là nhiều bất động sản của doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang)…
Techcombank cũng liên tục rao bán các tài sản thế chấp lớn. Cũng trong tháng 4 ngân hàng này rao bán hai bất động sản tại Tây Ninh với tổng giá trị hơn 1.220 tỉ đồng. Ngay cả VAMC cũng dồn dập bán đấu giá hàng trăm khoản nợ đã mua lại từ các tổ chức tín dụng. Mới nhất, VAMC thông báo đấu giá lần hai khoản nợ của Công ty cổ phần bất động sản Việt Toàn Cầu mua lại từ Agribank với giá khởi điểm hơn 22 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với áp lực nợ xấu ngày một tăng, mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay khó có thể thực hiện được. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nếu Nhà nước có chính sách lớn thúc đẩy chính sách tài khoá, tiền tệ, hy vọng có thể rút ngắn thời gian khó khăn này.
Trước đó, NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Hải Yên
Hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng trong quý 1/2020
Không chỉ nợ xấu nội bảng tăng mà việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ tại VAMC cũng chậm lại trong quý 1 năm nay ở nhiều ngân hàng.
Đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Trong khi năm ngoái tăng đồng đều, bức tranh lợi nhuận quý 1 năm nay lại rất nhiều màu sắc, có ngân hàng tăng trưởng âm, có ngân hàng tăng nhẹ, cũng có ngân hàng tăng theo cấp số nhân. Song về nợ xấu, phần lớn những ngân hàng này có nợ xấu tăng.
Trường hợp đáng chú ý nhất là tại Kienlongbank, nợ xấu của ngân hàng bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần. Theo đó, Kienlongbank từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.
Sự thay đổi đột ngột này là do nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng tới 9 lần lên 2.127 tỷ đồng. Theo Kienlongbank, trong số 2.127 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Được biết, số cổ phiếu này chính là cổ phiếu của ngân hàng Sacombank. Kienlongbank đã rao bán số cổ phiếu này kể từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa thành công.
Một ngân hàng khác có nợ xấu tăng khá mạnh là TPBank. Nợ xấu của TPBank cuối tháng 3 là 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm; trong khi đó, dư nợ cho vay tăng 5% lên 100.509 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,29% lên 1,87%.
Tại ngân hàng nhỏ khác là Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Trong khi đó, những ngân hàng lớn cũng có nợ xấu tăng, nhưng không nhiều. Chẳng hạn, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối tháng 3 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Đáng lưu ý, dường như hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang chậm lại so với năm ngoái khi lãi từ hoạt động khác của ngân hàng sụt giảm mạnh 76,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu tại VAMC cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt nào.
Hay tại Vietcombank, nợ xấu cuối tháng 3/2020 tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 5.191 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ 0,79%.
Bên cạnh những ngân hàng nói trên, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý 1/2020, như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%,...
VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.
Nhìn chung, nợ xấu có tăng lên ở nhiều ngân hàng trong quý 1/2020, tuy nhiên hầu hết mức tăng chưa phải là mạnh. Một phần cũng là nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 3, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH là 1.400 tỷ).
Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của NHNN thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay, và đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý 2 và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020.
KỊch bản thứ 2, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và được kiểm soát trong quý 2, nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2 và 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD.
Diệp Trần
Vì sao lợi nhuận sau thuế quý 1 của Sacombank đi lùi? Lãi thuần từ hoạt động khác lao dốc 77% cùng với chi phí hoạt động tăng 10% khiến lợi nhuận sau thuế quý 1 của Sacombank sụt giảm 7% so cùng kỳ. Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) đạt gần 2,840 tỷ đồng, tăng 16%. Hoạt động dịch vụ cũng đem về...