‘Anonymous nắm giữ quyền lực lớn nhất thế giới’
Nhân vật có biệt danh Commander X khẳng định, một vài vụ bắt giữ thành viên Anonymous không làm cho tổ chức này yếu đi, trái lại họ đủ mạnh để truy cập vào mọi cơ sở dữ liệu của nước Mỹ, nếu muốn.
Christopher Doyon, hacker khét tiếng mang biệt danh Commander X, người đã liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công từ Tunisia sang Orlando (Florida, Mỹ) nhằm vào các hãng công nghệ lớn như Sony hay PayPal, trong một cuộc phỏng vấn “mật” với National Post khẳng định, nhóm hacker nổi danh với những chiếc mặt nạ Guy Fawkes đang là một tổ chức mạnh mẽ nhất thế giới, và không gì có thể ngăn cản họ.
Sau khi bị kết án 15 năm tù tại Mỹ vì những hành động phá hoại của mình, Doyon hiện đang trốn tại một địa điểm bí mật ở Canada, và cái cách nhân vật 48 tuổi này trả lời phỏng vấn cũng rất đặc biệt: qua email đã được mã hóa. Phải mất đến vài tuần, National Post mới thực hiện xong cuộc phỏng vấn này bằng cách gửi, nhận và mã hóa các email của Commander X.
Hacker từng là người đứng đầu của nhóm Peoples Liberation Front (PLF), một nhóm liên minh với Anonymous, chia sẻ hiện ông không còn liên lạc với các thành viên của Anonymous theo đúng quy định của nhóm, sau khi đã bị phát hiện.
Là những kẻ khủng bố trong con mắt của một số người, nhưng với một số khác, Anonymous lại được coi là những anh hùng, đó là bản chất của tổ chức ẩn danh khét tiếng thế giới này. Được biết đến với khẩu hiệu “bảo vệ quyền tự do Internet”, Anonymous đã về đích ở vị trí đầu tiên trong cuộc bình chọn, lấy ý kiến từ độc giả được thực hiện bởi tạp chí Times năm 2012.
Video đang HOT
Khi được hỏi về vai trò của một người lãnh đạo trong một tổ chức tự do như Anonymous, Doyon chia sẻ họ không ngồi một chỗ và bầu chọn một chủ tịch hay một chức danh nào đó tương tự như thế, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Anonymous không có lãnh đạo.
Nhân vật này cho biết, ông, Barett Brown, Peter Fein (hai hacker đã bị bắt khác) hoặc bất cứ một nhân vật ẩn danh nào đều có thể là nhà lãnh đạo của Anonymous. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mọi hành động mà tổ chức này thực hiện đều được sự đồng thuận của người lãnh đạo đó. Một điều đặc biệt nữa là tại Anonymous, bất cứ ai cũng có thể là một người phát ngôn.
Trong khi đó, khi nhắc đến việc có đến hơn 40 thành viên của Anonymous bị bắt giữ chỉ tính trong năm 2011, Doyon không cho rằng đây là một sự thất bại. Ông cho biết, Anonymous hiện sở hữu một số lượng thành viên khoảng 50.000 người, và bất cứ ai cũng sẵn sàng “bảo vệ quyền tự do Internet” như ông.
Bức ảnh đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Hy Lạp, sau khi website này bị tấn công vào tháng 2/2012.
Đối với những ý kiến cho rằng Anonymous được coi là một tổ chức “khủng bố thông tin”, thành viên của nhóm hacker này cho biết, ông không quan tâm tới điều đó, và khẳng định rằng những hành động của Anonymous mang đến quyền lợi cho 99% người dân trên toàn thế giới. Chỉ 1% bị xâm phạm quyền lợi, và đó đáng tiếc lại là những người có khá nhiều tiếng nói trên các phương tiện truyền thông.
Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo của Anonymous, hacker này đưa ra những cảnh báo hết sức đáng ngờ rằng, nhóm hoàn toàn có khả năng truy cập mọi cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ. Vấn đề chỉ là khi nào họ công bố những thông tin đó ra bên ngoài. “Bạn có biết chúng tôi có nó (dữ liệu) bằng cách nào không? Chúng tôi không đột nhập. Quyền truy cập đến tay chúng tôi từ chính những người tạo ra hệ thống đó, những nhân vật cỡ 5 sao”.
Thành Duy
Theo Infonet.vn
Mã nguồn VMware bị lộ do "fan" của Anonymous tấn công
Mã nguồn phần mềm ảo hóa máy chủ ESX của VMware bị đánh cắp từ môt công ty Trung Quốc và tung lên mạng. Kẻ tấn công được cho là có liên quan đến các nhóm tin tặc Anonymous và LulzSec.
Hacker có biệt danh Hardcore Charlie tự nhận đã thực hiện việc này và tuyên bố rằng vẫn còn mã nguồn từ EMC (công ty mẹ của VMware cùng hãng bảo mật RSA) có thể sẽ tiếp tục được tiết lộ.
Mã nguồn này bị đánh cắp từ Tổng Công ty xuất nhập khẩu điện tử Trung Quốc (CEIEC). Hardcore Charlie tuyên bố rằng mình là một người ủng hộ các nhóm hacker Anonymous và Lulzsec và lấy được mã nguồn của VMware một cách tình cờ.
Hacker lấy mã nguồn VMware từ một đối tác của hãng này ở Trung Quốc.
VMware đã xác nhận thông tin này. Trên blog của công ty, một đại diện của VMware nói rằng mã nguồn bị đánh cắp là một file duy nhất được tạo ra trong khoảng thời gian năm 2003 hoặc 2004. "Việc chia sẻ công khai mã nguồn này không có nghĩa là sẽ làm tăng rủi ro cho các khách hàng của VMware", Ian Mulholland, Giám đốc Trung tâm phản ứng an ninh của VMware viết như vậy trên lbog.
Ian Mulholland cũng viết: "VMware đã chủ động chia sẻ mã nguồn và giao diện cho các đối tác khác để có thể mở rộng hệ sinh thái ảo hóa. Chúng tôi quan tâm đến vấn đề an ninh của khách hàng một cách nghiêm túc và đã thu xếp nguồn lực cả bên trong và bên ngoài để tiến hành điều tra".
Tuy nhiên, VMware không trả lời ngay yêu cầu cung cấp thêm thông tin về tác động của vụ hack đối với khách hàng.
Theo Eric Chiu, người sáng lập của công ty bảo mật điện toán đám mây HyTrust, rất khó để nói rằng khách hàng nên làm gì do vì không có đủ thông tin chi tiết về mã nguồn bị đánh cắp đã được sử dụng như thế nào trong sản phẩm hiện tại. Tuy nhiên, ông nói các hãng bảo mật thường được yêu cầu bảo vệ mã nguồn của đối tác theo cách như của chính mình.
"Chia sẻ mã nguồn làm tăng nguy cơ bị trộm cắp vì mã nguồn đó có thể bị đánh cắp trực tiếp cũng như từ một đối tác", ông Chiu nhận định và nói thêm rằng: "Các tổ chức nên xem xét bảo mật cho cơ sở hạ tầng ảo một cách toàn diện (cả cơ sở hạ tầng ảo lẫn các máy ảo), cũng như thực hiện phương pháp phòng thủ theo chiều sâu".
Theo ICTnew
Anonymous sẽ dùng AnonPaste thay thế PasteBin PasteBin được biết đến là dịch vụ cho phép người dùng lưu trữ những mẫu văn bản và chia sẻ với mọi người một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thời gian qua PasteBin được các nhóm hacker lợi dụng để phát tán những tài liệu và thông tin có được thông qua các hoạt động hack. Và đầu tháng 4 vừa rồi...